Sau trưng cầu dân ý, điều gì sẽ xảy ra ở Hy Lạp?
61% người dân Hy Lạp vừa từ chối gói viện trợ quốc tế, dẫn đến một loạt mệnh đề phủ định dành cho Hy Lạp trong vài tuần tới: không có các điều kiện thắt lưng buộc bụng, không có thỏa thuận cứu trợ tài chính và không có đồng euro.
Hy Lạp có thể phải rời eurozone – Ảnh: Reuters
Sau nhiều năm sống nhờ tiền viện trợ quốc tế và đổi lại bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, kết quả sơ khởi của cuộc trưng cầu dân ý tại Hy Lạp là: 61% người dân quay lưng với gói viện trợ từ châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), chỉ 39% đồng ý.
Kết quả này mở thêm đường cho lối ra của Hy Lạp ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chỉ trong vài tuần tới. Điều này xảy ra là vì nếu Hy Lạp muốn ở lại trong khối, nước này phải cần nhiều tiền hơn từ châu Âu.
Kết quả này cũng đánh dấu chiến thắng cho Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, người đã kêu gọi đất nước bỏ phiếu “không”. Ông tin rằng câu trả lời “không” từ phía người dân sẽ gia tăng lợi thế cho Athens trên bàn đàm phán với các chủ nợ.
Thủ tướng Hy Lạp muốn thương lượng để đạt được một gói cứu trợ lớn hơn, được cung cấp cùng những điều kiện “ít khắc khổ” hơn cho người dân nước này. Thêm vào đó, ông kỳ vọng một phần nợ sẽ được xóa bỏ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các nước châu Âu đã tuyên bố từ trước cuộc trưng cầu dân ý rằng bất cứ gói cứu trợ mới nào cũng sẽ đính kèm với một loạt điều kiện nghiêm ngặt. Đây là điều mà số đông cử tri Hy Lạp bác bỏ vào hôm 5.7.
Hôm nay 6.7, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ gặp Tổng thống Pháp Francois Hollande. Các lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu ( ECB) cũng sẽ nhóm họp về khủng hoảng nợ Hy Lạp.
Video đang HOT
Nếu Hy Lạp không thể sớm có tiền cứu trợ từ châu Âu, nước này sẽ phải trả tiền lương hưu và tiền cho nhân viên khu vực công bằng giấy vay tiền. Nước này không thể vay từ thị trường quốc tế vì lãi suất rất cao.
Ngân hàng Hy Lạp, vốn đã đóng cửa một tuần qua, đang có kế hoạch mở cửa lại từ ngày 7.7. Tuy nhiên, ngân hàng nước này phụ thuộc vào tiền cứu trợ khẩn cấp từ ECB để có thể hoạt động. Dòng tiền vốn đã chảy vào ít ỏi trong tuần qua, giờ đây có thể hoàn toàn bị cắt đứt.
Cuối cùng, Hy Lạp có thể bị buộc phải rời khỏi eurozone – khối 19 nước đã từ bỏ đồng nội tệ để về với đồng EUR chung.
Hiện tại, vẫn chưa có gì chắc chắn về vị trí thành viên của Hy Lạp trong Liên minh châu Âu – khối rộng lớn hơn eurozone với 28 nước thành viên có chung chính sách về thương mại và nhiều phương diện khác.
Chuyển biến trong tình hình khủng hoảng tài chính Hy Lạp đã và đang chia cách ý kiến của các chuyên gia pháp lý. Chưa từng có tiền lệ cho những gì đang xảy ra ở Athens, và các nước châu Âu vẫn chưa có quy định có thể được dùng khi một quốc gia rời bỏ khối.
Thu Thảo
Theo Thanhnien
Người dân Hy Lạp nói 'không' với các chủ nợ
Kết quả trưng cầu dân ý tại Hy Lạp diễn ra ngày 5.7 đã có kết quả: 61% người dân chọn câu trả lời "không" trước gói viện trợ của quốc tế với những điều kiện thắt lưng buộc bụng khắc khổ, chỉ 39% là đồng ý.
Những người Hy Lạp chống lại gói viện trợ đổ ra đường reo mừng sau kết quả trưng cầu dân ý - Ảnh: AFP
Đó là kết quả sơ khởi sau cuộc trưng cầu dân ý vừa diễn ra ở Hy Lạp ngày 5.7, do Bộ Nội vụ nước này công bố khi hầu hết các phiếu đã được kiểm - BBC đưa tin.
Được biết chính phủ Hy Lạp đã vận động người dân bác bỏ gói viện trợ, cho rằng các điều kiện đi kèm là một sự "sỉ nhục" với Hy Lạp.
Trong khi đó, các đảng đối lập cảnh báo việc bỏ phiếu chống có thể khiến Hy Lạp bị đẩy khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu, eurozone - điều mà đa phần người dân Hy Lạp không muốn.
Cựu Thủ tướng Hy Lạp, ông Antonis Samaras, người đã tích cực vận động để người dân ủng hộ gói viện trợ, đã ngay lập tức từ chức lãnh đạo đảng trung tả đối lập New Democracy ngay khi có kết quả cuộc bỏ phiếu.
Phát biểu trước kết quả trên, Thủ tướng Hy Lạp, ông Alexis Tsipras đêm 5.7 nói: "Như vậy là ngày mai, Hy Lạp sẽ quay trở lại bàn đàm phán và ưu tiên hàng đầu của chúng ta sẽ là phục hồi sự ổn định tài chính của đất nước".
Cờ xí rợp trời tại thủ đô Athens trong đêm 5.7 - Ảnh: AFP
Tuy nhiên, ngay lập tức, nhiều quan chức châu Âu đã cảnh báo rằng câu trả lời "không" đồng nghĩa với lời cự tuyệt đàm phán với các chủ nợ.
Ông Jeroen Dijsselbloem, đứng đầu nhóm các Bộ trưởng Tài chính trong khu vực eurozone tuyên bố rằng kết quả kể trên là "rất đáng tiếc cho tương lai Hy Lạp". Còn Phó Thủ tướng Đức, ông Sigmar Gabriel thì nói việc khởi động lại quá trình đàm phán với Hy Lạp là "khó mà tưởng tượng được".
Phát biểu trên nhật báo Tagesspiegel, ông này nặng lời chỉ trích chính quyền Hy Lạp là đã dẫn dắt người dân đi vào một con đường "vô vọng và bị bỏ rơi cay đắng".
Tuy nhiên, cũng đã có những tiếng nói hòa hoãn hơn. Ngoại trưởng Ý viết trên Twitter: "Bây giờ đã đến lúc phải bắt đầu cố gắng trở lại để đạt được một thỏa thuận. Nhưng sẽ không có lối thoát nào cho một Hy Lạp đầy rắc rối ở trong châu Âu với đầy sự yếu ớt và không tăng trưởng (kinh tế)".
Còn Bộ trưởng Tài chính Bỉ thì cho rằng cánh cửa để bắt đầu đàm phán lại với Hy Lạp đang để ngỏ, có thể là chỉ trong vòng vài giờ.
Rừng người tụ tập trước tòa nhà quốc hội Hy Lạp - Ảnh: AFP
Nhiều động thái cũng đã được khởi động nhanh chóng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker tối 5.7 cho biết ông đang thương lượng với lãnh đạo các nước trong khu vực eurozone, hy vọng có thể họp trực tuyến với giới chức EU cũng như Ngân hàng trung ương châu Âu ngay trong sáng nay 6.7.
Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng dự kiến sẽ gặp nhau sáng 6.7 tại Paris, và Hy Lạp là một chủ đề quan trọng. Một hội nghị thượng đỉnh của nguyên thủ quốc gia các nước eurozone cũng đã được lên kế hoạch vào ngày 7.7.
Kiều Oanh
Theo Thanhnien
Ngày phán quyết tương lai Athens Người Hy Lạp ngày 5/7 đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về việc có chấp nhận hay từ chối các điều khoản của các chủ nợ, nhưng đây cũng được xem như ngày phán quyết về tương lai của Athens tại Eurozone. Nhiều người dân cũng xuống đường tuần hành tại London, bày tỏ ủng hộ chính phủ Hy Lạp (Ảnh: Telegraph...