Scarborough với Việt Nam? Trung Quốc đừng tưởng bở!
Quen ăn từ “nước cờ Scarborough” đã sử dụng với Philippines, Trung Quốc muốn áp tiếp cho Việt Nam khi đưa giàn khoan trái phép cùng đội tàu hộ tống xâm phạm vùng biển Việt Nam. Bước đầu Trung Quốc đã phải nếm trái đắng.
Cuộc “đụng độ” tại bãi cạn Scarborough với Philippines và hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam (VN) khi đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN hiện nay đều có cùng điểm tương đồng về chiến lược hành động, khi Trung Quốc (TQ) đều sử dụng các biện pháp phi quân sự trên biển nhằm thực hiện mưu đồ áp đặt chủ quyền.
Chiêu bài dân sự để chiếm hữu thực tế
Trong trường hợp bãi cạn Scarborough vào năm 2012, khi hải quân Philippines chuẩn bị bắt giữ một số tàu cá của TQ đang hoạt động trái phép quanh khu vực bãi cạn nhưng hai tàu hải giám TQ đã nhanh chóng di chuyển đến khu vực tranh chấp để ngăn chặn hải quân Philippines tiến hành bắt giữ ngư dân TQ. Mặc dù các tàu cá này đã được an toàn rời khỏi khu vực bãi cạn, song cả hai chính phủ TQ và Philippines đều tỏ ra cứng rắn.
Bế tắc giữa TQ và Philipines về bãi cạn Scarborough đã được giải quyết khi Bắc Kinh và Manila đã đạt được thỏa thuận rút tất cả tàu của chính phủ hai nước ở khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, sau khi Philippines rút thì tàu TQ đã nuốt lời mình, quay trở lại và duy trì sự hiện diện thường trực ở vùng biển xung quanh bãi cạn này kể từ đó. Thông tin cho hay TQ còn dùng dây thừng chăng ở lối ra vào duy nhất, nhằm ngăn các tàu đánh cá khác vào khu vực bãi cạn này. Thời tiết mưa bão ở biển Đông khiến tàu Philippines không thể đến khu vực bãi cạn Scarborough được. Cuối cùng chỉ trong một vài tháng, TQ đã kiểm soát bãi cạn này và những vùng biển xung quanh, bằng cách thay đổi hiện trạng tạo ra những lợi thế cho mình.
Trung Quốc sẽ hứng chịu thất bại cho sai lầm của mình nếu mưu đồ áp Scarborough với Việt Nam. Trong ảnh: Bãi cạn Scarborough – tâm điểm căng thẳng tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: INTERNET
Có thể thấy rõ công cụ dân sự Scarborough được TQ sử dụng thuần thục phục vụ cho mưu đồ xâm chiếm biển Đông của TQ. Đó chính là việc chiếm hữu thực tế tại các vùng biển xung quanh đảo. TQ đã lợi dụng cái cớ lực lượng hải quân Philippines uy hiếp tàu cá TQ để tiến hành hoạt động gọi là bảo vệ ngư dân của nước này, từ đó tiếp tục điều thêm các tàu hải giám cùng các tàu cá khác hoạt động tại khu vực có tranh chấp với Philippines. Cuối cùng lợi dụng việc Philippines rút khỏi khu vực, TQ đã ồ ạt mang công cụ tàu phi quân sự vào khu vực bãi cạn để nắm quyền kiểm soát.
Muốn có Scarborough thứ hai ư?
Trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN theo luật pháp quốc tế, TQ cũng đã tính toán rất kỹ lưỡng. TQ đã điều đến trăm tàu phi quân sự các loại bao quanh khu vực giàn khoan. Khi lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển Việt Nam tiến hành hoạt động tuyên truyền, kêu gọi TQ rút giàn khoan thì phía TQ liên tục gây sức ép bằng việc tấn công bằng vòi rồng, đâm húc, không cho các tàu thực thi pháp luật của VN tiến gần đến vị trí của giàn khoan. Song song với các động thái trong hai lĩnh vực nghề cá và dầu khí, TQ sẽ tăng cường những sự kiểm soát quân sự núp bóng dân sự khác trên biển nhằm xâm chiếm một vùng biển rộng lớn tối đa.
Xét một cách cụ thể trong trường hợp giàn khoan Hải Dương 981 về kinh tế, chưa có cơ sở chứng minh khu vực TQ hạ đặt giàn khoan có trữ lượng hydrocarbon, dầu khí lớn. Vì thế, hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 với chi phí xây dựng khoảng 1 tỉ USD và chi phí vận hành lớn rõ ràng không phải là một dự án nhiều tiềm năng. Từ đây có thể thấy rằng TQ sử dụng giàn khoan là nhằm khẳng định và thực thi quyền tài phán đối với các vùng nước mà TQ tuyên bố và tự cho là có chủ quyền tại biển Đông.
Video đang HOT
Nhìn vào hai trường hợp của VN và Philippines có thể nhận thấy rõ những bước đi được toan tính một cách tỉ mỉ của TQ nhằm độc chiếm biển Đông: Tạo nên một thế cù cưa trong một thời gian dài, qua đó hình thành một tiền lệ cho những lần đặt giàn khoan thứ hai hay thứ ba trong khoảng thời gian ngắn hơn và cuối cùng huy động các loại tàu phi quân sự bố trận tạo ưu thế chênh lệnh, mưu đồ biến tất cả thành một “sự đã rồi” nhằm xâm lấn, áp quyền tài phán và khai thác.
Hành động gây hấn, chèn ép trên biển Đông giữa TQ sử dụng với Phillipines hay VN đã cho thấy rõ những chiến lược “tằm ăn dâu” được chính quyền Bắc Kinh chuẩn bị từ trước. Ngày trước, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói: “Nếu quân ngoại xâm tiến chậm như tằm ăn dâu thì khó chế ngự”. Có thể thấy rằng TQ đang cố tình biến vùng biển Hoàng Sa và Scarborough thành của mình theo cách này, từ đó vận dụng chiến thuật này để tiến hành cuộc Nam tiến trên biển, đưa tàu thuyền bán quân sự và giàn khoan vào kiểm soát, khảo sát và khai thác tại các vùng ngoài khơi bờ biển miền Nam Việt Nam, các vùng biển lân cận của Philippines với hải quân khổng lồ của họ luôn núp phía sau.
Đâu có dễ vậy
Qua những diễn biến căng thẳng trên biển Đông hơn một tháng qua, có thể nhận thấy rằng TQ đang sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 như một phép thử nhằm đánh giá đúng hơn phản ứng của các nước liên quan – đặc biệt là VN, tương tự như Philippines trong sự kiện bãi cạn Scarborough – và rộng hơn là phản ứng của các cường quốc. Tuy nhiên, không phải phép thử nào cũng diễn ra “thuận lợi” như Scarborough.
Mưu đồ của TQ đối với sự kiện giàn khoan trái phép đặt trong vùng biển VN lần này đã vấp phải sự lên tiếng mạnh mẽ hơn nhiều từ Nhật, Mỹ, ASEAN. Diễn biến vụ việc Hải Dương 981 khiến Nhật thêm lo ngại, trong bối cảnh Nhật và TQ đang có tranh chấp về chủ quyền đối với Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông và TQ thường xuyên đưa tàu tuần tra tới thách thức quyền quản lý trên thực tế với quần đảo này. Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế Tương lai châu Á lần thứ 20 diễn ra tại Tokyo đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng trong khu vực gây ra bởi hành động đơn phương của TQ.
Cùng đó, trong cuộc điều trần ngày 20-5 của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương, các nghị sĩ Mỹ cho rằng các hành động của TQ gây căng thẳng ở biển Đông là một thách thức lớn đối với Mỹ và các nước trong khu vực. Tuyên bố mới nhất của Tổng thống Obama tại Trường quân sự West Point; cũng như các phát ngôn cứng rắn từ Phó Tổng thống Joe Biden đến Ngoại trưởng John Kerry và mới đây là phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cáo buộc TQ có các hành động gây mất ổn định ở biển Đông tại Đối thoại Shangri-La… đã cho thấy Mỹ cũng đã có động thái bảo vệ quyền lợi của mình tại khu vực Mỹ ưu tiên tự do hàng hải cao độ.
Về phía ASEAN, các quốc gia thuộc khu vực này mà mở đầu là Singapore đã lên tiếng kêu gọi TQ kiềm chế và thành công hơn nữa là các nước ASEAN với 10 thành viên đã lần đầu ra được tuyên bố chung về biển Đông tại Myamar. Các tuyên bố chung về biển Đông của G7, cùng nhiều nước đang tập trung vào dàn khoan trái phép của TQ.
Qua đó cho thấy rằng TQ đang gặp bất lợi do vấp phải sự phản đối của quốc tế, đồng thời thiệt hại về tài chính do chi phí quá cao của Hải Dương 981. Trong khi đó, VN đã rất thành công trong việc thể hiện hình ảnh một đất nước yêu chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế cùng một chính sách nhất quán, xuyên suốt tại châu Á-Thái Bình Dương. Các cường quốc như Mỹ, Nhật đều có lợi ích trực tiếp cũng như gián tiếp tại biển Đông do đó không dễ dàng nhượng bộ TQ.
TQ đã bước đầu thất bại với phép thử lần này đối với VN. Cùng với các bất ổn nội tại trong nước, vụ việc lần này đã giáng một đòn đau vào tham vọng của chính quyền TQ tại biển Đông, buộc nước này phải xem xét lại chính sách của mình.
Hai phép thử dù cùng một mục đích nhưng đã không mang lại cùng một kết quả cho TQ. “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”, TQ phải nhớ lấy cho điều này!
Theo Pháp Luật
Trung Quốc mưu đồ độc chiếm toàn bộ Biển Đông vào 2020
Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Bộ Ngoại giao), TQ đã có những biện pháp để thực thi yêu sách của mình một cách có hệ thống và có sự chỉ đạo nhất quán từ cấp cao nhất của TQ.
TQ đã cùng với ASEAN ký tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, cam kết cùng ASEAN xây dựng bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông COC, cam kết và tuyên bố cam kết song phương với các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trong đó các cam kết đều nhấn mạnh các bên không có những hành động đơn phương nhằm làm phức tạp thêm tình hình tại Biển Đông.
Thực tế những gì diễn ra tại Biển Đông kể từ 2009, thời điểm TQ chính thức đưa tuyên bố gọi là "đường đứt đoạn" lên LHQ đã cho thấy một thực tế khác hẳn so với những gì mà TQ đã tuyên bố.
Những vụ gây hấn khiêu khích, thậm chí là đụng độ trên Biển Đông diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng cho thấy một thực tế: TQ không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông và quyết tâm thay đổi thực trạng trên Biển Đông.
Sự gây hấn của TQ trong 4 năm qua đang có xu hướng mở rộng táo tợn và liều lĩnh hơn. Điều này đã cho thấy rõ mưu đồ độc chiếm Biển Đông của TQ và từng bước leo thang để thực hiện hóa yêu sách "đường lưỡi bò" phi pháp.
Mức độ quân sự hóa trên Biển Đông cao
Kể từ 2009 đến nay, có rất nhiều vụ việc mà đa phần TQ đơn phương gây hấn.Theo dõi những diễn biến, ông có bình luận gì về hành động đơn phương của TQ?
TS. Nguyễn Hùng Sơn - Phó Viện trưởng Viện Biển Đông (Bộ Ngoại giao): Từ 2009 đến nay, tôi thấy TQ đã có những biện pháp để thực thi yêu sách của mình một cách có hệ thống và có sự chỉ đạo nhất quán từ cấp cao nhất của TQ. Các biện pháp rất mạnh mẽ hiện thực hóa như thành lập thành phố Tam Sa và các đơn vị quân đồn trú ở thành phố này một cách trái phép.
TQ cũng gia tăng nhiều tàu thuyền, đóng mới rất nhiều tàu thuyền, tiến hành cái gọi là tuần tra ở trên Biển Đông rất thường xuyên. Một số học giả đã đánh giá rằng, mục tiêu thật sự của TQ đó là biến TQ thành 1 cường quốc biển và đặc biệt là vào 2020, khi mà TQ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng cộng sản của TQ thì TQ muốn độc chiếm toàn bộ Biển Đông.
TQ đã gây hấn với tất cả các quốc gia tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, từ VN, Malaysia, Philippines..., có những điểm rất xa đảo Hải Nam trên Biển Đông. Tại sao lại diễn ra thực tế như vậy?
Không những số lượng các vụ việc TQ gây hấn với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền Biển Đông mà mức độ nghiêm trọng ngày một tăng lên, phạm vi địa lý của các vụ việc cũng ngày một tăng lên. Không còn là các vụ việc ở quần đảo Hoàng Sa nữa mà ngày càng tiến xa xuống phía Nam và ngày càng tiến gần bờ biển của các quốc gia có liên quan.
Theo dõi các vụ trên Biển Đông cũng có thể thấy mức độ quân sự hóa mà TQ gây ra ngày càng cao, TQ ngày càng sử dụng các lực lượng quân sự và bán quân sự. Một điều hết sức quan trọng là sự vi phạm luật pháp quốc tế các vụ việc mà TQ gây ra ngày càng tăng lên, tức có sự coi thường ngày càng cao đối với hiệu lực của luật pháp quốc tế.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam bị tàu của TQ đâm. Ảnh: Cục Kiểm ngư Việt Nam
TQ hành xử ngang ngược, như thể Biển Đông là cái ao của họ. Họ tuyên bố đơn phương, rồi tấn công rồi gây hấn ở tất cả những nơi họ tuyên bố chủ quyền cho dù chủ quyền đó không được ai công nhận. Trong thế giới văn minh, TQ không thể nào hành xử đơn phương và ngang ngược như vậy, bất chấp luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế?
Các học giả, các nhà quan sát trên thế giới đang bày tỏ lo ngại hành vi ứng xử của TQ trên Biển Đông. Người ta cho rằng, đây đang là kỷ nguyên của biển cả và vì vậy cho nên tất cả các quốc gia đều phải dựa trên Công ước quốc tế để đảm bảo trật tự, một sự ổn định trên biển. Vậy mà TQ đã hành xử một cách rất thiếu cơ sở pháp lý như vậy.
Người ta đặt vấn đề rằng, vậy nguyên tắc căn bản để giữ cho cái trật tự đó trên biển liệu có được bảo đảm hay không? Và lo ngại với hành xử của TQ thì tự do an toàn hàng hải sẽ bị xâm phạm và điều đó ảnh hưởng đến trật tự thế giới.
Biển Đông - kết thúc của trỗi dậy hòa bình?
Các nước cho rằng, sự việc giàn khoan 981 là một dấu mốc mới trong quá trình thực hiện hóa mưu đồ kiểm soát Biển Đông của TQ. Hành động này nhằm gửi tới thế giới một thông điệp đầy khiêu khích của giới lãnh đạo TQ, đó là họ sẽ đơn phương khẳng định chủ quyền đối với hầu hết diện tích trên Biển Đông.
Trong bài viết mang tên "Các chiến lược của Bắc Kinh: Sự củng cố và khiêu khích" đăng trên trang mạng Diễn đàn Đông Á, học giả Gregory Poling - thuộc Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS (Mỹ) cho rằng, chiến lược của Bắc Kinh ở Biển Đông có 2 phần.
Một mặt nhằm tăng cường xây dựng lực lượng giám sát biển trong khu vực, củng cố khả năng đánh chiếm của các lực lượng này, mặt khác các tàu thuyền của TQ cũng gia tăng các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền đối với "đường 9 đoạn", khiêu khích các bên có tuyên bố chủ quyền ở trong khu vực này.
Theo đó, kể từ khi công bố tấm bản đồ "đường 9 đoạn" TQ đã gia tăng đáng kể quy mô của hạm đội hàng hải tại Biển Đông.
Theo Vietnamnet
Đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông, Trung Quốc bắt đầu một âm mưu? Việc đưa tàu hậu cần lớn nhất xuống biển Đông cho thấy ý đồ của Trung Quốc trong việc duy trì thường xuyên các tàu chiến tại khu vực này. Theo Thời báo Hoàn Cầu, hôm 31/5 Hải quân Trung Quốc đã đưa tàu tiếp tế Fuchi đến Quảng Đông, hiện tàu này đang trên đường tới biển Đông. Vậy lớp tàu hậu...