Sẽ cho phép mang thai hộ?
Vấn đề mang thai hộ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau (Ảnh minh họa)
Có được mang thai hộ hay không, có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận?… Đó là những nội dung được đưa bàn thảo tại cuộc họp Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000, hôm qua (6/12).
Theo ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Pháp luật Dân sự kinh tế (Bộ Tư pháp), trong thực tiễn xã hội, mang thai hộ và nhu cầu về mang thai hộ là có.
Có những người vợ bị bệnh lý không thể mang thai và sinh nở, việc nhờ mang thai hộ là một giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn. Tuy nhiên, do pháp luật hiện hành cấm việc mang thai hộ, nên nhiều người đã chấp nhận thực hiện dịch vụ “chui”.
“Đây là vấn đề thực tiễn, có tính thời sự, do đó cần được nghiên cứu để luật hoá trong Luật HNGĐ sửa đổi”- ông Huệ nói.
Vấn đề mang thai hộ đang có 2 luồng ý kiến khác nhau. Song song với luồng ý kiến phản đối, luồng ý kiến ủng hộ đề nghị pháp luật cần thừa nhận vì mục đích nhân đạo.
“Mặc dù pháp luật không công nhận nhưng thực tế việc này vẫn diễn ra. Tôi đề nghị cần đưa vào luật để kiểm soát, nếu không sẽ có những hậu quả khó lường sau này như anh em lấy nhau. Tuy nhiên, bổ sung quy định này chỉ nhằm mục đích nhân đạo, tạo điều kiện cho những cặp vợ chồng không có khả năng sinh con được quyền làm cha, mẹ”- TS. Nguyễn Văn Cừ, Phó Chủ nhiệm Khoa Luật dân sự (ĐH Luật Hà Nội) đề nghị.
Ông Cừ đề xuất cần quy định những điều kiện chặt chẽ, cụ thể về hình thức pháp lý, quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ mang thai hộ.
Video đang HOT
Một vấn đề khác đang gây tranh cãi là sửa luật có nên xác lập chế độ tài sản trong hôn nhân theo thoả thuận? Một số ý kiến không đồng tình, cho rằng trước khi kết hôn nếu những cặp vợ chồng tương lai mà quan tâm quá nhiều đến vấn đề tài sản riêng chung thì chứng tỏ họ không tin tưởng nhau, không có ý thức xây dựng gia đình bền vững.
Ngược lại, khá nhiều ý kiến cho rằng cần cho phép xác lập chế độ tài sản ước định, bởi cần bảo đảm sự minh bạch, công khai trong các giao dịch do người vợ hoặc chồng thực hiện, thực hiện quyền định đoạt về tài sản của vợ và chồng.
“Theo tôi cần có quy định để ghi nhận tài sản của những người trước hôn nhân. Có trường hợp trước khi kết hôn, người vợ có 100 tỉ đồng. Sau khi kết hôn khối tài sản này đưa vào kinh doanh sản xuất đã lên tới 1.000 tỉ đồng. Vậy 1.000 tỉ đồng kia phân chia như thế nào nếu họ chia tay nhau?”- LS Đỗ Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lấy ví dụ từ một vụ tranh chấp tài sản sau ly hôn mà ông đã tham gia.
Theo 24h
Cuộc sống các cô gái đẻ thuê ở Thái sau một năm về nước
Trở về từ đường dây đẻ thuê giữa năm ngoái, Trâm thú thật với chồng để được tha thứ. Cuộc sống của cô đang trôi qua từng ngày ở quê lúa Kiên Giang với món nợ gần trăm triệu đồng.
Cả tuần mưa liên tiếp, tiệm bách hóa ế ẩm, chẳng ai ghé mua thứ gì nên thu nhập chính của gia đình Trâm mấy hôm nay chủ yếu từ nghề mua bán vịt con của chồng. Một năm qua, người đàn ông ngoài 30 tuổi cố quên đi hình ảnh vợ đáp chuyến bay sang Thái Lan để đẻ thuê, mong kiếm được trên 100 triệu đồng mang về quê trả nợ.
Đây là món nợ khổng lồ đối với một gia đình không đất đai, quanh năm sống bằng nghề làm thuê, làm mướn. Mong sớm thoát nghèo, 4 năm trước chồng Trâm đánh liều rời Tân Hiệp (Kiên Giang) lên Hà Tiên thuê đất làm ruộng trong vùng nước mặn, phèn chua. Đến khi lúa trổ đòng thì gặp phải bão lớn đánh gục. Vài vạt lúa trụ lại sau bão chờ ngày chín cũng bị chuột cắn phá. Chồng Trâm quay về quê với món nợ lớn.
Thương hai con nhỏ dại phải chịu cảnh rau cháo qua ngày, Trâm lên TP HCM giúp việc nhà rồi có người mách sang Thái Lan đẻ thuê trót lọt sẽ được 5.000 USD nên quyết định đến xứ người.
"Cuộc sống khốn cùng nên tôi mới nói dối chồng sang nhà đứa cháu bên Đài Loan tìm việc nhưng thực ra là đi Thái Lan đẻ thuê. Chờ hơn một tháng mà chưa được mang bầu thì bị cảnh sát phát hiện. Theo tôi biết, trong 15 người bị phát hiện, có 3 cô chưa kịp mang bầu như tôi", Trâm kể.
Trở về quê với hai bàn tay trắng, Trâm ôm hai con gái vào lòng khóc suốt. Người chồng cũng khóc khi thấy vợ quay về giữa cơn mưa tầm tã một chiều tháng sáu năm ngoái. Anh cứ tưởng cuộc sống nghèo khó nên Trâm tìm vui duyên mới, nào ngờ người vợ thú thật rằng muốn sớm trả nợ giúp chồng nên liều mình một chuyến sang Thái Lan đẻ thuê.
Một góc thị trấn Giá Rai (Giá Rai, Bạc Liêu), nơi có 3 cô gái từng sang Thái Lan đẻ thuê nhưng hiện nay chỉ có một quay về xứ. Ảnh: Duy Khang.
Giận nhưng thương, nên người chồng bỏ qua lỗi lầm của vợ. Anh khuyên Trâm bỏ qua chuyện không vui, vợ chồng chí thú làm ăn để tích cóp trả nợ, nuôi hai con ăn học thành tài.
"Con gái lớn 12 tuổi học rất giỏi, đứa nhỏ 10 tuổi cũng học giỏi như chị. Một năm qua vợ chồng tôi ráng làm trả nợ nên bây giờ còn thiếu hàng xóm, bạn bè trên 80 triệu đồng. Lo nhất là một số chủ nợ cho vay lãi cao nên hàng tháng phải đóng lãi trên 3 triệu đồng", Trâm thở dài.
Cũng như Trâm, năm ấy người phụ nữ góa chồng tên Huệ quê Bạc Liêu chưa kịp mang bầu thuê thì giới chức Thái Lan phát hiện và trả về Việt Nam. Ở cái xóm nhà đan xen mồ mã này, hỏi nhà Huệ, con ông Tư xe lôi thì nhiều người biết bởi trước khi đi Thái Lan, cô có mở quán nhậu tại nhà.
Chồng mất, Huệ buồn bã khăn gói qua Đông Hải bán quán nhậu rồi được người quen giới thiệu lên TP HCM tham gia đường dây đẻ thuê. Sau khi về nước, Huệ lại tiếp tục phụ chị bán quán nhậu rồi quen với ông chủ trại tôm sú giống.
Huệ kể rằng tuổi thơ chứng kiến cảnh cha mẹ chạy gạo từng lon, lấy chồng không lâu đã trở nên góa bụa, sau đó là chuyến xuất ngoại với hy vọng đổi đời với 5.000 USD phí đẻ thuê thành công. Thế nhưng chờ 5 tháng vẫn chưa được mang bầu, cuối tháng 2/2011 cô bị nhà chức trách địa phương phát hiện là một trong số nhiều cô gái tuổi từ 19 đến 26 từ miền Nam Việt Nam sang đây đẻ thuê. Huệ về nước mà chẳng nhận được đồng nào. Cuộc sống của cô hiện vẫn tiếp tục khốn khó như trước.
Gần nhà Huệ còn có một cô gái cũng đẻ thuê thành công ở Thái Lan mà không bị cảnh sát sở tại phát hiện. Không chờ đủ chín tháng mười ngày mang thai, cô được được mổ bắt con, sau đó bay về Việt Nam với khoản vốn 100 triệu đồng.
Với số tiền này, Thúy trả nợ giúp cha 18,5 triệu đồng vay từ 7 năm trước khi em trai cô bị vỡ ruột thừa vào viện. Cô gái trẻ cũng mua cho em trai chiếc xe máy để chạy xe ôm và dùng 6 triệu mua tôn lợp mái nhà cha mẹ. Số vốn còn lại cô mang lên Sài Gòn mở quán nhậu vỉa hè.
Ngôi nhà ở Bạc Liêu của cha mẹ một cô gái đẻ thuê đã được bán cho người khác, gia đình bỏ xứ đến nơi khác làm lại cuộc đời mới. Ảnh: Duy Khang.
Còn Huỳnh, con diêm dân Nguyễn Văn Năm ở Long Điền (Đông Hải, Bạc Liêu) một mực không chịu về quê sau ngày bị phát hiện đi đẻ thuê. Ngay cả ngày giỗ ông bà, Huỳnh tránh về nhà gặp mặt bà con thân tộc.
Cha cô gái cho biết, giờ đây Huỳnh yên bề gia thất với một thanh niên làm công nhân, trọ ở Bình Dương. Huỳnh là một trong số các cô gái đẻ được con thuê cho người Đài Loan, giao con nhận tiền rồi về Việt Nam. "Lúc nghe Huỳnh sinh em bé, vợ chồng tôi nghĩ nếu cơ quan chức năng cho bồng về nuôi thì tôi xem như cháu ngoại. Giờ có người bên Đài Loan nhận nuôi thì gia đình tôi không còn luyến tiếc gì. Hãy để con tôi làm lại cuộc đời từ đầu", người cha chia sẻ.
Vượt qua con sông gần cửa biển Cái Cùng, bên kia đê Trường Sơn thuộc ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, cũng có một phận nghèo đẻ thuê. Thế nhưng sau khi vụ việc vỡ lở, gia đình này âm thầm bán nhà bỏ đi xứ khác mà không từ giã hàng xóm. Dân làng cho rằng cha mẹ cô gái xấu hổ và mặc cảm về việc con đi đẻ thuê ở xứ người nên bỏ xứ mà đi.
Nỗi niềm này cũng được Trâm chia sẻ với VnExpress.net. Cô nói rằng những người như cô rất mặc cảm vì chuyện đi đẻ thuê, nhưng vì thương hai con với người chồng tần tảo sớm hôm nên cố quay về. Hàng xóm với bà con mỗi khi gặp mặt đều hỏi nhiều tháng liền Trâm đã đi đâu, cô trả lời "đi xuất khẩu lao động bên Đài Loan nhưng thấy công việc không phù hợp nên sớm quay về nước".
Theo VNExpress
11 cháu bé đoàn tụ gia đình trong vụ mang thai hộ tại Thái Lan "Cuối cùng 11 cháu bé trong vụ mang thai hộ tại Thái Lan đã từ Việt Nam trở về đoàn tụ cùng gia đình tại Đài Loan - Trung Quốc..". "Thay mặt các gia đình Đài Loan, chúng tôi xin cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan hữu quan Việt Nam, trong đó có CBCS Phòng Quản lý Xuất...