Sẽ thu hồi 127 ha đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết đang xúc tiến nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – TPHCM, trong đó đơn vị tư vấn tính toán tới cả 127 ha đất trong sân bay thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng nhưng đang làm sân golf.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải nghiêm trọng ở của trên không, khu bay và trong ga hành khách
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nghiên cứu việc điều chỉnh quy hoạch cảng này để giải quyết tình trạng quá tải, với yêu cầu đặt ra là phải đồng bộ, kể cả về khu bay, hệ thống nhà ga, hệ thống đường giao thông tiếp cận.
“Muốn giải quyết được tình hình của Tân Sơn Nhất cần tính tới tất cả các phương án, kể cả phương án thu hồi đất quân sự ở phía Bắc sân bay và 127 ha đất trong sân bay đang làm sân golf. Tất cả sẽ được đề cập để điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất mà Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ sắp tới” – lãnh đạo Cục Hàng không cho hay.
Ngày 21/2, Bộ Quốc phòng đã ký biên bản bàn giao 21 ha đất đang làm sân đỗ của các máy bay quân sự tại Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông vận tải để xây dựng đường lăn, sân đỗ máy bay, mở rộng sân bay dân dụng lớn nhất Việt Nam hiện nay, dự kiến sẽ hoàn thành trước Tết năm 2018.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong biên bản ghi rõ là Bộ Quốc phòng tạm bàn giao mặt bằng khu đất này cho Bộ GTVT để đầu tư, nâng cấp, mở rộng sân đỗ tàu bay và hệ thống đường lăn. Khi có tình huống phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, diện tích này phải được ưu tiên cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Bộ GTVT chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng công trình và quản lý sử dụng đất đúng mục đích, không được chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng, cho, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Sau khi Cảng Hàng không quốc tế Long Thành hoàn thành, Bộ GTVT bàn giao lại toàn bộ diện tích mặt bằng khu đất 21 ha để Bộ Quốc phòng sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng mà không phải bồi thường giá trị tài sản trên đất. Trường hợp có nhu cầu sử dụng tiếp, Bộ GTVT có văn bản gửi Bộ Quốc phòng xem xét, quyết định.
Sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 25 triệu hành khách, nhưng năm 2016 đã có hơn 32 triệu lượt khách thông qua. Dự kiến, năm 2017 sẽ có trên 35 triệu lượt hành khách qua cảng hàng không này.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ trưởng Giao thông chốt thời hạn "giải cứu" sân bay Tân Sơn Nhất
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề cấp bách của sân bay Tân Sơn Nhất là giảm thời gian máy bay chờ trên không và thoát nhanh nhất khi xuống đường băng.
Bộ trưởng GTVT đặt mục tiêu năm 2017 hoàn tất việc đầu tư xây dựng sân đỗ khu vực 21ha và sẽ tiếp tục mở rộng sân bay.
Hiện nay, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - TPHCM có 2 đường cất, hạ cánh (25R/07L và 07R/25L) , 1 đường lăn song song, sân đỗ tàu bay có 50 vị trí (nhu cầu thực tế là 67 vị trí). Tổng công suất thiết kế của hệ thống nhà ga Tân Sơn Nhất là 28 triệu khách/năm, tuy nhiên năm 2016 Tân Sơn Nhất đã khai thác tới 32,5 triệu lượt khách và năm 2017 Tân Sơn Nhất có thể đón 35 triệu hành khách. Đến thời điểm này khu bay Tân Sơn Nhất đã tới hạn, sân đỗ đang thiếu và nhà ga hành khách đã quá tải trầm trọng, cần phải cấp bách đầu tư.
Đại diện Công ty TNHH MTV Thiết kế và tư vấn xây dựng công trình hàng không (ADCC) cho rằng, vấn đề sẽ cơ bản được giải quyết sau khi triển khai dự án xây dựng sân đỗ tại vị trí 21ha đất Bộ Quốc phòng bàn giao. ADCC đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất trong giai đoạn cấp bách để có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng hành khách.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang quá tải trầm trọng ở cả trên không và dưới mặt đất
Theo phương án đề xuất, sẽ xây dựng thêm 1 đường lăn thoát nhanh, 1 đường lăn song song và triển khai xây dựng sân đỗ tại khu vực 21ha, xây thêm nhà ga lưỡng dụng T3, nhà ga hành khách T4 cùng có công suất 10 triệu khách/năm trên khu vực Trung đoàn không quân 917 - 918 hiện nay. Tổng mức vốn đầu tư khoảng 19.700 tỷ đồng với thời gian thi công cải tạo, mở rộng Tân Sơn Nhất khoảng 2 - 3 năm, giúp nâng công suất lên tới 42 - 43 triệu khách/năm.
ADCC cũng tính tới một số phương án khác nhưng do phải giải phóng mặt bằng quá nhiều, ảnh hưởng đến chục nghìn hộ dân, chi phí quá lớn và thời gian thực hiện kéo dài hàng chục năm nên không phù hợp với tính cấp bách của dự án.
Về vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, mục tiêu đặt ra là giải quyết vấn đề cấp bách của Tân Sơn Nhất. Mục đích là làm sao giảm thời gian máy bay chờ trên không, thoát nhanh nhất khi xuống đường băng. Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị liên quan phải nhanh chóng triển khai các công việc cần thiết, để đảm bảo đến năm 2018 có thể đưa được hệ thống đường lăn, sân đỗ vào khai thác.
Bộ trưởng cũng cho biết, sẽ tiếp tục đề nghị phía Bộ Quốc phòng sớm giao đất để có thể triển khai xây dựng nhà ga T3, T4, đồng thời đề nghị Chính phủ cho phép áp dụng chỉ định thầu tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công, chỉ định nhà đầu tư (đối với 2 nhà ga) để có thể đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính cấp bách của dự án.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đặt mục tiêu phấn đấu, trong năm 2017 hoàn tất việc đầu tư xây dựng sân đỗ khu vực 21ha. Riêng việc sửa chữa đường cất, hạ cánh, xây dựng nhà ga T3, T4 cố gắng hoàn thành trong năm 2018.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bất ngờ về lý do 3 cán bộ xã "bớt xén" tiền đền bù đất của dân Nhà nước chi trả tiền đền bù đất cho dân giá cao, tuy nhiên nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình) lại "bớt xén", lập quỹ riêng để chi trả cho xây dựng cơ bản của địa phương để lấy... thành tích. Ngày 19/10, tại TAND tỉnh Ninh Bình, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa...