“Sau thảm sát, sẽ có một Na Uy càng cởi mở hơn”
Na Uy sẽ không bao giờ giống như trước khi vụ đánh bom và thảm sát hàng loạt diễn ra, nhưng mặt khác Na Uy sẽ không bao giờ thay đổi theo cách mà tên tội phạm mong muốn – Thủ tướng Na Uy tuyên bố hôm qua.
Na Uy tràn ngập hoa để tưởng nhớ các nạn nhân.
Văn hóa của lòng khoan dung
Thủ tướng Jens Stoltenberg kêu gọi người dân Na Uy phản ứng bằng cách đoàn kết chặt chẽ hơn là từ bỏ. Đó chính văn hóa của lòng khoan dung mà tên sát thủ Anders Behring Breivik nói rằng hắn cố gắng tiêu diệt.
“Phản ứng của Na Uy với bạo lực chính là sự dân chủ, cởi mở hơn và tích cực tham gia chính trị hơn” – Thủ tướng Stoltenberg khẳng định tại cuộc họp báo chiều qua.
Video đang HOT
Vụ đánh bom hôm thứ sáu tuần trước bên ngoài văn phòng Thủ tướng tại thủ đô Oslo, tiếp theo sau là vụ xả súng tại một trại hè thanh niên khiến 76 người thiệt mạng đã làm tổn thương sâu sắc tới một quốc gia luôn tự hào về sự cởi mở của mình. Hung thủ nhận tội và tuyên bố rằng các vụ tấn công này là cần thiết nhằm chống lại những gì mà hắn gọi là đa văn hóa và thực dân hóa Hồi giáo.
“Tôi cho rằng, từ những gì đã xảy ra chúng ta sẽ thấy một Na Uy trước và sau thảm kịch 22.7. Tuy nhiên, tôi cũng hy vọng và tin tưởng rằng, một Na Uy sau thảm kịch sẽ cởi mở hơn, khoan dung hơn trước đó” – Thủ tướng Stoltenberg nói.
Ông cũng mạnh mẽ bảo về quyền phát ngôn tự do, ngay cả nếu như đó là những quan điểm cực hữu như của sát thủ Breivik.
“Chúng ta phải phân biệt rõ ràng rằng những quan điểm và ý kiến cực đoan là hoàn toàn hợp pháp. Điều không hợp pháp chính là sự cố gắng thực hiện những quan điểm cực đoan ấy bằng cách sử dụng bạo lực” – ông Stoltenberg nói rành mạch bằng tiếng Anh.
Văn hóa của lòng khoan dung được đề cao hơn sau thảm kịch.
Dân chủ, cởi mở và cách tiếp cận chủ nghĩa khủng bố
Có thể thấy lời hứa của ông Stoltenberg sau vụ tấn công kép là một tín hiệu trái ngược với cách phản ứng của Mỹ sau vụ khủng bố 11.9 khi Washington đã mất rất nhiều thời gian để nghe lén điện thoại và tìm kiếm bằng chứng.
Nó cũng phản ánh sự khác nhau giữa hai nước trong cách giải quyết với chủ nghĩa khủng bố. Mỹ dường như khá thất vọng vì cho rằng Na Uy thiếu sự điều tra và bắt giữ kiên quyết.
Kể từ vụ tấn công, Thủ tướng Stoltenberg và các thành viên Hoàng gia luôn nhấn mạnh sự cởi mở của đất nước bằng cách thường xuyên xuất hiện trước công chúng mà hiếm khi có mặt của đội ngũ an ninh.
Tuy nhiên, phản ứng của Na Uy sau vụ tấn công trên đảo Utoya đã bị chỉ trích. Mặc dù chỉ cách Oslo 40km, nhưng cảnh sát phải mất tới 90 phút mới đến được hiện trường. Trong khi đó, chiếc trực thăng duy nhất của cảnh sát lại không thể sử dụng được, và chiếc thuyền đầu tiên lại bị hỏng.
Người đứng đầu lực lượng cảnh sát chống khủng bố của Na Uy cho rằng, sự cố không gây ra một sự chậm trễ đáng kể nào. Hôm qua, cảnh sát cho biết thông tin sát thủ Breivik ngoan ngoãn giơ tay đầu hàng ngay khi lực lượng an ninh tiếp cận hắn ta. “Đó hoàn toàn là một vụ bắt giữ bình thường” – cảnh sát Haavard Gaasbakk nói.
76 người thiệt mạng trong vụ tấn công kép hôm 22.7.
Đừng nén nỗi đau
Thủ tướng Stoltenberg kêu gọi người dân không nên kìm nén nỗi đau: “Tôi đã khóc, và tôi cũng nói với nhiều người rằng hãy khóc, đừng ngần ngại”.
Một ủy ban độc lập sẽ được thành lập để điều tra vụ tấn công và để rút ra những bài học về cách thức phản ứng nhanh. Ủy ban này cũng sẽ hỗ trợ những người sống sót và thân nhân họ khắc phục hậu quả. Quốc hội Na Uy sẵn sàng giúp chi phí tang lễ. Một tượng đài sẽ được xây dựng để tưởng nhớ các nạn nhân.
Nỗi đau mỗi ngày được khắc sâu khi cảnh sát dần dần thông báo tên những người đã chết. Mới chỉ có 17 người thiệt mạng được chính thức nhận diện. Nạn nhân trẻ nhất trong số đó là Sharidyn Svebakk-Boehn, mới tròn 14 tuổi chỉ 5 ngày trước thảm kịch. Người anh cùng cha khác mẹ của Thái tử Mette – Matrit cũng thiệt mạng trong vụ tấn công trên.
Theo Lao Động