Say đắm cảnh sắc Hà Giang
Không biết tự bao giờ những hình ảnh về Hà Giang với những dãy núi điệp trùng, với cao nguyên đá Đồng Văn, với hoa tam giác mạch đã cuốn hút, thúc giục tôi.
Lần lữa, hứa hẹn mãi, tôi cũng đã đến được vùng đất này trong mùa hoa tam giác mạch tháng 10. Và không uổng công trải qua một chặng đường dài 1.000km cả đi và về – tính từ Hà Nội, Hà Giang thực sự đã khiến tôi vô cùng say đắm, mê mẩn.
Dốc Thẩm Mã, xã Lũng Thầu, Hà Giang uốn lượn như một con rắn |
Điểm khám phá cuốn hút tôi nhất ở Hà Giang chính là bãi đá mặt trăng thuộc xã Xả Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, một trong những địa điểm trong công viên địa chất toàn cầu – cao nguyên đá Đồng Văn.
Bãi đá mặt trăng được tạo nên bởi hàng trăm nghìn phiến đá màu xám lớm chớm sắc nhọn kỳ lạ và thu hút |
Theo tài liệu và một vài bài báo mà tôi đọc được, bãi đá mặt trăng là một dạng cảnh quan đặc biệt xuất hiện tại một số khu vực trên cao nguyên đá Đồng Văn. Chúng được tạo nên bởi các dãy núi đá vôi bị phong hóa, trên bề mặt hầu như không có lớp phủ thực vật, các tảng, khối đá phủ khắp bề mặt sườn núi. Sở dĩ chúng được gọi tên Bãi đá Mặt Trăng bởi khung cảnh hùng vĩ, tạo cho người xem cảm giác mình đang lạc vào Mặt Trăng. Cũng theo lý giải của các nhà địa chất “địa hình mặt trăng” được tạo nên bởi quá trình karst (ăn mòn đá vôi) trong hàng triệu năm và dạng địa hình này chỉ xuất hiện từ độ cao 1.300 m trở lên, nhiều nhất là trong khoảng 1.500-1.700 mét do tuân theo quy luật phân hóa đai cao của khí hậu.Có thể nói, bãi đá mặt trăng là một hoang mạc đá, được tạo nên bởi hàng trăm nghìn phiến đá màu xám lởm chởm sắc nhọn, kích thước lớn nhỏ không đều, nằm chen chúc nhau. Đá xếp lên đá, đá chồng lên đá, đá nằm cạnh đá với màu sắc và hình khối độc lạ mang lại một cảm giác vừa bí hiểm, bí ẩn nhưng cũng cuốn hút. Xen lẫn vào đá là những cây xanh – cây xanh nở ra trên đá – tôi đã gọi như thế khi nhìn những cây xanh len lỏi vươn lên từ đá. Không gian ấy sâu hút nhưng lại mở rộng, mênh mang đến lạ kỳ. Không gian đá bí ẩn ấy được bao bọc, chở che bởi những dãy núi màu xanh (của cây rừng), màu xám (của đá, của núi rừng). Tất cả, tạo nên một vùng địa hình, một khoảng không gian hùng vĩ, khốc liệt, mênh mông và thăm thẳm đến ngút ngàn.
Nói tới bãi đá mặt trăng để muốn nói rộng ra, cả cao nguyên đá Đồng Văn – công viên địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á chính là tài nguyên, tài sản đặc biệt vô giá của Hà Giang – khiến ai dù chỉ được chiêm ngưỡng một lần cũng sẽ ngỡ ngàng, để rồi lưu luyến, vấn vương và không thôi nhớ thương.
Những đôi mắt trẻ thơ hồn nhiên ở Hà Giang |
Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận từ năm 2010 trải dài rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang. Theo bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cao nguyên có diện tích Đồng Văn 2.356,80 km với độ cao trung bình từ 1.000 – 1.600 mét, tại đây, nhiều mẫu hóa thạch của các loài đã được tìm thấy có tuổi cách đây 400 – 600 triệu năm. Điểm đặc biệt và vô cùng cuốn hút, nơi đây là một vùng núi đá có tuổi khác nhau từ kỷ Devon cho đến Pecmi, được bao quanh bởi các núi đất.
Từ thành phố Hà Giang, để đi tới được khu vực trung tâm của cao nguyên đá Đồng Văn rồi lại quay trở lại thành phố Hà Giang chúng tôi phải vượt qua đoạn đường khoảng 200km qua các huyện Quản Bạ, lên Yên Minh, qua Đồng Văn rồi vòng qua Mèo Vạc.
Video đang HOT |
Đỉnh Mã Pì Lèng hùng vĩ có con sông Nho Quế nước xanh biêng biếc uốn lượn |
Hành trình Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn – Mèo Vạc – thành phố Hà Giang quả thật là một hành trình khám phá mang lại cho người lữ khách cảm giác tuyệt diệu, không thể nào quên. Lấy thành phố Hà Giang làm điểm đầu của cuộc hành trình khám phá, xe cứ đi dần, đi dần lên cao, đi vào – lạc vào những con đường quanh co dốc đứng, ngoằn ngoèo, những con đường mà chỗ giao nhau cũng chỉ đủ cho hai xe ô tô loại 26 chỗ. Xe băng qua, xuyên qua núi xanh rừng thẳm hun hút, cheo leo. Hai bên đường chỉ có những ngôi nhà lặng lẽ, vắng bóng người, thỉnh thoảng mõ dê lóc cóc vọng ra từ những sườn núi hoang vắng. Có những đoạn đường buổi sớm tinh mơ, sương còn bao phủ những ngọn núi, con đường xa thẳm, không biết đâu là điểm đầu, đâu là điểm cuối khiến tôi ngỡ như mình lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Nhiều đoạn đường một bên là vách núi cao, một bên là vực sâu thẳm. Những dãy núi đá tai mèo cao vút, hiểm trở, đâm toạc bầu trời với đủ hình thù kỳ dị, chỗ thì dựng đứng, chỗ lại xô nghiêng, chỗ xanh rì cỏ cây, nơi lại chỉ toàn một màu đá xám trần trụi. Lên tới những điểm cao, nhìn xuống đoạn đường xe đã đi qua, cảm tưởng như mình đã đi trên một sợi dây lụa dài mềm mại, bất tận, ngoằn ngoèo và đan chéo vào nhau, giữa trùng điệp núi, trùng điệp cây. Trên đoạn đường ấy, thỉnh thoảng lại bắt gặp hình ảnh những người dân tộc thiểu số vai đeo gùi, hay tay dắt theo trâu/bò từ đi lên/đi xuống; bắt gặp hình ảnh những em bé dân tộc mắt trong như hòn bi ve ngồi vắt vẻo trên đá vẫy tay chào lữ khách.
|
Hoa tam giác mạch, loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên đá |
Hành trình ấy sẽ đi qua các dốc, cung đường tuyệt đẹp tưởng như tranh vẽ như dốc Dốc Thẩm Mã, xã Lũng Thầu; dốc Pải Lủng (xã Pải Lủng); cung đường Hạnh Phúc (nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc)…
Và nhắc tới vẻ đẹp của cao nguyên đá đồng Văn, không thể không nhắc tới một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng núi phía Bắc Việt Nam – Mã Pì Lèng hùng vĩ, có độ cao khoảng 1.200m, nằm trên con đường mang tên đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc. Mã Pì Lèng có một vẻ đẹp thật lạ kỳ, vẻ hùng vĩ khiến người lữ khách như tôi phải choáng ngợp, xuýt xoa. Mã Pì Lèng đứng đó, sừng sững, hiểm trở và hiên ngang, tưởng như hiện hữu trước mắt mà lại thâm sâu, khó nắm bắt đến vô cùng. Đường đèo uốn khúc quanh co quanh Mã Pì Lèng, dưới chân Mã Pì Lèng là vực sâu với sông Nho Quế xanh biêng biếc như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là đường đi Săm Pun, nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Trung Quốc.
Người hướng dẫn viên kể, Mã Pí Lèng (‘532;鼻梁) là tên gọi theo tiếng Quan Thoại chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Hmong bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi con mèo”.
Không hiểu sao, tới bãi đá mặt trăng, đứng giữa Mã Pì Lèng ngắm con sông Nho Quế, đi qua những cung đường nằm trong lòng đá, núi trong lòng tôi cứ dâng lên cảm giác ngẩn ngơ, ngỡ ngàng và choáng ngợp. Tạo hóa thật đặc biệt và tuyệt vời mới tạo nên những kiệt tác thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ như thế. Tôi nghĩ, phải cần rất nhiều nhiều thời gian thì mới cảm nhận hết được vẻ đẹp của chúng và cũng phải nói rằng, chỉ có đến đó, đứng giữa ngút ngàn, bao la và mênh mông đá, núi rừng, thở không khí ở đó thì mới phần nào cảm nhận được vẻ đẹp. Vẻ đẹp ấy, có lẽ chỉ có thể cảm bằng trái tim, bằng sự hiểu biết, chứ không một ngôn từ, chữ nghĩa, phương tiện hiện đại nào (máy ảnh chẳng hạn) ghi lại trọn vẹn được.
Và ngoài bãi đá mặt trăng, Mã Pì Lèng, những cung đường, dốc núi… Hà Giang còn thu hút, níu chân lữ khách bởi Sủng Là, nơi có nhà của Pao, bối cảnh của bộ phim Chuyện của Pao nổi tiếng; bởi núi đôi Quản Bạ; bởi dinh thự vua Mèo Vương Chí Sình, cột cờ Lũng Cú – nơi địa đầu Tổ Quốc hay bởi những vạt hoa, ruộng hoa tam giác mạch tím pha trắng rung rinh trước gió; bởi những ngôi nhà chênh vênh, lẻ loi trên sườn núi, dốc cao; bởi những đôi mắt trẻ thơ trong veo hồn nhiên đến vô chừng; bởi phiên chợ Mèo Vạc mang đậm nét văn hóa của người dân tộc Dao, Giáy, Lô Lô, Hmông; bởi những ngôi nhà trình tường độc đáo riêng có hay bởi những món ăn đậm đà bản sắc như thắng dền, thắng cố, cháo ấu tẩu, lợn mán, gà đồi, bánh tam giác mạch…
Hà Giang hoang sơ, thăm thẳm, xa ngái và quyến rũ, đến một lần rồi lại muốn đến nhiều nhiều lần nữa!!! Đến Hà Giang và văng vẳng lời hát “Núi ơ núi, rừng ơ rừng”!!!.
Hoa chen đá trên cao nguyên đá Hà Giang
Vẫn còn đó những con người chân chất, vẫn còn nguyên những dãy núi, những tảng đá tai mèo sắc lẹm vốn luôn là đặc trưng của tỉnh Hà Giang.
Nhưng cuộc sống giờ đã khác bởi sự dám nghĩ, dám làm... biến những thứ tưởng chừng là vật cản thành công cụ kiếm tiền bền vững.
Biến ước mơ thành hiện thực
Tôi đã từng rong ruổi dài ngày tại vùng đá núi Hà Giang. Từ Vị Xuyên ngược Hoàng Su Phì, Xí Mần rồi lên Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc... Ngày ấy, cái nghèo đeo bám, những đứa trẻ mũi dãi run lên cầm cập trong những làn gió lạnh buốt mà tái tê. Con người lúc đó được ví như như cây ngô, cây lúa bám vào hốc đá đâm những chiếc rễ nhỏ nhoi hút tinh túy của đất đá để nuôi sống chính mình.
Nhưng nay, người dân Hà Giang đã khác. Tuy vẫn còn đó nhiều khó khăn nhưng sự mạnh mẽ, kiên cường và khát khao làm giàu đã giúp cho bà con vùng đất này dần có sự đổi thay. Sự thay đổi tự thân trong nhận thức, tư duy của những người dân trên đường chúng tôi gặp đã khiến cho cảm xúc dâng trào...
Những bản làng Tày, Nùng, Dao, Mông, Giáy, Xuồng, Lô Lô... nằm dưới những tán rừng nhỏ của Hà Giang bây giờ không còn lẩn khuất chơi trò trốn tìm nữa, mà đã "mở cửa" để làm du lịch, tiếp nhận thế giới bên ngoài đến với thế giới xưa nay vẫn khép kín của bà con; đưa cuộc sống, văn hóa bản địa của bản làng thành thứ thu hút, giữ chân du khách...
Du khách và đám trẻ địa phương chụp ảnh bên vườn hoa Tam giác mạch.
Chàng trai Lương Văn Hùng người Nùng ở Khâu Vai, Mèo Vạc làm tôi bất ngờ nhất. Hùng vẫn chân chất như đá núi nhưng phong thái nhanh nhẹn hoạt bát như hươu nai trong rừng.Hùng bảo, sinh ra rồi lớn lên ở bản làng nhưng bao đời nay người dân ở Khâu Vai vẫn phó mặc cho tự nhiên. Năm nào mưa nhiều, cây cối tốt tươi thì mới có gạo, ngô ăn vài tháng. Còn không thì toàn ăn cơm trộn, ngô trộn chờ vụ mới. Ăn uống không đủ nên người dân cũng chẳng nghĩ được gì xa xôi. Nhưng rồi, một vài lần xem sách báo..., Hùng đã xóa được nếp nghĩ cũ để tiên phong làm du lịch, mở homestay. Anh là người đầu tiên ở bản Khâu Vai thuê lại ngôi nhà sàn của ủy ban xã để cải biến, tu sửa làm nơi đón khách về với vùng đất có phiên chợ tình nổi tiếng.
Tiếng lành đồn xa, bà con dân bản thấy mô hình của Hùng phát triển liền đổ xô đến học. Từ một người làm du lịch một cách chân chất, Hùng trở thành một "chuyên gia" lúc nào chẳng hay. Từ cách bài trí phòng ngủ đến nấu những món ăn... Hùng cứ như một kỹ sư được đào tạo bài bản ở trường lớp. Chính vì lẽ đó, thời điểm hiện tại ở Khâu Vai có vài chục homestay được hình thành. Người thăm quan, khách Tây, khách ta nườm nượp tìm đến ngắm cảnh, tắm suối, giao lưu văn hóa vui nhộn. "Mình làm được sẽ giúp người khác làm theo, cả bản cùng giúp nhau thoát nghèo", Hùng tâm sự với đôi mắt tỏ rõ sự quyết tâm.
Hay như thôn Há Ía (xã Cán Chu Phìn) - thôn nghèo và sâu xa của huyện Mèo Vạc cũng đang ấp ủ ước mơ làm du lịch cộng đồng từ chính những bờ rào đá - một thói quen trong cuộc sống từ bao đời nay của đồng bào vùng cao. Đến nay, thói quen này thành kiến trúc độc đáo riêng có, là một điểm nhấn khiến du khách đến Cán Chu Phìn sẽ nhớ về những bờ tường rào đá hộc.
Trao đổi với PV, Vàng Dỉ Xoáng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là cho biết: "Để người dân nghe, thực hiện theo sự vận động, tuyên truyền của xã, phải có người làm trước, và làm được thì bà con mới tin. Chuyển đổi từ nền kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tự cung tự cấp sang phát triển kinh tế du lịch bản làng".
Khi đã nhìn thấy sự thành công, đúng hướng, bà con sẽ học theo nhau, làm theo nhau. Phong trào nông thôn mới giúp bà con có hạ tầng điện đường trường trạm, vậy là bản làng có điều kiện để làm du lịch, tự khai thác những ưu đãi của tự nhiên ban tặng, khai thác lợi thế của công viên địa chất toàn cầu hay danh thắng di tích ruộng bậc thang...
Vạt hoa Tam giác mạch trên triền núi.
Ngọt thơm từ hoa Tam giác mạch
Không chỉ có vậy, nhiều địa phương ở tỉnh Hà Giang đang "chạy đua" với những mô hình theo phương thức: Làng văn hóa du lịch. Quả thực sự đổi mới, sự phát triển thể hiện rõ trong từng gia đình. Có thể điểm tên một vài làng du lịch trở thành điểm đến quen thuộc của du khách như Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm (Quản Bạ); thôn Chì, xã Xuân Giang (Quang Bình), Hạ Thành, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang), Thanh Sơn (Vị Xuyên), Nà Ràng (Xín Mần), Lũng Cẩm Trên (Đồng Văn), Tát Ngà (Mèo Vạc)...
Một người nghệ nhân chế tác đồ trang sức bàng bạc ở Đồng Văn.
Tiếp chuyện với tôi, nhiều lãnh đạo địa phương cùng chung một niềm vui hồ hởi bởi những quyết sách đúng đắn dựa theo đúng phong tục tập quán của địa phương. Cũng nhờ thế, nhiều thôn bản đã mạnh dạn chuyển mình, đổi hướng từ trồng trọt, chăn nuôi sang làm du lịch nông thôn như Sảng Pả A (Mèo Vạc), thôn Bục Bản (Yên Minh), thôn Khiềm (Bắc Quang), Bản Lạn (Bắc Mê), thôn Phìn Hồ và thôn Nậm Hồng (Hoàng Su Phì)...
Hiện tại, Hà Giang có 40 làng văn hóa làm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sự tối ưu của mô hình này đó là khai thác được những lợi thế tại chỗ của địa phương và phát huy tối đa những bản sắc văn hóa bản địa.
Các vùng chuyên canh trồng trọt, chăn nuôi được hình thành cung cấp thực phẩm cho các hộ làm du lịch, đón khách. Văn hóa bản địa trở thành thứ thu hút, giữ chân du khách, biến thành nguồn thu kinh tế khi nâng tầm lên thành các sản phẩm du lịch. Một chuỗi cung ứng, liên kết bền vững được hình thành.
Một điều nữa cũng cần phải nhắc đến đó là ông Hoàng Văn Thịnh, Bí thư đương nhiệm của huyện ủy Đồng Văn - người giúp cho cây hoa Tam giác mạch trở nên đặc biệt hơn cả. Theo đó, cuối năm 2012, khi ông đang là Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn. Trong chuyến công tác tại xã Lũng Cú, ông tình cờ gặp một cụ bà người Mông đang thu hái một loài cây thân cỏ, hoa nhỏ li ti với sắc trắng hồng pha tím bên vạt nương Thèn Pả. Nhận thấy loài hoa này sẽ có thể là điểm nhấn để thu hút cho du lịch Đồng Văn nếu được trồng đại trà, có quy hoạch, có ý đồ..., về lâu dài, nó sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con. Ông Thịnh nhen nhóm một dự định!
Du khách nghỉ ngơi tại một homestay.
Ông giao thí điểm một xã triển khai tổ chức gieo trồng tập trung, giao Phòng Nông nghiệp nghiên cứu, khảo sát, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây. Kết quả sau thời gian trồng thí điểm, được con người để tâm chăm sóc, cây lên xanh tốt,. Vậy là từ những vách đá cheo leo, loài hoa li ti đội đá mà lên, chen đá mà tỏa sắc, tạo ra nét riêng có của vùng cao nguyên đá. Hiệu ứng của một thảm tam giác mạch tập trung liền nhau với sắc hoa biến đổi theo mỗi ngày, khi mới nở hoa có màu trắng tinh khiết, sau chuyển sang phớt hồng, rồi chuyển sang tím đỏ. Bức họa mới mẻ của núi rừng có tên hoa tam giác mạch tô vẽ.
Giữa năm 2014, ông Thịnh đề xuất mở rộng diện tích cây tam giác mạch cho mùa tới, và thai nghén tổ chức lễ hội quảng bá, thu hút du lịch cho cao nguyên đá mang tên một loài hoa. Cuối năm 2014, như kế hoạch, Hà Giang lần đầu mở lễ hội du lịch mang tên một loài hoa: Lễ hội hoa Tam giác mạch, cho đến tận bây giờ...
Hà Giang: Thạch Sơn Thần - Điểm ngắm hoa lý tưởng mùa tam giác mạch Hà Giang in dấu trong bản đồ du lịch với những con đường quanh co uốn lượn, ruộng bậc thang kỳ vĩ cùng với những dãy núi cao hun hút tận mây xanh và cả những ngọn đồi phủ đầy sắc hoa khắp bốn mùa. Và nổi bật lên trong bản đồ du lịch Hà Giang là Thạch Sơn Thần, đây cũng là...