Serena Williams – Maria Sharapova, dù song song nhưng không hề ngược chiều
Thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 từng chứng kiến cuộc so tài đỉnh cao giữa Serena Williams và Maria Sharapova, cuộc chiến mang tính biểu tượng, thay đổi quan niệm đám đông về sự bất ổn và lý tính thường thấy ở quần vợt nữ. Kể từ đó tới nay, tennis nữ chưa bao giờ chứng kiến cặp kỳ phùng địch thủ nào như thế.
Trong gần hai thập kỷ cùng thi đấu đỉnh cao, Serena và Sharapova đã gặp nhau tổng cộng 22 lần. Nhưng suốt 22 lần đối đầu ấy, Sharapova chỉ thắng đúng 2 trận. Xét số danh hiệu Grand Slam, sự chênh lệch về “đẳng cấp chuyên môn” càng được thể hiện rõ: Serena có 23 danh hiệu và là nữ tay vợt xuất sắc nhất lịch sử trò chơi, trong khi thống kê của Sharapova chỉ dừng lại ở con số 5 khiêm tốn.
Nếu đơn thuần nói về thể thao và những vấn đề nhà nghề, Serena và Sharapova không ở “cùng mâm”. Càng không thể so sánh tầm vóc của cặp đấu này với những gì Chris Evert và Martina Navratilova tạo ra trong thập niên 70, 80 hay Steffi Graf và Monica Seles ở thập niên 90 thế kỷ trước.
Nhưng tại sao Serena và Sharapova lại khiến người ta sục sôi tới vậy? Ít nhất, so sánh giữa hai người họ những năm đầu thế kỷ từng trở thành đặc trưng, là nét nhận ra cơ bản của quần vợt nữ, vốn là nội dung nhàm chán, thiếu điểm nhấn khi có quá ít tay vợt đủ trình độ duy trì sự nghiệp lâu dài.
Nói tới Serena hay Sharapova cũng giống như nhắc về Federer, về Nadal và về Djokovic. Cặp đấu này đáng chờ đợi, mang trong nó bầu không khí của một trận El Clascio trong quần vợt là vì tính cách lôi cuốn của họ, vóc dáng đặc biệt của họ và những giá trị ngụ ngôn hai diva của làng banh nỉ mang tới. Vẻ đẹp tăm tối của Serena chống lại sự thuần khiết tinh khôi của Sharapova. Nếu tuổi trẻ của Serena là những buổi chiều chạy dọc khu biệt thự Los Angeles, thì thời thơ ấu của Masha gắn chặt với những chiều đông băng giá ở Siberia.
Serena Williams từng thừa nhận Sharapova là đối thủ cô muốn gặp nhất trong sự nghiệp
Chỉ là, dù đi theo con đường nào chăng nữa, Serena và Sharapova vẫn có chung đích đến. Họ vẫn là phụ nữ, những người cần được yêu thương và bao bọc. Để rồi, cả hai đều rơi vào lưới tình của Dimitrov, tay vợt nổi tiếng là sát gái. Là phụ nữ, họ cũng muốn được làm đẹp, được nhìn nhận như những cô nàng yểu điểu thục nữ thay vì chạy hùng hục và băm bổ quăng vợt như những gì khán giả truyền hình nhìn thấy. Serena và Sharapova đều có thương hiệu thời trang riêng, là hai nữ tay vợt sở hữu số lượng nhãn hàng tài trợ nhiều nhất trong 15 năm qua và bây giờ, họ đều đã yên bề gia thất. Sharapova mới đính hôn, trong khi Serena đã quen với cảnh “mẹ bỉm sữa”.
Và đã là phụ nữ, ai cũng có bi kịch, nỗi khổ tâm của riêng mình. Kỳ lạ thay, sự ám ảnh đó của hai người phụ nữ quyền lực này đều là… cha đẻ, là người thầy đưa họ tới tennis. Sharapova từ lâu đã gạch tên bố khỏi danh sách huấn luyện, thậm chí còn xin lệnh cấm ông tới sân vì sợ bị ảnh hưởng tiêu cực từ tính cách nóng nảy mất kiểm soát. Còn Serena từ lâu đã giữ khoảng cách với bố. Gia đình nhà Williams nhiều năm nay đã “phân định” rõ ràng: Bố theo chị Venus, mẹ theo em Serena. Chỉ đơn giản là Serena muốn tận hưởng tennis theo cách cô mong muốn, chứ không thể trở thành cái máy bắn bóng như bố kỳ vọng.
Lần đầu tiên hai tay vợt gặp nhau cũng là lần đầu tiên, Sharapova đánh bại Serena trong trận chung kết Wimbledon 2004. Hôm đó, Sharapova đã nghe thấy tiếng khóc nức nở của Serena trong phòng thay đồ. Tay vợt người Mỹ tự hứa sẽ không để chuyện này lặp lại và thực tế, cô cũng chỉ thua thêm Sharapova 1 lần khác, vào tháng 11 cùng năm tại Los Angeles Masters. Sau đó, Serena thắng Sharapova một mạch 20 trận liền.
Video đang HOT
Lần cuối cùng họ gặp nhau tại US Open 2019, Serena thậm chí còn thắng hủy diệt Sharapova (6-1, 6-1), chính thức đặt dấu chấm hết cho mối lương duyên này. Nhưng hôm đó, trong phần trả lời họp báo sau trận, Serena thừa nhận trong sự nghiệp của mình, Sharapova là người cô muốn gặp. “Không một ai giống cô ấy”, Serena trả lời NY Times.
Với những khán giả quần vợt lâu năm, Sharapova và Serena là đại diện cho thời kỳ hoàng kim của tennis.
Venus được đặc cách ở cùng Serena
Theo quy định của BTC Australian Open 2021, các tay vợt tới dự giải chia làm hai. Nhóm những tay vợt hàng đầu thế giới có thư mời riêng được cách ly riêng tại Adelaide, trong khi phần còn phải cách ly tập trung tại Melbourne. Tuy nhiên, quy định cũng cho phép những tay vợt tham gia nội dung đánh đôi được ở cùng đối tác trong thời gian cách ly. Do đó, thay vì tới Melbourne, Venus sẽ ở cùng em gái Serena. Giải năm nay, chị em nhà Williams có đăng ký nội dung đôi nữ.
Sharapova kiên quyết không lấy quốc tịch Mỹ
Trả lời tạp chí Tennis World, Sharapova tiết lộ nếu muốn, cô có thể lấy quốc tịch Mỹ bất kỳ lúc nào dù đã sống ở bang Florida hơn 10 năm qua. Giải thích cho quyết định này, Sharapova nói rằng tờ hộ chiếu phản ánh gốc gác, tính cách và bối cảnh một con người sinh ra. “Ý chí, nhâm phẩm, cốt cách tôi đều do văn hóa Nga tạo nên. Tôi học được nhiều thứ từ quê hương và chẳng có lý do gì để tôi nhập tịch Mỹ”, Sharapova giải thích.
Những ngày đen tối trong bê bối doping của Sharapova
Ở thời điểm cuối sự nghiệp, chấn thương không phải thứ duy nhất ngăn cản Maria Sharapova cố gắng duy trì tình yêu với quần vợt.
Cô từng phải nhận án cấm thi đấu 2 năm vì sử dụng chất cấm hồi năm 2016, một thông tin gây chấn động giới banh nỉ bấy giờ. Ai là người khiến Sharapova phải mang danh kẻ gian dối, và cô đã vượt qua quãng thời gian đó ra sao
Bê bối lớn nhất kỷ nguyên mở
Trong thời gian thi đấu đỉnh cao, cái tên Sharapova luôn gắn liền với những thương hiệu nổi tiếng nhất: xe hơi Porsche, đồng hồ Tag Heuer, đồ thể thao Nike. Cô cũng kiếm bộn tiền nhờ thương hiệu thời trang của riêng mình có tên Sugarpova. Tuy nhiên, viễn cảnh về một đế chế kinh doanh trong tương lai của Sharapova nhanh chóng bị phủ màu xám vào một ngày tháng 3 của 4 năm trước.
Cách công chúng biết đến thông tin Sharapova dương tính với doping cũng vô cùng đặc biệt. Thay vì che giấu cho đến khi bị cơ quan điều tra công bố, búp bê người Nga trực tiếp công khai chuyện đó đến cả thế giới. Theo như Sharapova chia sẻ, cô nhận kết quả dương tính với một chất có tên meldonium khi đang chơi ở Australian Open 2016. Đó là giải đấu Sharapova phải dừng chân trước kỳ phùng địch thủ Serena Williams ở tứ kết.
Sharapova từng dính án cấm thi đấu 2 năm vì doping
"Tôi đã sử dụng meldonium hơn 10 năm qua, nhưng chất đó mới bị cấm trong thời gian gần đây. Tôi chỉ uống thuốc theo đơn của bác sĩ chỉ định, và không hề biết loại thuốc này bị liệt vào danh sách doping", Sharapova lên tiếng. Dù vậy, những lời thanh minh đó không đủ để giúp cô thoát khỏi án phạt. Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA) cấm Sharapova thi đấu 2 năm, một án phạt có thể chấm dứt luôn sự nghiệp của tay vợt này.
Vậy meldonium là chất gì? Ngược dòng lịch sử, chúng ta biết meldonium, hay mildronate là một loại thuốc được phát triển vào năm 1970 bởi một nhà nghiên cứu người Latvia (khi đó thuộc Liên Xô cũ) có tên Ivars Kalvins. Với tác dụng ban đầu nhằm giúp chống đông máu cục bộ, qua đó có thể dẫn đến tiểu đường, meldonium được sử dụng rộng rãi ở các nước Đông Âu trong gần nửa thế kỷ qua.
Sa cơ mới biết bạn bè
Sharapova chỉ là một trong hàng triệu người được kê đơn uống meldonium cho đến ngày loại thuốc này bị liệt vào danh sách chất cấm. Từ ngày 1/1/2016, WADA chính thức coi meldonium là doping bởi nó có tác dụng làm tăng khả năng hưng phấn trong khi thi đấu. Ngay lập tức, một danh sách gần 40 vận động viên bị chẩn đoán dương tính với meldonium, nhưng chỉ có 4 người bị cấm thi đấu. Sharapova là một trong số đó.
Ngay sau khi biết tin Sharapova dương tính với doping, điều lạ lùng là những tay vợt hàng đầu lại công khai lên tiếng ủng hộ cô. Đồng ý với Sharapova, người đàn chị Serena khẳng định không hề có chuyện "búp bê người Nga" cố tình sử dụng doping, và việc cấm cô thi đấu 2 năm không công bằng chút nào. Có điều, WADA lại không có chung suy nghĩ như vậy. Họ cho rằng Sharapova cố tình gian dối khi nói không biết meldonium bị liệt vào danh sách chất cấm.
"Chúng tôi đã gửi thư thông báo đến Sharapova và các cộng sự nhiều lần trong nhiều tháng, ghi rõ danh sách cập nhật các chất mới bị coi là doping. Nếu Sharapova không biết meldonium là chất cấm, đó là lỗi của cô ấy vì không chịu cập nhật thông tin", WADA ra thông cáo báo chí. Tất nhiên sau cùng, họ cũng chấp nhận giảm án phạt cho Sharapova từ hai năm xuống còn 15 tháng vì nhận định cô không có chủ đích dùng doping.
Serena Williams từng ủng hộ Maria Sharapova hết mình trong những ngày tay vợt Nga gặp khó khăn
Tháng 4/2017, Sharapova chính thức trở lại thi đấu sau một thời gian dài phải đứng ngoài cuộc chơi. Cô giành được một số thành tích đáng khích lệ nhưng không thể trở lại đỉnh cao như trước. Một vài đồng nghiệp khẳng định Sharapova là người có ý chí mạnh mẽ nhất họ từng biết, bởi nếu ở trong hoàn cảnh giống như búp bê Nga, họ đã nản chí và giải nghệ luôn. Vậy tại sao những người như Serena lại cho rằng án phạt dành cho Sharapova là không công bằng?
Hai thập niên trước khi Sharapova bị cấm thi đấu, một tượng đài của giới quần vợt là Andre Agassi bị chẩn đoán dương tính với ma túy đá. Nhưng thay vì công khai vụ việc với truyền thông, ATP lại tiến hành thẩm vấn kín Agassi và nhanh chóng tin lời tay vợt này, nói anh chỉ vô tình sử dụng. Sau ngày giải nghệ, Agassi nói chính anh cũng không ngờ ATP lại dễ bị "lừa" như thế!
Thay tâm đổi tính
Án cấm thi đấu vì dùng doping đã khiến Sharapova thay đổi rất nhiều. Cô không cười nhiều như trước, và thường xuất hiện trước truyền thông với khuôn mặt đăm chiêu. Lý giải về chuyện này, Sharapova nói cô luôn có cảm giác bị mọi người săm soi, nghi ngờ dùng doping, thậm chí nói án phạt cho cô là quả báo vì gian lận trong thời gian dài. Có những lúc Sharapova muốn giải nghệ sớm, nhưng rồi lại quyết định tập luyện chờ ngày trở lại vì quá yêu quần vợt.
Những điểm chính trong án doping của Sharapova năm 2016
Ngày 26/1: Sharapova thua Serena Williams ở tứ kết Australian Open.
Ngày 7/3: Sharapova tổ chức họp báo nói cô bị chẩn đoán dương tính với doping.
Ngày 8/3: Các nhà tài trợ lớn như Nike, Tag Heuer và Porsche tuyên bố tạm ngưng mọi hoạt động liên quan đến Sharapova.
Ngày 9/3: Chủ tịch WADA nói Sharapova "coi thường và thách thức các quy định phòng chống doping".
Ngày 15/3: Liên Hợp Quốc cắt danh hiệu đại sứ thiện chí của Sharapova.
Ngày 7/6: Forbes thống kê số tiền Sharapova kiếm được giảm 8 triệu USD chỉ trong 6 tháng đầu năm.
Sharapova đệ nhị: Sao mai đến lúc tỏa sáng Đây chính là thời điểm vàng để Amanda Anisimova tiếp bước "Búp bê Nga" Maria Sharapova trở thành một tên tuổi lớn trong làng quần vợt nữ thế giới. "Không thể phủ nhận một thực tế rằng, giữa cô ấy [ Anisimova] và Maria Sharapova có những điểm tương đồng", Max Eisenbud - người đại diện của Amanda Anisimova nói với kênh CNN...