Sẽ có hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản
Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1.1.2019 được kỳ vọng là khuôn khổ pháp lý quan trọng để ngành thủy sản nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn về luật này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với ông Trần Đình Luân (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT.
Hạn ngạch khai thác điều chỉnh 60 tháng/lần
Luật Thủy sản được Quốc hội thông qua trong kỳ họp tháng 11.2017 và chuẩn bị có hiệu lực thi hành. Những điểm mới, nổi bật của luật này là gì, thưa ông?
Ông Trần Đình Luân (ảnh) – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT
- So với Luật Thủy sản năm 2003, Luật Thủy sản năm 2017 có nhiều điểm mới. Cụ thể, luật quy định rõ hơn về đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trong đó khái niệm về đồng quản lý, tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; điều kiện tham gia đồng quản lý… được làm rõ.
Nhận thức rõ nguồn lợi thủy sản là một loại tài nguyên có khả năng tái tạo, do đó để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản, luật quy định về quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản. Theo đó, định kỳ 5 năm 1 lần, Bộ NNPTNT thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản để bảo vệ và khai thác có hiệu quả, bền vững nguồn lợi thủy sản.
Luật quy định cụ thể về việc quản lý giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo hướng quản lý hệ thống, kiểm soát đầu vào từ điều kiện cơ sở và chứng nhận đủ điều kiện trước khi hoạt động. Chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với thức ăn, chất cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các doanh nghiệp.
Luật Thủy sản 2017 sẽ quy định hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Ảnh: T.L
Video đang HOT
Về quản lý tàu cá, theo luật mới sẽ chuyển quản lý từ công suất (CV) sang quản lý theo chiều dài lớn nhất của tàu. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên tham gia khai thác thủy sản phải có giấy phép, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên phải thực hiện đăng kiểm, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên phải thực hiện lắp thiết bị hành trình theo quy định của Bộ NNPTNT.
Nhiều người quan tâm về quy định cấp hạn ngạch khai thác thủy sản. Ông có thể nói rõ hơn về quy định này?
- Một bước tiến mới của luật so với Luật Thủy sản năm 2003 là lần đầu tiên quy định về hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản, sản lượng cho phép khai thác đối với một số loài cá di cư xa và loài thủy sản có tập tính kết đàn. Điều này phù hợp với pháp luật quốc tế về bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản; thể hiện rõ sự thay đổi trong cách tiếp cận xây dựng luật là dựa vào hệ sinh thái. Việc cấp phép khai thác thủy sản được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Thông qua quản lý theo hạn ngạch để kiểm soát cường lực khai thác, quản lý phát triển tàu cá bền vững. Hạn ngạch giấy phép được công bố, điều chỉnh 60 tháng 1 lần.
Khai thác bất hợp pháp – phạt 1 tỷ đồng
Một trong những vấn đề nóng gần đây là việc EU rút thẻ vàng với thủy sản Việt Nam liên quan đến vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU). Nội dung của IUU được đề cập như thế nào trong Luật Thủy sản 2017?
- Nội dung liên quan đến IUU được quy định rải rác trong các điều và các chương của luật, đặc biệt tập trung vào 9 khuyến nghị của EC. Cụ thể: Quy định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam. Bổ sung quy định hành vi cấm đối với khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.
Quy định số lượng và phân bổ hạn ngạch giấy phép khai thác của tàu theo nghề trên các vùng biển và phân cấp cho địa phương để cấp phép cho từng tàu cá; quản lý đầu ra theo hạn ngạch các loài di cư và các loài có tính kết đàn.
Luật cũng có quy định các hành vi khai thác IUU và chế tài nghiêm khắc với chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm, mức xử phạt cao nhất đối với cá nhân lên đến 1 tỷ đồng; quy định thu hồi giấy phép khai thác đối với các nhân, tổ chức khai thác trái phép ở vùng biển ngoài Việt Nam; quy định chặt chẽ về điều kiện không cấp lại giấy phép khai thác cho tổ chức, cá nhân có tàu cá nằm trong danh sách tàu cá khai thác IUU, không có thiết bị giám sát hành trình đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên.
Theo đánh giá của ông khi đi vào cuộc sống, luật này sẽ có tác động như thế nào đối với ngư dân cũng như ngành nuôi trồng, khai thác thủy sản?
- Với những nội dung mới đã nêu ở trên, theo tôi, khi đi vào cuộc sống Luật Thủy sản sẽ có những tác động lớn đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản. Theo đó, hoạt động nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các điều kiện để phù hợp với quy định của quốc tế, đặc biệt trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Vì vậy người nuôi trồng thủy sản, cơ sở sản xuất vật tư đầu vào, nhà chế biến, xuất khẩu thủy sản phải có mối quan hệ chặt chẽ với nhau để đảm bảo sản xuất theo chuỗi và đáp ứng được yêu cầu của quốc tế.
Hoạt động khai thác thủy sản sẽ có những thay đổi lớn từ quy định của luật, ngư dân phải chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phải hoạt động trên nguyên tắc bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Xin cảm ơn ông!
Theo Danviet
Sau 1 năm EC phạt "thẻ vàng": Nhiều tiến bộ trong khắc phục
Sau 1 năm kể từ ngày Ủy ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng" cảnh cáo với thủy sản Việt Nam khi chưa đáp ứng được các khuyến nghị về ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), chúng ta đã đạt được nhiều tiến bộ trong khắc phục "thẻ vàng" tình trạng này.
Hoàn thiện khung pháp lý
Ngày 23.10.2017, EC chính thức áp dụng cảnh báo thẻ vàng với thủy sản Việt Nam. Ngay sau đó, Việt Nam đã và đang tập trung triển khai quyết liệt các hành động thực hiện các khuyến nghị, quy định của EC về khai thác IUU, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách trong việc giải quyết vấn đề thẻ vàng.
Cụ thể: Sửa đổi Luật Thủy sản theo hướng đáp ứng khuyến nghị của EC và dựa trên các nguyên tắc của Công ước Luật Biển 1982, Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng của FAO, Hiệp định đàn cá di cư của Liên Hợp Quốc, Bộ luật Nghề cá có trách nhiệm của FAO, Kế hoạch hành động quốc tế của FAO về khai thác IUU, Hướng dẫn của FAO về thực hiện trách nhiệm quốc gia treo cờ và đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 21.11.2017.
Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc gỡ "thẻ vàng", hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Ảnh: T.L
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp khắc phục như: Ban hành chỉ thị về việc triển khai các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (Số 45/CT-TTg ngày 13.12.2017); Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 và một số giải pháp cụ thể khác.
Bộ NNPTNT cũng đã ban hành Quyết định 4840/QĐ-BNN-TCTS về kế hoạch thực hiện một số giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác IUU; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố ven biển tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách, trọng tâm trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu lớn hoạt động khai thác, đánh bắt, doanh nghiệp truy xuất nguồn gốc hải sản đánh bắt kịp thời cho đơn hàng.
Gắn định vị cho tàu
Để dễ dàng trong việc hoàn tất các chứng từ liên quan đến nguồn nguyên liệu đánh bắt, khai thác, tạo điều kiện cho doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ truy xuất nguồn gốc các hàng xuất khẩu, Bộ NNPTNT đã yêu cầu các địa phương có đoàn tàu đánh bắt, khai thác có chiều dài 24m trở lên phải lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar. Theo VASEP, Việt Nam chỉ có 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
Khi tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh này phải mở máy suốt 24/24 giờ khi đi khai thác trên các vùng biển. Việc lắp đặt thiết bị này phải hoàn tất trước tháng 10.2018. Có như vậy, ngành khai thác, đánh bắt của Việt Nam mới thực hiện tốt các tiêu chí mà EC đã đưa ra.
Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan có những biện pháp cụ thể để kiểm soát xuất cảng, ra khơi. Các chi cục thủy sản và cảng cá nằm trong danh sách cung ứng nguyên liệu chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp phối hợp chặt chẽ trong xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng kiểm tra kiểm soát tàu cá vi phạm trên biển nhưng bỏ qua, có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, đánh bắt, không cấp mới đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.
Không chỉ ở Trung ương mà tại các địa phương, công tác khắc phục thẻ vàng IUU cũng được triển khai tích cực. Đơn cử như tại Bình Định, từ tháng 9 - 12.2018, tỉnh này phấn đấu có 100% xã, phường có hoạt động nghề cá có cán bộ và các tổ chức, cá nhân hoạt động nghề cá được phổ biến, tuyên truyền về Luật Thủy sản năm 2017; 100% tàu cá đăng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và xử lý; 100% tàu cá khai thác thủy sản vùng biển khơi được kiểm tra, giám sát sản lượng thủy sản khai thác khi cập cảng; 100% tàu cá dài từ 24 m trở lên có gắn thiết bị giám sát hành trình công nghệ vệ tinh Movimar và 300 tàu cá dài từ
15m đến dưới 24m có gắn thiết bị giám sát hành trình VX1700 tự động gửi thông tin về trạm bờ 2 giờ/lần.
Bình Định cũng nỗ lực nâng cấp, xây dựng trạm bờ, đảm bảo tiếp nhận thông tin về vị trí của các tàu cá. Xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan chức năng tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm quy định IUU.
Với những nỗ lực này, hy vọng EC sẽ gỡ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam vào đầu năm 2019.
Theo Danviet
Ngăn chặn tình trạng khai thác thủy sản tận diệt Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có 8.413 tàu với khoảng 33.000 lao động tham gia vào hoạt động khai thác thủy sản... Thời gian qua, với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của các lực lượng chức năng trong tỉnh, tình trạng khai thác thủy sản tận diệt đã giảm đáng kể... Công an huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh thu giữ...