Sẽ xét nghiệm COVID-19 hằng ngày cho tất cả VĐV tham gia Olympic Tokyo
Ngày 28/4, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định tiến hành xét nghiệm COVID-19 hằng ngày đối với tất cả vận động viên (VĐV) tham gia Olympic và Paralympic Tokyo dự kiến diễn ra vào mùa hè này.
Biểu tượng Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Ban tổ chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm thường xuyên các VĐV cũng như các quan chức đến dự Thế vận hội nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn sự kiện thể thao này trở thành sự kiện siêu lây nhiễm. Ngoài biện pháp này, nước chủ nhà còn yêu cầu các VĐV và đoàn thể thao đến từ các nước phải thực hiện xét nghiệm COVID-19 hai lần trong vòng 96 giờ kể từ khi lên đường đến Nhật Bản.
Quyết định mới nói trên được Chính phủ Nhật Bản đưa ra chỉ vài giờ trước khi diễn ra cuộc họp trực tuyến cấp cao giữa các quan chức Nhật Bản với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) và các đơn vị tổ chức khác. Tham gia cuộc họp này có Chủ tịch IOC Thomas Bach và đại diện các đơn vị tổ chức để thảo luận về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Một trong những vấn đề lớn dự kiến được thảo luận trong cuộc họp là liệu có giới hạn số lượng khán giả trong nước vào sân theo dõi các trận thi đấu hay không sau khi đã quyết định vào tháng trước rằng Thế vận hội lần này sẽ không có khán giả nước ngoài dự khán.
Video đang HOT
Chủ tịch IOC Thomas Bach đã cam kết tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 một cách an toàn và thành công, đồng thời cho biết các nhà tổ chức sẽ “thực thi nghiêm túc” các quy định phòng ngừa dịch COVID-19. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng đã cam kết thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm Thế vận hội diễn ra an toàn.
Hiện IOC và Ban tổ chức Olympic Tokyo không yêu cầu VĐV và các quan chức phải tiêm vaccine ngừa COVID-19, nhưng IOC khuyến nghị họ nên tiêm để bảo vệ sức khỏe của những người tham gia và người dân Nhật Bản.
Tokyo và một số tỉnh, thành khác ở Nhật Bản đang trong tình trạng khẩn cấp và lệnh này có hiệu lực đến ngày 11/5 tới sau khi những khu vực này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng vọt. Tokyo ngày 28/4 thông báo 925 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 28/1.
Cùng ngày, Ủy ban Olympic và Thể thao Hàn Quốc (KSOC) cho biết các VĐV Hàn Quốc tham gia Olympic và Paralympic Tokyo sẽ được tiêm vaccine ngừa COVID-19 bắt đầu từ tuần này. Theo KSOC, khoảng 100 VĐV và huấn luyện viên (HLV) của nước này sẽ nhận được mũi tiêm đầu tiên vào ngày 29/4, trong khi khoảng 500 người khác sẽ được chủng ngừa vào tuần đầu tiên của tháng 5 trước khi lên đường đến Nhật Bản.
Ủy ban Olympic Australia cũng sẽ bắt đầu tiêm vaccine cho các VĐV tham gia Thế vận hội ở Nhật Bản từ tuần tới. Theo đó, trên 2.000 VĐV, HLV và các quan chức Australia sẽ được tiêm phòng.
Dự kiến, Olympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 23/7 đến ngày 8/8, sau đó là Paralympic sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến ngày 5/9 năm nay.
Chủ tịch IOC ủng hộ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo
Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach ngày 22/4 bày tỏ ủng hộ kế hoạch của Chính phủ Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp mới tại thủ đô Tokyo, đồng thời khẳng định quyết định này không ảnh hưởng đến Thế vận hội Olympic sắp đến gần.
Biểu tượng Thế vận hội mùa hè Tokyo 2020 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp trực tuyến của Ban Điều hành IOC, ông Bach cho biết quyết định trên là cách ứng phó tích cực và phù hợp trong kỳ nghỉ Tuần lễ Vàng, chỉ 3 tháng trước lễ khai mạc Olympic Tokyo ngày 23/7 tới. Ông khẳng định: "Nếu biện pháp này được áp dụng, tôi nghĩ sẽ hoàn toàn phù hợp với cách tiếp cận rất thận trọng của Chính phủ Nhật Bản, chính quyền thành phố Tokyo và tất cả các cơ quan chức năng của Nhật Bản".
Ông Bach cũng cho rằng đây chỉ là một "biện pháp đề phòng và được áp dụng trong thời gian giới hạn", đồng thời khẳng định biện pháp này "hoàn toàn phù hợp với chính sách tổng thể của chính phủ, nhưng không liên quan đến Olympic".
Theo một nguồn tin thân cận, Chính phủ Nhật Bản đang có kế hoạch quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 23/4 đối với thủ đô Tokyo và từ cuối tháng này đối với một số tỉnh miền Tây, dự kiến kéo dài 2 - 3 tuần.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 22/4 Nhật Bản ghi nhận ca đầu tiên có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số những người có liên quan đến sự kiện thể thao này. Đó là một sĩ quan cảnh sát từng làm nhiệm vụ kiểm soát giao thông trong hành trình rước đuốc Olympic ở miền Tây Nhật Bản tuần trước. Theo Ban tổ chức Olympic Nhật Bản, hiện chưa rõ viên sĩ quan cảnh sát này đã nhiễm virus khi nào và như thế nào. Sĩ quan nói trên đã điều khiển giao thông tại Naoshima, tỉnh Kagawa. Ông được xét nghiệm một ngày sau khi cảm thấy mệt mỏi.
IOC và ban tổ chức Olympic của Nhật Bản vẫn đang phối hợp để Olympic Tokyo được diễn ra vào mùa hè này, sau một năm phải hoãn lại. Trong khi các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Nhật Bản phản đối tổ chức Thế vận hội trong năm nay, ông Bach cho biết IOC tin tưởng vào sự kiện này và lòng tin của IOC nhận được sự ủng hộ của các chuyên gia y tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ông Bach cũng bày tỏ lạc quan rằng làng vận động viên sẽ "thực sự là một nơi an toàn cho mọi người" nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao của các vận động viên và các biện pháp chống dịch được đưa vào sách hướng dẫn mà IOC, Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) và ban tổ chức Tokyo phối hợp soạn thảo. Ban tổ chức hiện đang phối hợp với các chuyên gia trên khắp thế giới để soạn thảo tập hai của cuốn sách trên, dự kiến ra mắt vào cuối tháng này.
Cũng tại cuộc họp trực tuyến nói trên, Ban điều hành IOC đã ủng hộ ý tưởng của Chủ tịch Bach về việc thêm từ "cùng nhau" vào câu khẩu hiện của Olympic. Như vậy, Olympic Tokyo sẽ có khẩu hiệu là "cùng nhau nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn". Mục đích của sự thay đổi này là kêu gọi tất cả các nước và khu vực trên thế giới đoàn kết với nhau. Dự kiến, phiên họp của IOC trong 3 tháng thời sẽ đưa ra một đề xuất thay đổi Hiến chương Olympic.
Làn sóng Covid-19 thứ tư đe dọa Nhật Cơ quan y tế Nhật Bản lo ngại biến thể nCoV mới gây đợt bùng phát dịch thứ tư khi còn 109 ngày nữa là tới Olympic Tokyo. Biến thể chưa xác định chứa đột biến E484K, có thể làm giảm hiệu quả của vaccine. Hiện chúng chưa lây lan quá rộng ở Nhật Bản. Khu vực ảnh hưởng nhiều nhất là Osaka....