Sếp công ty ôtô quốc doanh của Trung Quốc bị điều tra
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã khiến hàng loạt sếp doanh nghiệp quốc doanh của nước này mất chức…
Ông Xu Jianyi, Chủ tịch công ty quốc doanh FAW Group Corp, người đang bị cơ quan chức năng Trung Quốc điều tra
Cơ quan chống tham nhũng của đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành điều tra chủ tịch của công ty ôtô có doanh số lớn thứ ba của nước này, tờ Wall Street Journal cho biết. Cuộc điều tra này được xem là nằm trong một làn sóng điều tra mới trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm qua (15/3), Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc nói rằng Xu Jianyi, Chủ tịch công ty quốc doanh FAW Group Corp. “bị tình nghi vi phạm nghiêm trọng kỷ luật và pháp luật”. Đây là cụm từ thường được dùng để chỉ tội danh tham nhũng ở Trung Quốc.
FAW là một đối tác lớn tại Trung Quốc của các hãng xe hàng đầu thế giới như Volkswagen và Toyota. Công ty này thành lập năm 1953 và có một lịch sử kéo dài từ thời Mao Trạch Đông.
Video đang HOT
Nhằm thúc đẩy chiến dịch chống tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng cách đây 2 năm, Bắc Kinh đã cử thanh tra tới các công ty quốc doanh, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương. Cũng trong ngày hôm qua, Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc tuyên bố điều tra Phó bí thư tỉnh Vân Nam Qiu He vì “vi phạm kỷ luật”.
Trước đây, FAW và liên doanh của công ty này với hãng Volkswagen đã từng bị cơ quan chức năng Trung Quốc “để mắt”. Tháng 6/2012, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia Trung Quốc tuyên bố phát hiện hành động sai trái của FAW và FAW-Volkswagen, bao gồm việc các công ty này không đưa vào sổ sách 170 xe hơi mới được bán ra. Sau đó, Phó tổng giám đốc phụ trách bán hàng của FAW-Volkswagen đã bị điều tra.
Tháng 8 năm ngoái, Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc điều tra một loạt sếp cũ và mới của FAW-Volkswagen. Tuy vậy, đến nay, Volkswagen chưa hề bị cáo buộc có bất kỳ hành vi sai trái nào.
Chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc đã khiến hàng loạt sếp doanh nghiệp quốc doanh của nước này mất chức, trong đó có lãnh đạo của tập đoàn dầu khí quốc gia CNPC hay tập đoàn China Resources. Tháng 7 năm ngoái, hãng thông tấn Tân Hoa Xã nói đã có hơn 50 quản lý cấp cao tại các công ty quốc doanh bị cách chức trong chiến dịch chống tham nhũng.
Ông Qiu, 58 tuổi, Phó bí thư Vân Nam, vốn được biết đến là một nhà lãnh đạo đưa ra những chính sách liên quan đến sự minh bạch của chính quyền. Truyền thông nhà nước Trung Quốc thường miêu tả ông như một “người tiên phong trong cải cách”, một “hiện tượng”… Một bài báo đăng trên trang nhất tờ Nhân dân Nhật báo vào năm 2012 so sánh ông Qiu như một con mèo và những quan chức lười biếng như con chuột dưới móng vuốt của con mèo.
Mới vào sáng Chủ nhật, trong ngày cuối cùng của kỳ họp Quốc hội Trung Quốc, báo chí nhà nước Trung Quốc còn nhấn mạnh những đóng góp của Qiu trong sự kiện này – một dấu hiệu cho thấy việc Qiu bị tình nghi tham nhũng là rất mới.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã không nhắc tới Qiu trong cuộc họp báo kết thúc kỳ họp Quốc hội. Nói về chống tham nhũng, ông Lý Khắc Cường nói Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục “nỗ lực mạnh mẽ để đảm bảo rằng tất cả mọi hành vi tham nhũng sẽ được đưa ra xét xử”.
Theo Diệp Vũ
VNEconomy
Bế mạc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 12 với nhiều quyết sách
Các đại biểu quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua hàng loạt các dự thảo liên quan tới kinh tế xã hội của Trung Quốc tại phiên bế mạc.
Sáng 15/3, sau 10 ngày làm việc, kỳ họp thứ 3 Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) Trung Quốc khoá 12 đã bế mạc tại Thủ đô Bắc Kinh với hàng loạt quyết sách lớn liên quan toàn diện tới các mặt đời sống xã hội của Trung Quốc được thông qua.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và nhiều lãnh đạo cấp cao khác cùng gần 3.000 đại biểu đã tham dự phiên bế mạc.
Bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khóa 12
Phát biểu tại phiên bế mạc, ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đã tổng kết kỳ họp thứ 3 Quốc hội Trung Quốc khoá 12, trong đó đánh giá với tinh thần dân chủ, đoàn kết, cầu thị, cầu tiến. Đây là kỳ họp thành công, đã hoàn thành các hạng mục công việc theo kế hoạch đề ra.
Cũng tại phiên bế mạc, các đại biểu quốc hội Trung Quốc đã biểu quyết thông qua báo cáo công tác của Chính phủ Trung Quốc và thông qua hàng loạt các dự thảo liên quan tới các mặt kinh tế xã hội của Trung Quốc. Đặc biệt là thông qua dự thảo sửa đổi luật "Lập pháp", bộ luật quan trọng làm cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy thực hiện quản lý đất nước bằng pháp luật.
Ông Trương Đức Giang nêu rõ: "Việc quốc hội quyết định thông qua sửa đổi luật "Lập pháp", là một trong những thành quả quan trọng nhất của kỳ họp lần này. Lần sửa đổi này sẽ tiến thêm một bước trong việc hoàn thành thể chế lập pháp, xác định rõ quyền hạn của lập pháp, kiện toàn trình tự và cơ chế lập pháp khoa học, dân chủ".
Bên cạnh những quyết sách lớn được thông qua, Quốc hội Trung Quốc cũng xác định, năm 2015 là năm then chốt đi sâu cải cách toàn diện, là năm mở đầu thúc đẩy quản lý đất nước bằng pháp luật và là năm quan trọng trong ổn định tăng trưởng kinh tế và điều chỉnh kết cấu, đưa kinh tế Trung Quốc phát triển trong trạng thái bình thường mới.
Ngay sau phiên bế mạc kỳ họp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chủ trì cuộc họp báo, trả lời các câu hỏi liên quan tới những vấn đề lớn đang đặt ra./.
Theo Hà Thắng/VOV- Bắc Kinh
Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quân đội thực hiện "4 toàn diện" Theo Tân Hoa Xã, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/3 đã kêu gọi tăng cường năng lực quốc phòng và tính chiến đấu trong lực lượng vũ trang nước này thông qua thông qua việc đẩy mạnh hơn nữa sự kết hợp giữa quân với dân. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Nguồn: THX/TTXVN) Ông Tập Cận Bình,...