Sẽ hạ tiêu chuẩn “giỏi ngoại ngữ” của thứ trưởng
Trao đổi với PV, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Trung thừa nhận tiêu chuẩn về ngoại ngữ với thứ trưởng là quá cao, song đây mới là dự thảo lần đầu, sẽ sửa ngay cho phù hợp.
Bộ Nội vụ vừa ra dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước để xin ý kiến nhân dân. Xin ông giải thích việc dự thảo đặt ra tiêu chuẩn về ngoại ngữ rất cao. Chính Bộ trưởng GD-ĐT cũng thừa nhận dạy và học ngoại ngữ ở nước ta còn nhiều bất cập, chưa đạt chuẩn, vậy đặt ra tiêu chuẩn này có phải là “đánh đố” quá không?
Thực ra đây là dự thảo lần đầu, cho nên không khỏi còn nhiều khiếm khuyết, hoặc có điểm chưa phù hợp và đang được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, đăng trên trang tin điện tử của Bộ Nội vụ để xin ý kiến nhân dân.
Chúng tôi rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo.
Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Trung. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tiêu chuẩn về ngoại ngữ nêu ra trong dự thảo có thể là yêu cầu quá cao so với thực trạng trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay. Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ GD-ĐT để xác định mức tiêu chuẩn ngoại ngữ cho phù hợp với thực tế nhưng cũng phải bảo đảm được yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, quản lý ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay và lâu dài. Chúng tôi sẽ điều chỉnh ngay cho phù hợp.
Dự thảo đưa ra những tiêu chuẩn như có tinh thần yêu nước sâu sắc, tận tụy phục vụ nhân dân, vậy những tiêu chuẩn này sẽ được đánh giá như thế nào, dựa trên các tiêu chí nào?
Những tiêu chuẩn liên quan đến tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân là sự kế thừa quy định hiện nay đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trước đây, hiện nay và trong thời gian tới, người lãnh đạo, quản lý đều phải và luôn luôn phải có tinh thần yêu nước, tận tụy phục vụ nhân dân.
Các tiêu chuẩn này phải được thể hiện thông qua các tiêu chí như: kết quả, thành tích đã đạt được, sự tận tâm, tận lực giải quyết các yêu cầu của nhân dân, như Bác Hồ đã nói: “Những gì có hại cho dân thì hết sức tránh, những gì có lợi cho dân thì hết sức làm”, là không gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ… Đó cũng chính là đạo đức công vụ.
Dự thảo nghị định cũng đặt ra các tiêu chuẩn như đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp, có lý luận chính trị cao cấp… Xét nền hành chính của nước ta hiện nay, để đạt những tiêu chuẩn này không thể không mất thời gian, vậy có phải là trở ngại đối với những người trẻ tuổi không?
Video đang HOT
Đây là các tiêu chuẩn được xây dựng không phải chỉ để phục vụ cho việc bổ nhiệm, mà còn để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch nguồn cán bộ và bản thân cán bộ, công chức phấn đấu, đạt tiêu chuẩn. Qua đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả, phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Đối với những người trẻ tuổi thì sẽ không có trở ngại gì vì cơ quan có thẩm quyền quản lý phải có trách nhiệm tạo điều kiện để hoàn thành đủ các tiêu chuẩn quy định. Mặt khác, chính các quy định này còn tạo động lực cho lớp trẻ phấn đấu tự khẳng đinh mình.
Là cơ quan soạn dự thảo này, Bộ Nội vụ có liên hệ thực tế ngay trong cơ quan mình để đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp và khả thi không?
Khi xây dựng dự thảo này, chúng tôi cũng phải tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung cũng như nghiên cứu yêu cầu của đất nước trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương và các nhà khoa học, nhà quản lý đóng góp cho dự thảo luôn được chúng tôi quan tâm nghiên cứu và tiếp thu để hoàn thiện.
Bộ Nội vụ cũng đang chuẩn bị tổ chức một số cuộc hội thảo để trao đổi, thảo luận về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau để hoàn thiện, bảo đảm tính khả thi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều ý kiến phản biện của các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học và nhân dân để hoàn thiện dự thảo.
Theo VNN
Thứ trưởng phải đạt ngoại ngữ bậc 6: Không thuyết phục, thiếu thực tế!
"Dự thảo Thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc đạt trình độ cao cấp bậc 6 là các tiêu chí cứng nhắc về ngoại ngữ để bổ nhiệm, e rằng không thuyết phục, thiếu tính thực tế...".
Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục đã nhận định như vậy khi Bộ Nội vụ vừa ra dự thảo nghị định về tiêu chuẩn chức danh quản lý của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, để xin ý kiến nhân dân.
Theo đó, dự kiến chức danh thứ trưởng phải đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu như: đang giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc các chức danh tương đương trở lên, đã tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình quản lý hành chính nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp, phải tốt nghiệp các khóa đào tạo, bồi dưỡng chương trình lý luận chính trị cao cấp.
Đặc biệt về trình độ ngoại ngữ, thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất 1 ngoại ngữ thông dụng như Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, trình độ cao cấp bậc 6, hoặc sử dụng được tiếng Lào, Campuchia hoặc tiếng dân tộc thiểu số. Thứ trưởng cũng phải có thời gian từ 3 năm trở lên đảm nhiệm chức vụ tổng cục trưởng. Các tiêu chuẩn này cũng được áp dụng với các chức danh tổng cục trưởng, vụ trưởng cấp bộ và giám đốc sở.
Bậc 6 ngoại ngữ là trình độ tương đương với trình độ sử dụng ngôn ngữ của người bản ngữ được đào tạo bài bản.
Tiêu chí không thuyết phục!
TS Ngô Tự Lập, khoa Quốc tế - ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Khi xem quyết định đó người ta sẽ đặt luôn câu hỏi đầu tiên, tại sao Thứ trưởng lại có cái bằng ngoại ngữ như thế mà không phải tất cả. Tôi thấy dự thảo này không thuyết phục".
Theo TS Lập, xây dựng một bộ máy phải đồng bộ vào việc nâng cấp chất lượng chuyên môn, khả năng hội nhập của cán bộ phải là cả bộ máy chứ không riêng gì thứ trưởng. Đặc biệt, càng lên cao, các yêu cầu có tính chất kỹ thuật càng nên giảm bớt vì càng lên chức cao thì người đó sẽ trở thành lãnh đạo và có thể trở thành lãnh tụ.
Những người này, năng lực về ngoại ngữ nếu có được là tốt nhưng điều cần ở họ là tầm nhìn, khả năng quản lý, khả năng dùng người. Trong đó, có khả năng dùng người biết ngoại ngữ trong quan hệ quốc tế. Tôi nghĩ ở mức tầm cao đó, việc đòi hỏi như thế sẽ bị thiên lệch. Có rất nhiều người có năng lực lãnh đạo thực sự và cả chuyên môn sẽ bị loại ra khỏi vị trí đó, chỉ vì 1 cái năng lực ngoại ngữ, như vậy sẽ không phù hợp.
TS lập phân tích, với mức độ ngoại ngữ đó, giả sử cấp Thứ trưởng cần năng lực ngoại ngữ như yêu cầu thì liệu chúng ta có đào tạo được những người thứ trưởng đạt trình độ ngoại ngữ đó không, trừ khi thứ trưởng đã ở vùng đó rồi. Vì 1 - 2 năm không thể đào tạo đạt trình độ cấp 6 (C2 khung chiếu Châu Âu) được. Ngay cả giáo viên dạy ngoại ngữ ở bậc phổ thông hoặc đại học cũng chưa đạt trình độ C2. Đa số giáo sư của mình hiện nay cũng không đạt được trình độ đó.
Thậm chí, ngay cả những người làm về mặt học thuật cũng chưa đạt được trình độ C2 như vậy. Cớ gì những nhà quản lý ví dụ như Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp hay Tổng Cục trưởng nghề cá có nhất thiết phải đạt trình độ ngoại ngữ như thế không, trong khi họ có thể dùng phiên dịch.
"Tôi nghĩ trong thời gian ngắn không đào tạo được người có trình độ ngoại ngữ như vậy. Khả năng để tất cả các thứ trưởng ở các bộ máy có trình độ ngoại ngữ như vậy còn lâu mới đạt được", TS Lập nhận định.
TS Lập cho rằng, nếu đòi hỏi trình độ ngoại ngữ như vậy thì không nên đòi hỏi theo trình độ Việt Nam, tiêu chí cấp độ 6 của Bộ GD-ĐT quy định, hơn nữa, thi trong nước sẽ nảy sinh tiêu cực mua bán bằng giả, nảy sinh tham nhũng về lĩnh vực học thuật. Giả sử vẫn cần phải yêu cầu ngoại ngữ thì chúng ta không nên cần đến cấp độ 6 mà nên quy định theo theo TOEIC, TOEFL, IELTS. Bên cạnh đó, nếu thực hiện quy định này phải có lộ trình dài hạn để người dự tuyển có thời gian chuẩn bị.
Những tiêu chuẩn cứng nhắc có thể làm mất cơ hội thăng tiến!
Đồng quan điểm với TS Lập, ông Lê Quốc Hạnh, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho biết: "Tôi hoan nghênh việc đánh giá vai trò quan trọng của ngoại ngữ trong công tác quản lý, điều hành, đối ngoại, hoạch định chính sách của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đặc biệt là đối với cán bộ cao cấp".
Tuy nhiên, ông Hạnh cho rằng, nếu đưa ra các tiêu chí cứng nhắc về ngoại ngữ để bổ nhiệm thì e rằng không thuyết phục, thiếu thực tế.
Ông Hạnh dẫn giải, để đạt được trình độ ngoại ngữ ở cấp độ 6/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 24/1/2014, tương đương cấp độ C2 theo Khung tham chiếu chung Châu Âu. Về ngôn ngữ, thì người sử dụng ngoại ngữ có thể hiểu một cách dễ dàng hầu hết văn nói và viết; có thể tóm tắt các nguồn thông tin nói hoặc viết, sắp xếp lại thông tin và trình bày lại một cách logic; có thể diễn đạt tức thì, rất trôi chảy và chính xác, phân biệt được các ý nghĩa tinh tế khác nhau trong các tình huống phức tạp. Đây là trình độ tương đương với trình độ sử dụng ngôn ngữ của người bản ngữ được đào tạo bài bản. Đạt được trình độ này quả là rất khó, thậm chí đối với các giáo viên chuyên ngữ!.
"Theo tôi, bổ nhiệm cán bộ cần đảm bảo hai tiêu chuẩn quan trọng nhất là "vừa hồng vừa chuyên", như Bác Hồ đã dạy, nghĩa là phải có đủ phẩm chất cách mạng, chí công vô tư, và giỏi về chuyên môn. Hai tiêu chuẩn này chủ yếu được đánh giá thông qua sự tín nhiệm của đồng nghiệp, qua đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan quản lý và ý kiến của công luận.
Việc xây dựng các tiêu chí bổ nhiệm cán bộ cần đi theo hướng lượng hóa hai tiêu chuẩn này là chính - một việc rất khó, không nên đưa ra những tiêu chí hình thức, thiếu thực tế, không khả thi. Những tiêu chuẩn cứng nhắc có thể làm mất cơ hội thăng tiến cho những người tâm huyết và có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác", ông Hạnh chia sẻ.
Theo ông Hạnh, tiêu chí về trình độ ngoại ngữ nên được đưa ra như một điều kiện có thể thực hiện được khi cần bổ nhiệm một vị trí có nhiều ứng viên xứng đáng, tương đương nhau ở các tiêu chí cơ bản khác đối với công chức. Việc khuyến khích về năng lực ngoại ngữ cũng na ná như việc cộng điểm cho các đối tượng ưu tiên trong tuyển sinh đại học vậy.
Về phía mặt học thuật trình độ ngoại ngữ C2 theo khung chiếu châu Âu, ông Jacques Gilles Souliere - Giám đốc học vụ Trung tâm Anh ngữ GLN cho biết: "Nhìn chung, sẽ mất trên dưới 1 năm để học tốt Tiếng Anh lên đến trình độ C2. Điều này bao gồm từ 9 đến 12 tiếng 1 tuần học cùng với giáo viên cộng với thời gian tương đương như vậy dành cho việc làm bài tập về nhà. Một yếu tố cực kỳ quan trọng khác là khả năng một người có thể tiếp thu nhanh tới cỡ nào đối với ngôn ngữ. Đối với 1 số người có năng khiếu, họ sẽ học dễ dàng hơn rất nhiều so với những người không có năng khiếu. Tuổi tác cũng là một yếu tố quyết định đến việc tiếp thu này (tuy còn gây tranh cãi) nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là sự quyết tâm và cam kết (commitment) với việc học. Khoảng thời gian mà họ dành cho việc học chắc chắn sẽ quyết định việc họ thành công sớm hay không. Một yếu tố quan trọng khác là môi trường. Những người Việt mà tôi biết có khả năng dùng ngôn ngữ tiếng Anh rất tốt, ví dụ như các thầy cô giáo dạy ở các trường đại học đều có quãng thời gian ở nước ngoài.
Hồng Hạnh
Theo Dantri
"Sửa tuổi nghỉ hưu không là giải pháp duy nhất ổn định quỹ BHXH" "Nói việc sửa tuổi nghỉ hưu không liên quan đến đảm bảo quỹ là không đúng. Vì thời gian đóng tăng lên sẽ góp phần ổn định quỹ BHXH. Song về mức độ thì đó không phải là giải pháp duy nhất", Bộ Trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao đổi. Ngày 16/6, bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao...