Serena Williams từ khu ổ chuột Mỹ đến ‘nữ hoàng Grand Slam’
Học chơi quần vợt từ một khu phố xã hội đen khét tiếng của Mỹ, Serena Williams vụt sáng thành siêu sao và trở thành tay vợt nữ vĩ đại nhất trong lịch sử quần vợt đương đại.
Huyền thoại Serena Williams đang trải qua những ngày cuối cùng của sự nghiệp quần vợt. Ảnh: GETTY
Hiện tại, huyền thoại 40 tuổi, Serena đang bước những bước đi cuối, có thể là giải đấu cuối cùng của cô tại Mỹ mở rộng (khởi tranh vào hôm nay 29-8).
Serena Williams – biểu tượng tự hào của người Mỹ gốc Phi
Serena đã trở thành biểu tượng của người Mỹ gốc Phi ở môn thể thao do người da trắng thống trị. Cô giành 23 danh hiệu Grand Slam và chinh phục rất nhiều cột mốc quan trọng bằng một quyết tâm mạnh mẽ, hệt như nguồn năng lượng cô tỏa ra trong các cú đánh đầy ma thuật.
Serena và chị gái Venus (7 lần vô địch Grand Slam) là nhà đồng sản xuất và điều hành bộ phim “ King Richard”. Bộ phim như một câu chuyện cổ tích, kể về việc họ được cha, ông Richard Williams dạy chơi quần vợt trên những con phố khắc nghiệt nhất Compton, bang California (Mỹ).
Serena và chị gái Venus trong ngày ra mắt bộ phim King Richard. Ảnh: GETTY
“Tôi vẫn chỉ là cô gái đó, với cây vợt và một giấc mơ. Và tôi chỉ thi đấu vì điều đó”, chính là lời chia sẻ sau khi Serena giành danh hiệu Mỹ mở rộng 2013.
Serena – tay vợt nữ được mệnh danh “huyền thoại” đã giành được 7 danh hiệu Úc mở rộng, 3 giải mở rộng Pháp, 7 danh hiệu Wimbledon và 6 chức vô địch Mỹ mở rộng, kém kỷ lục mọi thời đại của tiền bối Margaret Court đúng một danh hiệu.
Tại Mỹ mở rộng 1999, Serena lần đầu tiên giành Grand Slam ở tuổi 17. Đến năm 2017, cô đã giành được danh hiệu lớn thứ 23 tại Úc mở rộng, khi đang mang thai con gái Alexis Olympia Ohanian.
Thời điểm sau khi sinh Olympia tháng 9-2017, Serena nằm liệt giường sáu tuần do bị tắc phổi. Nhưng chỉ 5 tháng sau, cô đã chiến đấu trở lại thi đấu nội dung đôi, đứng cặp cùng chị gái Venus tại Fed Cup (giải đồng đội nữ thế giới).
Từng giành 6 chức vô địch Wimbledon nhưng tay vợt 40 tuổi trở lại chật vật tại mùa giải 2022. Ảnh: GETTY
Trong số 23 danh hiệu Grand Slam, Serena Williams từng hai lần hoàn thành “Serena Slam” – hai lần đoạt cả bốn danh hiệu lớn liên tiếp. Lần đầu tiên ở mùa giải 2002-2003, bắt đầu tại Pháp mở rộng 2002 và một lần nữa vào năm 2014-2015, khởi tranh ở Mỹ mở rộng 2014.
Tuy cực kỳ thành công nhưng Serena lại tỏ ra rất khiêm tốn: “Tôi không bao giờ tập trung vào những con số. Khi bắt đầu chơi quần vợt, tôi không nghĩ phải trở thành người vĩ đại nhất vì tôi chỉ có cây vợt và ước mơ. Hiện giờ mọi người nói tôi có thể trở thành (người vĩ đại nhất) nhưng đối với tôi, tôi vẫn chưa đạt được điều đó.
Video đang HOT
Những VĐV tài năng như Chris Evert, Martina Navratilova và Steffi Graf, đối với tôi, họ mới là những biểu tượng tuyệt đỉnh trong lịch sử quần vợt nữ thế giới”.
Những thăng – trầm của một huyền thoại
Serena có phong cách thi đấu đầy sức mạnh trên sân nhưng đôi khi, cách thiết kế trang phục thi đấu làm lu mờ những nội lực bên trong cô. Danh hiệu gần nhất trong số 73 danh hiệu WTA, được Serena giành được là vào tháng 1-2020 tại Auckland Open. Đây cũng là chức vô địch duy nhất Serena giành được trong tư thế của một bà mẹ.
Không phải Serena không có cơ hội san bằng kỷ lục mọi thời đại của Margaret Court nhưng ở cả bốn lần, cô đều để thua trong các trận chung kết Wimbledon 2018 và Mỹ mở rộng 2019 (gác vợt trước Naomi Osaka).
Thời điểm em gái cùng cha khác mẹ, đồng thời là trợ lý riêng, Yetunde Price bị xã hội đen bắn chết năm 2003 ở tuổi 31, Serena đã phải chiến đấu vất vả để vượt qua nỗi đau này.
Hai miếng dán trên mặt giúp Serena dễ thở hơn do chứng tắc nghẽn phổi. Ảnh: GETTY
Khi đang ở vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, Serena từng phải nghỉ thi đấu gần một năm (sau chiến thắng tại Wimbledon 2010). Sau một sự cố, cô trải qua hai cuộc phẫu thuật và 20 tuần bó bột. Sau đó, cô phát hiện thêm vụ máu đông gây tắc nghẽn phổi, đe dọa đến tính mạng năm 2011.
“Bác sĩ cho biết tôi có cục máu đông ở cả hai phổi. Rất nhiều người đã chết vì điều đó. Nó khiến tôi không thể thở được. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ mình mất phong độ. Nhưng bệnh càng lúc càng tệ. Đang ở đỉnh cao và phải nhận điều đó xảy ra, quả thực rất khó khăn. Nhưng nó đã khiến tôi nhận ra giá trị của mọi thứ”, Serena thổ lộ.
Serena khẳng định, thành công của mình được góp nhặt từ người cha Richard Williams: “Tôi sẽ không giành được một danh hiệu nào nếu không có cha cũng như sự hỗ trợ của ông. Ông ấy là một HLV tuyệt vời, đầy sáng tạo. Cha đã vun đắp, xây dựng cho tôi và chị gái. Cha đã cho chúng tôi một nền tảng tốt, rất vững chắc. Vì vậy chúng tôi mới có thể phát triển được sự nghiệp của mình”.
Serena cùng cha và chị gái thuở thiếu thời. Ảnh: GETTY
Mặc cho những đứa trẻ khác chế nhạo con gái khi luyện tập, cha của Serena – Richard Williams vẫn kiên định: “Để thành công, bạn phải chuẩn bị cho những điều bất ngờ – và tôi đã chuẩn bị cho điều đó. Những chỉ trích có thể sẽ mang lại điều tốt nhất cho bạn”.
"Chúng ta sẽ trở thành số 1": Câu chuyện thực sự về người cha của 2 cô con gái thành công nhất lịch sử quần vợt
Được khắc họa khá rõ nét trong bộ phim thành công King Richard của Will Smith, nhưng hình tượng người cha thực sự của chị em Venus và Serena Williams không hoàn toàn giống những gì phim miêu tả.
Ra mắt vào cuối năm ngoái, bộ phim King Richard đã mang về cho Will Smith giải thưởng Quả Cầu Vàng và một tượng vàng Oscar cho một trong những vai diễn xuất sắc nhất của anh. Tuy nhiên, hình tượng người cha trên thực tế - Richard Williams - lại có phần khác với những gì King Richard tô điểm.
Một khác biệt rõ rệt chính là Richard ngoài đời thật thậm chí đã đi xa hơn nhiều hình tượng trong phim để đưa các con mình đến vinh quang.
Sự ra đời của 2 huyền thoại
Vào năm 1978, khi xem TV và thấy Virginia Ruzici vô địch Pháp mở rộng rồi kiếm được hơn 20.000 USD tiền thưởng, Richard đã quay sang vợ mình - Oracene, đề nghị rằng cả 2 có thêm con và biến những đứa trẻ thành vận động viên quần vợt.
Đó có thể là câu chuyện nổi tiếng đã góp phần vào sự ra đời của 2 chị em Williams sau này. Sự thật là, vào thời điểm đó, Oracene đã có 3 đứa con từ cuộc hôn nhân trước và không muốn có thêm đứa trẻ nào nữa.
Nhưng Richard rất quyết tâm, tới mức gây tranh cãi. "Tôi đưa vợ mình đi hẹn hò, và sẽ giấu thuốc tránh thai của cô ấy" - Richard nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Today. Và đó là cách mà người chị Venus ra đời. Vào lần thứ hai, Richard thuyết phục được một người bạn của Oracene "lấy cắp" chiếc ví chứa thuốc của bà, rồi chúng ta có được tay vợt nữ huyền thoại Serena, ra đời chỉ hơn 1 năm sau chị mình.
Năm 1980, khi Venus sinh ra, Richard và Oracene đang sống trong một ngôi nhà khang trang chỉ cách đại dương một dãy nhà ở Long Beach, California xinh đẹp.
Richard, người sở hữu một công ty bảo vệ tư nhân, đã quyết định chuyển cả gia đình đến Compton, một khu vực của Los Angeles nổi tiếng về tội phạm và băng đảng, vì ông cảm thấy nó sẽ mang lại cho các con gái của mình "tâm lý của một chiến binh".
Chị em Venus và Serena Williams.
"Chơi trước hàng nghìn người da trắng sẽ dễ dàng hơn thật nhiều nếu 2 đứa đã học chơi trước hàng đống thành viên băng đảng" ông chỉ ra trong cuốn sách năm 2014 Black And White: The Way I See It của mình.
Oracene phản đối việc chuyển nhà, lo lắng cho sự an toàn của các con , nhưng Richard nói rằng ông sẽ đi mà không có vợ mình. Cuối cùng, Oracene thuận theo. Lúc đó, Venus chưa được 3 tuổi còn Serena chưa được 2.
Cách nuôi dạy hà khắc
Richard muốn 2 cô gái trở nên "thô ráp, cứng rắn và mạnh mẽ", nhưng ngay cả ông cũng bắt đầu tự hỏi liệu mình có mắc sai lầm khi chuyển đến Compton, nơi cả gia đình bị "mắc kẹt giữa những trận đấu súng hàng ngày".
Dù sớm nhận ra mình đang sống giữa "địa ngục", Richard vẫn quyết định trụ lại và nuôi 2 con gái thành danh. Khi Venus 3 tuổi và Serena 2 tuổi, ông đã cho 2 người đi giao danh bạ điện thoại để kiếm tiền. Việc này khiến nhiều hàng xóm chỉ trích cách nuôi dạy hà khắc của ông.
Khi Venus lên 5, Richard - người học cách chơi tennis chỉ để có thể dạy các con - đã bắt đầu cho cô cầm vợt. Sân tập của họ là những khu bị bỏ hoang, ngập tràn dấu vết của tệ nạn và các mảnh kính vỡ.
Nhưng việc đó khiến các băng đảng địa phương "ngứa mắt" và hậu quả là ông bố mất tới 10 cái răng vì ẩu đả. Dù vậy, sau này ông nói mình vẫn đeo bộ răng giả như một biểu tượng của lòng dũng cảm.
Cuối cùng sự việc lại thay đổi 180 độ. Cựu thành viên hội đồng Compton, Patricia Moore nói với CNN rằng các thành viên băng đảng rất "tuyệt vời" trong cách họ trông coi 2 chị em, đảm bảo không ai có thể gây phiền nhiễu cho việc tập luyện.
Richard còn có một cách đào tạo khá cực đoan đến mức khiến các thành viên băng đảng trên phản đối, là thuê các học sinh trong vùng đến mắng nhiếc 2 chị em với những từ ngữ khủng khiếp khi họ đang tập luyện.
Ông cảm thấy việc đào tạo sau đó có ích cho các con gái của mình, khi Serena giành chiến thắng trong trận chung kết của sự kiện Indian Wells năm 2001, mặc dù bị đám đông la ó.
Richard còn có một số "chiêu trò" khác. Rick Macci, người đã huấn luyện Venus và Serena khi họ còn nhỏ, nhớ lại cách Richard đã sử dụng để ngăn các con gái của mình lùi về sau quá xa khi họ đang tập.
"Có một vài lần Richard đã đặt những mảnh kính vỡ trên sân", ông nói với The Sun. Để không giẫm phải kính, 2 chị em phải tránh lùi về sau quá xa và có thể lấy bóng sớm.
Theo thông tin trên tờ The New Yorker, Richard còn không cho phép con gái có bạn trai, "và để ngăn cản bất kỳ sự thôi thúc nào đối với việc làm mẹ sớm, Richard sẽ xé nát đầu của bất kỳ con búp bê nào mà Venus mang về nhà".
Kế hoạch để đưa Venus và Serena trở thành nhà vô địch quần vợt đã thành công ngoạn mục, với việc 2 chị em giành được tổng 30 danh hiệu Grand Slam đơn. Nhưng quyết định chuyển cả gia đình đến Compton vào đầu những năm 1980 đã dẫn đến một hậu quả bi thảm.
Con gái lớn của Oracene, Yetunde, cũng ở lại Compton, làm y tá và chăm sóc 3 đứa con của mình. Khi đang trò chuyện với bạn trai trong ô tô vào một đêm năm 2003, cô đã bị một thành viên băng đảng sát hại. Sự việc diễn ra ngay phía đối diện sân đấu, nơi các chị em cùng cha khác mẹ của cô đang học chơi quần vợt.
Serena cho biết cô đã khóc khi nhìn thấy nhân vật Yetunde trên màn ảnh trong King Richard.
Tuy nhiên, với nhiều người, Richard vẫn là một người cha vô cùng cứng rắn trong việc bảo vệ các con mình. Will Smith nhớ lại một buổi phỏng vấn trực tiếp của Venus vào năm 13-14 tuổi mà Richard đã quát vào mặt một phóng viên. Biểu cảm trên khuôn mặt cô bé lúc đó khiến Will xúc động và nói rằng đó chính xác là cách anh muốn con gái nhìn mình khi anh xuất hiện.
"Sẽ không có Venus và Serena nếu không có Richard"
Không ai thực sự biết Richard nghĩ gì về bộ phim hoặc khắc họa của Will Smith về ông. Sau cuộc chia tay lùm xùm với người vợ thứ 3 - Lakeisha Graham, ông gánh chịu một loạt các cơn đột quỵ, bị mất trí nhớ và khả năng nói.
Serena khi nhận danh hiệu Grand Slam đầu tiên năm 1999.
Nhưng đối với Serena, cô vẫn luôn biết ơn người cha đã có cách nuôi dạy không giống ai với cả 2 chị em, và hiểu rõ tại sao Will Smith lại chọn cha mình làm trung tâm của bộ phim.
"Bố tôi là một người đàn ông tuyệt vời - tôi nên nói là một người đàn ông tuyệt vời - và tôi nghĩ ông ấy đã đi trước thời đại", cô nói với tờ Refinery29.
"Sẽ không có Venus và Serena nếu không có Richard" - huyền thoại quần vợt kết luận.
Naomi Osaka sụp đổ vì bị xúc phạm ở Indian Wells Tay vợt trẻ người Nhật Bản, Naomi Osaka, suy sụp sau khi bị xúc phạm tại Indian Wells, nơi từng xảy ra vấn đề phân biệt chủng tộc với chị em nhà William. Giải Indian Wells, thuộc hệ thống Masters 1000, vừa trải qua một sự cố mới khi một khán giả xúc phạm Naomi Osaka, trong trận đấu với Veronika Kudermetova. Trong...