Sẽ phạt nặng những tờ báo khai thác hành vi tội ác rùng rợn, giật gân
Hôm nay (19/8), Bộ Thông tin & Truyền thông đã ra văn bản số 2673 /BTTTT-CBC về việc yêu cầu chấp hành các quy định của pháp luật về báo chí.
Văn bản nêu rõ, thời gian vừa qua, các cơ quan báo chí đã kịp thời đưa thông tin về các vụ trọng án, góp phần định hướng dư luận xã hội, lên án hành vi phạm tội, cảnh báo, răn đe đối với các đối tượng có ý định phạm tội, cổ vũ công tác xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật của các cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, một số cơ quan báo chí đã khai thác và cho đăng tải liên tiếp nhiều tin bài về cùng một vụ việc, triển khai thu thập thông tin và đăng tải tường thuật theo thời gian và diễn biến vụ việc, trong đó có những thông tin mô tả chi tiết tội ác với các hành vi rùng rợn hoặc khai thác thông tin giật gân xung quanh vụ án; xâm phạm quyền riêng tư của công dân; đăng, phát những phát ngôn không đúng chức năng, gây hoang mang dư luận và cản trở quá trình điều tra, gây hiệu ứng xấu cho xã hội.
Vụ thảm án giết 6 người ở Bình Dương bị nhiều tờ báo lợi dụng, khai thác những chi tiết tội ác rùng rợn, câu view, mang lại hiệu ứng xấu cho xã hội. (Trong ảnh là một cảnh thực nghiệm hiện trường vụ án).
Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn ký hôm nay, Bộ TT&TT yêu cầu các cơ quan báo chí cần phát huy hơn nữa những ưu điểm trong công tác tuyên truyền, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong hoạt động báo chí.
Bộ cho biết sẽ xử lý nghiêm khắc đối với những cơ quan báo chí vi phạm quy định pháp luật trong hoạt động báo chí, xử lý lãnh đạo cơ quan báo chí nếu để xảy ra sai phạm trong thời gian tới.
Video đang HOT
Khôi Linh
Theo Dantri
"Tham nhũng xảy ra nhiều nhưng ra đến tòa, án còn rất ít"
"Báo cáo của cơ quan có chức năng cho thấy các vụ tham nhũng xảy ra nhiều nhưng ra đến tòa án thì tham nhũng còn rất ít. Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì chỉ xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác..."
Phạm Thanh Bình - cựu Chủ tịch Vinashin phải thi hành án 500 tỷ đồng nhưng đến nay chưa nộp 1 đồng.
Tại buổi công bố kết quả khảo sát, nghiên cứu về thu hồi tài sản tham nhũng sáng 29/7, nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) cho rằng dư luận xã hội không chỉ quan tâm đến hình phạt đối với người phạm tội mà vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng đã bị chiếm đoạt như thế nào cũng rất được chú ý, theo dõi. Nếu tài sản tham nhũng không thu hồi được thì việc xử lý tham nhũng không triệt để, không được được hiệu quả thực tế và mục tiêu phòng chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong nhiều văn bản, nghị quyết. "Thu hồi tài sản tham nhũng là hoạt động quan trọng và khó khăn, là thước đo hiệu quả của công tác đấu tranh chống tham nhũng"- kết quả nghiên cứu thể hiện.
Đối với việc phòng ngừa, phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối đầy đủ cơ chế giám sát cả cá nhân, tổ chức, cơ quan có giao dịch liên quan đến tiền, tài sản để phòng, chống rửa tiền. Cơ chế này nhấn mạnh yếu tố xác định và nhận dạng khách hàng, áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định căn cước chủ sở hữu của khoản tiền, tài sản có giá trị lớn, nhận dạng các giao dịch đáng ngờ. Tuy nhiên đối với việc kiểm tra, giám sát các tài khoản được mở, được duy trì hoặc nhân danh các cá nhân đang hoặc đã từng giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, hay các thành viên trong gia đình, cộng sự thân thiết của người này thì pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể.
Mặc dù cơ sở pháp luật cho việc thu hồi tài sản tham nhũng đã có nhưng thực tiễn cho thấy số lượng tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án tham nhũng là rất lớn, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của nhà nước, của nhân dân; tỷ lệ tiền, tài sản thu hồi được rất nhỏ so với thiệt hại bị chiếm đoạt.
Nhóm nghiên cứu dẫn ra báo cáo công tác phòng chống tham nhũng của Chính phủ cho thấy năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ khoảng dưới 10%, năm 2014 cũng chỉ đạt trên 22%.
Việc phát hiện và xử lý tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng được nhận định là khâu yếu nhất, gây ra nhiều bức xúc cho xã hội.
Rất ít án tham nhũng (?!)
Về hiệu quả phát hiện tham nhũng, có nhiều ý kiến đại biểu tại tòa đàm đồng tình cho rằng hiện nay chỉ phát hiện được 5% vụ việc tham nhũng là quá ít, còn lại 95% chưa được phát hiện đều có lý do.
"Thực tế, báo cáo của cơ quan có chức năng cho thấy các vụ tham nhũng xảy ra nhiều nhưng đến tòa án thì án tham nhũng còn rất ít. Nhiều vụ việc khi được phát hiện thì chỉ xử lý bằng hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm hoặc thuyên chuyển công tác... Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu. Một số trường hợp chưa xử lý triệt để, muốn xử lý nhẹ, xử lý nội bộ, không muốn chuyển cơ quan chức năng xem xét để xử lý theo quy định pháp luật"- báo cáo chỉ rõ.
Theo nhóm nghiên cứu, một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do pháp luật hiện nay quy định trách nhiệm người đứng đầu nếu xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức mình quản lý.
Về nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, người được hỏi là công chức, viên chức cho rằng những nguyên nhân sau có ảnh hưởng: Cơ sở pháp lý trong hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng còn nhiều hạn chế, vướng mắc (33,9%); thiếu trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng các biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản (22,8%); chưa có quy định về tịch thu tài sản mà không được chứng minh có nguồn gốc hợp pháp (29,7%); chưa có quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài (22,2%)...
Ngoài việc niêm phong 40 bất động sản của Giang Kim Đạt - nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines, ở Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ phối hợp với phía Singapore thu hồi tài sản của Đạt đang ở đảo quốc này (Ảnh cơ quan an ninh điều tra cung cấp).
Hơn nữa, việc quan niệm tài sản tham nhũng là tài sản của người có hành vi tham nhũng cũng đang gây ra khó khăn trong việc thu hồi hiện nay. Chính vì quy định này nên để thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng cần có bản án hình sự của tòa án xác định người phạm tội tham nhũng.
"Nói cách khác chúng ta mới chỉ thu hồi tài sản tham nhũng thông qua bản án hình sự. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử là một quá trình lâu dài, mất nhiều thời gian và kẻ phạm tội kịp thời chuyển tài sản sang cho người thân, gia đình. Trong khi đó chúng ta chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của toàn xã hội nên tài sản có nguồn gốc tham nhũng dễ dàng bị tẩu tán, không thể thu hồi được"- nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học thanh tra phân tích.
Thế Kha
Theo Dantri
Nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm chống tham nhũng của Trung Quốc Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết Thanh tra Chính phủ sẽ nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng mà Trung Quốc đã chia sẻ trong thời gian sắp tới. Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cho biết nghiên cứu, áp dụng các kinh nghiệm trong công tác phòng chống tham nhũng mà...