Saudi Arabia sẵn sàng đẩy nhanh xuất khẩu dầu thô sang châu Âu
Saudi Arabia đang tìm cách đáp ứng nhu cầu năng lượng của một số nước châu Âu. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Năng lượng nước này, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman phát biểu tại hội thảo “Sáng kiến Đầu tư Tương lai” ngày 25/10. Ảnh: Reuters
Phát biểu tại cuộc hội thảo “Sáng kiến Đầu tư Tương lai” diễn ra ở thủ đô Riyadh ngày 25/10, ông Abdulaziz cho biết tập đoàn Saudi Aramco đã xuất sang châu Âu 950.000 thùng dầu/ngày trong tháng 9, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ông, Saudi Arabia đã tiếp cận với nhiều nước châu Âu như Đức, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Croatia, Romania… Những nước này đang bước vào thời kỳ khai thông tắc nghẽn chuỗi cung ứng và hệ thống cung ứng nhằm bảo đảm dầu thô của Saudi Arabia có thể tiếp cận thị trường.
Châu Âu đang trải qua đợt khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất sau khi Nga, nước cung cấp khí đốt lớn nhất cho châu lục, giảm sản lượng xuất khẩu nhằm đáp trả hàng loạt lệnh trừng phạt mà Liên minh châu Âu (EU) dựng lên chống Moskva. Để chuẩn bị cho mùa đông với nhu cầu tiêu thụ năng lượng lên đỉnh điểm, các nước trong khu vực bắt đầu khởi động lại nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và Qatar.
Đề cập đến việc Mỹ và nhiều nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) xuất kho dữ trữ chiến lược để hạ nhiệt giá dầu, ông Abdulaziz cho rằng đây là cơ chế để thao túng thị trường dù mục đích là làm dịu thiếu hụt nguồn cung. Việc xả kho dự trữ khẩn cấp có thể sẽ gây ra tác động tiêu cực trong vài tháng tới.
Thị trường năng lượng đang bước vào một giai đoạn bất ổn mới khi lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga của EU có hiệu lực từ ngày 5/12 tới. “Chúng ta gặp phải tình huống bất ổn và bức tranh sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới”, Bộ trưởng Abdulaziz nhận định.
Trong tháng 8 vừa qua, Saudi Arabia tăng thêm sản lượng 236.000/ngày, lên mức 11,05 triệu thùng/ngày, với lượng xuất khẩu đạt 7,6 triệu thùng/ngày – mức cao nhất trong hai năm trở lại đây.
Saudi Arabia: Khủng hoảng năng lượng châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh
Theo phóng viên TTXVN tại vùng Vịnh, ngày 25/10, Bộ trưởng Đầu tư Saudi Arabia Khalid Al-Falih nhận định cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành dầu khí sang sử dụng năng lượng tái tạo và hydro xanh.
Nhà máy lọc dầu Ras Tannura gần tỉnh Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu tại diễn đàn "Sáng kiến đầu tư tương lai" diễn ra ở thủ đô Riyadh, ông Al-Falih cho rằng thế giới đã chứng kiến nhiều sự chuyển đổi, trong đó đáng chú ý là chuyển đổi an ninh năng lượng. Đề cập cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, ông Al-Falih nhận định sự chuyển đổi trong lĩnh vực năng lượng đang diễn ra và sẽ tiếp tục tăng tốc trong thời gian tới. Cũng theo quan chức này, đã có sự chuyển đổi trong lĩnh vực thương mại và chuỗi cung ứng, vì toàn cầu hóa đã tạo ra những tác động thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi này.
Liên quan quá trình chuyển đổi kinh tế, Bộ trưởng Al-Falih nhận định lạm phát và chi phí vay cao hơn là những dấu hiệu cảnh báo một thời kỳ tăng trưởng thấp hơn trong thời gian dài của nền kinh tế toàn cầu.
Là nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, Saudi Arabia đang nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2060 thông qua cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn carbon, đồng thời duy trì vai trò hàng đầu của nước này trong việc tăng cường an ninh và ổn định của thị trường dầu mỏ toàn cầu. Saudi Arabia đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm lượng phát thải CO2 hằng năm khoảng 278 triệu tấn, đồng thời giảm 30% lượng khí thải methane, trong khuôn khổ cam kết của nước này vì một tương lai xanh hơn và sạch hơn. Quốc gia vùng Vịnh này cũng có kế hoạch đáp ứng 50% nhu cầu năng lượng bằng năng lượng tái tạo vào năm 2030 và trồng hàng tỷ cây xanh trong những thập niên tới.
OPEC chịu thêm sức ép khi sản lượng khai thác của khối sụt giảm Sản lượng dầu thô khai thác của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sụt giảm trong tháng 5, tạo thêm sức ép với OPEC sau khi liên minh này đưa ra cam kết về ổn định thị trường bằng biện pháp tăng nguồn cung. Cơ sở lọc dầu Aramco của Saudi Arabia ở khu vực al-Khurj, phía Nam thủ đô...