Sau xuống nước, Mỹ lại lớn giọng cảnh báo Nga
Chỉ một ngày sau khi Mỹ vừa xuống nước kêu gọi bình thường hoá quan hệ với Nga ở biển Balitic, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngày hôm qua (3/5) đã thẳng thừng tung cảnh báo sắc lạnh nhằm vào Moscow.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã lên tiếng cảnh báo rằng, NATO sẽ bảo vệ các đồng minh của mình trước “sự gây hấn, xâm lược” của Nga khi ông này chủ trì buổi lễ chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng tại Châu Âu của liên minh cho một vị tướng mới. Theo lời ông Carter, NATO sẽ “để ngỏ khả năng hợp tác với Nga” trong các thách thức an ninh toàn cầu nếu Moscow từ bỏ chính sách “doạ dẫm”.
“Tuy nhiên, mọi việc phụ thuộc vào quyết định của điện Kremlin. Chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến tranh lạnh chứ đừng nói là nóng với Nga. Chúng tôi không có ý định biến Nga thành kẻ thù. Nhưng đừng mắc sai lầm. Chúng tôi sẽ bảo vệ các đồng minh của mình, bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và tương lai tích cực mà chúng ta có thể có”, Bộ trưởng Carter nhấn mạnh.
Ông Carter cho rằng, Moscow đang hành xử thụt lùi kiểu thời chiến tranh, khiến quân đội Mỹ phải tăng cường sự hiện diện quân sự ở sườn phía đông của NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn chỉ trích kịch liệt những cảnh báo của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân, miêu tả đó là phát biểu “gây hỗn loạn nhất”. “Việc Moscow doạ dẫm dùng vũ khí hạt nhân đang đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về cam kết của giới lãnh đạo Nga với sự ổn định chiến lược, sự tôn trọng của họ với các quy định, tiêu chuẩn về việc không sử dụng vũ khí hạt nhân cũng như việc liệu giới lãnh đạo Nga có giữ được sự thận trọng tối đa mà lãnh đạo các nước có vũ khí hạt nhân thể hiện liên quan đến vấn đề sử dụng loại vũ khí huỷ diệt hàng loạt này hay không”, ông Carter nhấn mạnh.
Những phát biểu trên được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra khi ông có mặt tại thành phố phía tây Stuttgart của nước Đức. Ông Carter có mặt tại đây để tham dự lễ chuyển giao quyền chỉ huy lực lượng NATO ở Châu Âu cho Tướng Curtis Scaparrotti. Ông Scaparrotti từng lãnh đạo lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc.
Video đang HOT
Tướng Scaparrotti sẽ thay thế cho Tướng Philip Breedlove. Trên cương vị mới, ông Scaparrotti sẽ phải xử lý mối quan hệ căng thẳng giữa liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương với Nga. Ông Breedlove – một vị tướng không quân của Mỹ, đã giữ chức Chỉ huy tối cao của Liên quân tại Châu Âu kể từ hồi tháng Năm năm 2013. Vị trí này luôn được nắm giữ bởi một người Mỹ.
Những phát biểu của Bộ trưởng Carter phản ánh cuộc đối đầu gay gắt giữa Nga và Mỹ trên nhiều mặt trận, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Ukraine, ở Syria và vấn đề tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và NATO ở ngay sát sườn của Nga.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ “lao dốc không phanh”, đẩy mối quan hệ này xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an. Dựa vào đó, Mỹ cùng NATO ra sức tăng cường sự hiện diện quân sự quanh Nga để tạo thế uy hiếp Moscow.
Ở Syria, Nga và Mỹ cũng bất đồng với nhau về nhiều vấn đề. Cuộc đối đầu giữa Nga và Mỹ khiến cho các cuộc khủng hoảng Ukraine và Syria tiếp tục xấu đi.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Nga làm căng, Mỹ vội vàng xuống nước
Nga liên tiếp cho chiến đấu cơ áp sát tàu chiến và máy bay do thám của Mỹ. Trước sự quyết liệt và cứng rắn của Moscow, Mỹ vội vàng xuống nước, tuyên bố muốn "bình thường hóa" quan hệ với Nga ở biển Baltic.
Ảnh minh họa
Đô đốc John Richardson sĩ quan hàng đầu của Hải quân Mỹ hôm thứ Hai đầu tuần (2/5) đã nói rằng, ông hy vọng "bình thường hóa" quan hệ với Moscow ở biển Baltic nơi những chiếc chiến đấu cơ của Nga gần đây liên tục thách thức tàu chiến và máy bay quân sự của Mỹ.
Mới đây nhất, hôm 29/4, Nga đã phái một chiếc chiến đấu cơ SU-27 đi chặn chiếc máy bay do thám RC-135 của Mỹ ở khu vực biển Baltic. Đây là lần thứ hai liên tiếp xảy ra một vụ va chạm giữa lực lượng hai nước Nga, Mỹ trong những tuần gần đây. Lầu Năm Góc đã miêu tả những vụ việc như thế là "nguy hiểm và không chuyên nghiệp".
Trước đó, hồi tháng Tư, Hải quân Mỹ cho công bố một đoạn video ghi lại hình ảnh máy bay Nga bay áp sát tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ.
"Điều đó chỉ làm gia tăng khả năng dẫn đến một sự tính toán chiến thuật sai lầm. Đó là kiểu hành động chỉ làm leo thang căng thẳng trên toàn bộ khu vực, vì thế chúng tôi đang tìm kiếm một sự bình thường hóa ở đó", Đô đốc Richardson đã phát biểu như vậy trước các phóng viên của Lầu Năm Góc.
Ông Richardson kêu gọi Moscow thực hiện nghiêm chỉnh một thỏa thuận hàng hải do Mỹ và Liên Xô ký năm 1972 nhằm tránh những vụ việc không đáng có giữa lực lượng hải quân hai bên cũng như ngăn chặn khả năng những vụ việc như vậy leo thang.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ cho điều đó", Đô đốc Mỹ nhấn mạnh.
Ông Richardson cũng tìm cách nói tránh, nói giảm nhẹ về tính chất của những vụ chạm trán gần đây giữa lực lượng Nga và Mỹ ở biển Baltic.
"Tôi không nghĩ rằng người Nga đang cố khiêu khích để châm ngòi cho một vụ đụng độ. Tôi cho rằng, họ đang cố gắng phát đi một thông điệp", vị sĩ quan hải quân cấp cao của Mỹ nhận định.
Moscow đã thể hiện sự không hài lòng trước việc Mỹ liên tục cho tàu chiến và máy bay quân sự tiếp cận sát với biên giới của Nga.
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang chứng kiến mối quan hệ giữa Nga và Mỹ "lao dốc không phanh", đẩy mối quan hệ này xuống thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mỹ và các đồng minh phương Tây ra sức đổ lỗi, chỉ trích Moscow về cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine. Mỹ tìm mọi cách dồn ép, gây áp lực với Nga. Mỹ cũng gây sức ép để các nước đồng minh Châu Âu quay sang chống Nga. Phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã liên tiếp tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đồng thời không ngừng chỉ trích và lên án Nga trên các phương tiện truyền thông thế giới. Phương Tây cũng tìm cách thổi phồng mối đe dọa từ Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga cảm thấy bất an.
Trong một nỗ lực nhằm trấn an các đồng minh Đông Âu, NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ mới đây đã quyết định tăng thêm quân đến khu vực đồng thời tăng cường các cuộc tuần tra, tập trận ở những khu vực vốn được coi là sân sau của Nga.
Những động thái của Mỹ và NATO khiến Nga không thể ngồi yên. Moscow đã có nhiều biện pháp đối phó đồng thời thể hiện sự quyết liệt, cứng rắn trong các hành động đáp trả.
Sau khi liên tục cáo buộc Nga "gây hấn" ở biển Baltic, sĩ quan hàng đầu của Hải quân Mỹ lại có những phát biểu thể hiện sự xuống nước, mong "bình thường hóa" quan hệ giữa Washington và Moscow.
Nga chưa phản ứng gì với động thái xuống nước nói trên của Mỹ. Tuy nhiên, hôm 30/4, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định, vụ chặn máy bay do thám của Mỹ mới nhất gần đây của chiến đấu Nga được thực hiện theo đúng luật quốc tế.
Kiệt Linh (tổng hợp)
Theo_VnMedia
Ớn lạnh viễn cảnh chiến tranh với Trung Quốc Mặc dù Trung Quốc luôn miệng khẳng định sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông là vì những mục đích dân sự và vì các lý do ổn định nhưng phần lớn người dân Philippines không tin điều này. Họ đều đang hết sức lo ngại về viễn cảnh bùng phát chiến tranh với Trung Quốc. Quân đội Philippines kiểm...