Sau vụ lật tàu: Nỗi niềm ít ai thấu của nhân viên gác chắn
18 năm theo công việc nhân viên gác chắn tàu, cô Nguyễn Thị Năm cho hay công việc của cô vất vả, hiểm nguy và không ít lần cô bị người tham gia giao thông chửi bới, xúc phạm…
Có mặt tại trạm chắn tàu Linh Đàm (Hà Nội) vào một buổi chiều nắng nóng gay gắt của mùa hè, với nhiệt độ ngoài trời lên đến gần 40 độ C, nhưng theo quan sát của PV, những nhân viên gác chắn tàu tại đây không quản ngại nắng nóng, đang đứng kéo tấm barie chắn ngang con đường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Video: Nỗi niềm của người làm công việc gác chắn tàu.
Trò chuyện với PV báo Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thị Năm (SN 1967, Hà Nội), nhân viên gác chắn tàu có thâm niên công tác lâu năm bộc bạch: “Năm 2000 chạm chắn tàu Linh Đàm mở và đi vào hoạt động, lúc đó tôi cũng bắt đầu vào làm và gắn bó cho đến nay cũng đã được 18 năm. Những ngày đầu tiên bước chân vào công việc là nhân viên chạm chắn tàu, khi người dân không nghe theo hiệu lệnh mà nước mắt tôi trực trào”.
Nhân viên gác chắn tàu làm việc bất kể trời mưa hay nắng.
18 năm theo nghề là 18 năm cô Năm chứng kiến rất nhiều tình huống người tham gia giao thông có ý thức vô cùng kém, cô Năm kể: “Có những lúc tôi đóng thanh chắn gần hết rồi nhưng xe vượt lên khi đó thì tôi vội quan sát và đành phải nhìn chiếc xe cố lách khỏi thanh chắn đi mất”.
Khi nhắc đến những nỗi nhọc nhằn trong nghề, giọng của cô Năm nghẹn lại: “Không chỉ các phương tiện cố lách khỏi thanh chắn khi có tín hiệu báo tàu sắp chạy qua, mà có hôm tôi và những đồng nghiệp khác còn bị chửi mắng, bị người tham gia giao thông văng tục, có những nam thanh niên xăm trổ, bặm trợn nói “mở thanh chắn cho tao đi”, lúc đó tôi đành phải mở cho đi không thì bị ăn tát rồi. Tôi đã chứng kiến và trải qua rất nhiều lần như thế”.
“Chúng tôi làm nghề này nguy hiểm, phức tạp, chưa kể ban đêm lại “đơn phương độc mã” vì khi đó chỉ có hai người đứng gác, còn người dân thì đã đi ngủ hết. Nhiều khi báo hiệu tàu sắp đến, đóng chắn rồi vẫn có những người tham gia giao thông đến yêu cầu tôi với giọng đầy thách thức “chúng mày mở chắn ra”. Khi đó, cảm thấy mở được thì tôi sẽ mở cho đi, còn không mở được thì đành phải biến thành “người câm điếc”, coi như không quan tâm đến những lời mắng chửi của họ”", cô Năm chia sẻ thêm về những lần mình bị “ăn chửi”.
Cô Năm kể về những lần mình và đồng nghiệp bị người tham gia giao thông kém ý thức mắng chửi.
Video đang HOT
Không chỉ bị áp lực về những lời mắng chửi vô cớ của người tham gia giao thông, cô Năm cho biết đồng lương của người làm nghề gác chắn tàu cũng không được cao: “Từ đầu năm đến nay trạm chắn của tôi có nhiều người đến và nghỉ làm vì không chịu nổi áp lực, không chỉ đồng lương ít ỏi mà thời gian làm việc gò bó, mỗi ca trực kéo dài 12 tiếng đồng hồ, có tháng tôi làm đến 31 ngày công như vậy là không có ngày nghỉ cuối tuần”.
Cô Năm bảo rằng làm nghề nhân viên gác chắn tàu là phải biết sợ: “Có nghĩa là khi đoàn tàu chuẩn bị đến mà đường đông đúc, tắc nghẽn nhân viên gác chắn tàu phải mạnh dạn, quyết đoán kéo được thanh chắn ra, để đoàn tàu chạy qua an toàn thì khi đó mình mới thở phào nhẹ nhõm. Nghề của chúng tôi trông thế thôi, nhưng trách nhiệm rất cao đối với người tham gia giao thông”.
Nữ nhân viên gác chắn tàu này chỉ mong người tham gia giao thông có ý thức quan sát hơn một chút.
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, cô Năm luôn nói “nghề của chúng tôi là nghề đứng đường”, “nghề lắm hiểm nguy”, “nghề vất vả cực nhọc”, nhưng cô Năm tâm sự thêm: “Khi nhận về những lời lẽ thiếu văn hóa từ người tham gia giao thông, rồi vẫn có những bộ phận người đi đường thiếu ý thức, lách qua barie để sang đường…đã có lúc tôi muốn dừng công việc này lại. Nhưng, cứ nghĩ đến nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo an toàn cho đường sắt, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông là tôi lại cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ. Phải thật sự tâm huyết, yêu nghề thì mới có thể gắn bó lâu năm được”.
Theo lời của nữ nhân viên gác chắn tàu này, đường ngang dân sinh hoặc đường ngang tự mở đều có lắp chuông kêu, có đèn báo. Nên cô Năm cũng đưa ra lời nhắn nhủ: “Đối với các phương tiện ít qua đường sắt, đến điểm đường cắt ngang thì nên có ý thức dừng lại quan sát thì sẽ ít khi xảy ra tai nạn đường sắt nghiêm trọng”.
Theo Thanh Lam (Người Đưa Tin)
Tận cùng nỗi đau của gia đình lái tàu SE19 tử nạn
Rạng sáng nay (24.5), một vụ tai nạn đường sắt thảm khốc xảy ra ở địa bàn huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mệnh của 2 lái tàu. Gạt vội nước mắt, bố đẻ anh Nguyễn Xuân Đệ (1 trong 2 lái tàu tử vong) cùng người thân đã vào Thanh Hóa "đón" con trai trở về trong sự đau đớn, bàng hoàng của gia đình.
00h30 phút sáng nay, đoàn tàu khách mang số hiệu SE19 do đầu máy 927 kéo, đi theo hướng Hà Nội - Đà Nẵng, khi đến đường ngang có gác tại Km 234 050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh (thuộc xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) đã va chạm với ô tô tải chở đá mang biển kiểm soát 37C-15138.
Vụ tai nạn khiến đầu máy 927 bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ô tô bị hư hỏng. 2 người tử vong gồm lái tàu và phụ lái tàu. 4 hành khách, 3 nhân viên đường sắt và lái xe bị thương nặng đã được đưa đi cấp cứu.
Danh tính 2 lái tàu tử vong được xác định là anh Nguyễn Xuân Đệ (SN 1985, thôn Phần Hà, xã Bắc Sơn, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) và anh Nguyễn Thế Hùng (SN 1976, Minh Tân, Hưng Hà, Thái Bình).
Vụ tai nạn đường sắt ở Thanh Hóa vào rạng sáng nay đã khiến 10 người thương vong.
Trong đêm tối, tiếng người la hét, kêu khóc thảm thiết vì vụ va chạm nghiêm trọng. Những hành khách trên chuyến tàu được di chuyển khẩn trương tới vị trí mới, những người bị thuơng cũng được đưa đi cấp cứu. Không lâu sau đó, sau khi xác định được lái tàu và phụ lái đã tử vong trong vụ tai nạn, thông tin cũng được thông báo tới người nhà của các nạn nhân.
Thôn Phần Hà một ngày tháng 5, nóng, oi ả, ngột ngạt hơn bình thường. Trong ngôi nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Xuân Đệ, mọi con mắt đều thẫn thờ, hướng ra phía cổng để chờ đón người con của gia đình "trở về".
Lái phụ Nguyễn Xuân Đệ là một trong những người tử vong trong vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng vào sáng cùng ngày. Sau khi nhận được tin con trai gặp nạn, ông Nguyễn Xuân Đài (SN 1965, bố đẻ anh Đệ) đã cùng người thân trực tiếp vào hiện trường vụ tai nạn để đón thi thể con về.
Bố đẻ anh Đệ (áo đen ở giữa) không kìm được nỗi đau mất mát khi "kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh". (Ảnh: Thiên Tuấn)
Khi hay tin dữ, cả nhà không ai tin vào tai mình. Gạt vội giọt nước mắt, ông Đài tức tốc vào Thanh Hóa với một hy vọng mong manh, rằng có một sự kỳ diệu xảy ra, con trai ông sẽ tai qua nạn khỏi để trở về với vợ con, với bố mẹ, với gia đình.
Trong cái nắng giữa trưa, ngôi nhà của anh Đệ chật kín người. Họ hàng, làng xóm đến chia buồn với nỗi mất mát quá lớn lao của gia đình. Công tác hậu sự cũng được mọi người chuẩn bị. Một bầu không khí nặng nề bao trùm lên ngôi nhà. Chốc chốc, những tiếng khóc nghẹn của mẹ đẻ anh Đệ phát ra khiến cho khung cảnh càng thêm não nề.
Mặc dù đã cố gượng dậy trước tin dữ, tuy nhiên bà Nguyễn Thị San (SN 1965, mẹ đẻ anh Đệ) nhiều lần như muốn ngất xỉu. Nỗi đau quá lớn, cảnh kẻ đầu bạc tiễn người tóc xanh càng khắc sâu vào nỗi đau của gia đình.
Anh Đệ là con trai duy nhất trong gia đình, dưới anh còn một người em gái năm nay đã 30 tuổi. Vợ chồng anh Đệ hiện đã có một cháu trai 2 tuổi, vợ anh đang mang thai cháu thứ 2, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ sinh nở.
Trước nỗi đau quá lớn, gia đình phải đưa vợ con anh Đệ sang một nhà khác để tránh sự ảnh hưởng tới thai phụ mới 24 tuổi này. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một biện pháp tình thế, nỗi đau mất mát với gia đình anh Đệ và vợ người đàn ông này không phải một sớm một chiều nguôi ngoai được.
Tiếng khóc nghẹn đắng trong cổ họng, bà San nói trong nước mắt, rằng con trai bà mới ở nhà cách đây vài hôm, nhưng hôm nay chỉ là một thân xác trơ trọi, lạnh lẽo. Người mẹ này than khóc, cuộc sống đối với bà giờ đây trở nên vô nghĩa.
Mẹ đẻ anh Đệ - bà Nguyễn Thị San như "chết đi sống lại", bà liên tục than khóc trước sự mất mát quá lớn. (Ảnh: Thiên Tuấn)
Chia sẻ nỗi đau mất mát của gia đình, bà con hàng xóm mỗi người một tay, chẳng ai bảo ai, cố gắng chuẩn bị chu đáo nhất cho hậu sự của phụ lái Nguyễn Xuân Đệ.
13h30 chiều cùng ngày, thi thể của anh Đệ được đưa về quê nhà.
Thi thể phụ lái Nguyễn Xuân Đệ "về" với gia đình, bạn bè, người thân vào trưa cùng ngày sau tai nạn thảm khốc. (Ảnh: Thiên Tuấn)
Chứng kiến giây phút xúc động, những người có mặt không ai kìm được giọt nước mắt. Cố cứng cỏi, bình tĩnh để lo hậu sự cho con nhưng trước giây phút con "trở về" tới gia đình, ông Đài òa lên nức nở.
Người đàn ông 33 tuổi đã "về" tới gia đình, "về" với vợ con, nhưng sự trở về của anh không phải với những món quà, đồ chơi cho con trai như những lần thăm nhà trước, anh "trở về" trong những hàng dài nước mắt của gia đình và bạn bè.
Theo Danviet
Nạn nhân vụ tai nạn tàu hỏa kể lại giây phút kinh hoàng "Sau tiếng động lớn là kính vỡ tung tóe, đồ đạc rơi tứ tung, nhiều người la hét hoảng loạn, nhiều người bất tỉnh với các vết thương do va đập..." - đó là những gì mà những nạn nhân trên chuyến tàu SE19 chứng kiến cú va chạm giữa đoàn tàu và chiếc xe tải chở đá. Được biết, đoàn tàu xuất...