Sếp lọc hóa dầu Bình Sơn chối việc được “chăm sóc” 19 tỷ từ Oceanbank
Sáng nay (11.9), bị cáo Minh Thu tiếp tục khẳng định chi 19 tỷ “chăm sóc” 4 sếp ở Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn. Một trong 4 người bị tố khẳng định hành vi trên có dấu hiệu tội vu khống.
Sáng nay, bước sang ngày thứ 11 xét xử Hà Văn Thắm và 50 bị cáo khác có liên quan.
Trước khi vào xét xử, chủ tọa Trần Nam Hà yêu cầu thư ký phiên tòa báo cáo thành phần tòa yêu cầu triệu tập bổ sung. Theo thư ký, 4 người bị triệu tập đến từ Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm: ông Nguyễn Hoài Giang (Chủ tịch HĐQT); Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc); Vũ Mạnh Tùng (Phó tổng giám đốc) và Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng) đã có mặt tại tòa. Họ có vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc.
‘Tôi khẳng định những lời chị Thu nói là bịa đặt, không chính xác’ Trước câu trả lời của bị cáo Minh Thu, ông Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn giai đoạn 2012-2015) nói hành vi trên của nữ bị cáo có dấu hiệu vu khống.
Ông Phạm Xuân Quang (Kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn) là người đầu tiên được HĐXX mời trả lời các câu hỏi liên quan đến việc tố nhận chi lãi ngoài của Oceanbank.
Theo ông Quang, từ 2008 đến nay, Lọc hóa dầu Bình Sơn có quan hệ tiền gửi, tiền vay và các giao dịch khác tại Oceanbank. “Số lượng thì không nhớ, gửi rất nhiều lần. Hợp đồng gửi cao nhất là 1.100 tỷ, ít nhất là 200 tỷ đồng”, ông Quang nói và giải thích mỗi lần gửi tiền tăng giảm khác nhau, cá nhân ông không nhớ rõ tổng số tiền đã gửi tại ngân hàng Đại Dương.
Trước câu hỏi của HĐXX: “Công ty hay cá nhân ông có nhận chi lãi ngoài không?”, ông Quang nói: “Ngoài lãi suất theo hợp đồng, công ty và cá nhân tôi không nhận lãi ngoài”.
“Ông chắc chắn không?”, chủ tọa hỏi. Ông Quang một lần nữa khẳng định ông cũng như Lọc hóa dầu Bình Sơn không nhận tiền chi lãi ngoài từ Oceanbank.
Khi HĐXX đề nghị lý giải việc bị cáo Nguyễn Minh Thu khai nhiều lần chi lãi ngoài cho ông Quang, mỗi lần từ 200 đến 300 triệu, Kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn nói: “Đó là lời khai một chiều của bị cáo, tôi không nhận tiền ngoài hợp đồng tiền gửi”. Ngay sau đó, thẩm phán đã yêu cầu bị cáo Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceabank) lên đối chất.
Bị cáo Thu khẳng định bản thân đã 7-8 lần đưa tiền cho ông Phạm Xuân Quang cũng như các lãnh đạo của doanh nghiệp này. “Mỗi lần đưa từ 200-300 triệu đồng, cao nhất là 500 triệu đồng lần”, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank nói.
Theo lời Thu, bị cáo 2 lần làm việc với Quang ở phòng làm việc tại trụ sở của Ban quản lý nhà máy lọc dầu Bình Sơn, một lần khác gặp kế toán trưởng ở một quán cà phê tại TP.HCM. Trừ lần gặp tại TP.HCM không có ai đi cùng, còn lại đều có lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Oceanbank ở Quảng Ngãi và các cán bộ của ban khách hàng lớn và đối tác chiến lược.
Video đang HOT
Ông Phạm Xuân Quang, Kế toán trưởng Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn có mặt tại tòa sáng 11.9. Ảnh: Việt Hùng
Người được Thu nhắc đến với vai trò là cầu nối của vụ việc là Phan Thị Tú Anh, nguyên Giám đốc Oceanbank chi nhánh Quảng Ngãi. Bị cáo Tú Anh khẳng định khi Thu vào Quảng Ngãi bản thân bà có tháp tùng vào lọc hóa dầu Bình Sơn để gặp 4 người bị triệu tập hôm nay.
Tú Anh khẳng định không có chuyện Thu nhờ chuyển tiền đưa cho lọc hóa dầu Bình Sơn nhưng thừa nhận từng chuyển một phong bì cho ông Quang. “Phong bì có to không”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Tú Anh nói bản thân không nhớ.
Tại phiên tòa hôm nay, cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Minh Thu cho biết theo yêu cầu của kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn, bà đã nhờ thư ký của mình chuyển tiền sang tài khoản của Nguyễn Trọng Hải.
Thu nói thời gian đó diễn ra khoảng năm 2013. Do đã lâu nên bị cáo chỉ nhớ khoảng vài trăm triệu.
Trước những lời khai của Thu và Tú Anh, Kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn Phạm Xuân Quang một lần nữa cho rằng đó chỉ là lời khai một phía. “Tôi không nhận khoản lãi ngoài, chăm sóc khách hàng nào từ cán bộ ngân hàng Đại Dương”, ông Quang khẳng định.
Giải thích về việc Nguyễn Minh Thu nhiều lần xuất hiện ở cơ quan, vị kế toán trưởng cho biết do đơn vị có tổ chức các sự kiện nên các đơn vị khách hàng có mặt. “Thế sự kiện có tổ chức ở quán cà phê ở TP.HCM không?”, thẩm phán đặt câu hỏi cho kế toán trưởng Lọc hóa dầu Bình Sơn. “Thưa không ạ. Sự kiện được tổ chức ở công ty hoặc các nơi tổ chức sự kiện. Chứ không có…”, ông Quang ngập ngừng.
Minh Thu khai Oceanbank chi 19 tỷ đồng “chăm sóc” cho lãnh đạo Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi). Đồ họa: Bá Chiêm
Người thứ 2 được HĐXX mời lên đối chất sáng nay là ông Nguyễn Hoài Giang.
“Giai đoạn 2011-2014, bị cáo Minh Thu khai nhiều lần đưa tiền cho ông. Ông thấy thế nào?”, trả lời câu hỏi đó, ông Giang cho rằng đó chỉ là lời khai một chiều. Theo ông Giang, do nhiều lần Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) có công văn chỉ đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn phải gửi tiền tại Oceanbank nên đơn vị đã thực hiện. “Như vậy, không có lý do gì Oceanbank phải chi lãi ngoài cho Bình Sơn cả”, ông Giang lý giải.
Người được xét hỏi sáng nay liên quan đến lời tố của bị cáo Thu là ông Vũ Mạnh Tùng (Phó tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn) – phụ trách mảng tài chính, kế hoạch. Trả lời HĐXX, ông Tùng nói áng chừng doanh nghiệp của mình gửi tiền vào Oceanbank ít nhất 2 tỷ đồng và nhiều là 1.000 tỷ đồng. “Liên quan đến việc chi lãi suất ngoài và huy động vốn của Oceanbank, bị cáo Minh Thu khai nhiều lần đưa tiền cho ông, số tiền 200-300 triệu đồng/lần. Ông lý giải thế nào?”, chủ tọa hỏi.
Cũng giống như kế toán trưởng, ông Tùng nói lời khai của Thu là một chiều. “Cá nhân tôi không nhận chi lãi ngoài từ bị cáo Thu và Oceanbank”, ông Tùng đáp.
HĐXX tiếp tục mời ông Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn giai đoạn 2012-2015). Ông Ngọc cũng giải trình, việc Thu khai nhiều lần đưa tiền cho ông, với mức 200-300 triệu/lần là không chính xác. “Tôi không nhận bất cứ khoản tiền nào của chị Thu, chị Tú Anh và Oceanbank”, ông Ngọc trả lời.
Trước phần trả lời của ông Ngọc, ông Tùng, bị cáo Thu được lên đối chất. “Bị cáo xác nhận đưa tiền cho lãnh đạo Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn và nói rõ đây là chi chăm sóc khách hàng. Bị cáo có đưa cho 4 lãnh đạo trên”, Thu đáp và cho hay riêng ông tổng giám đốc, bà gặp 7 lần và thường vào các tháng 1, 4, 8 và 10.
Được HĐXX cho xác nhận 4 người bị triệu tập có mặt tại tòa có phải là người Thu gặp không, nữ bị cáo quay xuống dưới và khẳng định: “Đúng ạ”.
Ông Đinh Văn Ngọc đến tòa Hà Nội sáng 11.9. Ảnh: Việt Hùng
Trước phần đáp của bà Minh Thu, ông Đinh Văn Ngọc (Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn giai đoạn 2012-2015) nói: “Tôi khẳng định những lời chị Thu nói là bịa đặt, không chính xác”. Ông Ngọc cho rằng hành vi này của bà Thu có dấu hiệu phạm vào tội Vu khống.
“HĐXX đang làm rõ số tiền Thu khai đưa cho ông. HĐXX chưa quy kết gì cho ông cả”, chủ tọa Trần Nam Hà nói, đồng thời tuyên bố tạm dừng phần xét hỏi bị cáo Minh Thu cũng như 4 lãnh đạo đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn.
Trước đó, sáng 9.9, HĐXX đã thẩm vấn Nguyễn Minh Thu (cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank) liên quan đến hành vi chuyển tiền chi lãi ngoài cho các đầu mối bà phụ trách khi còn công tác ở nhà băng.
Bị cáo Thu nói rằng Oceanbank chi 19 tỷ đồng “chăm sóc” cho lãnh đạo Công ty TNHH MTV lọc hóa dầu Bình Sơn (Quảng Ngãi). Những người bị tố nhận tiền gồm các ông: Nguyễn Hoài Giang (chủ tịch HĐQT); Đinh Văn Hậu (tổng giám đốc); Vũ Mạnh Tùng (phó tổng giám đốc) và người tên Quang (kế toán trưởng).
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Vụ OceanBank: Vì sao Phạm Công Danh liên tục đề nghị triệu tập Phan Thành Mai?
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng Phạm Công Danh đã yêu cầu HĐXX triệu tập Cựu TGĐ Ngân hàng Xây Dựng Phan Thành Mai. Ông Mai hiện đang thụ án trong một vụ án khác.
Liên quan đến việc Phạm Công Danh mua lại NH Đại Tín vào năm 2012, chiều 6.9, luật sư Phan Trung Hoài, luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh tại phiên tòa xét xử đại án OceanBank đã đặt câu hỏi đối với ông Danh.
Tại thời điểm này, NH Đại Tín có số dư nợ khoảng 46.000 tỷ đồng, trong đó nhóm khách hàng là Tập đoàn Phú Mỹ (công ty của bà Hứa Thị Phấn) và nhóm Công ty Phương Trang có dư nợ lớn nhất. Phạm Công Danh cho biết nhận chuyển giao NH Đại Tín từ Hà Văn Thắm với số cổ phần tại ngân hàng này là 84,92%. Hà Văn Thắm cũng thừa nhận là người bàn giao hồ sơ NH Đại Tín và Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần của bà Phấn tại NH này cho ông Danh sau khi có sự đồng ý của bà Phấn. Tuy nhiên, trong việc này cựu Chủ tịch OceanBank khẳng định thực chất Phạm Công Danh mua lại NH Đại Tín từ bà Phấn, vì giao dịch mua lại NH này giữa Hà Văn Thắm và Hứa Thị Phấn trước đó đã không được thực hiện.
Trả lời luật sư Phan Trung Hoài về thực trạng NH Đại Tín khi đó, Phạm Công Danh nói: "Tuy biết thực trạng NH Đại Tín xấu, xấu hơn mức độ đánh giá trước đó, 95% dư nợ là nợ xấu. Ông Hoàng Hữu Toàn (nguyên Chủ tịch NH Đại Tín) và ông Trần Sơn Nam (nguyên TGĐ NH Đại Tín) từng gặp tôi nói rất rõ nếu không có anh cứu NH này thì chúng tôi rất khổ".
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây Dựng Phạm Công Danh (áo sáng).
Và đến ngày 6.6.2012, Phạm Công Danh chính thức ký thỏa thuận nhận chuyển nhượng 84,92% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn chính thức không còn là cổ đông lớn của ngân hàng này. Với tư cách là chủ sở hữu Tập đoàn Phú Mỹ, con nợ lớn nhất của NH Đại Tín, bà Hứa Thị Phấn cam kết trả lại toàn bộ tài sản mà tập đoàn này còn nợ ngân hàng, trong đó có 2 lô đất tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Cựu Chủ tịch NH Xây Dựng cũng đề nghị HĐXX triệu tập Phan Thành Mai, cựu TGĐ Ngân hàng Xây Dựng sau khi được đổi tên từ NH Đại Tín. Đây là lần thứ hai ông Danh đề nghị HĐXX triệu tập Phan Thành Mai.
"Tôi nghĩ tôi đi mua tài sản đang sử dụng để đi vay tại ngân hàng chứ không phải mua lại ngân hàng đó. Tôi có trực tiếp xem hồ sơ pháp lý 2 lô đất ở Nhà Bè, anh Mai là người trực tiếp thỏa thuận tham gia và phụ trách việc này. Cho đến nay NH Xây Dựng chưa hề nhận được 2 lô đất này. Kính mong HĐXX có sự triệu tập anh Mai để làm rõ", bị cáo Danh nói.
HĐXX cho biết đã gửi giấy triệu tập Phan Thành Mai đến phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, do ông Mai đang phải thụ án tù trong vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây Dựng nên chưa thể triệu tập được ngay.
Phan Thành Mai và Phạm Công Danh là bộ đôi quyền lực nhất của NH Xây Dựng sau khi ngân hàng này được đổi tên từ NH Đại Tín. Tuy nhiên, điều hành ngân hàng chưa lâu, cả hai đã phải hầu tòa vào năm 2016 do những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại ngân hàng này. Trước đó, Phan Thanh Mai là Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam và cũng như Phạm Công Danh, hoàn toàn không có nghiệp vụ về ngân hàng.
Để chính thức sở hữu NH Đại Tín, Phạm Công Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đã chuyển vào tài khoản của bà Hứa Thị Phấn 3.688 tỷ đồng để thanh toán cho khoản tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Thỏa thuận này tuy có khác nhau về con số so với thỏa thuận giữa Hứa Thị Phấn và Hà Văn Thắm trước đó nhưng về bản chất là như nhau. Đó là Hứa Thị Phấn đồng ý về mặt nguyên tắc nhượng lại 84,92% cổ phần NH Đại Tín cho Thắm với mức giá 4,6 tỷ đồng kèm theo nghĩa vụ trả khoản nợ hơn 3.500 tỷ đồng của bà Phấn.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của luật sư Trương Thị Minh Thơ, luật sư bào chữa cho bị cáo Hứa Thị Phấn, ông Danh thừa nhận đã rất nhiều lần bà Phấn không đồng ý chuyển nhượng ngân hàng do lo sợ ông Danh không có kinh nghiệm làm ngân hàng.
Theo PV (Infonet)
Sếp dầu khí bị 'tố' nhận tiền của OceanBank đối chất với các bị cáo Đồng loạt các cựu lãnh đạo OceanBank khai liên tục chăm sóc "khách hàng khổng lồ" Vietsovpetro qua việc đưa tiền cho ba sếp ở đây. Hôm nay, phiên tòa xét xử đại án tiêu cực tại Oceanbank bước sang ngày thứ sáu với phần đối chất giữa những người được toà triệu tập bổ sung với các bị cáo. Ông Bùi Văn...