Sẽ không có đại án Phạm Công Danh – 9.000 tỷ, nếu…
Câu hỏi ấy là vì sao Phạm Công Danh đã từng có tiền án mà vẫn được bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT VNCB? Trong khi theo quy định, việc bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại là thông qua đại hội cổ đông nhưng phải được phê chuẩn của cơ quan chủ quản cấp trên?
Ngày 9-9 vừa qua, sau gần 2 tháng xét xử đại án tham nhũng gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (Ngân hàng VNCB), Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã tuyên án 30 năm tù đối với bị cáo Phạm Công Danh, sinh năm 1965, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và nhiều mức án thích đáng khác cho 35 đồng phạm, cùng về hai tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động các tổ chức tín dụng”.
Phiên tòa xét xử do Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khép lại với một bản án thích đáng, thế nhưng một câu hỏi vẫn đau đáu trong tôi, nguyên điều tra viên Công an TP Hà Nội với nhiều năm thực tế và kinh nghiệm trong điều tra và tổ chức điều tra nhiều vụ án kinh tế, đặc biệt là các vụ án kinh tế xảy ra trong ngành ngân hàng và cũng là cảm xúc thôi thúc của một nhà báo với gần 20 năm gắn bó với Báo CAND.
Phạm Công Danh tại phiên tòa.
Câu hỏi ấy đến nay vẫn chưa có hồi đáp và cũng là điều mà dư luận xã hội vẫn đang quan tâm chờ đợi, dù bản thân tôi với tư cách là một nhà báo đã nói lên quan điểm của mình và phản ánh dư luận xã hội quan tâm trên Báo CAND về đại án tham nhũng ngay từ rất sớm.
Tôi còn nhớ, vào ngày 26-7-2014, khi đang trong quá trình tác nghiệp, tôi nhận được thông tin có một vụ án tham nhũng gây hậu quả thiệt hại tiền bạc cực lớn, vào loại “động trời” vừa được Cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố, điều tra, bắt tạm giam, đó là Phạm Công Danh.
Tại thời điểm đó, vụ án Phạm Công Danh là một trong những thông tin đắt giá và hầu như chưa báo nào thông tin chi tiết. Với kinh nghiệm từng là một điều tra viên và một nhà báo, sự say mê nghề nghiệp mách bảo tôi có một “linh cảm” về hành tung Phạm Công Danh.
Ngày 30-7-2014, thông qua Cục Hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát Bộ Công an và Công an tỉnh Quảng Ngãi, tôi đã chứng minh được “linh cảm” nghề nghiệp của mình là đúng. Kết quả cho thấy, ngày 19-6-1990, Công an tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố bị can và bắt giam Phạm Công Danh về 3 tội danh, gồm: Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân.
Phạm Công Danh trước đây có thời kỳ làm nghề sản xuất gạch hoa. Mới hơn 20 tuổi, Phạm Công Danh đã có một cơ ngơi lớn. Nhưng đằng sau cơ ngơi làm ăn đó là việc Danh đã biết cách buôn bán lòng vòng để trốn thuế.
Video đang HOT
Nghiêm trọng hơn, lợi dụng pháp nhân và số vốn “ảo”, Danh đã huy động vốn, vay nợ, mua hàng chậm trả để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và công dân. Việc làm ăn bất chính đã bị Công an phát hiện, đến ngày 13-6-1991, Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi đã ra cáo trạng truy tố Phạm Công Danh. Theo đó bản án phúc thẩm của TAND Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Danh 6 năm tù giam, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
Trong quá trình thụ án tại Trại giam Quảng Ngãi, do lao động cải tạo chấp hành nội quy tốt, Trại giam Quảng Ngãi đã đề nghị tha tù trước thời hạn cho ông Danh. Đến ngày 10-3-1997, ông Danh được trả tự do theo Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt tù số 11/GCN của Trại giam Quảng Ngãi do Giám thị Lê Văn Lai đã ký.
Tuy nhiên, theo Nghị định số 59/2009/NĐ-CP ngày 16-7-2009 của Chính phủ ban hành về tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại, Điều 19 – “Những trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ” quy định tại điểm 1, mục c và điểm 2, mục a đối với những người đã từng bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm sở hữu; người đã từng bị kết án về các tội từ tội phạm nghiêm trọng trở lên không được là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc của ngân hàng.
Như vậy, nếu cơ quan chức năng thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm theo quy định của Nghị định nêu trên thì Phạm Công Danh sẽ không thể nắm giữ quyền lực cao nhất tại Ngân hàng VNCB, và sẽ không có một vụ đại án kinh tế, với số thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng cho VNCB.
Theo Đào Minh Khoa
Công an nhân dân
Những sếp lớn ngân hàng vướng lao lý
Với những cáo buộc gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, cựu chủ tịch HĐQT OceanBank, cựu tổng giám đốc Agribank, người đứng đầu Ngân hàng Xây dựng sắp và đang đối mặt với án tù dài đằng đẵng.
Theo cáo buộc của cơ quan điều tra, Hà Văn Thắm (44 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - OceanBank) là chủ mưu trong vụ thâu tóm ngân hàng Đại Tín, với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại lớn.
Theo đó, đầu năm 2012, khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương tái cơ cấu và sáp nhập các ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, do muốn thâu tóm một số nhà băng về OceanBank, Hà Văn Thắm thỏa thuận với bà Hứa Thị Phấn (cổ đông lớn, đại diện nhóm cổ đông của Ngân hàng Đại Tín) về việc chuyển giao Đại Tín.
Hà Văn Thắm được xác định là chủ mưu của vụ thâu tóm Ngân hàng Đại Tín.
Tuy nhiên phát hiện Đại Tín có một số khoản vay lớn cùng nợ xấu ông Thắm không còn muốn "ôm" ngân hàng này và tìm cách "chào bán" lại cho ông Phạm Công Danh (Chủ tịch HĐQT tập đoàn Thiên Thanh). Hai bên thỏa thuận, sau khi hoàn tất thủ tục, ông Danh sẽ tiếp nhận điều hành ngân hàng và đổi tên được thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng (VNCB) thì Thắm sẽ nhận được 800 tỷ đồng tiền môi giới.
Để phi vụ chuyển nhượng thành công, Thắm chuyển cho ông Danh vay 500 tỷ đồng để dùng trả cho nhóm bà Phấn, dưới danh nghĩa hợp đồng cho vay giữa OceanBank và Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung (công ty của ông Danh). Hiện khoản 500 tỷ đồng này không có khả năng thu hồi.
Theo cáo buộc, cựu chủ tịch Thắm còn chỉ đạo chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại gần 990 tỷ đồng...
Ngày 6/10, ông Thắm cùng 15 người dưới quyền là tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc các bộ phận bị truy tố về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng và đại án 9.000 tỷ đồng
Ngày 9/9, sau hơn 50 ngày làm việc, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng - số tiền lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam đã kết thúc. Với những sai phạm trong quá trình tái cơ cấu Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng, ông Phạm Công Danh bị tuyên phạt 30 năm tù.
Ông Phạm Công Danh.
Theo cáo trạng, tháng 5/2013, ông Danh chỉ đạo cấp dưới tạo hồ sơ khống trong việc nâng cấp hệ thống CoreBanking để rút hơn 63 tỷ đồng, nâng tỷ lệ mua sắm tài sản của ngân hàng vượt quá 50% vốn điều lệ, rút tiền trên 5 tỷ đồng mà không báo cáo tổ giám sát.
Giữa năm 2013 và đầu 2014, ông Danh tiếp tục lệnh cho thuộc cấp ký hợp đồng khống thuê hai mặt bằng tại đường Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh để vay hơn 600 tỷ đồng từ VNCB. Số tiền này sau đó được chuyển lòng vòng qua các tài khoản cá nhân rồi rút ra trả nợ cho 6 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và tiền chăm sóc khách hàng.
Theo cáo buộc, ông Danh còn chỉ đạo lập hồ sơ cho nhóm của Trần Ngọc Bích vay tiền bằng hình thức cầm cố sổ tiết kiệm, giải ngân hơn 17.700 tỷ đồng vào tài khoản của Bích tại VNCB. Trong đó hơn 16.260 tỷ đồng đã được chuyển lại vào tài khoản của ông Danh.
Từ cuối năm 2012 đến tháng 3/2014, vì cần tiền trả nợ, chủ tịch Danh đã ký các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu khống, định giá nâng giá các lô đất thuộc sân vận động Chi Lăng và lô đất tại Đà Nẵng lên nhiều lần, làm tài sản đảm bảo vay 5.000 tỷ đồng từ VNCB và bị quy kết gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ.
Đại án nghìn tỷ liên quan Tổng giám đốc Agribank
Chiều 7/1, trong phiên xử vụ án gây thất thoát 2.500 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Agribank chi nhánh Nam Hà Nội, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Phạm Thanh Tân (cựu tổng giám đốc Agribank) án 22 năm tù về hai tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, buộc bồi thường hơn 24 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Bích Lượng (cựu giám đốc Agribank chi nhánh Nam Hà Nội), nhận hình phạt 30 năm tù cho hai tội danh Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 16 bị cáo còn lại lĩnh án từ 30 tháng tù tới 30 năm.
Theo cáo trạng, từ tháng 8/2008 đến tháng 8/2012, bà Lượng khi đương chức giám đốc chi nhánh đã ký đề nghị HĐQT Agribank nâng quyền phán quyết cho vay; ký hợp đồng thế chấp, phê duyệt cho vay đối với Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam, Công ty cổ phần Vietmade, Công ty cổ phần Lifepro Việt Nam sai quy định, gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định, ông Tân trong quá trình điều hành đã ký cho Agribank chi nhánh Nam Hà Nội vay ngoài kế hoạch 75 triệu USD từ tiền của Hội sở Agribank, trái với nghị quyết của HĐQT. Hậu quả, số tiền này đã bị chiếm đoạt thông qua hành vi vi phạm quy định về cho vay của bà Lượng và các đồng phạm.
Ông Tân còn bị cáo buộc ký tờ trình đề nghị nâng quyền phán quyết cho chi nhánh Nam Hà Nội cho vay đối với Công ty Lifepro Việt Nam liên kết nhập khẩu nguyên liệu phục vụ Dự án Dệt - Nhuộm - May của Công ty Enzo Việt. Điều này khiến ngân hàng bị thiệt hại thêm hơn 306 tỷ đồng.
Phan Xâm
Theo VNE
Đại án Phạm Công Danh Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm? Chuyên gia pháp lý Đinh Văn Quế có kiến nghị trước khi có quyết định xử phúc thẩm đại án VNCB. Với tư cách là một cử tri, ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, tác giả hàng loạt bộ sách, giáo trình về pháp luật hình sự được coi là cẩm nang của những người học tập,...