Sau vụ nước sông Đà nhiễm dầu thải: Nhiều “lỗ hổng” trong khâu quản lý nguồn nước sinh hoạt
Theo các chuyên gia, sự cố nước nhiễm dầu ở Công ty CP Đầu từ nước sạch sông Đà vừa qua cho thấy, việc quản lý nguồn nước của đơn vị này quá lỏng lẻo và còn lúng túng trong việc xử lý khủng hoảng ô nhiễm nguồn nước.
Sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải đã khiến cuộc sống của hơn 250.000 người dân Hà Nội đảo lộn. Ảnh: Bảo Loan
Tách được nguồn nước mới yên tâm
Cho đến nay, sau hơn 10 ngày xảy ra sự cố nước sinh hoạt nhiễm dầu thải, dù các bể chứa đã được thau rửa sạch sẽ để cấp nước trở lại và cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng nhiều hộ dân sinh sống ở các khu vực bị ảnh hưởng vẫn chưa thực sự yên tâm sử dụng nước sạch sông Đà. Bởi theo người dân, nguyên nhân dẫn đến sự cố ô nhiễm là xuất phát từ khâu quản lý nước đầu nguồn. Nếu ngày nào hồ Đầm Bài (nơi trung chuyển chứa và cung cấp nước cho nhà máy nước mặt sông Đà) chưa được cô lập, kiểm soát, an ninh tốt thì những nỗi lo an toàn nguồn nước vẫn luôn đau đáu.
Chị Nguyễn Thị Hương (34 tuổi, ở chung cư EcoGreen, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Đã hơn 10 ngày xảy ra vụ nhiễm dầu thải, tôi vẫn chưa nghe được những thông tin về khắc phục quản lý nước đầu nguồn. Hôm nay là dầu thải, ngày mai biết đâu là thuốc trừ sâu… nhưng khi xảy ra sự cố, đơn vị sản xuất và cung cấp nước cho chúng tôi vẫn khẳng định đó là Clo thì ai đảm bảo và chịu trách nhiệm đến sự an toàn sức khỏe của người dân(?). Vì vậy, nếu khu vực đầu nguồn nước không được cô lập, kiểm soát chặt chẽ, các suối nhỏ không được tách khỏi hồ Đầm Bài thì chừng đó chúng tôi vẫn nơm nớp về sự an toàn nước sinh hoạt”.
Bày tỏ quan điểm về vụ việc nước sông Đà nhiễm dầu thải, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNN cho rằng: “Ngay từ khi xảy ra sự cố, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà đã lúng túng trong khâu xử lý, cả về kỹ thuật cũng như thủ tục báo cáo. Bởi cũng dễ hiểu là đơn vị này không đủ năng lực vận hành, quản lý. Về chất lượng nước mặt, mà Bộ TN&MT đã công bố, gồm 8 tiêu chí. Đó là nhóm DO, fecal Coliform, pH, BOD5, NO3, DO4, nhiệt độ, độ đục, tổng chất thải rắn. Thực chất Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà mới chỉ xử lý được một số tiêu chí như: Độ đục, độ pH và sử dụng Clo để xử lý một số tác hại từ nhóm fecal coliform. Rõ ràng các tiêu chí ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ con người như Oxygen, Nitơ, Phốt phát thì Công ty chưa đủ năng lực phát hiện và xử lý. Dầu mỡ từ bên ngoài chảy vào hồ Đầm Bài là chất thải nguy hại, không nằm trong tiêu chí chất lượng nước mặt, nên Công ty không biết cách xử lý là điều tất nhiên. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý khâu đầu tiên về chất lượng nguồn nước thì Công ty phải nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để có hướng xử lý”.
Không thể thương mại hóa nước sạch?
Video đang HOT
Theo chuyên gia, có nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước sông Đà. Ảnh: Mạnh Thắng
GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng: “Nguyên nhân dẫn đến vụ việc như vừa qua, đầu tiên là do nhận thức về trách nhiệm trong việc xử lý nguồn nước; thứ hai là quy trình báo cáo để ứng phó khi vượt khả năng; thứ ba là xử lý tình huống. Ở đây, lẽ ra, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà phải nhanh chóng báo cáo UBND TP Hà Nội về sự việc và nếu nằm ngoài khả năng xử lý, UBND TP Hà Nội phải báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để đề xuất hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, những hướng xử lý được cho là kịp thời này lại không diễn ra như mong đợi, mà Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà lại loay hoay tự xử lý bằng cách tăng cường Clo vào để mong khử ô nhiễm”.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng: “Hồ Đầm Bài phải được xây dựng khép kín, nâng cấp từ một hồ chứa nước cho tưới tiêu thuỷ lợi, trở thành một bể chứa, nhận nước từ sông Đà, xử lý tạo thành nước sinh hoạt cho người dân, và tách hoàn toàn các nguồn nước tự nhiên khác đang chảy vào. Tại đây, cũng phải đầu tư thiết bị quan trắc ô nhiễm tự động để kịp thời phát hiện chất ô nhiễm trong nước”.
“Do vậy, không thể thương mại hóa nguồn nước sinh hoạt của người dân mà phải đặt dưới sự quản lý trực tiếp của nhà nước”, GS.TS Vũ Trọng Hồng kiến nghị.
Đồng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường (ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: “Nguyên tắc kiểm tra, xử lý nguồn nước đầu vào trước khi đưa vào nhà máy xử lý còn bị bỏ ngỏ. Cơ quan quản lý nhà nước cần quy hoạch, quản lý vùng an toàn xung quanh hồ Đầm Bài là điều tra, kiểm soát nguy cơ gây ô nhiễm chứ không phải xảy ra sự cố mới điều tra thủ phạm gây ô nhiễm. Bởi hôm nay là dầu thải nhưng ngày mai rất có thể sẽ là ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật hay Cyanua, Coliform…”.
PGS.TS Lưu Đức Hải thẳng thắn: “Nếu khâu quản lý thực sự chặt chẽ thì báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà về quản lý nguồn nước và sản xuất nước sinh hoạt sẽ không bị động như bây giờ. Vì vậy, nguy cơ thảm họa nước do ô nhiễm vẫn có thể xảy ra khi chúng ta không đảm bảo các quy trình cấp nước, như an toàn từ: Nguồn nước, xác định và bảo vệ được ranh giới an toàn nước, quy trình xử lý – truyền tải – cấp nước đến hộ dân”.
Ngày 20/10, đối tượng thứ ba trong vụ án “đầu độc” nước sạch Sông Đà là Lý Đình Vũ đã đến Công an tỉnh Bắc Ninh đầu thú. Tại cơ quan công an, Vũ khai có quen một phụ nữ tên Trang, người này nói “có công ty gạch tại thị xã Phú Thọ” và ngỏ ý thuê Vũ đổ dầu thải với giá 7 triệu đồng.
Tuy nhiên, Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà – nơi được xác định là nguồn lấy dầu thải của nhóm đối tượng gây ra vụ đổ trộm chất thải gây ô nhiễm nguồn nước của nhà máy nước mặt sông Đà – khẳng định không liên quan tới hành vi xả thải dầu xuống sông Đà của nhóm Vũ và hoàn toàn không tham dự vào việc mà nhóm này đã làm. Khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Công ty không hề biết. Bản thân Công ty chỉ có giao kết hợp đồng với các đơn vị có đủ năng lực để xử lý dầu thải. Công ty CP Gốm sứ Thanh Hà cũng phủ nhận mối quan hệ quen biết với Vũ. Công ty cũng không có ai ký lệnh xuất dầu thải ra bên ngoài cho Vũ cùng đồng phạm và việc xuất dầu thải này là hoàn toàn trái quy định của Công ty.
Bảo Loan
Theo GTVT
Ông Đặng Hùng Võ: Phải đền bù cho người dân thiệt hại vì nước bẩn
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ cho biết, việc cung cấp nước là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường.
Chiều 17/10, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình họp báo thông tin về việc ô nhiễm nguồn nước sạch cung cấp cho thành phố Hà Nội.
Tại cuộc họp báo, phóng viên đặt câu hỏi: công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà có phương án bồi thường thiệt hại vật chất, tinh thần, sức khỏe cho khách hàng hay không sau sự cố nước sạch vừa qua?
Trả lời câu hỏi này, đại diện công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà cho biết: Hiện cơ quan công an đã khởi tố vụ án nên "khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng nên chúng tôi chưa có thông tin gì để cung cấp cho báo chí".
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Hùng Võ trong cuộc trao đổi với Tiền Phong vào ngày 17/10, khẳng định, việc cung cấp nước là quan hệ thương mại mang tính dân sự, giữa đơn vị cấp nước và người dân đô thị. Về nguyên tắc, bên bán nếu gây thiệt hại cho bên mua thì phải bồi thường dù có ghi hoặc không ghi điều khoản trong hợp đồng.
"Nếu chứng minh được việc nước bị nhiễm bẩn gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù. Điều này rất bình thường trong pháp luật dân sự", ông Võ nói.
Theo ông Võ, người dân, các tổ chức có liên quan, các cơ quan nhà nước có thể phối hợp, hỗ trợ, chứng minh thiệt hại trước mắt và lâu dài do nước nhiễm bẩn gây ra, ví dụ như gây suy hao về sức khỏe để bên cấp nước bồi thường.
Trước đó, trong cuộc trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Thanh Tùng - Cty Luật ICC cho rằng: nếu người dân bị ảnh hưởng sức khỏe bởi dùng nước nhiễm bẩn do công ty cung cấp thì đương nhiên có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
"Việc công ty cấp nước biết nước bị nhiễm bẩn (nhiễm dầu), không đạt tiêu chuẩn mà vẫn bán cho người dân sử dụng, gây hậu quả thì có thể xem xét 2 yếu tố dân sự và hình sự. Ngoài nghĩa vụ bồi thường thì có thể đặt vấn đề trách nhiệm hình sự đối với cá nhân trên cơ sở xem xét cụ thể hành vi, đánh giá hậu quả và cơ quan công an có thể khởi tố vụ án để điều tra làm rõ trách nhiệm của cá nhân liên quan" - luật sư Tùng nói.
Cần quản lý các nguồn cấp nước
Ông Đặng Hùng Võ cho biết, việc quản lý và cấp nước sạch cho người dân đều có các quy chuẩn kỹ thuật, nhưng trên thực tế có nhiều lỏng lẻo.
Ông Đặng Hùng Võ dẫn chứng hồ chứa cấp nước Đầm Bài (rộng 69ha, nơi chứa nước ngọt cung cấp cho nhà máy nước Sông Đà) vừa bị đổ chất thải ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nước sạch. Ngoài việc bị đổ thải gây ô nhiễm trên thực tế, hồ này còn là nơi cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp.
Việc tưới tràn trong nông nghiệp khiến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón chảy xuống hồ và "đây cũng là một nguồn gây độc hại cho nguồn nước".
"Giải pháp đặt ra là cần kiểm tra, quản lý các nguồn cấp nước để sản xuất nước sạch cho các đô thị. Quy trình quản lý phải chuẩn. Như ở các nước, nơi sản xuất nước sạch cho người dân đều được lắp các sensor, cảm biến tự động. Mọi chỉ số đều được đánh giá, công khai hàng ngày cho người dân được biết. Đấy là một cách giám sát hiện quả, ai cũng biết, cũng nhìn được chỉ số về nơi cung cấp nguồn nước", ông Võ nói.
Theo ông Võ, với điều kiện hiện nay, việc lắp các thiết bị cảm biến đo các chỉ số như vậy "không còn cao xa", nhưng ở Việt Nam hiện vẫn chưa triển khai.
Về mức độ an toàn của các dự án nước sạch từ nguồn nước mặt, ông Võ tái khẳng định việc cần có quy chuẩn thực sự chặt chẽ và cụ thể để bảo vệ sức khỏe người dân. Còn việc có đảm bảo chất lượng, an toàn hay không phụ thuộc vào việc quản lý.
"Nước mặt chủ yếu lấy từ nước sông, nước hồ. Phải đưa vào các hồ chuyên dụng làm nguồn cung nước sạch. Vấn đề còn lại là quản lý kiểu gì. Dù nước mặt hay nước ngầm thì quan trọng nhất là đảm bảo chất lượng nước sạch thực sự an toàn cho người dân. Khi phê duyệt các dự án thì phải xem xét việc này", ông Võ nói.
Theo TPO
Hà Nội: Các chung cư đồng loạt vệ sinh bể chứa, đường ống sau sự cố nước nhiễm dầu Sau sự cố đổ phế thải đầu nguồn nước mặt sông Đà bị nhiễm dầu, hàng loạt các chung cư chịu ảnh hưởng đã tiến hành súc, xả đường ống dẫn nước cũng như vệ sinh bể chứa nước tại các tòa nhà. Sau khi được phản ánh về nước sạch có mùi lạ do việc đổ phế thải đầu nguồn nước mặt...