Sau xe tăng, việc phương Tây cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine chỉ là vấn đề thời gian?
Vào mùa hè năm ngoái, viện trợ hệ thống HIMARS cho Ukraine là “giới hạn đỏ”, nhưng sau đó, tất cả đã thay đổi.
Vấn đề chuyển giao xe tăng do phương Tây chế tạo cho Ukraine cũng lặp lại kịch bản tương tự và sau này, rất có thể “bổn cũ soạn lại” trong vấn đề cung cấp chiến đấu cơ hiện đại cho Ukraine.
Washington đã nói với Kiev rằng việc cung cấp máy bay là “không nên vào lúc này”. Ảnh: AFP vie Getty Images
Với Ukraine, cuộc đấu tranh để có được xe tăng chiến đấu của phương Tây mới chỉ là bắt đầu. Bước tiếp theo là các chiến đấu cơ hiện đại.
Bước đi tiếp theo sau xe tăng
Với việc những chiếc xe tăng Abram do Mỹ chế tạo và Leopard do Đức sản xuất đang chuẩn bị ra tiền tuyến sau nhiều tháng tranh cãi tại các nước phương Tây, các nhà hoạch định quân sự ở Kiev đang chuyển sự chú ý của họ sang bước tiếp theo – những chuyến hàng chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại.
Các cuộc trò chuyện giữa tờ Wall Street Journal với nhiều quan chức quân sự và nhà ngoại giao phương Tây xác nhận đã diễn ra một cuộc tranh luận nội bộ về việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu hiện đại, do các quan chức Ukraine thúc đẩy với sự ủng hộ từ các quốc gia cứng rắn vùng Baltic.
“Bước đi tự nhiên tiếp theo sẽ là máy bay chiến đấu”, một nhà ngoại giao từ một quốc gia Bắc Âu cho biết.
Cuộc tranh luận này có thể sẽ còn gây tranh cãi hơn cả việc cung cấp xe tăng cho Kiev. Ở châu Âu, nhiều quan chức và nhà ngoại giao cho biết chính phủ của họ không còn coi ý tưởng này là không thể bắt đầu, nhưng lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột vẫn còn cao.
Washington đã nói với Kiev rằng việc cung cấp máy bay chiến đấu là “không được phép vào lúc này” – nhà ngoại giao trên cho biết, nhưng nói thêm: “Có một giới hạn đỏ ở đó – nhưng mùa hè năm ngoái chúng ta đã có một giới hạn đỏ đối với HIMARS [hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao], và điều đó đã thay đổi. Sau đó là xe tăng chiến đấu, và điều này cũng đang chuyển dịch”.
Một đặc phái viên cấp cao thứ hai từ một cường quốc châu Âu cũng nhấn mạnh tốc độ cung cấp vũ khí phương Tây đang leo thang. “Hôm nay hoàn toàn không thể tưởng tượng được về các máy bay chiến đấu, nhưng chúng ta có thể thảo luận về vấn đề này sau hai, ba tuần nữa”, vị quan chức này nói.
Các bộ trưởng quốc phòng từ các đồng minh của Ukraine sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 2 tới tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Tây Nam Đức. Tại hội nghị, vấn đề hỗ trợ Ukraine về không quân dự kiến sẽ là trọng tâm chính.
Những diễn biến trên xảy ra sau những bình luận vào tháng trước từ Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Káer, người đã nói với hãng tin Interfax – Ukraine rằng chính phủ của ông “sẵn sàng” chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cho Kiev, đồng thời đang trao đổi với các đối tác NATO và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky về cách thức thực hiện.
Hai chiến đấu cơ của Pháp (bên trái) và hai chiếc MiG-29 của Ba Lan bay trên căn cứ không quân ở Malbork, Ba Lan. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong khi đó, các chính trị gia cấp cao khác thì dè dặt hơn nhiều. Hôm 25/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, với lý do cần phải ngăn leo thang quân sự.
Video đang HOT
Ông Scholz nói: “Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Điều này đã được làm rõ từ đầu, kể cả từ Tổng thống Mỹ”.
Do đó, một số quan chức tin rằng cuộc thảo luận vào tháng tới tại Ramstein sẽ tập trung hơn vào việc đưa ra một kế hoạch dự phòng, trong trường hợp máy bay chiến đấu thật cần thiết vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thay vì đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao trong thời gian ngắn.
Vừa viện trợ vừa thăm dò Nga
Các đồng minh châu Âu của Ukraine đã nhìn thấy trước cuộc xung đột có thể kéo dài từ 3 đến 5 năm nữa, hoặc lâu hơn, và có những lo ngại rằng phương Tây sắp đạt đến giới hạn của những gì họ có thể cung cấp mà không gây ra phản ứng cực đoan từ Moskva.
Đầu năm 2022, các đồng minh phương Tây đã đồng ý một “chính sách bất thành văn” là không cung cấp cho Ukraine gói vũ khí đầy đủ toàn diện ngay sau khi xung đột bùng phát, vì lo sợ “sẽ gây ra phản ứng lớn từ Nga”.
Một ý tưởng được nghĩ tới là phương Tây nên cung cấp hỗ trợ dần dần, và đánh giá phản ứng của Nga ở mỗi bước.
“Nhiều quốc gia ở phương Tây nghĩ rằng nếu chúng tôi cung cấp cho Ukraine tất cả vũ khí mà họ yêu cầu trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, thì sẽ có phản ứng mạnh mẽ của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Bạn có thể gọi đây là quá trình thử phản ứng của Moskva”, một nhà ngoại giao cấp cao châu Âu cho biết.
Chiến lược viện trợ này có xu hướng tăng chậm nhưng đều đặn, từ tên lửa Javelin chống tăng và các hệ thống phòng không di động như Stingers, đến HIMARS, và gần đây là tên lửa đất đối không Patriot, xe tăng và xe bọc thép.
Do đó, việc giao máy bay “chỉ là vấn đề khi nào” – nhà ngoại giao trên dự đoán.
Máy bay F-16C (giữa và bên phải) trong cuộc diễn tập tại Mỹ. Ảnh: The Drive
Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington vào tuần trước để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, ngoài việc cung cấp xe tăng. Phát biểu sau đó, ông Cleverly từ chối cho biết liệu những cuộc trao đổi đó có đề cập đến cung cấp máy bay chiến đấu, bom chùm hay tên lửa tầm xa hay không.
Ông nói: “Tôi sẽ không suy đoán về bản chất của hỗ trợ quân sự trong tương lai. Sự hỗ trợ của chúng tôi đã phát triển lên khi xung đột tăng lên và khi các yêu cầu của người Ukraine tăng lên.”
Tuy nhiên, là một quốc đảo, Anh sẽ do dự gửi máy bay đến Ukraine hơn là gửi xe tăng và các thiết bị quân sự trên bộ khác – theo các quan chức Anh. Cũng có những lo ngại rằng sự ủng hộ của công chúng có thể suy yếu trong bối cảnh xung đột leo thang hơn nữa.
Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, thay vì máy bay chiến đấu có người lái, phương Tây trước tiên sẽ muốn sử dụng hết tất cả các lựa chọn khác để hỗ trợ trên không, bao gồm nhiều máy bay không người lái tấn công hơn và có thể là tên lửa tầm xa. Washington gần đây cũng đã phê duyệt một lô hàng tên lửa không điều khiển Zuni thời Chiến tranh Lạnh mà quân đội Ukraine có thể phóng từ các máy bay MiG thời Liên Xô.
Nhưng các nhà ngoại giao này cũng chỉ ra rằng, các quyết định gần đây của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc thảo luận về máy bay. Vào tháng 7/2022, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt 100 triệu USD để đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu của Mỹ, và vào tháng 10/2022, Ukraine tuyên bố một nhóm gồm vài chục phi công đã được chọn để đào tạo lái máy bay chiến đấu phương Tây.
Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, cho biết ưu tiên của Kiev sau xe tăng là đảm bảo an toàn cho máy bay phản lực và “những lý do” của các đồng minh [cho việc không gửi chiến đấu cơ] không phải là không thể vượt qua. Ông tin rằng phương Tây hiện đang bị thuyết phục về sự cần thiết phải tăng cường một cách thận trọng nhưng nhất quán cấp độ của các hỗ trợ quân sự.
Ông cho biết lực lượng không quân Ukraine đã để mắt tới các máy bay F-16 và F-15 của Mỹ, nhưng cũng sẵn sàng tiếp nhận các loại khác. Phần lớn máy bay F-15 và F-16 do Mỹ sở hữu được triển khai ở các khu vực khác, bao gồm cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
“Có gần 50 quốc gia hiện đang sử dụng F-15. Tôi không tin dù chỉ một giây rằng Ukraine không xứng đáng có máy bay chiến đấu”, ông Sak nói.
“Cơn ác mộng” hậu cần
Tuy nhiên, việc gửi máy bay sẽ đòi hỏi những nỗ lực hậu cần quan trọng đối với các đồng minh của Ukraine.
Máy bay F-15 và F-16 yêu cầu đường băng dài, chất lượng cao, điều mà Ukraine thiếu. Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ dễ dàng phát hiện ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng các căn cứ như vậy và sẽ tấn công chúng.
Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân tại Viện nghiên cứu RUSI của Anh, cho biết các máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ hoặc Gripens của Thụy Điển sẽ phù hợp hơn, vì chúng có thể cất cánh từ các bãi đáp ngắn hơn và ít cần bảo dưỡng hơn. Nhưng cả hai máy bay phản lực này đều có nguồn cung tương đối ít.
Các máy bay chiến đấu khác, chẳng hạn như Rafales do Pháp sản xuất, có thể yêu cầu một số lượng lớn nhân viên phương Tây trên mặt đất ở Ukraine để sửa chữa và chuẩn bị cho các chuyến bay. Những người này dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của Nga.
Gói vũ khí mới cho Ukraine hé lộ chiến thuật phản công mới?
Mỹ đang gửi vũ khí và thiết bị mới cho Ukraine để chuẩn bị cho cuộc phản công với một chiến thuật mới, được cho là ở cự ly gần hơn.
Binh sĩ Australia bắn súng trường không giật Carl Gustaf trong cuộc huấn luyện năm 2014. Mỹ đang cung cấp cho Ukraine 2.000 viên đạn dùng cho loại súng này. Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ
Theo tờ Washington Post, Lầu Năm Góc đang gửi loạt vũ khí và thiết bị quân sự mới cho phép quân đội Ukraine chuẩn bị tốt hơn trong chiến đấu ở cự ly gần hơn. Điều này có khả năng báo hiệu rằng Kiev và đồng minh nhìn thấy cơ hội giành lại các vùng lãnh thổ sau nhiều tuần giao tranh dọc chiến tuyến.
Tờ báo cho biết các quan chức Ukraine đã công khai thảo luận về một cuộc tấn công vào thành phố cảng chiến lược Kherson do Nga nắm giữ, nhưng có rất ít bằng chứng dọc theo tiền tuyến cho thấy Ukraine chuẩn bị thực hiện một chiến dịch đòi hỏi số lượng lớn binh sĩ, xe bọc thép và vũ khí áp sát hỏa lực mạnh để vượt qua đối thủ vượt trội về số lượng.
Gói vũ khí gần 800 triệu USD được công bố cuối tuần trước dường như là một bước đầu tiên nhằm giải quyết một phần thiếu hụt về vũ khí, vì một cuộc tấn công thành công sẽ bao gồm khả năng tấn công từ nhiều khoảng cách khác nhau.
Gói vũ khí được Mỹ công bố ngày 20/8 sẽ bao gồm 40 xe chống bom được trang bị các con lăn giúp kích nổ mìn, cũng như các loại pháo nhẹ hơn, dễ di chuyển hơn các loại pháo hạng nặng mà Mỹ đã gửi trước đó. Khoản viện trợ cũng sẽ bao gồm súng trường không giật có tầm bắn vài trăm mét và bệ phóng tên lửa giới hạn dưới 3 dặm - gần hơn nhiều so với khoảng cách hiện tại giữa các đơn vị Ukraine và Nga ở nhiều nơi.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói với các phóng viên cùng ngày 20/8 rằng: "Các phương tiện rà phá bom mìn là một ví dụ thực sự rõ về việc người Ukraine sẽ cần đến loại năng lực này để có thể thúc đẩy lực lượng của họ tiến lên và giành lại lãnh thổ. Đây là những vũ khí nâng cao khả năng di chuyển của người Ukraine khi họ đối mặt môi trường rất thách thức này, đặc biệt là ở miền nam".
Các xe bọc thép kháng bom mìn gọi tắt là MRAP - một phương tiện chủ chốt trong các cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan - sẽ che chắn cho binh sĩ khỏi các vụ nổ và hỏa lực vũ khí nhỏ, trong khi kích nổ mìn bằng các con lăn phóng từ phía trước giống như râu tôm hùm.
Xe kháng mìn, chống phục kích (MRAP) MaxxPro với các con lăn rà mìn đi trước, từng được Mỹ gửi cho Iraq. Ukraine sẽ nhận loại tương tự. Ảnh: U.S Army
Viện trợ an ninh của Mỹ trong những tháng gần đây đã tập trung vào tên lửa tầm xa và các loại pháo như hệ thống tên lửa phóng loạt chính xác, được gọi là HIMARS, để hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến pháo binh khốc liệt ở Donbas, miền đông nước này. Những vũ khí đó đã có hiệu quả trong việc nhắm mục tiêu chính xác vào các sở chỉ huy và kho đạn của đối phương, đồng thời làm giảm quy mô các cuộc pháo kích của Nga. Nhưng chúng đã không thể thay đổi được chiến tuyến.
"Chúng tôi chưa thấy hoạt động chiếm lại lãnh thổ đáng kể nào, nhưng chúng tôi nhận thấy sự suy yếu đáng kể của Nga ở nhiều địa điểm", quan chức cấp cao Ukraine nói trên cho biết.
Quân đội Ukraine đã phải chật vật để thúc đẩy tấn công các khu vực do Nga kiểm soát, chẳng hạn như một nỗ lực gần Vùng Kherson vào tháng 6 đã giải phóng một số ngôi làng. Các lực lượng Ukraine đã không đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó và bị "lộ sườn" ở địa hình bằng phẳng khi quân đội Nga điều động các đơn vị pháo binh vào khu vực và thực hiện trinh sát để thăm dò hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Các tên lửa chống tăng TOW được Mỹ gửi tới Ukraine có thể được đặt trên một giá ba chân (tripod) hạng nặng hoặc chất lên phía sau của một phương tiện như Humvee. Kiểu thiết lập đó cho phép quân đội phóng tên lửa rồi nhanh chóng thoát khỏi địa điểm để tránh bị bắn trả - một kỹ thuật được gọi là "bắn rồi chuồn".
Những chiếc Humvee cũng có thể được sử dụng để vận chuyển các loại pháo cỡ nòng 105mm mới được cung cấp, cung cấp sức mạnh và tầm bắn vừa đủ để dễ vận chuyển và cơ động so với các loại pháo M777 nặng hơn mà Mỹ đã gửi.
Các binh sĩ Mỹ trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia bang Vermont bắn tên lửa TOW từ một chiếc Humvee vào năm 2017. Ảnh: Vệ binh Quốc gia Mỹ
Gói này cũng bao gồm 2.000 viên đạn cho súng trường không giật Carl Gustaf. Các loại vũ khí được bộ binh mang theo để bắn đạn 84mm nhằm vào các xe quân sự và vị trí chiến đấu của đối phương trong phạm vi vài trăm mét.
Rob Lee, một thành viên cấp cao của Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại và là chuyên gia về quân đội Nga, cảnh báo rằng gói vũ khí gần đây nhất của Lầu Năm Góc không phải là bằng chứng cho thấy một cuộc tấn công sắp xảy ra. Lô vũ khí này có thể có các mục đích sử dụng khác và một số loại, chẳng hạn như MRAP, có thể không lý tưởng cho cận chiến vì hình dáng và tầm nhìn cao của chúng, nhưng vẫn tốt hơn so với lựa chọn xe tải không bọc thép.
Theo ông Lee, một số vũ khí trong gói này cho thấy rằng Lầu Năm Góc có lẽ muốn lấy từ các kho mà họ không sử dụng nhiều, thay vì tiếp tục vét từ kho dự trữ quan trọng và làm tổn hại đến năng lực sẵn sàng của quân đội Mỹ. Lầu Năm Góc đã tính đến việc cho "nghỉ hưu" các phương tiện như Humvee, MRAP và vũ khí như TOW.
"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có yếu tố kinh tế trong vấn đề này", ông Lee nhận xét. Một số vũ khí mới được cung cấp cũng có thể hữu ích trong cuộc chiến pháo binh ở miền đông hoặc cuộc phản công ở phía nam, chẳng hạn như sử dụng song song máy bay không người lái ScanEagle và tên lửa dò tìm radar để tìm và phá hủy các hệ thống phòng không của Nga. Loại bỏ những vũ khí đó khỏi chiến trường sẽ cho phép quân đội Ukraine khai thác sức mạnh máy bay không người lái của riêng họ trong một cuộc phản công và di chuyển tự do hơn xung quanh chiến trường.
Chuyên gia Lee nói thêm, một cuộc phản công theo phương thức cổ điển với rất nhiều quân và phương tiện có thể không phải là chiến lược tốt nhất. Ukraine đã thành công trong việc bắn phá vào lực lượng Nga bằng tên lửa tầm xa và phá hoại các vị trí ở Crimea, làm xói mòn niềm tin rằng người Nga ở xa chiến trường vẫn an toàn.
"Tôi không biết liệu họ có đủ lực lượng để làm điều đó hay không", ông Lee nói về một cuộc tấn công ở Kherson. Theo ông, một chiến lược tiêu hao sẽ "có ý nghĩa nhất đối với Ukraine."
Xung đột ở Ukraine: Kiev lập phi đội tấn công UAV đầu tiên thế giới, Nga nói bắn hạ Su-25 ở Donetsk Trong khi Kiev phê duyệt việc thành lập các phi đội tấn công máy bay không người lái (UAV) đầu tiên trên thế giới, Moskva tuyên bố bắn hạ một máy bay tấn công mặt đất Su-25 của Ukraine ở Donetsk. Binh sỹ Ukraine điều khiển UAV. Ảnh: Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine Tờ The New Voice of Ukraine ngày 28/1...