‘Sếp’ nhà băng sai phạm: Tước vĩnh viễn quyền quản trị
Cá nhân mua cổ phần ngân hàng phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ.
NHNN đang có nhiều động thái để ngăn chặn tình trạng thao túng ngân hàng. Trong ảnh: Bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng) được dẫn giải về trại giam sau khi bị xét xử tại TAND TP.HCM. Ảnh: HTD
Ngay trong những ngày đầu năm mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã hé lộ về động thái mạnh tay của NHNN trong hoạt động xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống. Lãnh đạo ngành NH cũng cho biết đang phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng luật tạm gọi là Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các NH và xử lý nợ xấu.
Quản chặt người đứng đầu
Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh luật trên sẽ có những quy định rất chặt chẽ để hạn chế các trường hợp liên quan tới sở hữu cổ phần, cổ phiếu để thao túng, dùng NH phục vụ lợi ích cho công ty sân sau.
“Ví dụ, các cá nhân mua cổ phần NH phải chứng minh được nguồn thu nhập hợp pháp, hợp lệ, không được sử dụng vốn vay dưới bất cứ hình thức nào. Cá nhân nào vi phạm các quy định thì vĩnh viễn không được tham gia quản trị điều hành NH” – ông Hưng dẫn chứng.
Bình luận về động thái trên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Câu lạc bộ Pháp chế NH, nhận xét: “Cần làm mạnh mẽ như vậy thì mới đủ sức răn đe. Hệ thống tín dụng là xương sống, là mạch máu chi phối toàn bộ nền kinh tế nên không thể dễ dãi được”.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, nói dù muộn song quyết định này của NHNN là rất phù hợp. Bởi những năm gần đây có nhiều hiện tượng tiêu cực xảy ra tại một số NH mà nguyên nhân một phần xuất phát từ việc cho phép các cổ đông vay tiền bên ngoài mua cổ phiếu nhưng thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng không phải cứ thấy lãnh đạo nào sai, bị “cấm cửa” khỏi ngành NH là hệ thống tổ chức tín dụng sạch sẽ ngay được. Cho nên vấn đề cốt lõi là phải làm sao để kiểm soát cả những cá nhân, đoàn thể, các tổ chức tín dụng dùng sở hữu của mình để lũng đoạn NH. Để làm được điều này hội đồng quản trị các NH cần phải tuyệt đối tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
Video đang HOT
Chẳng hạn cá nhân không sở hữu quá 5%, tổ chức không sở hữu quá 15%, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
“Thực tế cho đến bây giờ mức sở hữu trần này bị phá vỡ tại một số NH, tức có số lượng cổ phần cao hơn quy định. Chính vì thế cần phải thoái vốn những trường hợp vượt trần kể trên ngay trong năm nay” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Minh bạch vốn góp
Ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank, cho rằng dùng tiền đi vay để đầu tư cổ phiếu rất dễ dẫn đến tiêu cực và không đúng theo nguyên tắc đầu tư. Bởi vốn đi vay mang tính ngắn hạn sẽ sinh ra những áp lực về tài chính và gây ảnh hưởng đến NH.
Tuy vậy, tổng giám đốc Eximbank phân tích bản chất việc sở hữu chéo, đầu tư chéo không xấu. Chỉ có cá nhân lợi dụng việc đó mà làm sai, vun vén, dùng cho mục đích khác mới xấu. Còn nếu nhà đầu tư là người có tiềm lực, có tầm nhìn dài hạn thì sở hữu chéo không quá lo ngại.
“Hơn nữa, việc đầu tư chéo, sở hữu chéo chỉ là một tiền đề, là một điều kiện thôi chứ tự nó không thể làm ra sự nhũng nhiễu, lũng đoạn, thâu tóm cả NH được” – ông Quyết nói.
Ông Lê Văn Quyết cũng cho biết minh bạch thông tin là chủ trương mà NH này đã và đang theo đuổi. Vì muốn duy trì niềm tin của khách hàng thì NH buộc phải minh bạch mọi thông tin.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng để minh bạch hoạt động NH thì các cá nhân, nhóm, tổ chức khi mua cổ phiếu NH phải nộp cho NHNN bản báo cáo tài chính riêng. Trong đó phải chứng minh được số tiền mua cổ phiếu được dùng từ nguồn nào, phải dùng tiền tích lũy hoặc tiền bán tài sản riêng để đầu tư.
Chưa xử lý triệt để tình trạng thao túng ngân hàng
NHNN vừa đưa ra dự thảo lần 1 báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Bản dự thảo nhận định hiện nay tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động NH chưa được xử lý triệt để.
Cũng theo dự thảo, các vi phạm về giới hạn sở hữu cổ phần, sở hữu chéo mặc dù đã dần được xử lý nhưng một số tổ chức tín dụng vẫn đang có sở hữu cổ phần lẫn nhau hoặc sở hữu qua lại với doanh nghiệp…
Từ đó, NHNN đề nghị bổ sung vào trong luật các tổ chức tín dụng: Nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.
Ngoài ra, NHNN cũng nhận thấy một trong các nguyên nhân chính để xảy ra việc các tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng yếu kém trong thời gian qua là do năng lực của người quản trị, điều hành tại một số tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập hoặc do các hành vi sai phạm từ người quản lý, điều hành dẫn tới thất thoát tài sản của tổ chức tín dụng.
Do đó đặt ra yêu cầu cần phải có các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ hơn đối với người giữ chức danh quản lý, điều hành tại các tổ chức tín dụng. Ví dụ, các cá nhân vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về hoạt động NH bị cấm vĩnh viễn không được là người quản lý, điều hành tổ chức tín dụng…
Ở Việt Nam, cá nhân được sở hữu cổ phần ít hơn doanh nghiệp. Cụ thể, cá nhân chỉ được giới hạn tỉ lệ sở hữu cổ phần là không quá 5%, đối với tổ chức là không vượt quá 15% vốn điều lệ của một NH. Nhưng ở Mỹ thì ngược lại, cá nhân được sở hữu nhiều hơn doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được mua 5% vốn điều lệ, còn cá nhân là 10%.
Lý do là các chuyên gia kinh tế của Mỹ nhận thấy rằng khả năng tài chính của cá nhân thường sẽ giới hạn hơn so với một doanh nghiệp. Do đó, một cổ đông là tổ chức muốn thao túng, lũng đoạn NH dễ dàng hơn so với cổ đông là một cá nhân.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS NGUYỄN TRÍ HIẾU
(Theo Pháp Luật)
Đại án Huỳnh Thị Huyền Như: Đề nghị truy tố thêm 10 bị can liên quan
Ngày 19.8, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã có kết luận điều tra, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Ngân hàng Navibank liên quan đến vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng phạm.
Đó là: Lê Quang Trí, nguyên tổng giám đốc; Cao Kim Sơn Cương, Nguyễn Giang Nam, Nguyễn Hồng Sơn (cùng nguyên phó tổng giám đốc); Phạm Thị Thu Hiền, nguyên trưởng phòng pháp chế; Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng phòng quản lý rủi ro; Trần Thanh Bình, nguyên trưởng phòng quan hệ khách hàng; Đinh Thị Đoan Trang, nguyên trưởng phòng dịch vụ khách hàng; Đoàn Đăng Luật, nguyên trưởng phòng kinh doanh tiền tệ; Huỳnh Vĩnh Phát, nguyên trưởng phòng kế toán.
Huyền Như tại tòa phúc thẩm.
Theo kết luận điều tra, tháng 4.2011, Lê Quang Trí chủ trì cuộc họp thống nhất chủ trương thông qua các nhân viên Navibank (nay đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt) đứng tên gửi hơn 1.543 tỉ đồng vào Ngân hàng (NH) TMCP Công thương VN (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM, đã nhận gần 76 tỉ đồng tiền lãi (với lãi suất 14%/năm). Riêng số tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng, Navibank giao cho ông Huỳnh Vĩnh Phát mở tài khoản riêng chuyển khoản 15 tỉ đồng. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay tiền để tất toán lãi vay khi đến hạn. Hành vi của những bị can này phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, ngày 7.1.2015, TAND tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm, đã kiến nghị Viện KSND tối cao và Cơ quan CSĐT - Bộ Công an xác minh làm rõ một số đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi vượt quá 10 lần lãi suất do NH Nhà nước quy định nhưng chưa bị khởi tố và trách nhiệm của một số cán bộ NH có dấu hiệu cố ý làm trái.
Sau khi điều tra xác định, đối với kiến nghị "hủy một phần bản án hình sự sơ thẩm đã xử bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công ty CPTM và đầu tư Hưng Yên, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CPĐT An Lộc, Công ty bảo hiểm toàn cầu và Công ty CPCK Sài Gòn Bank Berjaya, để điều tra xét xử lại", cơ quan điều tra cho rằng bản chất hành vi phạm tội và quá trình phạm tội của Như đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo.
Cụ thể, do cần tiền trả nợ, khi biết các công ty nói trên có tiền muốn gửi NH, Như đã giả danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, tự thỏa thuận với các nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất và chi ngoài cao đến 36%/năm. Sau đó, Như làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Do các công ty trên cũng có chủ trương gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật ngay từ đầu nên đã buông lỏng quản lý tài khoản, tạo điều kiện để Như lợi dụng trích chuyển tiền và chiếm đoạt hàng ngàn tỉ của các công ty trên.
Đối với kiến nghị khởi tố 7 người cho vay nặng lãi, chỉ đủ căn cứ khởi tố hành vi của Nguyễn Thị Phương Hoàng Trung (kinh doanh bất động sản, ngụ TP.HCM). Trung đã cho Như vay với lãi suất 144%/năm, hưởng hơn 660 tỉ đồng tiền lãi suất. Trung đã bỏ trốn nên cơ quan điều tra đã tạm đình chỉ điều tra đối với Trung.
Ngoài ra, với đề nghị điều tra, xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo của Vietinbank chi nhánh TP.HCM là ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (đều là phó giám đốc) liên quan đến việc Như chiếm đoạt 1.419 tỉ đồng của 4 đơn vị là NH TMCP Á Châu, NH TMCP Nam Việt, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP ĐT và TM An Lộc, tài liệu điều tra xác định, theo quy định của NH Nhà nước và Vietinbank những người này không có trách nhiệm phải kiểm tra từng nghiệp vụ phát sinh tại phòng giao dịch.
Đến nay Vietinbank chưa thiệt hại về tài sản, nhưng liên quan đến hành vi chiếm đoạt tiền của Như trong vụ án này, có 10 cán bộ NH đã bị xử lý hình sự. Để xảy ra hậu quả này do thủ đoạn phạm tội của Như tinh vi, do sự buông lỏng quản lý của chủ tài khoản, sai phạm của một số cán bộ Vietinbank nêu trên không thực hiện đúng quy trình trong việc huy động tiền gửi, chuyển tiền và cho vay. Kết luận điều tra cho rằng các lãnh đạo nói trên đã làm đúng trách nhiệm, không đủ căn cứ để quy kết tội thiếu trách nhiệm.
Theo Thanh Niên
Phạm Công Danh "cố" nhận nợ hơn 5.000 tỷ về mình để "né" tội? Diễn biến tại phiên tòa xét xử đại án kinh tế tại VNCB đang "nóng" lên với phần tranh tụng của các luật sư bào chữa. Dù Phạm Công Danh từng khai không chỉ đạo cấp dưới "rút trộm" hơn 5.000 tỷ đồng của khách hàng nhưng bị cáo này lại đang "cố" nhận trả số tiền "khổng lồ" đó. "Dân sự hóa"...