Sau vụ khủng bố ở Moskva, Thổ Nhĩ Kỳ bắt 147 người bị nghi liên quan nhóm IS
Ngày 26/3, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ Ali Yerlikaya cho biết, trong các chiến dịch trên toàn quốc, chính quyền nước này đã bắt giữ 147 người bị nghi ngờ có liên hệ với nhóm khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).
Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Yerlikaya thông báo rằng cảnh sát đã bắt giữ các nghi phạm trong các hoạt động đồng thời diễn ra trên khắp 30 tỉnh. Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện thấy các nghi phạm hoạt động cho IS, đã tham gia các cuộc xung đột vũ trang của nhóm này và đã hỗ trợ tài chính cho tổ chức này.
Các vụ bắt giữ diễn ra sau khi chi nhánh của IS ở Afghanistan là ISIS-K đã tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở tỉnh Moskva của Nga, làm 139 người chết.
Ngày 25/3, hãng tin RIA Novosti dẫn các nguồn tin cho biết một tháng trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall, một trong những kẻ khủng bố bị buộc tội là Shamsidin Fariduni đã đăng ảnh của mình lên mạng xã hội và cho thấy vị trí địa lý ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Đối tượng Fariduni đã đăng 8 bức ảnh, một trong số đó được cho là chụp tại một đền thờ Hồi giáo. Trong một bức ảnh khác, Fariduni mặc áo khoác màu be, được nhân viên bảo vệ tại Crocus City Hall nhận dạng khi hắn đến để hỏi về phòng hòa nhạc vài ngày trước khi thực hiện vụ tấn công.
Trong khi đó, nguồn tin trong lực lượng an ninh cho biết cả 4 nghi phạm khủng bố vừa bị Nga đưa ra tòa đều được huấn luyện tại một trong các sào huyệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, cụ thể là ở Istanbul trong khoảng 2 tháng.
Nhà chức trách Nga đã tạm giữ 11 đối tượng tình nghi, trong đó có 4 đối tượng tình nghi trực tiếp thực hiện tấn công do lực lượng an ninh ở tỉnh Bryansk bắt giữ ngày 23/3.
Tất cả đều là công dân Tajikistan, ngoài Shamsidin Fariduni, còn có Dalerjon Mirzoev, Saidakrami Rachabalizoda và Muhammadsobir Fayzov.
Tòa án đã buộc tội 4 đối tượng tội danh khủng bố. Hình phạt cao nhất của tội danh này là án tù chung thân. Sau vụ tấn công thảm khốc này, nhiều quan chức Nga đã kêu gọi áp dụng trở lại án tử hình.
Lý do nhiều nước châu Phi tăng cường mua vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ
Doanh số bán máy bay không người lái và các loại vũ khí khác cho các quốc gia châu Phi đang bùng nổ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ký các thỏa thuận hợp tác quân sự với hàng chục chính phủ trên lục địa này.
Video đang HOT
Dưới đây là một số lý do tại sao rất nhiều quốc gia châu Phi đang quay sang Thổ Nhĩ Kỳ để mua vũ khí.
Vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng được ưa chuộng ở châu Phi. Ảnh: AA
Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường dấu ấn an ninh của mình ở châu Phi sau hơn một thập kỷ mở rộng ảnh hưởng kinh tế và văn hóa trên lục địa này một cách chiến lược. Ankara gần đây đã ký một số thỏa thuận an ninh, đặc biệt là ở Tây Phi, và xuất khẩu vũ khí sang châu Phi đã bùng nổ.
Xuất khẩu hàng không và quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sang châu lục này đã tăng hơn 5 lần, lên hơn 460 triệu USD năm 2021, so với khoảng 83 triệu USD vào năm 2020.
Theo một nghiên cứu năm 2022 về ngoại giao an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở châu Phi của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức (SWP), thị phần của Thổ Nhĩ Kỳ trên thị trường vũ khí của châu Phi vẫn rất nhỏ ở mức 0,5%. Nhưng sự tăng trưởng nhanh chóng doanh số bán hàng quốc phòng là "đáng kinh ngạc".
Trong bối cảnh các cuộc nổi dậy Hồi giáo đang gia tăng ở cả Đông và Tây Phi, cũng như các cuộc xung đột trong nước, các chính phủ trên châu lục này đã tăng chi tiêu quốc phòng. Thổ Nhĩ Kỳ đang chứng tỏ là một sự thay thế đáng tin cậy cho các nhà xuất khẩu vũ khí truyền thống như Nga, Trung Quốc, Pháp và Mỹ.
Đối với các chính phủ châu Phi, "Thổ Nhĩ Kỳ là một sự lựa chọn mua khí tài quân sự", Abel Abate Demissie, một cộng sự tại tổ chức tư vấn Chatham House của Anh, nói, giải thích rằng vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ tương đối rẻ, thời gian giao hàng ngắn hơn và không gặp phải các "rào cản" như các điều kiện chính trị hoặc nhân quyền.
Trợ lý truyền thông của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đã ca ngợi công nghệ quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ trong một tuyên bố vào cuối năm 2021, cho rằng nó sẽ giúp nước này đẩy nhanh các nỗ lực nhằm loại bỏ "những kẻ khủng bố và nổi dậy".
Theo nghiên cứu của SWP, các quốc gia châu Phi quan tâm nhất đến việc mua xe bọc thép, thiết bị hải quân, vũ khí bộ binh và máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Máy bay không người lái được ưa chuộng
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết: "Ở châu Phi, bất cứ nơi nào chúng tôi đến, họ đều yêu cầu chúng tôi cung cấp máy bay không người lái vũ trang".
Những quốc gia châu Phi đã nhận máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất bao gồm Somalia, Togo, Niger, Nigeria và Ethiopia - mặc dù việc bán máy bay không người lái cho Ethiopia đã vấp phải sự chỉ trích của phương Tây sau khi chính phủ nước này bị cáo buộc sử dụng chúng để tấn công dân thường trong cuộc xung đột ở Tigray.
Một số nước khác được cho là đã đặt hàng với Thổ Nhĩ Kỳ, cho dù máy bay không người lái Bayraktar phổ biến của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang có danh sách chờ 3 năm.
Máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ rẻ so với phiên bản của Mỹ hoặc Israel và dễ vận hành. Yunus Turhan, một nhà phân tích về mối quan hệ châu Phi - Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Haci Bayram Veli ở Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết một điểm hấp dẫn lớn là chúng đã được chứng minh tính hiệu quả trên thực địa.
Nhiều quốc gia châu Phi muốn mua máy bay không người lái Bayraktar TB2 có vũ trang của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AA
Ông Turhan nói: "Các máy bay không người lái (UAV) của Thổ Nhĩ Kỳ đã được sử dụng rất hiệu quả ở Syria, Libya và khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh giữa Azerbaijan và Armenia. Gần đây nhất, máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 đã trở nên nổi tiếng ở Ukraine vì đã tiêu diệt được số lượng lớn xe tăng Nga".
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, châu Phi là thị trường khổng lồ tiềm năng cho ngành công nghiệp hàng không và quốc phòng mới nổi của Ankara, với khoảng 1.500 công ty vào năm 2020 so với chỉ 56 vào năm 2002.
Ít nhất 15 quốc gia châu Phi cũng vận hành xe bọc thép do một số công ty Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất. Tháng trước, một nhà máy đóng tàu của Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng hai tàu tuần tra ngoài khơi mới cho hải quân Nigeria trong khi một công ty hàng không vũ trụ khác của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn giao 6 trực thăng tấn công.
Hỗ trợ an ninh mới
Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi không chỉ quan tâm đến vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ. Ovigwe Eguegu, một nhà phân tích chính trị của Development Reimagined, một công ty tư vấn quốc tế, cho biết châu lục trên có "nhu cầu rất lớn" về hỗ trợ an ninh.
Thổ Nhĩ Kỳ đã ký các hiệp ước liên quan đến quân sự với phần lớn các nước châu Phi, chủ yếu ở Tây và Đông Phi. Mặc dù các thỏa thuận có phạm vi khác nhau, nhưng chúng có thể bao gồm các chuyến thăm kỹ thuật đến các trung tâm nghiên cứu, trao đổi nhân sự giữa các tổ chức và công ty cũng như trong huấn luyện.
Sự can dự lâu dài nhất của Ankara là ở Somalia, nơi Thổ Nhĩ Kỳ điều hành căn cứ nước ngoài lớn nhất của họ, trung tâm TURKSOM, nơi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tự hào về việc đào tạo một phần ba trong số 15.000 binh sĩ của Somalia trong cuộc chiến chống lại nhóm nổi dậy Hồi giáo al-Shabab.
Các quân nhân Nigeria cũng đã trải qua khóa huấn luyện chiến đấu bằng máy bay không người lái ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ankara đang đào tạo các sĩ quan cảnh sát Kenya kể từ năm 2020.
Kinh nghiệm chống nổi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ được hoan nghênh và với tư cách là một quốc gia đa số theo đạo Hồi không có thuộc địa, nước này nhận được sự tin tưởng cao của châu lục. Thêm vào đó, vì là thành viên NATO, việc thắt chặt quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cũng có lợi về an ninh đối với các nước châu Phi.
Điều tra viên Nga tới Tajikistan thẩm vấn gia đình các nghi phạm khủng bố Ngày 26/3, các nhà điều tra Nga đã có mặt ở Tajikistan để thẩm vấn gia đình của 4 nghi phạm trong vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall ở tỉnh Moskva. Lính cứu hỏa nỗ lực dập lửa tại hiện trường vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà hát Crocus City Hall ở Moskva, Nga ngày 22/3. Ảnh:...