“Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu cán bộ cấp cao có tham vọng quyền lực”
“Trên thực tế có không ít cán bộ có tham vọng quyền lực hay còn gọi là tham nhũng quyền lực. Khi ở vào vị trí cao họ không muốn rời bỏ quyền lực” – PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia HCM) nhấn mạnh khi đổi với Dân Việt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên ký quy định của Bộ Chính trị về tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện T.Ư quản lý. (Ảnh: I.T)
Thưa ông, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Là người nghiên cứu lâu năm, có phải đây là lần đầu tiên Đảng ban hành quy định về cán bộ cao cấp, thưa PGS?
- Những quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá cán bộ thuộc diện Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý là để thống nhất giúp cho công tác quản lý cán bộ hiệu quả, chặt chẽ hơn. Thực tế, vấn đề về tiêu chuẩn, tiêu chí của cán bộ cấp cao trước đây cũng đã có. Việc này đã được Ban Tổ chức T.Ư và các cơ quan chức năng có định hướng rõ.
Và tôi cũng có thể khẳng định, đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quy định thành văn bản chính thức, quy định một cách cụ thể về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc. (Ảnh: L.K)
Việc tiêu chuẩn hóa bằng văn bản theo tôi đó cũng là đòi hỏi cao hơn trong việc tu dưỡng, rèn luyện đối với đội ngũ cán bộ cao cấp. Trước đây chúng ta chưa chú ý nhiều vấn đề này nên nhiều cán bộ thuộc diện cao cấp tự cho mình là loại cán bộ đặc biệt, rồi tự cho mình những quyền, những hành động dẫn tới tiêu cực.
Ví dụ trong các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư vừa qua có hàng loạt cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật vì mắc các vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng.
Theo tôi, việc Bộ Chính trị ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ cao cấp cũng là cách để tăng cường kỷ luật của Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ. Việc nâng cao chất lượng cán bộ hiện nay trước hết cần tập trung vào cán bộ thuộc diện Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
“Vấn đề dư luận lâu nay bức xúc như chuyện cả họ làm quan được báo chí phản ánh, theo tôi cũng là một trong những biểu hiện rất rõ ràng của vấn đề tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm…”.
Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Việc nhấn mạnh vấn đề này có phải là yêu cầu cấp bách, thưa ông?
Video đang HOT
- Vấn đề này cũng đã được đề cập tại Hội nghị T.Ư 4 khóa XI. Đến Hội nghị T.Ư 4 khóa XII nội dung này lại tiếp tục được nhấn mạnh. Trên thực tế có không ít cán bộ có tham vọng quyền lực hay còn gọi là tham nhũng quyền lực. Khi ở vào vị trí cao họ không muốn rời bỏ quyền lực, thậm chí muốn kết bè kết cánh để củng cố, tăng cường quyền lực của mình.
Người có tham vọng quyền lực khi ở vào vị trí lãnh đạo thì tác hại rất lớn và vô cùng nguy hiểm cho sự nghiệp chung. Họ sẽ sử dụng quyền lực của mình để đạt được tham vọng cá nhân, lợi ích cá nhân, tạo bè phái, lợi ích nhóm, rồi có những việc làm đi ngược lại mục tiêu lý tưởng của cách mạng.
Còn đối với những người không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không được tu dưỡng, rèn luyện, khi có quyền trong tay dễ bị tác động, họ dễ bị thao túng và thậm chí có thể có cả hành vi phản bội.
Vấn đề dư luận lâu nay bức xúc như chuyện cả họ làm quan được báo chí phản ánh, theo tôi cũng là một trong những biểu hiện rất rõ ràng của vấn đề tham vọng quyền lực, lợi ích nhóm…
Việc Bộ Chính trị ban hành quy định là cơ sở rất quan trọng để nhân dân theo dõi, giám sát đối với đội ngũ cán bộ cấp cao thưa ông?
- Đúng như vậy. Từ quy định này, Mặt trân Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là nhân dân có thể đối chiếu vào những tiêu chí trong đó để giám sát xem người cán bộ đó có làm đúng không, có xứng đáng ở vị trí đó không. Đây cũng là cơ sở để định kỳ để hàng năm rà soát lại đội ngũ cán bộ cấp cao theo những tiêu chí đã đặt ra.
Nếu người cán bộ đó làm tốt thì có thể thăng tiến, còn làm không tốt, thậm chí có vi phạm, khuyết điểm thì phải cho rời khỏi vị trí lãnh đạo. Quy định trên của Bộ Chính trị cũng là cơ sở để đánh giá cán bộ, để các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực thi tốt hơn.
Việc Bộ Chính trị ban hành quy định về chức danh lãnh đao cao cấp theo tôi là một đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đổi mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo. Trong phương thức lãnh đạo phải xây dựng đội ngũ cán bộ tốt, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ở tầm chiến lược.
- Xin cảm ơn PGS!
Ngoài quy định chung, Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với từng chức danh là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định các tiêu chuẩn cụ thể đối với các chức danh Bộ trưởng và tương đương. Trưởng các đoàn thể chính trị – xã hội Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương, Chủ tịch HDND tỉnh, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố.
Các chức vụ do Bộ Chính trị trực tiếp quản lý Cơ quan trung ương – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Trưởng ban của Trung ương, Chánh Văn phòng Trung ương; Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc; Viện trưởng Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; thành viên Đảng đoàn Quốc hội, thành viên Ban cán sự đảng Chính phủ; Bí thư Ban cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Bí thư Ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ; Bí thư đảng đoàn một số đoàn thể nhân dân. – Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội. – Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước; Viện trưởng Viện Khoa học xã hội; Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam. – Chánh án Toà án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. – Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam; Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Địa phương – Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Quân đội và công an – Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương; Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương; Tổng tham mưu trưởng; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Tư lệnh quân khu, quân chủng; Đại tướng, thượng tướng, đô đốc hải quân. Chức vụ do Ban Bí thư trực tiếp quản lý Cơ quan T.Ư: – Phó Trưởng ban của Trung ương, Phó Văn phòng Trung ương, Viện phó Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Phó giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc, Giám đốc các trường đảng Nguyễn Ái Quốc khu vực, Giám đốc Trường đại học Tuyên giáo, Phó tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, Giám đốc Nhà xuất bản Sự thật; Ủy viên Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, Ủy viên ban cán sự đảng các bộ và cơ quan ngang bộ; Ủy viên đảng đoàn đoàn thể nhân dân (trừ bí thư đảng đoàn một số đoàn thể nhân dân do Bộ Chính trị quản lý); bí thư, phó bí thư và ủy viên thường vụ các đảng ủy khối và đảng ủy trực thuộc T.Ư. – Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Phó chủ nhiệm các ủy ban thường trực của Quốc hội. – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước, Viện phó Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện phó Viện Khoa học Việt Nam; Tổng giám đốc và các Phó tổng giám đốc Đài phát thanh, Vô tuyến truyền hình, Thông tấn xã Việt Nam; Đại sứ Việt Nam ở các nước; Tổng cục trưởng các tổng cục trực thuộc Chính phủ và tương đương; Tổng giám đốc một số đơn vị kinh tế trọng yếu. – Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. – Phó Chủ tịch ban thư ký hoặc ban thường vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Phó bí thư và Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch hoặc Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các Hội Hoà bình và hữu nghị, Hội nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam. Địa phương – Phó bí thư, ủy viên thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Quân đội và công an – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ; Chủ nhiệm các tổng cục Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ (trừ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị), Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng; Tổng cục trưởng các tổng cục thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ; Phó Tổng tham mưu trưởng; Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng; Phó Tư lệnh quân khu, quân chủng; Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Tư lệnh các quân đoàn, Tư lệnh Bộ Tư lệnh biên phòng; Viện trưởng và Phó viện trưởng Học viện quân sự cao cấp; Viện trưởng Học viện chính trị quân sự; Viện trưởng Học viện lục quân; Trung tướng, thiếu tướng và chuẩn đô đốc hải quân.
Theo Danviet
Bác dạy, trong cất nhắc cán bộ không nên làm như "giã gạo"
"Trong cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc", Hồ Chủ tịch đã chỉ ra khoảng 50 chứng bệnh của cán bộ lúc bấy giờ. Đồng thời Bác cũng chỉ ra cách xử lý, đó là tự phê bình và phê bình - đây là thang thuốc hay nhất để sửa chữa những chứng bệnh trên" - PGS.TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) khẳng định khi trao đổi với Dân Việt.
Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn dành sự quan tâm đến công tác cán bộ. (Ảnh tư liệu).
Thưa ông, cách đây 70 năm, Hồ Chủ tịch viết cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc". Cuốn sách đó có ý nghĩa thế nào với công tác cán bộ hiện nay?
- Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" do Chủ tịch Hồ Chí Minh viết cách đây 70 năm có nhiều nội dung. Lúc đó Cách mạng Tháng Tám thành công chưa lâu, Đảng ta vừa cầm quyền nên cán bộ, đảng viên của chúng ta chưa biết cách lãnh đạo, kinh nghiệm và kiến thức để lãnh đạo chưa có. Chính vì thế trong cuốn sách này Bác viết rất kỹ về cách lãnh đạo cho đội ngũ cán bộ. Đây được coi như cuốn sách gối đầu giường của đội ngũ cán bộ.
Đặc biệt trong cuốn sách Bác nói về vấn đề khuyết điểm của cán bộ, đảng viên mà Bác gọi là "các chứng bệnh". Theo nghiên cứu của tôi, Bác đã chỉ ra khoảng 50 chứng bệnh của cán bộ lúc bấy giờ, đồng thời Bác cũng chỉ ra tự phê bình và phê bình là "thang thuốc hay nhất để sửa chữa những chứng bệnh đó".
Hồ Chủ tịch là tấm gương lớn trong việc nói đi đôi với làm. (Ảnh tư liệu)
Điều đặc biệt nữa là trong cuốn sách, Bác đã dành khá nhiều trang để dạy cách làm công tác cán bộ. Người dạy rất bài bản, từ việc huấn luyện, đánh giá cán bộ đến cách lựa chọn, cất nhắc và chính sách cán bộ. Có thể thấy tác phẩm đó như cuốn sách giáo khoa về công tác cán bộ.
Đến nay tác phẩm này vẫn còn giữ nguyên giá trị về công tác cán bộ. Chắc chắn khi nghiên cứu chúng ta sẽ được gợi ý rất nhiều vấn đề trong cách đổi mới công tác cán bộ.
PGS -TS Nguyễn Văn Giang - Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng. (Ảnh: Lương Kết)
Theo ông nội dung trong Sửa đổi lối làm việc có tác dụng thế nào trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII?
- Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" có ý nghĩa nhiều mặt trong công tác xây dựng Đảng. Vừa qua trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tác phẩm này đã được tái bản và phát đến tận tay các cán bộ, đảng viên. Nếu đọc kỹ chúng ta thấy Bác viết rất hay và dễ hiểu.
Còn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay, tác phẩm này rõ ràng là một tài liệu rất quan trọng. Ra đời cách đây 70 năm nhưng nội dung cuốn sách có nhiều chỉ dẫn cho việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn tình trạng tự diễn biến, tự chuyển biến mà chúng ta đang tiến hành.
Trong cuốn sách này, Bác nói rõ tư cách của Đảng, tư cách của đảng viên phải như thế nào. Bác chỉ ra các khuyết - đặc điểm của cán bộ, đảng viên đồng thời chỉ ra cách sửa chữa. Đó là dùng tự phê bình và phê bình, đúng như tinh thần của Nghị quyết T.Ư 4 mà chúng ta đang thực hiện.
Bác cũng trình bày rất kỹ về tự phê bình và phê bình: Từ khái niệm thế nào, mục đích, ý nghĩa cho đến cách phê bình... Những cái đó chúng ta có thể vận dụng cho cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII hiện nay.
Việc giữ nghiêm kỷ luật trong Đảng đã được Hồ Chủ tịch chú trọng thế nào để giúp cho Đảng trong sạch, vững mạnh, thưa ông?
- Qua một loạt cách xử lý và các quyết định của Bác đối với cán bộ vi phạm khuyết điểm thời kỳ đó, chúng ta có thể thấy rất rõ tư tưởng của Người về vấn đề kỷ luật của Đảng. Trong cuốn sách "Sửa đổi lối làm việc", Bác nhấn mạnh phải yêu thương cán bộ vì không phải vài ba tháng hoặc vài ba năm mà đào tạo được một người cán bộ tốt. Cán bộ là vốn quý của đoàn thể cho nên phải yêu thương cán bộ, phải cẩn thận cất nhắc cán bộ.
Bác dạy, trong cất nhắc cán bộ không nên làm như "giã gạo". Một cán bộ bị nhắc lên thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời. Phải cho cán bộ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc; giúp họ giải quyết những vấn đề khó khăn sinh hoạt, ngày thường thì điều kiện dễ chịu, khi đau ốm được chăm nom, gia đình họ khỏi khốn quẫn...
Nhưng khi cán bộ có vi phạm, Bác cũng rất nghiêm khắc. Bác nhấn mạnh phải dùng phê bình thẳn thẳng chỉ ra khuyết điểm, giúp cho cán bộ nhận ra khuyết điểm để sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, nhưng không được dùng phê bình để bới móc, xử lý khuyết điểm cho nặng mà cốt để giáo dục, .
Còn như cán bộ cố tình vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng, Bác xử lý bằng tinh thần "thà chặt một cành sâu để cho cả cây xanh tốt". Tinh thần này thể hiện qua nhiều việc, như vụ xử lý đại tá Trần Dụ Châu năm 1950. Lúc đó, khi đang là Cục trưởng Cục quân nhu, vị đại tá này là người cũng có chút công lao, nhưng rồi ông ta đã phạm tội tham ô nghiêm trọng. Sau khi cân nhắc, Bác đã chuẩn y bản án tử hình mà Tòa án dành cho ông Trần Dụ Châu.
Bác chỉ thị ngay phải thi hành bản án sớm, đồng thời báo chí phải đến đưa tin ngay để bộ đội, nhân dân biết. Điều đó thể hiện sự kiên quyết của Chính phủ, không tha thứ cho cán bộ có sai lầm.
Hiện nay, Đảng ta vẫn chủ trương vừa mở rộng dân chủ nhưng vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng. Việc xử lý một số trường hợp cán bộ, cả với cán bộ cấp cao như vừa qua cũng đã gây được những hiệu ứng tích cực trong Đảng và quần chúng nhân dân. Tất nhiên dư luận chưa phải bằng lòng mà họ vẫn mong Đảng tiếp tục làm mạnh hơn nữa.
Nếu chúng ta làm tốt và nghiêm vấn đề kỷ luật đảng, phát hiện những vi phạm và xử lý nghiêm khắc, những việc đó chỉ có tác dụng làm Đảng tốt lên chứ không sợ như thế là làm xấu Đảng, kém Đảng.
Bác Hồ từng nói một đảng giấu diếm khuyết điểm là đảng hỏng. Càng thẳng thắn thừa nhận khuyết điểm càng chứng tỏ là đảng chân chính, càng được nhân dân tin yêu.
Xin cảm ơn ông (!)
Vào năm 1947, tại chiến khu Việt Bắc, với bút danh XYZ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm: Sửa đổi lối làm việc. Tác phẩm có 6 phần chính: Phê bình và sửa chữa; mấy điều kinh nghiệm; tư cách và đạo đức cách mạng; vấn đề cán bộ; cách lãnh đạo; chống thói ba hoa. Trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc", Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán "chủ nghĩa cá nhân" vì đó là một thứ "vi trùng rất độc" nó sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh "hữu danh vô thực", kéo bè, kéo cánh, bệnh cận thị không biết nhìn xa, trông rộng... Đồng thời, Người cũng vạch ra nguyên nhân và phương hướng khắc phục.
Theo Danviet
Cán bộ xã phê xấu vào lý lịch của dân là kiểu "giận cá chém thớt"! Theo nguyên ĐBQH Lê Văn Cuông, việc cán bộ xã phê vào lý lịch các cháu vì bố mẹ thiếu các khoản đóng góp với địa phương vô tình tạo dấu ấn vào đời không tốt với các cháu. Các cháu sẽ có suy nghĩ không hay về chính quyền cũng như về người lãnh đạo ở địa phương. Nguyên Phó trưởng Đoàn...