Sau vụ xe cứu hỏa bị đâm trên cao tốc: Bộ GTVT sẽ sửa đổi luật?
Tại buổi họp giao ban báo chí quý I mới đây, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ đang lấy ý kiến dự thảo luật có quy định quyền ưu tiên của xe cứu hộ trên đường cao tốc.
Giải đáp những ý kiến đề xuất sửa đổi Luật Giao thông đường bộ sau vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hoả khiến 1 chiến sĩ cảnh sát PCCC tử vong ở cao tốc Pháp Vân – Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: “Hiện nay, Bộ GTVT đang rà soát, nghiên cứu, sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008. Để có những ý kiến khách quan, Bộ đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo luật và sẽ trình Chính phủ chủ trương sửa đổi này”.
“Trong đó, có quy định quyền ưu tiên của xe cứu hộ trên đường cao tốc. Xe ưu tiên được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề sửa đổi Luật Giao thông đường bộ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kiểm soát, điều hành giao thông vận tải”, Thứ trưởng Đông cho hay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông.
Cũng theo Thứ trưởng Đông, thời điểm hiện tại chưa thể đánh giá xe ưu tiên được đi ngược chiều trên cao tốc là không phù hợp, cần phải sửa ngay. Bởi bên cạnh ý kiến yêu cầu sửa, cũng có nhận định nên giữ nguyên, chỉ cần bổ sung quy trình để đảm bảo cho phương tiện này hoạt động an toàn.
Trước đề xuất của tỉnh Thái Bình đề nghị mua lại dự án BOT quốc lộ 39, Thứ trưởng cho rằng: “Nhà nước hết sức khó khăn vì hiện tại ngân sách không có để mua lại dự án. Ngoài ra, cũng phải xem xét lại hợp đồng ký kết với doanh nghiệp để tính toán việc thu hồi vốn. Bộ GTVT đã kiến nghị không thu phí tại trạm cầu Tân Đệ để thu hồi vốn cho dự án BOT QL39″.
Liên quan tới sự cố nứt cầu Vàm Cống, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng & Chất lượng Công trình giao thông (Bộ GTVT) khẳng định, sự cố nứt dầm theo các chuyên gia là hi hữu trên thế giới. Công tác xác định nguyên nhân phải được thực hiện thận trọng để có giải pháp sửa chữa, khắc phục triệt để.
Video đang HOT
“Bộ GTVT đã mời các chuyên gia Hàn Quốc và ADB trợ giúp tìm nguyên nhân, khảo sát vết nứt. Các đơn vị đã có nhận định ban đầu về nguyên nhân. Chúng tôi đang đánh giá lại và tháng 4.2018 sẽ có kết quả cụ thể”, ông Thành nói.
Đề cập tới chất lượng công trình, ông Thành khẳng định: “Sự cố chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của công trình. Hiện, cầu Cao Lãnh, đường kết nối Cao Lãnh với Vàm Công đã xong, đến tháng 4.2018 sẽ thông tuyến đường này. Còn cầu Vàm Cống phải lùi lại tiến độ”.
Trước đó, chiều 14.11.2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29 thuộc dự án cầu Vàm Cống, các đơn vị tư vấn, nhà thầu phát hiện dầm ngang trên đỉnh trụ P29 bị nứt.
Kiểm tra tình trạng kỹ thuật của cầu, Bộ GTVT cho biết không xuất hiện nứt và các biến dạng bất thường tại các vị trí dầm được kiểm tra, ngoại trừ dầm ngang có xuất hiện vết nứt nêu trên.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ Xây dựng cùng các cơ quan chức năng chỉ đạo nhà thầu thi công, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan xác định nguyên nhân.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải có giải pháp khắc phục triệt để, bảo đảm chất lượng, tuổi thọ của công trình.
Theo Thế Anh (Người Đưa Tin)
Bộ GTVT lên các phương án xử lý trạm BOT Cai Lậy
Trao đổi với PV Dân trí tối nay (5/12), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng về Dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và các phương án xử lý vấn đề "nóng" đang xảy ra tại trạm BOT này.
Trạm BOT Cai Lậy hiện đang tiếp tục dừng thu phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
Theo Thứ trưởng Đông, Dự án BOT Cai Lậy được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Việc triển khai dự án theo đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ.
Hôm qua (4/12), trong cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì về BOT Cai Lậy, Trước mắt, Thủ tướng chỉ đạo dừng thu phí 1-2 tháng để xem xét, đánh giá toàn diện các vấn đề liên quan đến dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, tại cuộc họp chiều 4/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về các phương án xử lý vấn đề của trạm BOT Cai Lậy.
Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm thu phí và tăng cường tuyên truyền vận động người dân, kèm cải thiện các dịch vụ để giải đáp những thắc mắc của người dân.
Phương án 2, di dời trạm thu phí về tuyến tránh thị xã Cai Lậy. Để thực hiện phương án này thì phải tính toán lại và thương thảo với nhà đầu tư về thời gian thu phí. Phương án này rất khó khả thi bởi sẽ dẫn tới phá vỡ phương án tài chính và có thể ảnh hưởng tới nợ xấu ngân hàng.
Phương án 3, đặt 2 trạm thu phí, trong đó 1 trạm nằm trên quốc lộ 1 để để thu phí hoàn vốn phần nhà đầu tư bỏ ra đầu tư để cải tạo, nâng cấp tuyến đường và đặt 1 trạm trên tuyến tránh để thu phí hoàn vốn của nhà đầu tư BOT.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đông, Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu các phương án cụ thể trước khi tổ chức thu phí trở lại. Vì vậy ngoài 3 phương án đã báo cáo sẽ có những phương án khác được tính tới.
"Đó chỉ là 3 trong nhiều phương án, chưa phải là những phương án cuối cùng. Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương sẽ nghiên cứu thêm các phương án khác để báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm xử lý vấn đề tại trạm BOT Cai Lậy" - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng thông tin, hiện phương án cuối cùng xử lý vấn đề của trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa được quyết định và sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà nước và nhà đầu tư.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu được thu phí từ đầu tháng 8/2017 để hoàn vốn cho Dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km với tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản đối dẫn tới "vỡ" trạm và phải tạm dừng thu phí trong 3 tháng.
Ngày 30/11, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục được thu phí trở lại, nhưng những ngày qua trạm này trở thành điểm "nóng", tài xế sử dụng các phương thức phản đối như trả tiền lẻ, xếp hàng gây ùn tắc... khiến trạm này không thể thu được phí.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Bộ GTVT chốt thời gian vận hành đường sắt Cát Linh- Hà Đông Thứ trưởng Bộ GTVT vừa có chia sẻ liên quan đến thời gian chính thức khai thác thương mại tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Dự kiến vào cuối tháng 12/2018, tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông sẽ đi vào vận hành chính thức. Sáng 9/3, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ Trưởng Bộ GTVT cho biết, hiện nay, dự án đường...