Sẽ có thêm bị can mới trong vụ bầu Kiên?
Ngày 9/1, TAND TP.Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ vụ án kinh tế xảy ra tại ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB), doanh nghiệp (còn gọi là vụ “bầu” Kiên) để điều tra.
“Bầu” Kiên và vợ trong một hoạt động từ thiện.
Những trò ma thuật của “bầu” Kiên
Theo đó, Tòa yêu cầu điều tra, bổ sung thêm một số chứng cứ, tài liệu, tình tiết liên quan tới việc xác định tính chất, mức độ hành vi vi phạm của các bị can và một số người liên quan khác nhằm đảm bảo căn cứ cho quá trình giải quyết vụ án được đúng đắn, khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Theo cáo trạng trước đó, Nguyễn Đức Kiên (SN 1964) là Chủ tịch Hội đồng đầu tư ngân hàng ACB từ năm 2003 đến tháng 8/2012; là Chủ tịch HĐQT ngân hàng này nhiệm kỳ 1994-2008. Vào năm 2007, “bầu” Kiên đã đề nghị HĐQT ngân hàng thành lập Hội đồng sáng lập ngân hàng ACB và giữ chức danh Phó Chủ tịch. Mặc dù không được ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với chức danh này và là đại diện cho nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ của ngân hàng, Nguyễn Đức Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành của ngân hàng ACB.
Ngoài ra, “bầu” Kiên còn thành lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT/Hội đồng thành viên của 6 công ty gồm công ty cổ phần Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Thiên Nam; công ty cổ phần Đầu tư thương mại B&B (B&B); công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Á Châu (AFG); công ty cổ phần đầu tư ACB Hà Nội (ACBI); công ty cổ phần Đầu tư Á Châu (ACI) và công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội (ACI-HN). Nguyễn Đức Kiên trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động của các công ty này. Với quyền lực trong tay tại ACB và ở 6 công ty của mình, “bầu” Kiên đã “hô mưa gọi gió”, thực hiện việc kinh doanh trái phép hàng chục nghìn tỷ đồng và nhiều hành vi phạm tội khác.
Liên quan đến vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng này, VKSND Tối cao cũng truy tố 6 bị can khác, trong đó có 4 người nguyên là lãnh đạo ngân hàng ACB gồm: Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB; 4 người này đều bị truy tố về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai bị can Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến, là Giám đốc và Kế toán trưởng công ty CP đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cơ quan chức năng xác định, tổng số thiệt hại do các bị can trên gây ra trong vụ đại án này là gần 1.700 tỷ đồng.
Vợ và em gái ở đâu, khi “bầu” Kiên phạm tội?
Việc TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ vụ “bầu” Kiên đã dấy lên trong dư luận một câu chuyện không mới, vốn đã được nhắc đến trong giai đoạn đầu của quá trình điều tra: Vợ và em gái ở đâu, khi “bầu” Kiên phạm tội bởi cả hai đều ít nhiều để lại “dấu chân” trong các phi vụ kinh doanh vàng trái phép của người đàn ông này.
Cụ thể, theo thông tin PV tìm hiểu được, vợ “bầu” Kiên là bà Đặng Ngọc Lan. Trước khi chồng sa cơ, bà Lan là Tổng giám đốc đầy quyền lực của Công ty B&B, nơi Nguyễn Đức Kiên đã dùng để thực hiện một loạt các hoạt động kinh doanh trái phép, còn Nguyễn Thúy Hương, em gái Kiên, cũng là cổ đông sáng lập.
Năm 2009, sau khi thu được tổng số tiền lãi hơn 100 tỷ đồng từ việc thực hiện hợp đồng kinh doanh vàng với ngân hàng ACB, theo chỉ đạo của chồng, bà Lan với tư cách là đại diện Công ty B&B đã ký hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính với Nguyễn Thúy Hương để chuyển cho Hương lần thứ nhất là hơn 78 tỷ đồng. Sau đó công ty B&B và Hương chỉ ký xác nhận khoản lợi nhuận với nhau là hơn 31 tỷ đồng. Thông qua việc ký hợp đồng này, bà Lan đã giúp cho “bầu” Kiên chuyển toàn bộ lợi nhuận doanh nghiệp thu được là hơn 100 tỷ đồng sang cho cá nhân bà Hương. Qua đó đã giúp Kiên thực hiện hành vi trốn thuế thu nhập doanh nghiệp với số tiền khoảng 25 tỷ đồng.
Video đang HOT
Thế nhưng, trong quá trình làm việc với cơ quan công an, bà Lan khai rằng có ký các hợp đồng ủy thác và phân chia lợi nhuận giữa công ty B&B với Nguyễn Thúy Hương, nhưng trong thời điểm ký đang chuẩn bị sinh con nên không biết gì về việc kinh doanh vàng của công ty B&B. Mọi việc đều do “bầu” Kiên chỉ đạo và trực tiếp thực hiện. Còn bà Nguyễn Thúy Hương cũng khai nhận, tất cả đều do Kiên chỉ đạo, bà chỉ “làm giúp” và không tư lợi, số tiền được chuyển qua cũng trả về cho Kiên, cũng không tham gia vào quá trình kinh doanh.
Trước những lời khai đó và bản thân “bầu” Kiên cũng nhận hết trách nhiệm về mình, để đảm bảo tính nhân đạo của pháp luật, cơ quan điều tra quyết định không khởi tố 2 người phụ nữ này.
Sẽ xuất hiện bị can mới?
Luật sư Vi Văn Diện (Giám đốc công ty Luật Thiên Minh, Hà Nội) đã đưa ra quan điểm cá nhân xung quanh động thái “trả hồ sơ để điều tra bổ sung” của TAND TP.Hà Nội.
Luật sư Diện cho biết: “Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một hoạt động tố tụng thường gặp, sẽ xảy ra khi vụ án xuất hiện các tình tiết mới hoặc vi phạm nghiêm trọng luật tố tụng”.
Theo lời vị luật sư đoàn Hà Nội, tại Thông tư liên tịch “Hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung” đã quy định rõ các trường hợp sẽ phải trả hồ sơ, gồm: Xuất hiện những chứng cứ quan trọng mà nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật; Có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác và có căn cứ để cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác.
Trong đó, tòa án sẽ trả hồ sơ khi chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy hành vi của bị can (bị cáo) đã thực hiện cấu thành (có căn cứ để khởi tố) một hay nhiều tội khác. Hoặc ngoài bị can (bị cáo) đã bị truy tố, chứng cứ trong hồ sơ vụ án cho thấy, còn có người đồng phạm khác hoặc có người phạm tội khác liên quan đến vụ án, nhưng chưa bị khởi tố bị can.
“Cùng với vụ án tham nhũng ở Vinalines, đây cũng là một trong những “vụ đại án về kinh tế” của nước ta được dư luận theo sát từng diễn biến nhỏ nhất. Ngày 7/1, Dương Chí Dũng đã gây chấn động khi trong phiên tòa xử em trai mình mới khai rằng có người mật báo cho mình bỏ trốn khiến TAND TP.Hà Nội phải ra quyết định khởi tố vụ án “làm lộ bí mật Nhà nước”. Rất có thể các cơ quan tố tụng không muốn lặp lại sự việc hi hữu này thêm một lần nữa. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi điều tra bổ sung, vụ án bầu Kiên sẽ xuất hiện thêm các bị can mới bị khởi tố”, luật sư Diện bày tỏ quan điểm.
Theo Xahoi
Điều tra lại vụ án bầu Kiên: Sẽ khởi tố và truy tố thêm bị can?
Chỉ sau hơn 20 ngày tiếp nhận hồ sơ (ngày 18-12-2013), mới đây, TAND TP Hà Nội đã quyết định hoàn trả hồ sơ vụ án Nguyễn Đức Kiên cùng đồng phạm cho cơ quan truy tố để làm rõ vai trò của một số cá nhân liên quan.
Điều đáng nói là CQĐT từng có quan điểm xử lý đối với những cá nhân này trước pháp luật, song không được chấp thuận.
Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng
Làm trái quy định để giảm thiệt hại
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) được thành lập từ năm 1993 và lần thay đổi giấy phép kinh doanh gần đây nhất là tháng 9/2011 với người đại diện theo pháp luật là Tổng giám đốc - Lý Xuân Hải.
Trước đó vào năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chuẩn y việc bầu các chức danh trong HĐQT của ACB, nhiệm kỳ 2008 - 2012 với các thành viên gồm: Trần Xuân Giá - Chủ tịch HĐQT; Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra các thành viên còn có Lý Xuân Hải, Huỳnh Quang Tuấn và một số cá nhân khác. Trong số ấy, thường trực của HĐQT gồm có Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang và Lý Xuân Hải.
Trong quá trình hoạt động, ngày 22/3/2010, thường trực HĐQT ACB đã triệu tập một cuộc họp trong đó có nhiều ban bệ và đại diện Hội đồng sáng lập là Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó chủ tịch HĐQT để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân cư để tránh thua lỗ.
Tại cuộc họp này, Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo không được làm giảm tổng tài sản của ACB và không chấp thuận giảm lãi suất huy động. Trên cơ sở đó, Lý Xuân Hải đưa ra "sáng kiến" sẽ ủy thác cho nhân viên mang tiền của ngân hàng đi gửi vào các ngân hàng khác để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, lại vừa được hưởng "hoa hồng", khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng. Nguyễn Đức Kiên lập tức hưởng ứng và "lái" thường trực HĐQT ACB nhất trí, tán thành.
Chính vì vậy mà hầu hết các thành viên dự cuộc họp đó đã thống nhất và cùng ký tên vào biên bản với nội dung: "Đồng ý việc ủy thác cho các nhân viên để gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng. Giao TGĐ kiểm soát hạn mức tiền gửi tại các tổ chức tín dụng".
Thực hiện chủ trương trên, từ ngày 27/6 đến 5/9/2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và ủy quyền cho kế toán trưởng thực hiện việc ủy thác hơn 718 tỷ đồng cho 19 nhân viên của ACB gửi tiền tiết kiệm vào Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Theo đó, lãi suất trong các hợp đồng tín dụng được các bên xác định là 14%/năm ghi trong hợp đồng, còn lãi ngoài hợp đồng từ 3,7-13%/năm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền gửi này đã nhanh chóng bị Huỳnh Thị Huyền Như - nguyên quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, thuộc Vietinbank - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh sử dụng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt hết.
Quá trình điều tra đã làm rõ việc làm nêu trên của các cá nhân trong thường trực HĐQT ACB là trái pháp luật vì vào thời điểm đó Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định hướng dẫn về nghiệp vụ ủy thác. Điều này có nghĩa việc làm trên đã vi phạm vào Điều 106 - Luật các Tổ chức tín dụng.
Vung tiền "thao túng" cổ phiếu...
Ngày 5/11/2009, thường trực HĐQT ACB ra thông báo: "Giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán đang diễn biến thuận lợi cho việc đầu tư để sinh lợi, thường trực HĐQT chấp thuận cấp hạn mức 700 tỷ đồng cho Hội đồng Đầu tư để mua một số cổ phiếu có giá trị tốt và tính thanh khoản cao. Thường trực HĐQT ủy quyền cho Nguyễn Đức Kiên - Chủ tịch Hội đồng Đầu tư chỉ đạo trực tiếp việc đầu tư này".
Thực hiện thông báo đó, Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo Công ty Chứng khoán ACB (gọi tắt là ACBS) tiến hành đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB và một số mã chứng khoán khác.
Do biết pháp luật không cho phép Công ty ACBS mua cổ phiếu của chính Ngân hàng ACB nên Nguyễn Đức Kiên đã chỉ đạo doanh nghiệp chứng khoán này ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty cổ phần Đầu tư Á châu do chính ông ta làm Chủ tịch HĐQT để đầu tư mua bán cổ phiếu của ACB.
Cụ thể, ngày 1/12/2009, Nguyễn Đức Kiên với tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS được phép liên kết với đối tác đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 2.000 tỷ đồng. Tiếp đến, trong các ngày 17/5/2010 và 28/8/2010, Nguyễn Đức Kiên vẫn lấy tư cách Chủ tịch Hội đồng Đầu tư ACB ký phê duyệt cho phép Công ty ACBS liên doanh với đối tác để đầu tư cổ phiếu với giá trị tối đa là 700 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo và "giật dây" của Nguyễn Đức Kiên, Công ty ACBS sau đó đã liên kết với một số doanh nghiệp mua bán cổ phiếu của ACB. Để tiến hành được việc làm trái pháp luật này, Ngân hàng ACB đã cho một số ngân hàng vay hàng nghìn tỷ đồng dưới hình thức vay liên ngân hàng để sau đó các ngân hàng này cho Công ty ACBS cùng đối tác liên kết vay vốn "chơi" chứng khoán. Và tính đến thời điểm vụ án bị khởi tố, những ngân hàng được ACB cho vay tiền để sau đó "tuồn" cho các công ty "sân sau" của Nguyễn Đức Kiên vẫn còn nợ hơn 1.193 tỷ đồng. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã làm rõ trong phi vụ "thao túng" cổ phiếu này, Ngân hàng ACB đã bị thiệt hại tổng số tiền hơn 687 tỷ đồng.
Ở hành vi này, trong quá trình điều tra, cả 6 bị can trong thường trực HĐQT ACB đều thừa nhận đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo, đồng thời giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Chính về thế mà kết thúc giai đoạn điều tra, CQĐT của Bộ Công an đã đề nghị VKSND Tối cao truy tố tất cả các bị can gồm Nguyễn Đức Kiên, Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải cùng về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", theo Điều 165-BLHS. Thế nhưng vào thời điểm chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan xét xử (ngày 18-12-2013), cáo trạng lại chỉ truy tố Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên.
Sẽ khởi tố và truy tố thêm bị can?
Đó chính là tinh thần mà Quyết định trả hồ sơ số 02/HSST-QĐ ngày 3/1 của TAND TP Hà Nội và cá nhân thẩm phán Nguyễn Quốc Thành (người được phân công thụ lý vụ án) đặt ra đối với cơ quan truy tố. Tòa án Hà Nội cho rằng chủ trương của HĐQT Ngân hàng ACB đã thể hiện rất rõ trong việc ủy thác cho 19 nhân viên gửi hơn 718 tỷ đồng vào Ngân hàng VietinBank - Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Trong hành vi này, tòa xác định ông Phạm Trung Cang đã cùng một số bị can khác trong vụ án ký vào biên bản họp thường trực HĐQT ra chủ trương dùng tiền huy động để ủy thác cho nhân viên và các công ty gửi tiền VND cùng USD vào một số tổ chức tín dụng. Việc làm này đã vi phạm Quyết định 16/2008/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cơ chế điều hành lãi suất và Luật các Tổ chức tín dụng.
Trong quá trình hoạt động, ngày 24/1/2011, Ngân hàng ACB có quyết định bổ sung thành viên HĐQT là ông Huỳnh Quang Tuấn thay cho ông Phạm Trung Cang. Tuy nhiên, ông Cang sau đó vẫn giữ các chức vụ là thành viên Hội đồng Tín dụng, Phó Chủ tịch Hội đồng Đầu tư của ACB, chính vì thế mà ông Cang vẫn ký tên vào văn bản với tư cách thường trực HĐQT ACB ủy thác cho nhiều cá nhân gửi tiền vào các tổ chức tín dụng, khi chưa có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với ông Huỳnh Quang Tuấn, tuy không tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, nhưng biết rõ chủ trương của HĐQT. Và sau khi thay thế người tiền nhiệm, ông Tuấn đã ký vào biên bản họp HĐQT ngày 7/6/2011, trong đó có nội dung ủy thác gửi tiền, dẫn đến việc bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt.
Do đó, tòa án cho rằng hành vi của ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn có dấu hiệu đồng phạm về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", song chưa được đề cập xử lý trong cáo trạng.
Đối với hành vi đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB gây thiệt hại hơn 687 tỷ đồng, tòa nhìn nhận, ngày 2/1/2009, thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Công ty ACBS để mua cổ phiếu của Ngân hàng ACB. HĐQT ngân hàng này sau đó đã giao cho Lê Vũ Kỳ ra thông báo và giao cho Nguyễn Đức Kiên tổ chức thực hiện. Quá trình điều tra, các bị can, trong đó có Trần Xuân Giá đều thừa nhận thường trực HĐQT đã có chủ trương cấp tín dụng cho ACBS. Và thực tế là CQĐT đã đề nghị truy tố cả 6 bị can liên quan theo tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", nhưng cáo trạng chỉ truy tố hai bị can Lê Vũ Kỳ và Nguyễn Đức Kiên ở hành vi này là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Từ các phân tích này, TAND TP Hà Nội đã ra quyết định trả hồ sơ nhằm làm rõ vai trò đồng phạm đối với hai ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn về tội "Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", do đã tham gia vào quyết sách ủy thác cho nhân viên gửi tiền tiết kiệm. Ngoài ra, Tòa án Hà Nội cũng đề nghị VKSND Tối cao xác định lại vai trò, mức độ của Trần Xuân Giá, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang và Lý Xuân Hải vì có dấu hiệu đồng phạm với Lê Vũ Kỳ, Nguyễn Đức Kiên ở hành vi đầu tư cổ phiếu.
"Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, bị can Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB bị truy tố về 4 tội danh, gồm: "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế ". Hai bị can là Trần Ngọc Thanh - nguyên Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội và Nguyễn Thị Hải Yến - nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội bị truy tố cùng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Các bị can: Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang - đều nguyên Phó chủ tịch HĐQT ACB, Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc ACB bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tổng số tiền thiệt hại do 7 bị can gây ra trong vụ án này là hơn 1.695 tỷ đồng".
Theo Trịnh Tuyến
ANTĐ
'Bóng hồng' đứng sau những phi vụ của bầu Kiên Bà Đặng Thị Ngọc Lan không chỉ là "cánh tay phải" đắc lực hỗ trợ bầu Kiên trong kinh doanh mà còn là một "bóng hồng" trong trái tim ông bầu "khủng" này. Năm 2007, bà Lan đứng thứ 4 trong top 10 người phụ nữ giàu nhất TCCK Việt Nam. Người đàn bà quyền lực Bà Đặng Thị Ngọc Lan là vợ...