Sau vụ 42 người nhiễm HIV ở Phú Thọ: Phát hiện thêm 8 trường hợp dương tính
Sau mở rộng xét nghiệm, tại huyện Tân Sơn, Phú Thọ phát hiện thêm 8 trường hợp dương tính với HIV.
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, sau sự việc 42 người dân xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) bất ngờ phát hiện nhiễm HIV, rất đông người dân đã đến Trung tâm y tế huyện Tân Sơn để xin tư vấn xét nghiệm HIV.
Kết quả, trong gần 2 tháng qua, phát hiện thêm 8 trường hợp dương tính với HIV. Theo ông Cảnh, các trường hợp mới phát hiện không có gì bất thường, đây là chủ trương của Sở Y tế Phú Thọ mở rộng điều tra khảo sát nhiều xã khác trong huyện Tân Sơn.
Về tình hình tại xã Kim Thượng, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Tân Sơn cho biết, ban đầu người dân rất hoang mang khi nhận kết quả xét nghiệm nhưng hiện 42 trường hợp đều đã ổn định tâm lý, yên tâm điều trị khi biết bệnh không quá nguy hiểm nếu được điều trị thuốc đủ và đúng.
Người dân nhiễm HIV tại xã Kim Thượng từng hoang mang khi biết mình nhiễm bệnh nhưng giờ đã ổn định tâm lý, yên tâm điều trị
Tất cả bệnh nhân đều đang được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV. Tuy nhiên ông Hưng cho biết, sẽ cần thêm ít nhất hơn 1 tháng nữa để đảm thời gian dùng thuốc đủ 3 tháng, sau đó sẽ làm xét nghiệm CD4 đo tải lượng virus, khi đó mới biết chính xác có bao nhiêu trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Sự việc tại xã Kim Thượng bùng lên từ khoảng tháng 4 năm nay khi một số người dân đi khám bệnh bất ngờ phát hiện nhiễm HIV. Trong vòng 4 tháng, tại xã này cũng ghi nhận thêm 4 trường hợp mắc mới và 2 ca tử vong do AIDS. Một số người nghi ngờ do dùng chung kim tiêm tại nhà y sĩ T., hiện đang công tác tại BV đa khoa huyện Tân Sơn.
Video đang HOT
Vì lẽ đó, đầu tháng 7, Trung tâm y tế huyện Tân Sơn lấy mẫu gần 500 người có nguy cơ nhiễm cao trên địa bàn xã Kim Thượng để xét nghiệm, bao gồm phụ nữ mang thai, những người sống trong gia đình người nhiễm bệnh, người nghi ngờ sử dụng ma tuý, mại dâm, làm ăn xa…
Sau xét nghiệm, phát hiện 42 trường hợp dương tính HIV, trong số đó có một số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS.
Về phần mình, y sĩ T. khẳng định không dùng chung kim tiêm với ai vì giá kim tiêm rất rẻ. Y sĩ T. cũng khẳng định không tổ chức khám chữa bệnh tại nhà, khi nào người dân đến nhờ khám, tư vấn thì anh làm giúp.
“Lương tâm con người, đạo đức nghề nghiệp không bao giờ cho phép tôi làm những việc thất đức như thế. Bây giờ kim tiêm dùng 1 lần có giá rất rẻ, chỉ 600-650 đồng/cái, không đáng gì để mình phải làm vậy. Mình biết mình bị oan nhưng không tìm cách nào chứng minh được, tôi bất lực vì không thể minh oan, nhiều đêm mất ngủ”, y sĩ T. buồn bã chia sẻ với VietNamNet.
Bản thân anh T. sau đó có nhiều tuần liên tiếp phải đến làm việc với cơ quan công an.
Hiện tại, ông Cảnh cho biết, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác người dân xã Kim Thượng nhiễm HIV do đâu, nhưng có một số bệnh nhân xác định rõ không liên quan đến y sĩ T.
Về mặt dịch tễ, ông Cảnh cho biết, xã Kim Thượng là địa phương có tỉ lệ mắc HIV cao nhưng không phải duy nhất. Ngay tỉnh Phú Thọ có 7 xã có số nhiễm trên 100 người, 15 xã/phường có trên 50 người nhiễm.
Thúy Hạnh
Theo vietnamnet
Hiểm họa HIV/AIDS ở huyện nghèo Mường Chà
Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 50 km, nằm dọc với trục đường quốc lộ 12, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên) là địa bàn trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS.
Ảnh minh họa
Theo báo cáo của Trung tâm y tế huyện Mường Chà, tính đến tháng 9/2018, số người nhiễm HIV tích lũy ở Mường Chà là 259 người, trong đó số chuyển sang giai đoạn AIDS tích lũy là 110 và 114 trường hợp tử vong do AIDS. Hiện tại số trường hợp nhiễm HIV được quản lý là 145 người. Trên toàn huyện có 12/12 xã, thị trấn có người nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm HIV/dân số là 0,3%.
Những năm qua tình hình HIV/AIDS trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm đã phát hiện thêm là 5 người nhiễm mới và 3 người đã tử vong.
Sống tại bản nghèo Co Đứa, xã Na Sang, huyện Mường Chà (Điện Biên), hơn 5 năm về trước, chị Lò Thị Sen (36 tuổi) bị lây nhiễm HIV từ chồng, chị có 2 con, đứa con sau cũng bị lây nhiễm HIV. Con gái đầu ở với bà, chị và con trai sống ở trong túp lều nhỏ làm bằng tre, chồng chị bỏ đi làm ăn xa nhưng chỉ đủ tiền để lo cho bản thân.
Hàng ngày, chị cùng con đi bộ lên trung tâm huyện để uống thuốc, công việc ruộng nương phải bỏ do ốm đau liên tục. Cái đói, bệnh tật đeo bám chị, nhiều lúc chị và con phải đi xin ăn. Vì sợ lây bệnh, nên người dân trong bản không muốn nói chuyện hay gần chị, sống đơn côi giữa láng giềng chị đã nhiều lần bị trầm cảm. Trớ trêu hơn nữa, chị mới phát hiện mình mang thai, cái thai đã được một tháng, chị không biết giải quyết thế nào khi không có tiền. Chị Sen tâm sự: "Bị bệnh lâu rồi, ốm đau chả muốn ăn cơm, rụng hết tóc, xong mới lên đi xét nghiệm, bác sĩ mới bảo mình bị bệnh HIV. Hiện tại, đi làm không đi làm được, đói đi xin ăn, ốm đau triền miên, con cũng phải xin nghỉ học vì đau bệnh".
Trước hiểm họa lan tràn của căn bệnh thế kỷ, huyện Mường Chà đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động đối tượng nhiễm HIV gặp không ít khó khăn, nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông chia cắt, nhân viên y tế khó có thể vào tận nơi thường xuyên, nên việc vận động, nắm thông tin người bị bệnh còn hạn chế. Ngoài ra, nhiều trường hợp bệnh nhân mặc cảm, không muốn tiếp xúc với cán bộ y tế dẫn đến kiến thức của họ về bệnh HIV bị sai lệch, không biết cách phòng, tránh lây truyền cho người khác.
Anh Lò Văn Phui, cán bộ y tế bản Co Đứa (xã Na Sang, huyện Mường Chà) cho biết: Nhiều bệnh nhân nhiễm bệnh HIV/AIDS chưa nhận thức rõ về mối nguy hiểm của căn bệnh này, họ không chịu tuân theo phác đồ điều trị, đang điều trị thì bỏ thuốc... Có những cặp vợ chồng đều nhiễm HIV nhưng không dùng biện pháp tránh thai dẫn đến lây truyền sang con, cái nghèo đói bám theo không dứt ra được...
Theo Bác sĩ Lương Hậu Tân, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Mường Chà, công tác phòng chống HIV/AIDS của Mường Chà còn gặp nhiều vướng mắc, trước hết là địa bàn rộng, dân cư thưa, điều kiện đi lại khó khăn, đa số là hộ nghèo. Bên cạnh đó, ảnh hưởng phong tục tập quán cũng như nhận thức của người nhiễm bệnh HIV/AIDS còn thấp, nhiều trường hợp điều trị đỡ nên chủ quan không tiếp tục điều trị nữa, sau khi tái bệnh mới trở lại uống thuốc khiến cho bệnh càng thêm nặng, khó chữa trị.
Tới đây, dự án quốc tế về cấp phát thuốc miễn phí cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ dừng lại, bệnh nhân phải chuyển sang dùng bảo hiểm y tế để uống thuốc, khám chữa bệnh và bắt buộc mọi người phải đến tại trung tâm y tế, thông qua nhiều thủ tục, điều này sẽ gây khó khăn cho những người bị nhiễm bệnh ở xa không thể thường xuyên khám bệnh được, hiệu quả ngăn ngừa lây truyền sẽ giảm so với trước đây.
Bác sĩ Tân cho biết, số người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu lây qua tiêm chích ma túy và đường máu. Số người nhiễm mới vẫn xuất hiện trong từng năm, chủ yếu ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa rất khó kiểm soát. Để giảm thiểu số người nhiễm mới, hàng năm Trung tâm y tế huyện Mường Chà đều thực hiện phát bơm kiêm tiêm sạch, bao cao su miễn phí, thu và tiêu hủy nhiều bơm kim tiêm bẩn; triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại HIV/AIDS; tư vấn xét nghiệm cho đối tượng có nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, vợ hoặc chồng nhiễm HIV...
Việc ngăn chặn hiểm họa lây truyền của HIV ở huyện Mường Chà gặp rất nhiều khó khăn, cần có sự chung tay của cả toàn xã hội, đòi hỏi sự nỗ lực, tích cực trong công tác truyền thông, cũng như hỗ trợ về mọi mặt mới có thể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi HIV trên địa bàn huyện nghèo Mường Chà.
Võ Văn Dũng
Theo TTXVN
Phát hiện 42 trường hợp mắc mới HIV ở xã nghi dùng chung kiêm tiêm tại phòng khám Tại cuộc họp báo chiều muộn ngày 13/8 thông tin về vụ hàng chục người nghi nhiễm HIV ở Phú Thọ do dùng chung kim tiêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết đang phối hợp điều tra từng trường hợp để tìm nguồn lây nhiễm HIV. Chiều muộn ngày 13/8, tại trụ sở UBND tỉnh Phú Thọ, ông Hà Kế San (Phó...