Sẽ không còn nhắc nhở suông
Từ ngày 10-4, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ thành lập các đoàn kiểm tra lưu động, nếu trường nào còn để hiện tượng học sinh không đội mũ bảo hiểm tham gia giao thông trên xe mô tô, xe máy, xe đạp điện thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm.
Học sinh THPT tham gia giao thông bằng xe đạp điện nhưng không đội mũ bảo hiểm Ảnh: NGỌC TUẤN
Nhiều lý do để không đội mũ
Trước thông tin lực lượng CSGT sẽ xử phạt thay vì nhắc nhở với những học sinh không đội mũ bảo hiểm khi đến trường bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện, không ít phụ huynh tỏ ra lo lắng. “Nhà mình gần trường, chẳng qua là tiện đường bố mẹ đi làm nên chở con đến trường, nếu bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm thì khá phiền toái vì phải mang theo 2, 3 chiếc mũ lỉnh kỉnh ” – chị Nguyễn Thúy Vinh, phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương băn khoăn. Có phụ huynh thì viện lý do mẹ đưa đi, bố đón về, mũ bảo hiểm thì không dám cho con mang vào trường vì sợ mất, hỏng. Như vậy, gia đình sẽ phải sắm 2 chiếc mũ để bố và mẹ đưa đón hàng ngày.
Trước những băn khoăn của phụ huynh, ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng, phụ huynh chưa quan tâm đầy đủ đến việc đội mũ bảo hiểm cho con vì chưa ý thức được rằng chuyện này ảnh hưởng lớn đến an toàn của con em họ. “Tai nạn giao thông không chừa một ai, chẳng ai nói trước được điều gì” – ông Nguyễn Hiệp Thống cảnh báo.
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B khẳng định: “Phụ huynh không nên viện bất cứ lý do gì để không đội mũ bảo hiểm cho con”. Theo bà Phạm Thị Yến, nhà trường đã tuyên truyền nhiều năm nay về việc học sinh bắt buộc đội mũ bảo hiểm vì thấy đây là việc làm thực chất, quan trọng, liên quan đến tính mạng con người. Việc tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, dưới nhiều hình thức như sinh hoạt dưới cờ, tiểu phẩm, thi đố vui, lồng ghép trong các môn học… Với phụ huynh, nhà trường cũng thường xuyên phổ biến qua các cuộc họp. Tuy nhiên, chỉ có nhà trường tuyên truyền thì không đem lại hiệu quả cao vì không phải phụ huynh nào cũng có ý thức tốt. “Chúng tôi đã khảo sát qua phiếu điều tra về tỷ lệ học sinh đội mũ bảo hiểm. Cách đây 2 năm, tỷ lệ này là 40% thì năm vừa rồi tỷ lệ này đã lên gần 75%. Tuy nhiên, để đảm bảo 100% học sinh đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện thì còn phải nỗ lực nhiều”.
Phụ huynh phải giáo dục ý thức tốt cho trẻ từ nhỏ Ảnh: VINH HƯƠNG
Xử phạt học sinh, quy trách nhiệm hiệu trưởng
Ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, Hà Nội sẽ kiên quyết thực hiện yêu cầu 100% học sinh đội mũ khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy, xe đạp điện. Năm nay, việc xử phạt sẽ không chỉ liên quan tới học sinh mà còn quy trách nhiệm cho nhà trường. Trường nào có học sinh bị xử phạt thì sẽ bị trừ điểm thi đua toàn trường và quy trách nhiệm cho hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm.
Video đang HOT
Bà Lý Thị Lương, Hiệu trưởng trường THCS Ngô Sỹ Liên cho biết, trường hoàn toàn ủng hộ chủ trương này và đã yêu cầu phụ huynh, học sinh ký cam kết thực hiện Luật Giao thông từ đầu năm học. Các hình thức xử lý kỷ luật sẽ được nhắc liên tục để nêu gương, tuy nhiên, bà Lý Thị Lương cho rằng, việc kiểm soát học sinh có đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông hay không là rất khó. “Nhà trường chỉ có thể đảm bảo những học sinh có mũ bảo hiểm mới được ra vào cổng trường. Nhưng liệu trên đường các em có đội hay không thì chúng tôi không dám đảm bảo 100%” – bà Lý Thị Lương phân tích.
Về chế tài xử phạt, ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết, 2 đoàn kiểm tra liên ngành của Sở GD-ĐT và cơ quan công an sẽ được thành lập để kiểm tra công tác này từ ngày 1-4. Việc xử phạt sẽ bắt đầu từ 10-4 thay cho hình thức nhắc nhở. Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, nhắc nhở trước toàn trường, hạ hạnh kiểm… không thể vì lỗi này mà đuổi học học sinh nên việc các em có thực hiện đầy đủ hay không phải do ý thức của toàn xã hội. “Việc đội mũ bảo hiểm không chỉ để đảm bảo an toàn cho các em khi tham gia giao thông mà còn là cách thức rèn luyện ý thức tuân thủ pháp luật cho học sinh từ khi còn nhỏ. Phụ huynh nếu chỉ dạy con “không đội mũ sẽ bị công an phạt”, thì mới chỉ là dạy con đối phó. Trong khi đó, điều các con cần là được giáo dục thực hiện đúng pháp luật để hình thành ý thức công dân tốt ngay từ nhỏ” – ông Nguyễn Hiệp Thống nói.
Siết chặt kiểm tra, xử phạt học sinh vi phạm Luật Giao thông
Chiều 30-3, trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, đại diện Phòng CSGT đường bộ – đường sắt CATP Hà Nội cho hay, đơn vị đang gấp rút hoàn tất kế hoạch tăng cường tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố. Phòng CSGT sẽ thành lập các tổ công tác tuần lưu trên đường, kịp thời phát hiện và xử phạt đối với các trường hợp học sinh, sinh viên và nhất là trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Cũng theo đại diện Phòng CSGT, theo quy định, mức phạt đối với học sinh từ 6 tuổi trở lên ngồi trên mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm là 150 nghìn đồng. Quá trình tuần tra kiểm soát, CSGT sẽ sử dụng những thiết bị ghi hình, phạt qua hệ thống camera được lắp đặt trên toàn thành phố. Những trường hợp vi phạm sẽ bị lập biên bản, gửi thông báo đến nhà trường, các bậc phụ huynh để phối hợp tuyên truyền, giáo dục, xử lý. Phòng CSGT cũng khuyến cáo, nhà trường, các bậc phụ huynh cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông tới học sinh. Bản thân các bậc phụ huynh cũng cần nêu cao ý thức chấp hành, làm tấm gương cho con em mình học tập, noi theo.
Theo An Ninh Thủ Đô
Những chính sách có hiệu lực từ tháng 4
Học sinh đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm; sinh viên không được miễn giảm giá vé tàu hoả; hệ thống ATM được cài báo động... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 4.
Cài đặt báo động cho hệ thống ATM
Theo Thông tư 47 của Ngân hàng nhà nước có hiệu lực từ 1/4, để phòng, chống mở cửa, di dời ATM khỏi khu vực đặt máy, đập phá trái phép, các tổ chức cung cấp dịch vụ ATM phải lắp thiết bị cảm biến cho ATM đặt bên ngoài và phải gửi cảnh báo về trung tâm giám sát.
Tổ chức cung cấp dịch vụ ATM có biện pháp kỹ thuật, hành chính để quản lý chặt chẽ hệ thống ATM, phát hiện kịp thời các truy cập bất hợp pháp, sao chép thông tin thẻ hoặc ghi hình các thao tác người sử dụng bất hợp pháp. Dữ liệu nhật ký trên ATM phải được sẵn sàng truy cập trong thời gian tối thiểu 3 tháng và lưu trữ tối thiểu một năm.
Đi xe đạp điện phải đội mũ bảo hiểm
Sở Giáo dục Hà Nội yêu cầu từ 10/4, tất cả học sinh phải đội mũ bảo hiểm (MBH) khi tham gia giao thông trên môtô, xe máy, phương tiện hai bánh chạy bằng điện. Sở sẽ phối hợp Cảnh sát giao thông Hà Nội theo dõi, xử lý các trường hợp vi phạm và sẽ duy trì lâu dài đến khi không còn học sinh vi phạm.
Các đoàn kiểm tra lưu động sẽ đến các trường học, nếu phát hiện học sinh vi phạm, hiệu trưởng trường đó phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở.
Từ 10/4, học sinh phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp, xe máy điện. Ảnh: Phương Sơn.
Tăng trợ cấp cho cán bộ xã già yếu, người có công
Theo Nghị định 09 của Chính phủ, mức trợ cấp hàng tháng của cán bộ xã già yếu nghỉ việc sẽ được tăng 8%. Cụ thể, cán bộ nguyên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã mức trợ cấp sẽ là 1.568.000 đồng/tháng. Đối với cán bộ nguyên là Phó bí thư, Phó chủ tịch, Thường trực Đảng ủy, Ủy viên thư ký UBND, Thư ký HĐND xã, Xã đội trưởng, Trưởng công an xã là 1.512.000 đồng/tháng. Đối với các chức danh còn lại là 1.388.000 đồng/tháng.
Còn theo Nghị định 20, mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi mới là 1.318.000 đồng (tăng 98.000 đồng so với trước).
Cả hai nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/4, tuy nhiên các khoản trợ cấp, phụ cấp ưu đãi quy định tại nghị định này được thực hiện từ 1/1/2015.
Cấm sao chụp nhiều loại văn bản
Theo Nghị định 23 có hiệu lực từ 10/4, những loại bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng để chứng thực bản sao gồm: bản chính bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ; bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung; bản chính đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp.
Bản chính có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân cũng bị cấm sao chụp.
Sinh viên hết được miễn, giảm vé tàu hỏa
Sinh viên sẽ không được miễn giảm khi mua vé tàu hỏa từ 15/4. Ảnh: Bá Đô.
Theo Nghị định 14/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt, có hiệu lực từ ngày 15/4 thì chỉ còn 7 trường hợp được miễn, giảm giá vé tàu hỏa, gồm: người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng; trẻ em dưới 6 tuổi.
Bình ổn giá mặt hàng nông nghiệp
Theo Thông tư liên tịch của liên bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 20/4 sẽ thực hiện bình ổn giá một số mặt hàng nông nghiệp, gồm: phân đạm urê, phân NPK; thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ; văcxin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; thóc, gạo tẻ thường.
Mặt hàng thực hiện kê khai giá gồm: thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm và thủy sản; thuốc tiêu độc, sát trùng, tẩy trùng, trị bệnh cho gia súc, gia cầm và thủy sản. Các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá nói trên không áp dụng biện pháp đăng ký giá.
Ngoài ra, cũng từ tháng 4, nhiều chính sách khác có hiệu lực, như: quy định về hướng dẫn mới về bồi hoàn chi phí đào tạo, quy định báo cáo về lao động thương binh và xã hội, tạm ngừng nhập khẩu lạc nhân Ấn Độ...
Bá Đô
Theo VNE
Học sinh bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện Lực lượng chức năng sẽ nhắc nhở tại các trường học, phê bình giáo viên, cán bộ, học sinh vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm. Ảnh minh họa. Mới đây, các Sở GD-ĐT vừa nhận được kế hoạch tăng cường thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với học sinh năm 2015 của Bộ GD-ĐT. Theo...