Sét đánh chết 2 người, lốc xoáy tàn phá 7 ngôi nhà
Nằm trong vùng ảnh hưởng của cơn bão số 2, áp thấp nhiệt đới tại tỉnh Nam Định đã gây ra hiện tượng mưa lớn kèm sấm sét, làm chết 2 người. Cơn lốc xoáy bất ngờ cũng tàn phá 7 ngôi nhà cùng rất nhiều diện tích lúa vụ mùa.
Trao đổi nhanh với PV Dân trí qua điện thoại, Bí thư Huyện ủy huyện Nam Trực, ông Vũ Đức Hạnh, cho biết: trong chiều qua (23/6), vào khoảng 19 giờ, tại xã Nam Tiến, hai nông dân đi làm đồng đã bị sét đánh chết. Tại xóm Hồng Nam, xã Nam Hồng, có gần 10 căn nhà bị tốc mái.
Theo bà Vũ Thị Bích Hải, một người dân trong xã Nam Hồng: mọi người đang ở nhà thì thấy gió nổi, chỉ phút chốc, cơn gió quét này đã làm nhiều căn nhà của cả xóm bị tốc mái.
Ngay sau khi nghe tin nhân dân gặp nạn, Huyện ủy, UBND huyện Nam Trực đã chỉ đạo ngay các phòng ban vào cuộc, hai nạn nhân bị sét đánh ở xã Nam Tiến được hỗ trợ ngay 3 triệu đồng từ UBND huyện, 1 triệu từ UBND xã. Lãnh đạo Huyện cũng đã yêu cầu UBND xã Nam Hồng thống kê đầy đủ mức thiệt hại của các gia đình bị “cơn gió quét” để xem xét hỗ trợ cho nhân dân.
Cũng theo thông tin từ Ban phòng chống lụt bão tỉnh Nam Định, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã được thông báo kịp thời về cơn bão số 2 để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào vùng nguy hiểm quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền huy động mọi lực lượng khẩn trương thu hoạch lúa và hoa màu tranh bị mất trắng khi bão đổ bộ.
Vấn đề phòng chống úng cho lúa và hoa màu, chống úng ngập trong khu vực nội thành thành phố Nam Định kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các tuyến đê biển chỉ đạo các ban quản lý dự án và nhà thầu đang thi công có phương án đảm bảo an toàn về người, vật tư, phương tiện và công trình, hệ thống lưới điện được kiểm tra và túc trực để đảm bảo cấp đủ điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Video đang HOT
Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 2, từ chiều ngày 23/6 đến 24/6, trên địa bàn Thanh Hóa xảy ra mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa trung bình từ 80mm – 200mm, cá biệt có nơi lên đến 300mm. Trong cơn mưa bão, một người đã tử vong do bị sét đánh. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Vân (45 tuổi), trú tại thôn Niên Ổn, xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, bị sét đánh trong lúc tránh mưa giông trên đồng.
Tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa tránh trú bão (Ảnh: Duy Tuyên)
Mưa giông lớn kèm gió giật mạnh cũng đã làm đổ nhiều cây cối và hư hỏng nhiều dây điện trên địa bàn một số huyện và thành phố Thanh Hóa, nhất là dọc tuyến quốc lộ 47, khiến giao thông ùn tắc kéo dài.
Theo báo cáo nhanh từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa, vào khoảng 4h sáng ngày 24/6, trong lúc đang trên đường đi tránh bão, do gió lớn, tàu cá mang số hiệu TH – 90712 của ông Hoàng Văn Hưởng làm chủ tàu cùng 7 ngư dân thôn Chiến Thắng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đi trên tàu đã bị sóng đánh chìm, vị trí tàu chìm cách bờ khoảng 11 hải lý.
Rất may toàn bộ thuyền viên trên tàu đều được ứng cứu kịp thời nên không có thiệt hại về người. Tuy nhiên thiệt hại về vật chất ước tính lên tới trên 600 triệu đồng.
Cũng theo thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đến trưa ngày 24/6, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 500 tàu thuyền cùng gần 3.400 lao động vẫn chưa kịp về bờ. Số tàu thuyền này đã liên lạc được với gia đình và hiện đang trú, tránh bão tại các đảo Cô Tô, Cát Bà, Bạch Long Vĩ…
Nhân dân đang tích cực gặt lúa chạy bão (Ảnh: Duy Tuyên).
Theo Dân Trí
Còn hơn 700 thuyền còn đang hoạt động trên biển
Theo báo cáo từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, đến 16h ngày 23/6, Thanh Hóa có 737 tàu thuyền vẫn đang hoạt động trên biển với 5.619 lao động đi trên tàu.
Theo thống kê, đã có 8.568 phương tiện khai thác trên biển (100% tàu thuyền) đã nhận được thông tin có bão số 2.
Đến thời điểm 16h ngày 23/6, đã có 7.731 phương tiện với 23.381 lao động đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Số tàu thuyền còn hoạt động trên biển là 737 phương tiện với 5.619 lao động. Số phương tiện trên đều đã có thông tin liên lạc với gia đình và địa phương. Một số khác đã vào trú ẩn tại các đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), Cô Tô (Quảng Ninh). Số tàu thuyền còn lại vẫn đang trên đường vào nơi trú ẩn.
Nhiều tàu thuyền của ngư dân Thanh Hóa đã vào nơi trú ẩn an toàn
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại từ cơn bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa đã có Công điện khẩn số 7 và 8, yêu cầu các ngành, các địa phương triển khai phương án đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nghề cá hoạt động trên biển. Thông báo, kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú ẩn an toàn. Đối với các huyện miền núi, cần đề phòng lũ ống, lũ qoét khi mưa lớn xảy ra
Về việc thu hoạch lúa Chiêm xuân, đến hết ngày 22/6, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hoạch được 91.671,54 ha lúa chiêm xuân (đạt 75,05%) tổng diện tích. Hiện các ngành, các cấp đang tích cực đốc thúc nhân dân thu hoạch những diện tích lúa còn lại.
Hiện Ban chỉ huy phòng chống lụt bão đang tích cực chỉ đạo và có công điện khẩn đến các địa phương triển khai tổ chức phòng chống cơn bão số 2.