Sẽ hết cảnh con đói sữa, mẹ thì vắt bỏ…
Con 4 tháng tuổi phải uống sữa ngoài vì mẹ đi làm là tình cảnh chung của lao động nữ… Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ-Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) đã chia sẻ quan điểm về việc nâng thời gian nghỉ sinh của lao động nữ lên 6 tháng.
Đó là một trong nhiều nguyên nhân mà Bộ Lao động – thương binh và xã hội sẽ trình dự thảo vào kỳ họp quốc hội tháng 10 tới để thai phụ được nghỉ 6 tháng sau sinh con.
Ông Nguyễn Trọng An, Cục phó Cục Bảo vệ – Chăm sóc trẻ em
Thưa ông, lý do gì để Bộ lao động, thương binh – xã hội đưa ra dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi, trong đó có chính sách nâng thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng sau sinh?
Trong công ước quốc tế, quy định rõ trẻ em được quyền được hưởng nguồn sữa mẹ và được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ. Nhà nước Việt Nam, Bộ Y tế cũng thực hiện khuyến cáo của WHO, khuyến khích các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khuyến cáo như vậy nhưng lại chỉ cho thai phụ nghỉ 4 tháng sau sinh thì làm sao họ có thể thực hiện được khuyến cáo này. Trẻ mất quyền được hưởng nguồn sữa mẹ. Và thực tế, ở Việt Nam chỉ gần 18% bà mẹ cho con bú được 6 tháng.
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền của trẻ là được hưởng nguồn sữa mẹ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ cũng như thai phụ.
Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Việt Nam là một trong 16 nước có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới. Trẻ VN vừa ngắn, vừa gầy gò. So với các nước, người Việt thấp và bé. Trong khi đó, trẻ được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vừa giảm nguy cơ suy dinh dưỡng, giảm nguy cơ nhiễm bệnh giảm các bệnh chuyển hóa sau này như béo phì, tim mạch, đột quỵ, ung thư, đái đường…
Còn bà mẹ được nghỉ hoàn toàn 6 tháng sau đẻ thì khả năng tái sản xuất sau này là rất cao do đã khỏe khoắn, bớt ốm yếu sau đẻ.
Video đang HOT
Thực tế, việc không được nghỉ thai sản 6 tháng đã phát sinh nhiều vấn đề như người mẹ đi làm không yên tâm, rồi khi con đau ốm phải nghỉ không lương… Việc kéo dài thời gian nghỉ thai sản cho người mẹ có khắc phục triệt để được những vấn đề này không, thưa ông?
Bộ giáo dục cũng đã có quy định các trường phải nhận trẻ 3 tháng tuổi (nhưng đến nay không có cơ sở nào thực hiện được vì không đủ điều kiện. Còn tại các công trường, xí nghiệp, nhà máy thì hầu như đều không có nhà trẻ bên cạnh. Em bé mới 4 tháng tuổi phải bỏ ở nhà cho mẹ đi làm. Mà tại nơi làm việc lại không có phòng cho trẻ bú, đó là sự thiệt thòi cho cả người mẹ và em bé. Còn sau 6 tháng, em bé đã cứng cáp hơn, việc chăm sóc cũng dễ dàng hơn. Như vậy việc chăm sóc trẻ trong thời kỳ này của hệ thống nhà trẻ mẫu giáo gần như là không thể thực hiện.
Ở các nước, nếu không được nghỉ 6 tháng thì nơi làm việc luôn có nơi cho trẻ bú. Ngay các cơ quan nước ngoài đóng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn, người ta cho phép mang trẻ tới cơ quan để bú mẹ nhưng ở các cơ quan khác thì không có quy định như vậy, nếu có mang đến thì cũng không có nơi cho trẻ bú.
Được bú mẹ là quyền của trẻ em và nó mang lại lợi ích về sức khỏe cũng như kinh tế cho cả mẹ và bé. Ảnh: H.Hải
Nếu dự thảo sửa đổi này được đồng ý, ông cho rằng mang lại hiệu quả gì với cả sản phụ và em bé? Ngoài ra, việc nghỉ ở nhà cũng có nghĩa thêm 2 tháng lương được hưởng từ BHXH rất thấp, liệu họ có thể ổn định cuộc sống?
Tôi xin khẳng định, không chỉ được về mặt sức khỏe, y tế mà còn được cả về kinh tế. Vì qua khảo sát 70% lao động nữ thu nhập từ 2 – 2,5 triệu/tháng. Theo tính toán của chúng tôi, nếu dành tiền chỉ riêng cho việc mua sữa mỗi tháng mất từ 1,7 – 2 triệu/tháng, chưa kể chi phí thuê người chăm sóc cũng vậy. Trong khi đó, thu nhập như vậy, liệu có đảm bảo. Mà chua xót nhất là tình trạng bà mẹ ở cơ quan thì bầu vú căng tròn, phải vắt bỏ cho đỡ đau tức thì ở nhà, con phải uống sữa ngoài.
Hơn nữa, việc nghỉ 6 tháng tạo thuận lợi cho người mẹ. Vì con nhỏ, hay ốm đau sau 4 tháng do đó nếu muốn nghỉ thêm là phải nghỉ không lương.
Chỉ có cái làm thế nào họ nghỉ ở nhà 6 tháng đảm bảo cho cuộc sống như thế nào vì phúc lợi xã hội thấp. Những nước khác họ nghỉ 3 tháng nhưng quyền lợi bà mẹ, trẻ em, hỗ trợ nhà nước rất cao.
Ông đánh giá như thế nào về sự đồng thuận của cộng đồng với dự thảo sửa đổi này?
Tôi nghĩ rằng, vì quyền lợi của trẻ em và phụ nữ, các đại biểu đều mong muốn kéo dài thời gian nghỉ thai sản. Mới đây, chúng tôi cũng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến sửa đổi luật ở cả hai miền Nam – Bắc thì gần như 100% đại biểu đều đồng tình. Chỉ có một số rất ít đại biểu còn lo ngại bởi cho rằng việc tăng thời gian nghỉ thai sản sẽ khiến BHXH không chi trả nổi, lo ngại doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ sẽ gặp khó khăn…
Về vấn đề này, chúng tôi đã mời các chuyên gia BHXH tới bàn bạc và họ khẳng định, nếu luật lao động được chỉnh sửa, thai phụ nghỉ 6 tháng thì quỹ bảo hiểm vẫn được đảm bảo.
Với các doanh nghiệp, chúng tôi vừa phối hợp làm nghiên cứu d0anh nghiệp lớn ở tất cả nước, thấy dư luận như vậy nhưng các doanh nghiệp không phản đối, họ sẵn sàng ủng hộ vì quyền lợi người phụ nữ, họ cam kết thực hiện những việc này. Còn nếu chị em phụ nữ nào mong muốn đi làm sớm, nếu được các cơ quan y tế chứng nhận đủ sức khỏe, đủ khả năng… vẫn có thể đi làm sớm hơn thời gian cho nghỉ.
Trong dự thảo này cũng quy định, thai phụ phải nghỉ ít nhất 1 tháng hoặc 2 tuần trước đẻ để đảm bảo sự an toàn cho thai nhi. Chứ như tình trạng tắc đường tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, có những trường hợp cách cổng bệnh viện 100m nhưng vẫn phải đẻ ngay trên taxi.
Song song đó phải có chính sách cho đối tượng không phải công chức, cho bà mẹ nông nghiệp vì họ không phải nghỉ đẻ 6 tháng như những người làm công ăn lương nhưng cũng cần được hỗ trợ để nuôi con tốt hơn.
Theo lộ trình, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm. Nếu nhận được sự ủng hộ thì tại kỳ họp đầu năm 2012, dự luật sẽ được thông qua.
Hải Hà (thực hiện)
Theo dân trí
Lao động nữ luôn chịu thiệt thòi
Lao động nữ phổ thông do nhiều yếu tố đã phải chịu thiệt thòi, làm việc với cường độ cao, nặng nhọc, độc hại... Tại Hội thảo "An toàn vệ sinh lao động đối với nữ lao động phổ thông" do Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam mới đây đã đặt ra vấn đề này.
Tai nạn, độc hại rình rập
Đánh giá về cường độ lao động nữ phổ thông hiện nay, TS Nguyễn Thế Công, Phó Viện trưởng Viện Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) lấy dẫn chứng, vụ tai nạn lao động nghiêm trọng sập lò gạch đầu năm 2008 tại thôn Cổ Châu, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây (cũ). Các nữ nhân công đang làm việc thì bất ngờ bốn bức tường xếp thêm phía trên mái lò đổ sập. 5 người chết tại chỗ, 1 người chết trên đường đi cấp cứu, 4 người bị thương. Tất cả nạn nhân đều là phụ nữ, họ là những người mẹ, người vợ tuổi đời chưa đến 40.
Hiện nay, các làng nghề khác cũng không kém phần nguy hiểm đối với lao động nữ. Làng nghề tái chế chì tại Hưng Yên, theo khảo sát của địa phương này, nồng độ chì trong không khí vượt quá hàng nghìn lần tiêu chuẩn cho phép. Hay, làng nghề đúc đồng và nấu chì truyền thống tại Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, người dân làm nghề nấu chì tái chế từ các loại phế liệu bình ắc quy hỏng bằng phương pháp thủ công. Theo trạm y tế xã này, 80% dân trong làng nấu chì mắc các loại bệnh viêm phổi, loét hành tá tràng, thậm chí ung thư, trong đó trẻ em, thiếu niên chiếm 60%. Còn tại Hà Nội, làng nghề Triều Khúc, Tân Triều, mọi không gian, khoảng trống sân, vườn, đường làng, ô đất trống của nghĩa địa... đều có lông gà, lông vịt bao phủ.
Môi trường lao động tác động lớn đến sức khỏe phụ nữ
Thu nhập thấp
Tại các khu đô thị, nghề giúp việc gia đình đã phát triển với đủ các nghề như: chăm sóc người ốm, chăm sóc ở bệnh viện, chăm trẻ nhỏ, đưa trẻ đi học... Theo nghiên cứu của Viện Bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), nữ lao động phổ thông ở các vùng nông thôn ra thành phố làm việc theo quan hệ thỏa thuận, không theo qui định giờ giấc, không có chế độ bảo hiểm y tế, nhiều trường hợp bị chủ nhà ngược đãi hoặc lạm dụng.
Riêng đối với nữ lao động trong các doanh nghiệp, theo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hầu hết các doanh nghiệp đều có nhà xưởng tương đối rộng rãi, được trang bị hệ thống thoát khí, ánh sáng tương đối đảm bảo, có một số doanh nghiệp tuân thủ việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy đa số những doanh nghiệp này trang bị máy móc lạc hậu, khí nóng, tiếng ồn lớn, độ rung cao. Tại 34 doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động cho biết tại đây có khoảng 56,2% làm việc trong môi trường tiếng ồn, rung 55% nóng, bụi 24,6% có chất độc 12,9% công việc nặng nhọc.
Khó tìm sự bình đẳng so với nam giới
PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường, Giới vì Phát triển cộng đồng cho rằng, Việt Nam là một trong các nước có tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao nhất trên thế giới (chiếm 48,6% lực lượng lao động cả nước) và tỷ lệ nữ (độ tuổi 15-60) tham gia vào hoạt động kinh tế xấp xỉ bằng nam giới. Phụ nữ tập trung quá nhiều ở các công việc phổ thông với mức lương thấp, đặc biệt trong các khu vực tư nhân, phụ nữ ít có cơ hội nâng cao tay nghề, do vậy, họ phải làm những công việc được trả lương thấp.
Để tìm giải pháp cho nữ lao động phổ thông lại không hề đơn giản. Phụ nữ do phải mang thai và sinh con, nuôi con, sức khoẻ bị giảm sút, thời gian làm việc phải gián đoạn, ảnh hưởng tới sự thăng tiến trong nghề nghiệp. Mặt khác, do nhận thức chưa đúng đắn trong quan niệm xã hội, thường cho rằng phụ nữ phải làm các công việc nội trợ, chăm sóc chồng con, bố mẹ và người già... vì vậy, tuy thời gian làm việc của lao động nữ thường dài hơn nam giới nhưng lại thiếu thời gian để học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghề nghiệp.
Theo Huệ Chi