Scandal các nguyên thủ (K5): “Hoa hồng gai” Yulia Tymoshenko
Trong vòng 3 năm trở lại đây, dường như tất cả những sự kiện chấn động từ Ukraine đều xoay quanh một người phụ nữ đặc biệt, đó là bà Yulia Tymoshenko.
“ Nữ hoàng Cách mạng Cam “
Bà Tymoshenko là một thí dụ điển hình về một chính trị gia tại Đông Âu thời kì hậu Xô Viết. Trong bối cảnh một quốc gia mới chập chững bước vào cuộc phiêu lưu mang tên kinh tế thị trường và nền chính trị đa đảng, sự thành công ngoạn mục về quản lý kinh tế của nữ doanh nhân Tymoshenko vào thập niên 90 là tiền đề hiển nhiên giúp bà xâm nhập chính trường.
Tymoshenko được mệnh danh là “Nữ hoàng khí đốt” vì đã tiên phong lập ra Tập đoàn Xăng dầu Ukraine năm 1991 và Hệ thống Năng lượng thống nhất Ukraine năm 1995. Người đàn bà nhỏ nhắn với mái tóc vàng thắt bím quyến rũ này cũng từng được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực hàng thứ ba trên thế giới năm 2005, sau chiến thắng của liên minh giữa bà và Thủ tướng Yuschenko trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004.
Bà đóng vai trò rất quan trọng trong việc tập hợp quần chúng biểu tình làm đảo ngược kết quả bầu cử, đưa ông Yuschenko lên làm Tổng thống Ukraine. Sau thắng lợi này, Yulia Tymoshenko đã nghiễm nhiên trở thành vị nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Ukraine.
Một cuộc biểu tình ủng hộ bà Tymoshenko.
Tuy nhiên chỉ sau một thời gian ngắn, sự nghiệp chính trị của bà Tymoshenko đã xuất hiện hàng loạt rạn nứt. Đây cũng là hậu quả tất yếu của một chính trường cực kỳ phức tạp với sự giằng co giữa những nhóm lợi ích khác nhau, cùng với bóng ma của tham nhũng và lũng đoạn.
Mở đầu là sự trở mặt từ đồng minh thành đối thủ giữa bà Tymoshenko và ông Yushschenko trong cuộc đua giành ghế tổng thống, trong đó cả 2 đều thất bại trước ông Viktor Yanukovich, nhưng bà Tymoshenko cho thấy một ưu thế vượt trội và một lần nữa được nắm chức thủ tướng.
Bà Tymoshenko làm thủ tướng Ukraine trong 2 nhiệm kỳ: từ 24-1 tới 8-9-2005 và từ 8-12-2007 tới 4-3-2010. Ảnh hưởng của bà đối với quần chúng khiến tất cả các phe phái đều phải kiêng dè, nhưng cũng rất có thể vì lý do này, một loạt tai vạ đã rơi xuống đầu bà Tymoshenko ngay trong năm 2010.
Scandal liên tiếp
Video đang HOT
Từ tháng 5-2010 đến nay, hàng loạt những vụ khởi tố hình sự nối tiếp nhau nhắm vào bà Tymoshenko. Ban đầu, người ta bới lại những hành vi phạm pháp về kinh tế của bà trong thập niên 90. Trong thời gian này bà Tymoshenko bị cáo buộc các tội danh như hối lộ tòa án tối cao, lạm dụng quyền lực gây hại cho lợi ích quốc gia, tham nhũng…
Ngày 11-10-2011, bà bị tuyên án tội lạm dụng quyền lực và bị kết án 7 năm tù, phải bồi thường 188 triệu USD. Nhưng bà Tymoshenko không phải tay vừa. Trong thời gian bị giam giữ và kháng án, bà Tymoshenko không ngừng tạo ra thêm những scandal mới khuấy động sự chú ý của dư luận khi lớn tiếng chỉ trích hệ thống pháp luật Ukraine, tố cáo ngược hành vi bạo hành, ngược đãi của cơ quan công quyền, 2 lần tuyệt thực để phản kháng…
Cũng trong thời gian này, bà Tymoshenko lại liên tiếp bị cáo buộc các tội danh mới như xúc phạm tòa án, trốn thuế, tham nhũng và nghiêm trọng nhất là nghi án ám sát nghị sĩ Yevhen Shcherban, vợ ông và 2 người khác vào năm 1996.
Những lời kêu cứu, phản kháng của bà Tymoshenko một mặt đã đưa bà vào vòng xoáy của những phiên xử án kéo dài không dứt, một mặt khiến hình ảnh của Ukraine trở nên hết sức xấu xí đối với phần còn lại của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
Vụ án Tymoshenko không còn là vấn đề nội bộ của Ukraine nữa mà trở thành một nút thắt rất khó tháo gỡ trong quan hệ ngoại giao giữa Ukraine và châu Âu cũng như Nga. Nhất cử nhất động của các bên liên quan cũng trở thành đề tài tranh cãi về sự tồn tại của âm mưu chính trị, sự bành trướng của Nga, các nhóm lợi ích về năng lượng khí đốt và thậm chí, tái hiện sự ám ảnh về cuộc chiến tranh lạnh trong quá khứ.
Đức và nhiều nước châu Âu khác đã khá sốt sắng lên tiếng can thiệp, đòi điều tra về tình trạng bạo hành, xâm phạm nhân quyền đối với bà Tymoshenko trong tù.
Vào năm 2012, giải bóng đá Euro đồng tổ chức tại Ukraine và Ba Lan cũng suýt bị tẩy chay do những cáo buộc chính quyền Ukraine vi phạm nhân quyền với bà Tymoshenko. Tại mỗi phiên xử, luôn có một lực lượng cảm tình viên rất đông ủng hộ cho bà Tymoshenko bên ngoài tòa án.
Vụ scandal pháp lý của Tymoshenko có thể sẽ còn kéo dài thêm vài năm nữa cùng với sự tranh cãi không biết bao giờ mới chấm dứt. Nếu bị kết án, bà Tymoshenko có thể bị xử tù chung thân, và sự nghiệp chính trị chắc chắn đi vào ngõ cụt.
Trong trường hợp bà Tymoshenko được ân xá, hậu quả cũng khá nghiêm trọng và khó hồi phục. Có lẽ sau cùng ngay cả tham vọng lớn cũng như tính cương quyết của bà Tymoshenko cũng không thể cứu vãn được cuộc đời và sự nghiệp một thời hào hùng của “Nữ hoàng Cách mạng Cam”.
Theo SGĐT
Scandal các nguyên thủ (K4): Petr Necas-Quýt làm, cam chịu
Thủ tướng CH Séc Petr Necas vừa buộc phải từ chức vì một vụ bê bối leo thang liên quan đến cáo buộc tham nhũng, gián điệp của nữ Tham mưu Trưởng Jana Nagyova.
Quyền mất, tình tan
Thủ tướng Petr Necas đưa thông báo gây xôn xao dư luận vào cuối ngày 16-6. Trước đó vài ngày, cảnh sát đã lục soát các văn phòng chính phủ, hàng chục biệt thự, và một ngân hàng trong cuộc ra quân chống tham nhũng lớn nhất tại CH Séc trong 20 năm qua. Các cuộc lục soát trên diện rộng đã thu được hơn 6 triệu USD tiền mặt và hàng chục kg vàng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi nhận thức được trách nhiệm chính trị của tôi và tôi phải đối mặt với hậu quả của nó.
Trung tâm của vụ bê bối là nữ Tham mưu Trưởng xinh đẹp Jana Nagyova của Necas, người đã bị buộc tội lạm dụng quyền lực và hối lộ. Phía công tố viên cáo buộc Nagyova đã đề nghị 3 cựu lập pháp viên thuộc đảng của Necas nhận những việc làm hấp dẫn trong các công ty nhà nước để đổi lấy việc từ chức của họ trong quốc hội.
Bên cạnh đó, Nagyova cũng lệnh cho tình báo theo dõi một số nhân vật quan trọng. Nagyova hiện đang bị giam giữ. 7 người khác, trong đó có 3 nhà lập pháp nói trên, cũng bị truy tố.
Vụ bê bối cũng chứa đựng khía cạnh riêng tư, vì một trong những mục tiêu Nagyova ra lệnh giám sát chính là thủ tướng phu nhân Radka. Tuần trước, Thủ tướng Necas ra công bố rằng ông đang tiến hành ly hôn với vợ sau hơn 25 năm chung sống. Việc này càng thổi bùng suy đoán của các phương tiện truyền thông đại chúng rằng người đẹp Nagyova là nhân tình của Thủ tướng.
Necas tuyên bố ông không biết về việc giám sát, nhưng đến ngày 16-6, ông thừa nhận rằng bất ổn trong cuộc sống cá nhân của ông đang đặt gánh nặng lên chính trường Séc. Necas cũng tuyên bố sẽ rời khỏi Đảng Dân chủ Công dân (ODS) trung hữu.
Bất ổn chính trường
Việc Thủ tướng Necas từ chức, rút khỏi Đảng ODS làm thỏa mãn dư luận. "Tôi nghĩ rằng đó là một bước đi cần thiết, không có lựa chọn nào khác cho ông ấy trong tình huống này, và tôi nghĩ rằng ông đã làm đúng những gì một nhà chính trị phải làm" - cư dân thủ đô Prague Pavel Jirsa nói.
Nhà báo Jaroslav Plesl cũng đồng ý rằng động thái bắt giữ Nagyova đã khiến Thủ tướng Necas không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc từ chức. "Cô ấy là đồng minh thân cận của Thủ tướng, mắc một sai lầm như vậy trong chính sách nhân sự của mình chắc chắn là lý do phải từ chức" - Plesl nhận định.
Thủ tướng Petr Necas bị nghi ngờ ngoại tình cùng nữ thuộc cấp xinh đẹp Nagyova.
Tuy dư luận thỏa mãn nhưng sự ra đi của thủ tướng Necas lại đặt quốc gia thành viên EU này vào một thời kỳ bất ổn chính trị, vì theo Hiến pháp Séc, toàn bộ chính phủ nay phải rời ghế cùng thủ tướng. Necas cho biết đảng của ông sẽ tìm cách thành lập chính phủ mới do một thủ tướng khác dẫn dắt cho đến khi tiến hành cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 5 năm sau.
Ông tuyên bố: "Ngay bây giờ tôi muốn làm những gì tốt nhất cho đảng ODS và cho đất nước của chúng tôi. Tôi muốn giúp đỡ hết khả năng nhằm hình thành một liên minh được sự chấp thuận cần thiết của 101 phiếu trong quốc hội để chính phủ mới được thành lập với thủ tướng do ODS đề cử". Các đối tác liên minh chủ chốt của đảng ODS cho biết họ đã sẵn sàng.
Nhưng liên minh cầm quyền 3 đảng hiện nay có thể gặp khó khăn trong việc thu hút đủ ủng hộ trong quốc hội, nơi liên minh không chiếm đa số áp đảo. Nếu không có chính phủ nào được phê duyệt sau 3 lần đưa ra quốc hội, hoặc nếu quốc hội đồng ý tự giải thể, Séc phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm.
Và cuộc bầu cử sớm phải được ít nhất 3/5 các nhà lập pháp đồng thuận. Trong khi đó, Tổng thống Milos Zeman cũng có thể phá vỡ kế hoạch của liên minh vì Hiến pháp Séc cho phép tổng thống chỉ định một thủ tướng, mà Tổng thống Zeman lại là đối thủ chính trị của Necas, hoàn toàn có thể từ chối ủng hộ ứng cử viên của liên minh.
Gậy ông đập lưng ông
Trớ trêu thay, cuộc ra quân dẫn tới sự sụp đổ của Thủ tướng Necas lại bắt đầu từ nỗ lực của thủ tướng trao cho cảnh sát và các công tố viên nhiều quyền lực hơn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Vụ bê bối của thủ tướng theo sau một vụ bê bối vang dội khác đã hạ bệ David Rath, cựu Bộ trưởng Y tế và là gương mặt đối lập hàng đầu, với cáo buộc biển thủ tiền của EU dành cho việc trùng tu một bệnh viện và một lâu đài ở thị trấn Bustehrad.
Rath đã bị bắt cách đây 1 năm với số rượu vang tương đương 355.000USD và hiện vẫn bị giam giữ. Vụ bê bối khiến Rath mất địa vị thành viên Đảng Dân chủ Xã hội và Thống đốc của Trung Bohemia.
CH Séc ngày càng mệt mỏi với nạn tham nhũng tràn lan và những giao dịch mờ ám trong khu vực công nên đã hoan nghênh những nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Necas.
Dù đó là một nghịch lý lịch sử khi Necas trở thành tội nhân trong chiến dịch chống tham nhũng của chính mình, nhưng chắc chắn ông là thủ tướng đầu tiên có những bước đi chống tham nhũng. Nhưng với sự ra đi của Necas, người ta lo ngại chiến dịch chống tham nhũng ở Séc cũng không kéo dài được bao lâu.
Theo SGĐT
Scandal các nguyên thủ (K3): "Tay chơi" Berlusconi Mặc dù Silvio Berlusconi từng 3 lần giữ chức Thủ tướng Italia, nhưng phần nhiều người nhớ về ông như một chính khách tỷ phú khét tiếng với những vụ bê bối. S ân chơi chính trường Ông Silvio Berlusconi sinh năm 1936, đã 3 lần nắm giữ cương vị Thủ tướng Italia vào các nhiệm kỳ 1994-1995, 2001-2006, 2008-2011. Thế nhưng, nói...