Sau vụ 40 người Việt tháo chạy từ casino: Cần quyết liệt chặn xuất cảnh trái phép
Từ vụ 40 lao động Việt Nam bơi qua sông từ Campuchia về khiến dư luận giật mình với những câu hỏi: Còn bao nhiêu người cùng cảnh ngộ bên nước bạn? Những đường dây nào đưa họ xuất cảnh trái phép?
Sau khi xảy ra sự cố 42 người Việt bỏ trốn, cổng casino Golden Phoenix được bảo vệ nghiêm ngặt, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” – Ảnh: Đ.T
Làm thế nào “giải cứu” đồng bào còn kẹt lại bên nước bạn cùng với việc ngăn chặn các đường dây mua bán người, đưa người xuất cảnh trái phép đều là chuyện cấp bách cần giải quyết sớm và triệt để.
Còn bao nhiêu người đang cầu cứu?
Không hẳn do tâm lý nhẹ dạ cả tin, thực tế cho thấy có những kịch bản tuyển lao động khá công phu, được kẻ xấu dàn dựng và “diễn” thật hoàn hảo. Nhiều người cũng hoài nghi nhưng rồi vẫn bị mê hoặc bởi viễn cảnh một công việc nhàn hạ với thu nhập cao, chỉ cần qua bên kia biên giới.
Trong hoàn cảnh đang rất cần việc làm hoặc muốn “nhảy việc”, bỗng nhiên xuất hiện “cứu tinh” giới thiệu việc làm không bị ràng buộc từ các thủ tục giấy tờ, pháp lý và miễn phí hoàn toàn, nhiều người tin theo cũng dễ hiểu.
“Chiêu thức” hạ gục ý thức cảnh giác nằm ở động tác hào phóng chuyển tiền cho người lao động ứng trước, dù hai bên mới chỉ gặp nhau qua mạng xã hội. Vậy nên mới có chuyện trẻ em gái 14 tuổi ở quận 8 (TP.HCM), thiếu nữ 16 tuổi quê Phú Yên không ngần ngại giấu gia đình đi theo “tiếng gọi của người tốt”. Tất nhiên, những kẻ buôn người không cho biết chính xác địa chỉ nơi ăn ở và làm việc. Lịch trình di chuyển cũng được giữ bí mật.
Nếu có một “miền đất hứa” như những lời ngon ngọt thì cũng chẳng đến lượt mình. Lý thuyết này ai cũng biết, nhưng để “người trong cuộc” sáng suốt để từ chối thì không hề đơn giản. Có công nhân đang có việc làm ổn định tại Bình Dương cũng bị thuyết phục và tham gia chuyến phiêu lưu đầy hiểm nguy này là ví dụ rõ nhất. Sau vụ 40 người vừa đào thoát “khỏi địa ngục trần gian”, các casino trá hình quản lý gắt gao và sẽ không dễ có trường hợp tương tự.
Video đang HOT
Còn bao nhiêu nạn nhân đang cầu cứu, mong được hồi hương và có bao nhiêu đường dây đưa người đi biệt theo cách này?
Giải quyết từ gốc và ngăn xuất cảnh “chui”
Các động thái tích cực từ cơ quan bảo vệ pháp luật của nước bạn mang đến tín hiệu đáng mừng và thêm hy vọng cho những lao động đang bị “giam lỏng” nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, giải quyết từ cái “gốc” của vấn đề mới có tác dụng phòng tránh những chuyện đau lòng xảy ra.
Thời gian gần đây, khá nhiều những thông tin tuyên truyền cảnh báo các phương thức, thủ đoạn của tội phạm buôn bán người. Việc này rất có ý nghĩa, chỉ hơi tiếc vì nếu phổ biến sớm thì kết quả sẽ càng tốt hơn.
Với thanh thiếu niên, không thể thiếu vai trò và sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Cha mẹ, con cái đều đang tương tác thông tin trên mạng xã hội nhưng ít đi thời gian tâm sự, chia sẻ cùng nhau. Không ít thanh thiếu niên dễ tin người trên mạng nhưng không chia sẻ với người thân. Khi con gọi về xin tiền chuộc, nhiều người đã không chia sẻ và không báo cáo với ai.
Mặc dù thông cảm với tâm lý nôn nóng, chấp nhận bỏ khoản tiền lớn chuộc con em khi bị yêu cầu nhưng các gia đình cần thận trọng. Có tình huống “bên kia” yêu cầu chuyển khoản mới cho chuộc 4 người, nhưng sau đó chỉ thả 1 thanh niên, cho thấy khi làm tiền dễ dàng thì chúng sẽ “tăng giá”.
Chưa kể các kiểu lừa đảo khiến cho gia đình nạn nhân chi tiền mà con vẫn không về. Đa số rơi vào trường hợp rất khó khăn, phải đi “vay nóng” mới có số tiền lớn. Biện pháp tốt nhất vẫn nằm ở sự tích cực hợp tác với chính quyền để có thể giải cứu được người thân an toàn.
Nhiều tỉnh đang siết khâu kiểm soát các tuyến biên giới. Nỗ lực bịt kín mọi đường mòn lối mở qua biên giới bằng đường bộ và đường thủy sẽ ngăn những đường dây đưa người xuất cảnh trái phép cũng như giảm những cá nhân tự vượt biên.
Người nước ngoài không thể trực tiếp đưa lao động “xuất khẩu” trái phép nếu thiếu sự đồng lõa, giúp sức của một số “tay trong”. Những trường hợp môi giới, tìm người và đưa người trái phép qua biên giới khi phát hiện cần xét xử với hình phạt nghiêm khắc những kẻ “cõng rắn cắn gà nhà”, như vậy mới mong có tác dụng răn đe hiệu quả.
Đưa người xuất cảnh “lậu” có thể bị phạt tù đến 15 năm
Theo luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), người Việt trốn sang Campuchia với mong mỏi tìm “việc nhẹ lương cao” và những người liên quan có thể đối diện với việc bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù theo quy định tương ứng.
Cụ thể, cá nhân có hành vi trốn, xuất cảnh lậu qua biên giới, “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật”, bị xử phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng. Bên cạnh đó, cá nhân có thể bị xử lý hình sự về tội “vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh”, tội “ở lại Việt Nam trái phép” (điều 347 Bộ luật hình sự 2015) với hình phạt tối đa đến 3 năm tù.
Hành vi tổ chức đưa người Việt Nam sang nước ngoài sẽ vi phạm “tổ chức, môi giới, giúp sức, xúi giục, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác xuất cảnh, ở lại nước ngoài, nhập cảnh, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép”, bị xử phạt từ 30 – 40 triệu đồng.
Trường hợp vì động cơ vụ lợi mà tổ chức, môi giới cho người khác đưa người qua biên giới thì có thể bị xử lý hình sự về tội “tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”. Mức phạt tù cao nhất đến 15 năm tù.
Trường hợp tổ chức, môi giới cho người khác ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với mục đích để người đó trốn qua Campuchia hoặc ở lại Campuchia để lao động, cư trú trái phép có thể bị xử lý hình sự về tội danh “tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” (điều 349 Bộ luật hình sự). Mức phạt tù cao nhất đến 15 năm tù.
Cá nhân, tổ chức thông qua mạng xã hội hoặc các cách thức khác lừa gạt, tuyển dụng, đưa người Việt Nam sang Campuchia vào các địa điểm bị bóc lột, cưỡng bức lao động thì có thể bị xử lý về tội danh “mua bán người” (điều 150 Bộ luật hình sự). Mức phạt tù cao nhất đến 20 năm tù.
Cặp đôi phiên dịch hối hận vì tham tiền của người nước ngoài
Sau những lần hưởng lợi từ việc "kê giá" tiền thuê phòng cho một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú, Sơn và Linh lún sâu hơn một bước trên con đường phạm tội qua việc tổ chức cho nhiều người xuất cảnh, nhập cảnh "lậu".
Ngày 23/8, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với các bị cáo Hà Hoàng Sơn (SN 1993, trú quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) và Đặng Thị Thùy Linh (SN 1995, quê Lạng Sơn) về các tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép", "Tổ chức cho người các xuất cảnh trái phép và "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép".
Theo cáo trạng, Hà Hoàng Sơn, Đặng Thị Thùy Linh đều là phiên dịch viên và chung sống như vợ chồng từ tháng 5/2020. Sơn có mối quan hệ quen biết với đối tượng tên A Hải (quốc tịch Trung Quốc, chưa xác định được lai lịch).
Ngày 7/12/2020, thông qua Wechat, A Hải liên lạc với Sơn và Linh, nhờ thuê phòng cho hai người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú. Sơn liên hệ thuê phòng tại một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng với giá 13,5 triệu đồng/tháng nhưng báo lại với A Hải là 18,5 triệu đồng/tháng để hưởng chênh lệch 5 triệu đồng.
Hai bị cáo tại phiên tòa chiều 23/8.
Ngày 20/12/2020, A Hải tiếp tục liên hệ với Sơn đặt vấn đề thuê phòng cho năm người Trung Quốc không có giấy tờ, thị thực lưu trú, lần này Sơn và Linh hưởng chênh lệch số tiền 6 triệu đồng.
Không những vậy, từ ngày 21 đến 25/2/2021, Sơn và Hà tổ chức cho 4 người Trung Quốc không có giấy tờ, thị thực nhập cảnh vào Việt Nam rồi sau đó di chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh thu lợi bất chính gần 35 triệu đồng. Từ ngày 22 đến ngày 26/2/2021, cặp đôi này lại tổ chức cho 8 người Trung Quốc không có giấy tờ, thị thực đi từ Đà Nẵng ra Hà Nội để xuất cảnh về lại Trung Quốc, thu lợi hơn 120 triệu đồng...
Tại phiên tòa sơ thẩm Hà Hoàng Sơn và Đặng Thị Thùy Linh đều thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo trình bày do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 dẫn đến thất nghiệp, không có tiền để chi tiêu nên mới "làm liều".
TAND TP Đà Nẵng đã tuyên bị cáo Hà Hoàng Sơn mức án 7 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép", 6 năm tù về tội "Tổ chức cho người các xuất cảnh trái phép và 2 nằm tù "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép", tổng hợp hình phạt Sơn phải chấp hành là 15 năm tù.
Bị cáo Đặng Thị Thùy Linh mức án 5 năm tù về tội "Tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép", 3 năm tù về tội "Tổ chức cho người các xuất cảnh trái phép và 1 nằm tù "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép", tổng hợp hình phạt Sơn phải chấp hành là 9 năm tù.
Vụ 42 người tháo chạy khỏi casino Campuchia: Hỗ trợ đưa 40 người về với gia đình Sau 5 ngày ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Đa Phước, H.An Phú (An Giang) để lực lượng chức năng lấy thông tin, những người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia đã được cho về địa phương và gia đình. Sau khi lấy thông tin nhân thân và điều tra bước đầu vụ 42 người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia...