Sẽ rủi ro khi mua đất theo trào lưu khu vực dự án vành đai 4 Hà Nội
Trước thông tin có chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, thị trường nhà đất gần tuyến đường này đã sôi động. Cá biệt, giá đất một số nơi huyện Hoài Đức đã ở mức 100 -150 triệu đồng/m2.
Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 10/6, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn đại biểu Hoàng Văn Cường xung quanh nội dung này.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Hoàng Văn Cường trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Mặc dù, mới có chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội nhưng thị trường nhà đất gần tuyến đường này đã sôi động. Cá biệt, giá đất một số nơi huyện Hoài Đức đã ở mức từ 100 – 150 triệu đồng/m2, ông nhận định thế nào về vấn đề này?
Đường vành đai 3, vành đai 4 của Hà Nội hoặc vành đai 4 TP Hồ Chí Minh không chỉ là tuyến đường giao thông cho hai thành phố mà đó là tuyến đường liên kết vùng.
Ở Hà Nội, đường vành đai 4 liên kết các tỉnh trong vùng Thủ đô và sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, liên kết kinh tế giữa các tỉnh. Đồng thời, tạo ra được sự luân chuyển hàng hóa thuận tiện hơn giữa các vùng phía Nam, các vùng phía Bắc và các phương tiện giao thông không phải đi xuyên qua thành phố mà có thể thông qua hệ thống đường vành đai.
Như vậy, chúng ta thấy đường vành đai này có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, tránh được áp lực về ùn tắc và tạo sự phát triển lan tỏa của những đô thị lớn.
Tuy nhiên, giao thông phát triển thì nguồn lực đất đai sẽ tăng giá trị. Trong lúc chưa có thiết kế chi tiết thì chưa biết con đường đó mở đến đâu và mảnh đất nào sẽ tạo ra được giá trị cao, mảnh đất nào giá trị thấp. Thậm chí, mảnh đất nào nằm vào giữa con đường. Khi người dân đổ xô đi mua đất theo trào lưu đám đông, có người có được lợi ích và có người sẽ gặp rủi ro.
Hiện, mức giá đất ở khu vực dự án đường vành đai 4 đã lên tới 150 triệu đồng/m2. Ông đánh giá về mức giá này như thế nào?
Video đang HOT
Thực ra, mức giá 150 triệu đồng/m2 ở mảnh đất nào, vị trí ra sao thì cần so sánh mảnh đất đó với khu vực đất được xác định giá trị ổn định trong khu vực nội thành.
Nếu như những lô đất ở các vị trí giao dịch xung quanh đường vành đai 4 cũng đạt được các vị trí “vàng”, cũng là các trung tâm kinh tế, thương mại lớn, thì cũng xứng đáng có giá cao. Tuy nhiên, hiện nay, những mảnh đất ở vị trí quy hoạch vành đai 4 đó cũng chưa biết cụ thể mà định giá như vậy là không có cơ sở.
Theo ông với mức giá được mua cao như vậy sẽ ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng thế nào?
Khi người dân đổ xô, chạy đua mua đi bán lại, đất khu vực đó sẽ bị đẩy giá lên cao. Do đó, thiệt hại đầu tiên sẽ là những người chậm tay, không kịp bán lại.
Khi dự án có quy hoạch cụ thể không đúng như thông tin quảng cáo, những người mua sẽ là người chịu thiệt. Điều này tạo ra khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì khi giải phóng mặt bằng thì thực hiện theo chính sách của Nhà nước.
Khi đền bù, người dân sẽ được áp dụng theo khung giá của Nhà nước. Lúc đó, khu vực quy hoạch sẽ lấy khung bảng giá của Nhà nước với hệ số điều chỉnh. Chẳng hạn, Hà Nội, hệ số điều chỉnh khoảng 2,45 và sẽ không thể có được mức giá đền bù đến hàng trăm triệu đồng ở khu vực vành đai 4.
Do đó, khi người dân không mua với giá trị thực mà mua với giá hàng trăm triệu đồng thì khi đền bù với giá của Nhà nước người mua sẽ là người chịu thiệt. Điều này không thể khiếu kiện được vì đây là mua bán cá nhân.
Đất đai có phương pháp định giá riêng để đánh giá giá trị đất ở từng khu vực. Phương pháp đơn giản nhất hiện nay Nhà nước đang áp dụng là phương pháp hệ số. Theo đó, lấy khung bảng giá nhân hệ số điều chỉnh từng vùng. Đương nhiên, tôi cho rằng, phương pháp này chưa khoa học nhưng đơn giản nên dễ áp dụng.
Ông có lời khuyên gì với những người đang có ý định mua đất để đầu tư tại khu vực được cho là làm đường vành đai 4 vùng Thủ đô?
Việc người dân nghe theo lời quảng cáo của “cò đất” rất dễ gặp phải rủi ro. Nếu biết chính xác mảnh đất đó được quy hoạch trong tương lai và giá trị thực là bao nhiêu thì có thể quyết định mua từ bây giờ.
Song, để có được các thông tin như vậy, không phải nhiều người biết. Đặc biệt, hiện nay chưa có quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 vùng Thủ đô mà mới đang có chủ trương ở mức độ tiền khả thi, chưa có mốc giới…Nếu nghe theo sự dẫn dắt của các đối tượng “cò đất” thì rủi ro rất cao và nguy hiểm nhất là mua phải mảnh đất vào giữa mặt đường thì coi như mất không vì được đền bù không đáng kể.
Xin cám ơn đại biểu!
Đưa Khánh Hòa thực sự trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 10/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN
Phần cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa nhằm cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị; phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Khánh Hòa tạo điều kiện, động lực để tỉnh phát triển bứt phá trong thời gian tới; khai thác phát huy hết tiềm năng, lợi thế để phát huy thế mạnh của mình trở thành cực tăng trưởng của Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cũng là đảm bảo mục tiêu phấn đấu để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Bộ trưởng cho biết, trong quá trình nghiên cứu các cơ chế, chính sách tập trung bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội, đồng thời tương thích với các cơ chế, chính sách Quốc hội đã cho phép thí điểm tại 8 tỉnh trước đây áp dụng; phù hợp với vai trò, vị trí, điều kiện thực tế của tỉnh Khánh Hòa; đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thể hiện đồng tình với ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết, với tư cách là cơ quan chủ trì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng với tỉnh Khánh Hòa và các bộ, ngành, các chuyên gia nghiên cứu rất kỹ và tìm ra những cơ chế vượt trội, mang tính đột phá để giúp cho Khánh Hòa bứt phá trong thời gian tới. Trước mắt, Chính phủ chọn ra 11 nhóm chính sách đã nêu trong Tờ trình, trong đó có 7 chính sách tương đồng với các chính sách của 8 tỉnh được cho phép thí điểm và 4 chính sách mới và được nhiều đại biểu đồng tình.
Giải trình về việc cho phép điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, xác minh nguồn gốc đất, tài sản của Khu kinh tế Vân Phong để thực hiện trước, Bộ trưởng cho biết, từ khi bắt đầu lập chủ trương đầu tư cho đến khi giải phóng mặt bằng dự án phải thực hiện 6 bước. Nếu thực hiện trước khi chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn dự án sẽ rút ngắn được 6-12 tháng, còn quy trình vẫn giữ nguyên để đảm bảo đúng quy định, đúng quyền lợi của người dân bị thu hồi đất.
Về thí điểm tách đền bù giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công, hiện Quốc hội đã cho chủ trương và giao cho Chính phủ nghiên cứu và báo cáo Quốc hội về vấn đề này. Bộ trưởng đề nghị trong quá trình nghiên cứu xin phép Quốc hội cho Khánh Hòa được thí điểm thực hiện trước, nếu được sẽ rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cũng là điều kiện hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có chiến lược để thực hiện các dự án lớn.
Về cơ chế chính sách đối với Khu kinh tế Vân Phong, Bộ trưởng cho biết, Vân Phong có một vị trí hết sức đặc biệt thế nhưng chủ yếu là các nhà đầu tư nhỏ, trong khi Việt Nam đang muốn có các nhà đầu tư lớn, đầu tư chiến lược, dự án lớn, quy mô lớn, có tính lan tỏa, có tính dẫn dắt, có tính đột phá. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết đặt vấn đề tiếp cận theo hướng xác định các nhà đầu tư chiến lược để thực hiện các dự án lớn và đã có một loạt giải pháp như đã báo cáo trong Tờ trình.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu về việc cần có cam kết bảo vệ môi trường đối với nhà đầu tư chiến lược để bổ sung dự thảo Nghị quyết; Về các chính sách ưu đãi áp dụng bình thường đúng như quy định của Điều 15 Luật Đầu tư, cũng như các điều kiện của các nhà đầu tư trong các khu kinh tế. Ngoài ra, có hai hạng mục chính sách bổ sung thêm gồm: được trừ phần trăm chi phí cho nghiên cứu phát triển trong khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp và được ưu đãi, ưu tiên về các thủ tục hải quan, thuế trong với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Đối với Quỹ phát triển nghề cá của Khánh Hòa, Bộ trưởng cho biết: Đây là quỹ của quốc gia thuộc loại hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được Chính phủ thành lập và giao cho Khánh Hòa quản lý, nhằm thu hút và phân bổ các nguồn lực thực hiện các dự án, công trình ngoài khơi, nhất là các hạ tầng cho nghề cá, hạ tầng cho đánh bắt ngoài khơi, phòng chống thiên tai, bão lũ...
Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giải trình vấn đề đại biểu nêu liên quan đến hoàn thiện các cơ chế chính sách đối với các vùng khác như vùng Tây Nguyên và trung du miền núi phía Bắc để tạo sự phát triển đồng đều trong cả nước.
* Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua làm việc khẩn trương, sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm, đã có 15 ý kiến phát biểu trực tiếp tại hội trường, có 1 ý kiến tranh luận và 9 ý kiến thảo luận chưa phát biểu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi ý kiến bằng văn bản tới Ban Thư ký để tổng hợp ý kiến thảo luận. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề được các đại biểu quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, đa số ý kiến nhất trí ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, tạo thêm nguồn lực và điều kiện phát triển tỉnh Khánh Hòa thành một cực tăng trưởng trung tâm của khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ đổi mới sáng tạo và có ý nghĩa quan quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào nhiều nội dung trọng tâm như: tổng kết, đánh giá các chính sách đang thí điểm trước khi ban hành Nghị quyết; mở rộng nội dung hỗ trợ huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh; việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi mục đích đất trồng lúa và rừng sản xuất; việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; xác định nghĩa vụ của nhà đầu tư chiến lược, chế tài xử lý khi nhà đầu tư chiến lược không thực hiện cam kết; quy định trách nhiệm về bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh...
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường, các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam có thể hoàn thành đúng tiến độ Vấn đề được các đại biểu Quốc hội băn khoăn chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/6 là tiến độ của dự án đường cao tốc Bắc - Nam hiện nay ra sao trong bối cảnh dự án gặp khó về giá cả vật liệu xây dựng...