Sau Thủ tướng Boris Johnson đến lượt Bộ trưởng Y tế Anh mắc Covid-19
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock xác nhận mắc Covid-19 không lâu sau khi Thủ tướng Boris Johnson nhiễm virus corona chủng mới.
“Kết quả xét nghiệm của tôi với virus là dương tính. Rất may, các triệu chứng của tôi là nhẹ. Tôi đang làm việc ở nhà và tự cách ly”, ông Hancock viết trên Twitter.
Cách đây ít giờ, Thủ tướng Anh Boris Johnson xác nhận bản thân mắc Covid-19. Ông xuất hiện các triệu chứng bệnh nhẹ như ho dai dẳng và sốt.
“Trong 24 giờ qua, tôi xuất hiện các triệu chứng nhẹ và được xác nhận mắc Covid-19. Tôi đang tự cách ly nhưng sẽ tiếp tục lãnh đạo công tác ứng phó với dịch bệnh thông qua các cuộc họp trực tuyến”, ông Johnson cho hay.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock. (Ảnh: EPA)
Một phát ngôn viên của Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết ông Johnson quyết định đi xét nghiệm theo lời khuyên của Giám đốc Y tế Anh Chris Whitty.
“Xét nghiệm được nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh thực hiện ở số 10 phố Downing và kết quả là dương tính”, người này cho hay.
Phố Downing trước đó khẳng định các thành viên của chính phủ không phải làm xét nghiệm trừ khi họ xuất hiện triệu chứng.
Một nguồn tin của Bộ Tài chính Anh cho biết Bộ trưởng Rishi Sunak không tự cách ly dù tiếp xúc gần với Thủ tướng Boris Johnson nhiều ngày qua.
Phóng viên Laura Kuenssberg của BBC cho biết ông Sunak vẫn chưa xuất hiện bất cứ triệu chứng nào nên chưa đi xét nghiệm.
Video: Thủ tướng Anh xác nhận mắc Covid-19
Tình hình dịch bệnh ở Anh vẫn đang hết sức diễn biến phức tạp. Tính tới hiện tại, Anh ghi nhận 11.658 ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng con số thực tế có thể cao hơn số liệu này nhiều lần do ở Anh, chỉ những người bị bệnh nặng tới mức phải nhập viện mới được xét nghiệm.
Giám đốc Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cảnh báo cần phải tăng các xét nghiệm lên mức hàng trăm nghìn trường hợp mỗi ngày trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
SONG HY
Đảng bảo thủ Anh quyết tâm thúc đẩy Brexit đúng hạn
Việc loại bỏ điều khoản "chốt chặn" được coi là trọng tâm trong kế hoạch của Thủ tướng Johnson để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 29/9 tuyên bố nước Anh sẽ rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng tới bất chấp một dự luật ở quốc hội ép ông phải tìm kiếm quyết định gia hạn từ EU nếu không đạt được thỏa thuận. Tuyên bố của ông Johnson đưa ra trong phiên khai mạc hội nghị của đảng Bảo thủ có hàng nghìn đảng viên của đảng này tham dự đã kích động cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề Brexit.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố nước Anh sẽ rời khỏi EU vào cuối tháng 10./. Ảnh: Getty
Ngày mở đầu hội nghị hằng năm của đảng Bảo thủ cầm quyền bao trùm bằng những bài phát biểu từ các bộ trưởng cấp cao, trong đó ủng hộ quyết tâm của ông Johnson về việc chấm dứt tư cách thành viên của nước Anh trong EU vào đúng ngày 31/10.
Trong bài phát biểu của mình, Quốc vụ khanh Vương quốc Anh về Brexit Stephen Barclay, Chủ tịch Hạ viện Jacob Rees-Mogg, người ủng hộ nhiệt tình đối với Brexit và Bộ trưởng phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận Michael Gove đều cảnh báo về tác động đối với đời sống chính trị nếu không tôn trọng ý kiến của 17,4 triệu người dân đã bỏ phiếu yêu cầu đưa nước Anh rời khỏi EU.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thậm chí cho rằng, nước Anh có thể rời khỏi Liên minh châu Âu mà không cần thỏa thuận: "Tôi nghĩ rằng, cách tốt nhất để ra khỏi EU là bằng một thỏa thuận. Nhưng chúng ta phải hoàn tất Brexit và điều này khiến Brexit không thỏa thuận nhiều khả năng xảy ra".
Trong khi đó, Công đảng đối lập đang nỗ lực ngăn chặn một kịch bản không thỏa thuận cho Brexit (Brexit cứng). Trong tuyên bố vào hôm qua, Công đảng nhấn mạnh, họ phải đảm bảo nguy cơ Anh rời khỏi EU mà không có một thỏa thuận bị chặn lại trước khi đảng này cân nhắc bất kỳ kế hoạch nào nhằm lật đổ Thủ tướng Johnson.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC, khi được hỏi liệu Công đảng có đang lên kế hoạch kêu gọi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Johnson hay không, người phát ngôn của Công đảng Angela Rayner nói rằng, đảng này muốn đảm bảo rằng việc không đạt được thỏa thuận sẽ không còn nữa trước khi làm bất cứ điều gì khác. Đáp lại ngay lập tức, Thủ tướng Johnson tuyên bố, ông sẽ không từ chức để tránh phải trì hoãn Brexit sau ngày 31/10.
"Tôi đã cam kết sẽ dẫn dắt đảng và đất nước vào thời điểm khó khăn. Tôi tin rằng, mình có trách nhiệm làm điều đó và chúng ta phải hoàn thành Brexit vào đúng ngày 31/10 để đưa đất nước tiến lên", bà Rayner nói.
Trên thực tế, nhìn nhận khách quan, Anh và EU vẫn có thể đạt được thỏa thuận Brexit với các điều khoản tốt vào tháng 10 tới, nhưng vấn đề là hai bên không còn nhiều thời gian để thực hiện vấn đề này. Trước mắt, Anh cần đệ trình một đề xuất cụ thể bằng văn bản lên EU. Thứ hai là cả Anh và EU cần tìm được giải pháp nhằm khơi thông bế tắc trong điều khoản "chốt chặn" của thỏa thuận Brexit liên quan đến vấn đề biên giới trên đảo Ireland.
Điều khoản "chốt chặn" nhằm duy trì đường biên giới Bắc Ireland mở trong mọi hoàn cảnh hậu Brexit là yếu tố gây tranh cãi nhất của trong thỏa thuận Brexit mà cựu Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với các lãnh đạo EU cuối năm ngoái. Những người có quan điểm bài châu Âu lo ngại vì điều khoản này, Anh sẽ luôn mắc kẹt trong khu vực thương mại của khối. Hiện loại bỏ điều khoản "chốt chặn" được coi là trọng tâm trong kế hoạch của Thủ tướng Johnson để đưa nước Anh rời EU vào ngày 31/10 tới./.
Theo Vũ Anh Tuấn/VOV1
biên dịch
Anh xây dựng bệnh viện dã chiến 4.000 giường chống Covid-19 Chính phủ Anh đã công bố kế hoạch xây dựng bệnh viện dã chiến với 4.000 giường tại London để điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm virus corona chủng mới. Hôm 24/3, Chính phủ Anh cho biết sẽ thiết lập một bệnh viện dã chiến với 4.000 giường ở phía đông London vào tuần tới. Quyết định này được đưa ra trong...