Sẽ xử nghiêm vụ VinaPhone gửi tin nhắn quảng cáo clip trẻ chết vì sởi
“Trên cơ sở thông tin báo chí và người dân phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu đúng như vậy thì sẽ căn cứ theo quy định hiện hành để xử phạt”.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử
Trao đổi với PV, ông Hoàng Vĩnh Bảo – Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc VinaPhone mời khách hàng nhắn tin xem clip trẻ em tử vong vì bệnh sởi là vô cùng phản cảm, quan điểm của Cục là sẽ xử lý nghiêm.
Liên quan đến vụ việc tổng đài 18001091 của VinaPhone nhắn tin quảng cáo mời gọi khách hàng xem clip “Một bé trai 8 tuổi chết bất ngờ tại viện Nhi” và “Hơn 10.000 ca mắc sởi trên khắp cả nước”, PV đã trao đổi với ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Cục) – Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ) xung quanh câu chuyên nay.
Ngày 22/4, tổng đài của VinaPhone đã gửi tin nhắn mời khách hàng xem clip trẻ em chết vì bệnh sởi. Đứng dưới góc độ quản lý nhà nước, Cục đã tiếp nhận và dự định xử lý vụ việc này thế nào, thưa ông?
Chúng tôi đã nhận được thông tin về vụ việc. Trên cơ sở thông tin báo chí và người dân phản ánh, chúng tôi sẽ kiểm tra lại, nếu đúng như vậy thì sẽ căn cứ theo quy định hiện hành để xử phạt.
Về hình thức xử lý, việc quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông đã có Nghị định 72/2013 do Chính phủ ban hành, có hiệu lực trong năm 2013.
Tuy nhiên, trong các thông tư hướng dẫn Nghị định, có thông tư liên quan đến vấn đề này mà Bộ đang xây dựng.
Trước mắt, đứng trên góc độ cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi đã trao đổi với VinaPhone, yêu cầu xử lý trong nội bộ, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong vụ việc này, sau đó phải có văn bản giải trình gửi đến cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu đây là chủ trương của lãnh đạo thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, còn nếu là cá nhân thì nội bộ phải xử lý trước. Còn về nguyên tắc, bao giờ cũng phải yêu cầu doanh nghiệp giải trình, sau đó mới căn cứ vào các quy định để xem là xử lý như thế nào để đảm bảo tính răn đe.
Video đang HOT
Cũng cần nói rõ quan điểm của Cục, đây là thông tin rất phản cảm, không những không mang lại mục đích cảnh báo dịch sởi mà còn gây bức xúc trong xã hội nên dứt khoát phải xử lý nghiêm.
Vậy dự kiến đến khi nào sẽ có kết quả về việc kiểm tra và xử lý sai phạm này của VinaPhone?
Việc xử lý bao lâu là căn cứ theo quy định. Tất nhiên, chúng tôi yêu cầu phải làm sớm. Còn thủ tục, quy trình khi xảy ra sai phạm thì đầu tiên là phải đợi giải trình, sau đó mới xử lý, chứ không phải là sự việc xảy ra rồi đè ra xử lý ngay được. Còn theo đúng chức năng, chúng tôi đã yêu cầu VinaPhone ngay lập tức phải khắc phục sự cố.
Liên quan đến vụ việc, đại diện của VinaPhone cho rằng đây chỉ là “sơ suất trong quá trình soạn tin nhắn quảng bá”. Ông đánh giá gì về lời giải thích này?
Đó là VinaPhone nói vậy, còn nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước không phải chỉ dựa trên căn cứ giải trình. Họ nói là họ sơ suất hay người khác đưa vào thì đấy là việc của họ, còn bản chất của sự việc thì cơ quan quản lý phải làm rõ.
Chính vì thế mà tôi mới nói là phải có quy trình. Nếu chỉ nhìn thấy thế mà ra quyết định xử phạt ngay, xử lý ngay thì không đảm bảo. Quan điểm của chúng tôi vẫn là xử lý nghiêm, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm sau khi thẩm tra.
Thực ra, chúng tôi cũng đã lường trước những tình huống trong việc quản lý nội dung thông tin mạng di động, chính vì thế mới tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị định 72/2013, trong đó có hẳn một mục về quản lý vấn đề này.
Nhiều bạn đọc cho rằng, nếu xảy ra sai phạm mà chỉ xử lý nội bộ, xử lý nhân viên thì không công bằng, vì người đứng đầu cần phải có trách nhiệm. Ông nhận định sao về ý kiến này?
Đây là việc đương nhiên, vì trong một tổ chức, đơn vị thì nhân viên làm dưới quyền sai, lãnh đạo phải có trách nhiệm liên đới. Còn liên đới thế nào thì phụ thuộc vào việc phân cấp quản lý nội bộ của tổ chức, đơn vị đó. Các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào tính chất sai phạm và sự phân cấp để xử lý các lãnh đạo có liên đới.
Một số chuyên gia nói VinaPhone nêu đích danh Bộ Y tế, Bệnh viện Nhi Trung ương trong đoạn quảng cáo là làm xấu hình ảnh của các đơn vị này và họ hoàn toàn có thể khởi kiện. Quan điểm của ông ra sao?
Đây là quan hệ dân sự. Nếu bản thân các cơ quan bị đưa lên đây thấy không đúng, bị vu khống thì họ có thể khởi kiện. Vấn đề này trong luật đã quy định rõ và chúng ta nên đi theo cái nếp đó.
Ngay cả cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi cũng chỉ hoạt động trong phạm vi giới hạn nào đấy, như xử phạt hành chính, thủ tục hành chính. Còn nếu như các cơ quan, đoàn thể chỉ cần bị vu khống thì hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa để làm rõ vụ việc, chứ không nhất thiết chỉ là cơ quan quản lý nhà nước.
Nhân vụ việc này của VinaPhone, ông có đánh giá gì về văn hóa kinh doanh của các nhà mạng tại Việt Nam?
Kinh doanh bất kỳ ngành nghề nào thì doanh nghiệp cũng phải xây dựng văn hóa kinh doanh, phải đề cao trách nhiệm xã hội, nhất là đối với những sản phẩm có tác động rộng rãi đến người dân. Nếu doanh nghiệp nào không chú trọng việc đó, để xảy ra những sai sót thì trước hết, tự doanh nghiệp đánh mất đi thương hiệu, hình ảnh của mình.
Bản thân VinaPhone là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn, có thương hiệu mà giờ chỉ vì một sự việc như vậy thì tôi nghĩ bản thân các lãnh đạo của đơn vị này cũng rất buồn.
Có khi bản thân các lãnh đạo chủ trương dùng mọi biện pháp tuyên truyền việc phòng tránh bệnh đến người dân, nhưng nhân viên lại không hiểu đúng, lại tận dụng để thu lợi nên phản tác dụng. Đứng từ góc độ quản lý nhà nước, tôi cho rằng đây là điều không ai muốn.
Tuy nhiên, tạm gạt bỏ những ý đồ khác, chỉ đề cập đến vấn đề sơ suất thì rõ ràng đây là một quy trình quản lý không chặt chẽ.
Theo tôi được biết, không chỉ riêng VinaPhone mà một số nhà mạng khác cũng đưa thông tin về dịch sởi, nhưng họ tuyên truyền cách phòng tránh, trong khi VinaPhone lại đưa một nội dung như thế này thì rõ ràng là bản thân VinaPhone đã tự đánh mất hình ảnh và thương hiệu của mình.
Cảm ơn ông!
Theo Xahoi
Chùm ca sởi đặc biệt thương tâm: Ông trời ơi, xin cứu lấy bé!
"7 năm mỏi mòn chờ đợi con mới có được mụn con. Con đã sung sướng đến ngất lịm ngày đón cặp song sinh chào đời. Nhưng nay, một đứa đã bỏ con đi, còn một đứa, đang nằm mê man...Ông trời ơi, xin cứu lấy bé", chị P.T.B nghẹn ngào.
Bé K.Đ.A vẫn rất nguy kịch sau 5 ngày thở máy. Ảnh: T.A
"Lẽ ra, ngày 21/4 chẳng phải là đặc biệt gì với cả gia đình em, thế nhưng, nó đã là một ngày định mệnh khi con gái hơn 4 tháng tuổi tử vong tại BV Nhi Trung ương vì không qua khỏi viêm phổi do sởi. Còn tối 21/4, đứa em song sinh cũng vào máy thở tại khoa Nhi (BV Bạch Mai)", chị P.T.B (32 tuổi, Hưng Yên) nức nở khóc.
Chị B cho biết, hai vợ chồng lấy nhau gần 7 năm, chạy chữa đủ các loại thuốc tây đến thuốc nam thuốc bắc mới có được hai mụn con. "Vợ chồng em chỉ buôn bán lặt vặt nhưng ai mách phương thuốc gì để có con hai vợ chồng cũng dồn tiền để chạy chữa rồi nuôi hy vọng", chị B. nói. Cách đây hơn 1 năm dồn được 1 khoản tiền kha khá, hai vợ chồng lên BV Phụ sản Trung ương để làm thụ kinh ống nghiệm. Mừng rơi nước mắt vì ông trời có lẽ đã rủ lòng thương, chị B đậu thai một cặp song sinh.
"Tuy lúc sinh bé trai chỉ nặng 2,7 kg và 1 bé gái 1,3 kg nhưng cả nhà vui lắm, sau một tuần nằm viện về nhà các bé mỗi ngày mỗi lớn. Không ngờ các đây hơn 3 tháng, bé K.P.L bị viêm phổi phải nhập BV Nhi Trung ương điều trị và cũng từ đó cháu được chuyển tới phòng cách ly...Ngày nào vợi chồng bị B cũng chạy đi chạy lại giữa Hưng Yên - Hà Nội vì còn con nhỏ ở nhà. Thế mà cách đây 2 tuần, thằng bé ở nhà bị sốt cao, vợ chồng em lại bồng bế nhau lên BV Nhi Trung ương dù biết ở đây đang có dịch sởi và cũng quá tải. Bác sĩ khám và làm xét nghiệm xong có nói gia đình đưa cháu về quê đề điều trị tiếp. Không đành lòng đưa con đang sốt cao về trong khi đứa khác đang nằm viện, vợ chồng em thuê trọ 4 ngày ở gần BV Nhi Trung ương để được vào nhìn con gái và lấy chỗ chui ra chui vào chăm con. Khi con trai nổi ban, gia đình cuống cuồng lo lắng nhưng BV quá tải, chỉ nhận những bệnh nhân nặng còn trường hợp con trai em không có chỉ định nhập viện...".
Lo lắng vì bé trai cứ yếu dần, quấy khóc, không chịu ăn uống, anh chị quyết định bồng con sang BV Bạch Mai với hy vọng BV bớt quá tải thì con trai sẽ có cơ hội được điều trị. Bác sĩ vừa khám đã chỉ định nhập viện điều trị ngay vì con có biến chứng viêm phổi.
Cứ thế, anh chị như thoi đưa giữa hai tâm sởi của cả nước để thăm con gái và chăm con trai. "3h sáng 21/3, vợ chồng em nhận được điện thoại của các bác sĩ bên BV Nhi thông báo con gái em nguy kịch. Hai vợ chồng bỏ thằng em cho bà trông rồi chạy sang BV Nhi Trung ương. Khi được vào thăm con, thấy con yếu ớt nằm giữa rây rợ máy móc, em khóc không thành tiếng vì đau đớn, vì thương con mà bất lực... Được thăm con trong chớp thoáng, em lại về chăm thằng bé con đang ở BV Bạch Mai. Đến chiều cùng ngày nghe tin bác sĩ thông báo con gái tử vong mà tim em rụng rời, chân đứng không vững... Chúng em đã đón con về Hưng Yên đưa con ra đồng...", không nén nổi nỗi đau, cả hai vợ chồng chị B. òa khóc nức nở.
Không kịp ở bên con lấy một đêm, bà ngoại lại gọi về thông báo, bé K.Đ.A cũng phải vào thở máy, hai vợ chồng lại nén nổi đau, tất tả lên bệnh viện chăm con.
Theo các bác sĩ Khoa Nhi (BV Bạch Mai), chùm ca bệnh của cặp song sinh này cũng là chùm ca bệnh vô cùng đặc biệt và thương tâm. Người chị song sinh của bé Đ.A thì đã mất, còn em bé này đã 5 ngày thở máy nhưng tình trạng suy hô hấp tiến triển mỗi ngày một nặng nề.
Trước đó, cũng sáng ngày 21/4, nhiều người cũng lặng đi đau đớn chứng kiến bé V.G.K (25 tháng tuổi, Ứng Hòa, Hà Nội) tử vong sau hơn 1 tháng chống chọi với căn bệnh viêm phổi do sởi. Em trai bệnh nhi là V.G.B (7 tháng tuổi) vẫn đang được theo dõi đặc biệt tại phòng Cấp cứu Nhi bởi phổi tổn thương nặng nề.
Tú Anh
Theo dantri
Thủ tướng yêu cầu sớm dập dịch sởi Tại cuộc họp khẩn chiều qua 23.4 về tình hình dịch sởi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tất cả các cơ quan liên quan phải quyết tâm dập tắt dịch sởi càng sớm càng tốt; đặt mục tiêu hạn chế thấp nhất số ca tử vong lên hàng đầu, không để dịch lây chéo. Rất đông người chờ tiêm vắc xin...