Sáu vấn đề ‘nóng’ chờ Chủ tịch Trung Quốc ở Nhà Trắng
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với nhiều vấn đề nóng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra trong chuyến công du lần đầu tiên đến Mỹ vào cuối tuần này của ông Tập.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đối mặt với sáu vấn đề nóng ở phòng Bầu dục – Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn của Mỹ AP ngày 21.9 cho rằng có 6 vấn đề nóng đang chờ ông Tập ở phòng Bầu dục của Nhà Trắng. Ông sẽ phải giải đáp những câu hỏi liên quan đến 6 vấn đề nóng này với chủ nhân Nhà Trắng.
1. An ninh mạng
Vụ tấn công của tin tặc, được cho do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, nhắm vào các cơ quan chính phủ và công ty Mỹ là khởi nguồn làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trung Quốc bị nghi ngờ đánh cắp thông tin, dữ liệu của hàng triệu nhân viên, quan chức và công ty Mỹ. Theo AP, điều Washington quan tâm nhiều nhất là các tin tặc này lấy cắp thông tin nhằm phục vụ lợi ích của công ty Trung Quốc và nó vượt quá giới hạn của thu thập thông tin tình báo truyền thống.
Hồi tháng 5.2015, giới chức Mỹ cáo buộc 5 người được cho là của quân đội Trung Quốc đánh cắp thông tin của công ty Mỹ. Trung Quốc đã chấp thuận đưa vấn đề này vào hội đàm về không gian mạng với Mỹ, trong khi Washington cho biết đang nghiên cứu giải pháp trừng phạt gián điệp công nghiệp, dù biện pháp này có thể không chỉ nhắm vào Bắc Kinh.
2. Biển Đông
Biển Đông được xem là vấn đề nóng thứ 2 sau an ninh mạng mà Chủ tịch Trung Quốc phải đối mặt – Ảnh: Reuters
Trung Quốc vừa qua đánh tiếng thừa nhận tiến trình xây đảo nhân tạo phi pháp quy mô lớn nhằm khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý của mình trên các đảo, bãi đá ở Biển Đông. Bắc Kinh cải tạo và bồi đắp 1.210 ha đất trong vòng 18 tháng bằng cách khai thác cát ở lòng biển, gây hủy hoại môi trường.
Video đang HOT
Mỹ không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng vẫn chỉ trích chiến dịch xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh, Washignton cho rằng điều này gây căng thẳng và đe dọa tự do hàng hải ở vùng biển quốc tế vốn đóng vai trò quan trọng cho giao thương toàn cầu.
Các nghị sĩ Mỹ gây áp lực đòi quốc hội nước này cho phép hải quân Mỹ “nắn gân” Trung Quốc bằng việc đưa tàu chiến áp sát các đào nhân tạo để khẳng định quan điểm không công nhận đòi hỏi chủ quyền vô lý của Bắc Kinh. Trung Quốc đã phản bác lại, nói rằng Washington nên tập trung chuyện của nhà mình hơn là can thiệp vào chuyện của thiên hạ.
3. Biến đổi khí hậu
Trung Quốc và Mỹ là 2 cường quốc công nghiệp có lượng khí thải lớn, vì vậy cần phải có trách nhiệm hợp tác trong việc giữ gìn môi trường trái đất.
Vấn đề môi trường đang là thách thức cho cả Mỹ và Trung Quốc – Ảnh: Bloomberg
Tháng 11.2014, ông Obama và ông Tập cùng ra tuyên bố chung Trung Quốc và Mỹ sẽ cắt giảm khí thải, làm tiền đề cho lãnh đạo các nước khác trên thế giới sẽ nhóm họp vào tháng 12.2015 ở Paris, Pháp thực hiện theo. Bắc Kinh và Washington cũng tuyên bố cùng nghiên cứu và cắt giảm khí thải ở các thành phố trọng điểm của 2 nước.
4. Kinh tế
Nền kinh tế của 2 cường quốc này phụ thuộc khá chặt vào nhau khi tổng thương mại 2 chiều đạt 600 tỉ USD, nhưng cán cân thặng dư nghiêng về phía Trung Quốc. Từ lâu, Mỹ ép Trung Quốc phải áp dụng một mô hình kinh tế tự do được quyết định bởi nhu cầu nội địa hơn là xuất khẩu và đầu tư, và cho phép các công ty Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc nhiều hơn.
Trong khi đó, Trung Quốc “đủng đỉnh” cải cách kinh tế. Tổng thống Obama sẽ không bỏ lỡ cơ hội gặp ông Tập ở phòng Bầu dục để tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc.
Suy giảm kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng cả thị trường toàn cầu – Ảnh: Reuters
Những thay đổi Trung Quốc tạo ra góp phần làm suy thoái kinh tế, và việc can thiệp hàng tỉ USD của Trung Quốc nhằm ngăn đà tuột dốc của thị trường chứng khoán đã dấy lên nhiều câu hỏi về khả năng quản lý kinh tế của Bắc Kinh. Ngoài ra, việc phá giá đồng nhân dân tệ đặt ra nhiều lo ngại rằng Bắc Kinh đang cố gắng mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu của Trung Quốc.
5. Nhân quyền
Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp cương quyết đối với các nhà hoạt động xã hội dân sự trong những năm gần đây. Đó cũng là một phần trong nỗ lực ngăn cản quyền tự do theo kiểu phương Tây xâm nhập vào xã hội Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc kiểm soát chặt hơn đối với Công giáo, nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Tạng và Tân Cương. Chính quyền Obama đã thẳng thắn chỉ trích về vấn đề này của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền luôn bị các vấn đề nóng khác làm mờ đi trong chương trình nghị sự Mỹ – Trung.
6. Triều Tiên
Vấn đề của Triều Tiên cũng được đưa lên bàn thảo luận của nguyên thủ Mỹ – Trung – Ảnh: Reuters
Triều Tiên tuần qua tuyên bố khởi động lại các lò hạt nhân để chuẩn bị phục vụ các vụ phóng tên lửa với mục đích “mừng ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên” vào ngày 10.10.
Vụ sắp phóng tên lửa gây căng thẳng cho mối quan hệ truyền thống giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, nhưng ngược lại khiến Mỹ và Trung Quốc tiến lại gần nhau hơn nhằm thực hiện mục tiêu kiểm soát Triều Tiên. Cả Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm cách ngăn những đòn khiêu khích của Bình Nhưỡng, dù đó là nhiệm vụ khó khăn cho cả hai.
Mỹ muốn Trung Quốc sử dụng đòn kinh tế để gây áp lực với Triều Tiên, trong khi Trung Quốc muốn Mỹ xuống nước trong cuộc đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã gián đoạn quá lâu.
Minh Quang
Theo Thanhnien
Chuyên gia Mỹ: Tin tặc Trung Quốc đang giảm tấn công mạng vào Mỹ
Các đợt tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các công ty Mỹ của tin tặc Trung Quôc có vẻ như đã chậm lại trong vài tháng vừa qua trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình sắp có chuyến thăm Washington, theo các chuyên gia an ninh mạng Mỹ.
Nhiều chuyên gia an ninh mạng hàng đầu Mỹ nhận định đang có hiện tượng suy yếu về các đợt tấn công điện tử từ Trung Quốc nhằm vào các hãng Mỹ trong thời gian gần đây - Ảnh: Reuters
Reuters ngày 21.9 dẫn lời lãnh đạo cấp cao của 3 hãng an ninh mạng lớn tại Mỹ cho biết hoạt động của tin tặc, được cho từ Trung Quốc, đang giảm bớt.
"Tốc độ phát sinh các vụ tấn công mới dường như đang dịu lại", theo Kevin Mandia, người sáng lập Mandiant, hãng an ninh mạng có trụ sở tại bang Virginia (Mỹ) từng có báo cáo về lực lượng "chiến binh mạng" của Trung Quốc.
Được biết, an ninh mạng sẽ là một trọng tâm trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này tại Washington, theo thông báo hồi đầu tuần trước của Nhà Trắng. Giới quan sát cho rằng tin tặc do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn có lẽ đã giảm cường độ hoạt động trong thời gian gần đây khi quan chức 2 nước bắt đầu thảo luận về an ninh điện tử trước chuyến công du của ông Tập.
Mặc dù ông Mandia thừa nhận nhận định nêu trên của ông không dựa vào số liệu cụ thể nào, mà chỉ dựa vào "số lần điện thoại reng (để báo về sự cố tấn công mạng)", nhưng lãnh đạo của các hãng an ninh mạng lớn khác cũng có quan điểm tương tự.
Stuart McClure, giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Cylance, cho biết ông cũng nhận thấy sự suy giảm về số lần tấn công mạng của tin tặc Trung Quốc trong khoảng 6 tháng trở lại đây.
Tom Kellermann, giám đốc an ninh mạng tại bang California, cho biết ông cũng nhận thấy hiện tượng tương tự trong khoảng thời gian gần đây. "Đã có một sự thống nhất trong hoạt động phát sinh từ Trung Quốc. Và nó đã hạ xuống một bậc", chuyên gia này bình luận.
Hoàng Uy
Theo Thanhnien
Mỹ cấm 9 phố quanh khách sạn ông Tập lưu trú Nhiều tuyến phố quanh nơi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lưu trú khi tới Mỹ sẽ bị phong tỏa nhằm đảm bảo an ninh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama dạo bộ trong khu đất ở Annenberg, California, hồi năm 2013. Ảnh: AP Ông Tập ngày mai tới Seattle, bắt đầu chuyến công...