Sẽ phạt người đi bộ sang đường sai luật?
Tại những nơi đủ điều kiện sang đường, sau khi được hướng dẫn, người đi bộ vẫn cố tình vi phạm sẽ bị xử phạt.
Pha sang đường không giống ai của người Thủ đô. Ảnh: Ngọc Lân
Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết tại buổi họp báo “Việt Nam hưởng ứng tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần thứ 2 do Liên Hợp quốc phát động” chiều 6/5 tại Hà Nội.
Với chủ đề “An toàn cho người đi bộ”, các đơn vị tổ chức kỳ vọng, tuần lễ sẽ là cơ hội để kêu gọi Chính phủ, các tổ chức tiếp tục hành động nhằm tăng cường an toàn giao thông và góp phần đạt mục tiêu của Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ là giảm 5 triệu người chết vào năm 2020.
Tại Việt Nam, các hoạt động của tuần lễ sẽ hướng vào việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật an toàn giao thông cho người đi bộ; cảnh báo các nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người đi bộ và biện pháp phòng tránh tai nạn khi đi bộ; kêu gọi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ chủ động giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ; tạo các điều kiện tốt nhất về hạ tầng giao thông để đảm bảo an toàn cho người đi bộ…. Mục tiêu của Việt Nam trong tuần lễ này phấn đấu không có người đi bộ tử vong vì tai nạn giao thông và giảm số vụ tai nạn giao thông đối với người đi bộ trong năm 2013.
Theo Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, các hoạt động này sẽ được đồng loạt triển khai tại 63 tỉnh, thành phố từ ngày 6-12/5, với một số hoạt động cụ thể: Tổ chức chiến dịch truyền thông về an toàn cho người đi bộ; hướng dẫn người đi bộ sang đường đúng quy định tại một số cầu vượt, nút giao thông ở Hà Nội với sự hỗ trợ của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; tổ chức đi bộ hưởng ứng tại TPHCM với sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên….
Video đang HOT
Để nâng cao hiệu quả của tuần lễ, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các tình, thành phố chỉnh trang lại các đèn báo hiệu đường bộ cho người đi bộ sang đường, các biển báo, vạch kẻ đường; giải toả vỉa hè, lề đường… tạo thuận lợi cho người đi bộ sang đường đúng luật.
“Đối với những địa điểm đủ điều kiện dành cho người đi bộ sang đường như: cầu vượt, nút giao thông, nơi có cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông hướng dẫn, sau khi lực lượng chức năng hướng dẫn mà người tham gia giao thông vẫn cố tình vi phạm thì sẽ bị lập biên bản xử phạt”, ông Phó Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết.
Mỗi năm có 270.000 người chết khi đang đi bộ
Tham dự buổi họp báo, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, theo thống kê của đơn vị này, trung bình mỗi năm tai nạn giao thông đường bộ cướp đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên toàn thế giới và làm hàng triệu người bị thương tật suốt đời.
Tai nạn giao thông đường bộ đang là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 9 toàn cầu. Đáng chú ý, mỗi năm có tới 270.000 người chết vì tai nạn giao thông khi đang… đi bộ, chiếm 22% tổng số người bị thiệt mạng do tai nạn trên các tuyến đường bộ.
Tại Việt Nam, tai nạn giao thông đường bộ là một gánh nặng lớn cho xã hội. Năm 2012, theo thống kê của Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia, có hơn 9.000 người chết và hàng chục nghìn người khác bị thương. “Số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ là một vấn đề đang nổi lên ảnh hưởng đến sức khoẻ và phát triển của các nước có thu nhập trung bình và thấp”, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhận định.
Theo WHO, thực tế nhiều năm qua cho thấy, những người đi bộ thường ít được chú ý đến mỗi khi các cơ quan chức năng xem xét đến vấn đề an toàn giao thông. Trong khi đó, nhóm người này lại chiếm tới hơn 20% tổng số nạn nhân chết do tai nạn giao thông đường bộ, nhất là tại các nước có thu nhập thấp. Vì vậy, WHO kêu gọi các quốc gia tập trung tăng cường nỗ lực bảo vệ an toàn cho người đi bộ bằng cách xây thêm cầu vượt, hầm ngầm cho người đi bộ, dành phần đường thỏa đáng cho người đi bộ…
Theo xahoi
Xử phạt người đi bộ sang đường sai quy định
Người đi bộ khi sang đường, cố tình đi không đúng quy định sẽ bị lực lượng cảnh sát giao thông TP. Hà Nội xử phạt từ 60.000 đến 120.000 đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết như vậy trong buổi họp báo về chủ đề "An toàn cho người đi bộ" chiều ngày 6/5.
Ông Hiệp cho biết, theo Nghị định 71 về việc xử phạt người vi phạm Luật Giao thông bộ đường bộ, đối với người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt từ 60.000 đến 120.000 đồng.
Theo ông Hiệp, ở 24 cầu vượt toàn thành phố Hà Nội đều có vạch kẻ sơn dành cho người đi bộ qua đường. Tại những điểm này, luôn có lực lượng cảnh sát giao thông đứng chốt, khi người đi bộ qua đường không đúng nơi quy định, lực lượng này sẽ nhắc nhở. Nếu nhắc nhở mà người dân vẫn cố tình không chấp hành luật giao thông đường bộ sẽ bị xử phạt.
Buổi họp báo "Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ toàn cầu lần 2"
Ông Hiệp cho biết thêm, mỗi năm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lực lượng cảnh sát giao thông chỉ xử phạt được vài chục trường hợp người đi bộ sang đường vi phạm. So với với hàng ngàn vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ thì con số này còn khá khiêm tốn.
Điển hình, năm 2010, chỉ có một vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ khi sang đường bị khởi tố ở TP. Hồ Chí Minh. Khi đó, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định đã gây vụ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia thừa nhận, hiện nay trên nhiều tuyến đường thủ đô Hà Nội, vỉa hè dành cho người đi bộ đang bị lấn chiếm. Do đó, cơ quan chức năng sẽ ra quân quyết liệt hơn để trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ.
"Sáng ngày 6/5, lực lượng cảnh sát giao thông đồng loạt ra quân tại 20 điểm cầu vượt trên toàn thành phố, 10 điểm trường học. Nhưng chỉ trên tinh thần nhắc nhở người đi bộ qua đường", ông Hiệp nói.
Tại nhiều ngã tư có vạch kẻ sơn, người đi bộ sang đường không đúng nơi quy định sẽ bị xử phạt
Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm trên thế giới có 1,2 triệu người chết vì tai nạn giao thông đường bộ, trong đó khoảng 22% số người tử vong này là người đi bộ. Ở Việt Nam, năm 2012, có hơn 9.000 người chết và hàng ngàn người bị thương, trong đó có khoảng 32% vụ tai liên quan đến người đi bộ.
Các hoạt động của Tuần lễ An toàn giao thông đường bộ được triển từ ngày 6 đến 12/5 tại 63 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm các hoạt động: Chỉnh trang đèn tín hiệu, biển báo, vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ; Giải tỏa vỉa hè, lề đường tạo thuận lợi cho người đi bộ; Tăng cường ánh ánh sáng cho khu vực người đi bộ sử dụng; Loại bỏ vật cản cho người đi bộ; Tăng cường an toàn tại khu vực trường học.
Theo 24h
Hà Nội: "Tuyệt kỹ" phi thân qua dải phân cách Khả năng "phi thân" qua dải phân cách của người đi bộ dường như đã được "tôi luyện". Họ băng qua làn đường dày đặc xe, mắt liếc, chân bước nhanh,... vụt cái đã phi qua bên kia làn đường. Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở Hà Nội, hình ảnh những người đi bộ thản nhiên "phi thân" qua dải phân cách...