Sau Tết, sóng giờ vàng VTV rớt giá như thế nào?
Dịp Tết Nguyên đán, giá quảng cáo Táo Quân đạt đỉnh với 530 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo trong chương trình.
Theo đó, Gala cười – phát sóng giờ vàng mùng 2 Tết – có giá dao động từ 75-150 triệu đồng cho mỗi block từ 10-30 giây. Mức giá quảng cáo tương tự cũng được đưa ra với chương trình Mười hai con giáp, phát sóng vào mùng 3 Tết.
Sau dịp Tết Nguyên đán, sóng giờ vàng trở về với lịch phát sóng thông thường với phim truyền hình, game show, chương trình truyền hình thực tế. Nhưng mức giá quảng cáo thấp hơn nhiều dịp Tết, thấp hơn cả năm 2018.
Giá quảng cáo phim truyện trên VTV1 giảm mạnh
Phim truyền hình Việt trên sóng giờ vàng của VTV vốn có 2 khung giờ, từ thứ 2 đến thứ 6 trong khung giờ 20h45 – 21h45 trên VTV1 và từ thứ 2 đến thứ 5 trong khung giờ 21h45 – 22h45 trên VTV3.
Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2019, VTV thông báo về việc điều chỉnh khung giờ phát sóng phim Việt trên kênh VTV1. Dù vẫn được ưu tiên khung giờ từ 20h – 21h từ thứ 2 đến thứ 6 nhưng những bộ phim được phát sóng trên kênh VTV1 sẽ gói gọn 30 phút mỗi tập, thay vì 45 phút như trước đây.
Thế nhưng, khi chưa có phim mới phù hợp với thời lượng 30 phút mỗi tập, VTV gây bất ngờ khi phát sóng lại các phim truyền hình đã lên sóng trước đó. Hiện tại là Lặng yên dưới vực sâu, bộ phim từng phát cách đây 3 năm, do Phương Oanh đóng chính.
Lặng yên dưới vực sâu có báo giá quảng cáo là 60 triệu cho một block 30 giây trong thời gian phát sóng.
Vì phát lại phim cũ nên giá quảng cáo giờ vàng phim truyền hình trên VTV cũng giảm không phanh. Cụ thể, phim Lặng yên dưới vực sâu có báo giá quảng cáo là 60 triệu cho một block 30 giây trong thời gian phát sóng.
Đây là mức giá thấp kỷ lục của sóng giờ vàng phim truyện trong khoảng 2 năm trở lại đây. Phim Sống chung với mẹ chồng, cách đây gần 2 năm, cũng phát sóng trên giờ vàng VTV1, có giá quảng cáo từng đạt 180 triệu cho một block 30 giây. Như vậy, giá quảng cáo của Lặng yên dưới vực sâu thấp hơn tới 120 triệu.
Phim trên sóng VTV3 cũng giảm nhiệt
Khác với VTV1, VTV3 hiện vẫn giữ nguyên khung giờ vàng dành cho phim mới với thời lượng 45 phút. Hiện có hai phim thay phiên nhau lên sóng là Chạy trốn thanh xuân và Những cô gái trong thành phố. Ngoài ra còn có phim Mối tình đầu của tôi nhưng phát ở khung giờ sớm hơn.
Video đang HOT
Sóng giờ vàng VTV3 vẫn được cho là đắt giá quảng cáo hơn các kênh sóng khác của VTV. Đây cũng là kênh đã phát sóng các phim như Người phán xử hay gần nhất là Quỳnh búp bê.
Giá quảng cáo Quỳnh búp bê từng lên đến đỉnh điểm ở những tập cuối với báo giá 220 triệu đồng cho 30 giây quảng cáo, theo Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình của VTV. Mức giá này tương đương với Người phán xử.
Những cô gái trong thành phố hiện là phim có báo giá quảng cáo cao nhất trên sóng VTV.
Tuy nhiên, cả hai phim đang lên sóng trên VTV đều không đạt được mức này. 30 giây quảng cáo trong phim Những cô gái trong thành phố là 160 triệu đồng, trong khi ở phim Chạy trốn thanh xuân là 140 triệu đồng.
Mức giá này thực ra không thấp, tuy vậy cũng chứng tỏ phim truyền hình đang giảm nhiệt và chưa có một cơn bão đúng nghĩa như năm 2017 và 2018. Tuy vậy cũng có tín hiệu khả quan từ Những cô gái trong thành phố khi những tập gần đây phim bắt đầu được chú ý với không ít trích đoạn được chia sẻ nhiều trên mạng.
Giá quảng cáo phim có chủ đề về đời sống nữ công nhân này được dự đoán sẽ còn tăng cho đến khi phim kết thúc. Những phim trước đó như Quỳnh búp bê hay Người phán xử cũng chứng tỏ càng những tập cuối của phim, giá quảng cáo càng tăng cao.
Giá quảng cáo game show tiếp tục giảm
Năm 2018, theo như báo giá của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng The Debut là 210 triệu/30s. Gương mặt thân quen là 200 triệu/30s, The Voice là 220 triệu/30s. Trong khi Ơn giời, cậu đây rồi là 220 triệu/30s ở nhiều tập đầu, những tập cuối, giá quảng cáo có nhỉnh lên ở mức 280 triệu/30s.
Mức giá của game show năm 2018 được đánh giá là giảm so với những năm trước đó, thể hiện game show không còn sức hút trên sóng truyền hình.
Đến năm 2019, tình hình không khởi sắc, thậm chí giá game show vẫn tiếp tục giảm. Hiện có 2 game show gây chú ý là Ký ức vui vẻ và Ban nhạc Việt. Cả hai game show này đều có giá quảng cáo 180 triệu đồng cho 30 giây.
Giá quảng cáo Ban nhạc Việt 2019 giảm so với mùa 1, và cũng thấp hơn một số game show ca nhạc khác năm 2018.
Không chỉ giảm so với các game show phát sóng năm ngoái, Ban nhạc Việt mùa 2 năm nay còn giảm giá quảng cáo so với với mùa 1. Mùa 1 chương trình này có giá quảng cáo là 200 triệu đồng/30s. Như vậy, năm nay đã giảm 20 triệu/1 block.
Trên VTV1 cũng có một chương trình truyền hình là Quán thanh xuân vào giờ vàng chủ nhật đầu tiên mỗi tháng, mức giá quảng cáo thậm chí chỉ có 90 triệu đồng/30s.
Nhiều chuyên gia nhận định game show đã chính thức rơi vào giai đoạn bão hòa trên sóng truyền hình, không chỉ game show âm nhạc mà cả game show hài. Do vậy, việc giá quảng cáo giảm cũng là tất yếu.
Theo zing.vn
'Tôi 5X nhưng không giữ khoảng cách khi đóng cảnh yêu đương với 9X'
NSND Trần Nhượng cho biết dù cũng có e ngại nhưng anh không giữ khoảng cách khi đóng cảnh yêu đương với diễn viên trẻ Lương Thanh trong phim "Những cô gái trong thành phố".
Trong những phim đang lên sóng khung giờ vàng của VTV, Những cô gái trong thành phố của đạo diễn, NSƯT Vũ Trường Khoa được khen ngợi hơn cả.
Nếu như Chạy trốn thanh xuân, Mối tình đầu của tôi còn gây tranh cãi về diễn xuất, Những cô gái trong thành phố lại ấn tượng với khán giả truyền hình, trước hết là sự phù hợp và ăn ý trong cách thể hiện của diễn viên.
Trần Nhượng được khen về diễn xuất khi vào vai Khanh trong Những cô gái trong thành phố.
Ở những tập gần đây, nội dung phim bắt đầu đến đoạn cao trào. Trong đó, đáng kể nhất là nhân vật Mai (Lương Thanh đóng) bị nhân vật Khanh (Trần Nhượng) chuốc thuốc mê và cưỡng bức. Khanh hiện là nhân vật phản diện bị ghét nhất phim.
"Các đạo diễn cũng lười khi chỉ mời tôi đóng phản diện"
Nhân vật Khanh lúc đầu giả vờ làm người tử tế cho nhà Mai vay tiền. Nhưng sau đó, ông ta lại lộ bộ mặt trơ tráo khi đòi cưới Mai về để trừ nợ. Dù Mai đã đồng ý với đề nghị vô lý này nhưng cuối cùng ông ta vẫn ra tay. Ông Khanh ép Mai uống khiến cô buồn nôn, sau đó bỏ thuốc mê vào ly nước rồi đưa cho cô uống. Lợi dụng lúc Mai bất tỉnh, ông ta đã cưỡng bức cô.
Nhưng khi biết Mai không còn trinh trắng, ông Khanh không ngừng sỉ vả, chửi mắng: "Tưởng cô là con gái nhà lành nào ngờ mới tí tuổi đầu đã trai với gái. Tôi chỉ làm lại cái điều mà nhiều thằng đàn ông trước đó đã làm với cô mà thôi".
Ngay sau đó, ông Khanh ruồng bỏ rồi ép Mai và gia đình phải trả nợ đúng hạn. Mai thất thểu rời khỏi khách sạn rồi lang thang trên đường như người mất hồn đến mức suýt bị xe đâm. Trên mạng xã hội, không ít khán giả bày tỏ sự căm phẫn và chỉ trích nhân vật Khanh.
Nam diễn viên đóng cặp với Lương Thanh trong phim.
Chia sẻ với Zing.vn, NSND Trần Nhượng cho biết anh rất thấu hiểu phản ứng của khán giả. Và đó cũng là phản ứng bình thường với nhân vật phản diện trên phim.
"Tôi không bao giờ chê vai ngắn, vai dài. Đạo diễn mời thì làm, có diễn viên cũng cẩn thận chọn vai, chọn phim, chọn đạo diễn nhưng tôi thì nghĩ bản thân là diễn viên, đó là công việc của mình", diễn viên gạo cội nói.
Thời gian gần đây, Trần Nhượng đóng nhiều vai phản diện, từ Kính Trắng trong Người phán xử, và giờ là Khanh trong Những cô gái trong thành phố. Nam nghệ sĩ khẳng định vì đóng nhiều vai phản diện nên anh luôn phải tìm tòi để tạo ra sự khác biệt.
"Như tôi vẫn nói là các đạo diễn nhiều khi cũng lười, không chịu thay đổi, cứ thấy chất ấy hợp với ông Trần Nhượng là mời. Nhưng tôi thì không từ chối. Nhân vật Khanh này cũng gai góc, lúc đầu tưởng là tử tế, đàng hoàng, nhân ái, nhưng sau lại là phản diện", anh cho hay.
"E ngại nhưng không giữ khoảng cách khi đóng cảnh yêu đương"
Trong phim, Trần Nhượng đóng cặp với diễn viên trẻ Lương Thanh. Hai người cũng có những cảnh yêu đường thân mật. NSND cho biết anh cũng e ngại khi đóng với diễn viên có tuổi đời còn quá trẻ.
"Tôi cũng e ngại chứ, đó là điều đương nhiên vì chênh lệch tuổi tác khá lớn với bạn diễn. Nhưng đứng ở góc độ nghệ sĩ, khi mình vào vai tức mình là nhân vật. Khi không còn là diễn viên nữa thì không có gì lăn tăn hay cản trở, cũng không có rào cản, khoảng cách nào", anh nhấn mạnh.
NSND cho biết anh cũng e ngại khi đóng cảnh yêu đương với diễn viên có tuổi đời còn quá trẻ.
Nam nghệ sĩ cho rằng nếu khi đóng những cảnh yêu đương mà vẫn giữ khoảng cách với bạn diễn thì khán giả xem sẽ không cảm thấy thật.
"Quan trọng nhất của người diễn viên là làm sao cho diễn đúng với hoàn cảnh, đúng với tính cách, và cái hồn của nhân vật", diễn viên từng đóng vai Kính Trắng trong Người phán xử nêu suy nghĩ.
Về diễn xuất của bạn diễn Lương Thanh, Trần Nhượng đánh giá cô gái có sự mộc mạc, chân thật trong diễn xuất. Cách diễn tự nhiên, không quá dụng công và rất dễ chịu.
"Có thể nói đấy là diễn viên trẻ triển vọng, tôi cũng có khen cả với đạo diễn Vũ Trường Khoa và khen trước mặt rồi. Nói chung là các bạn trẻ khi có khả năng lại biết cầu thị sẽ phát huy được thế mạnh của mình", anh nói.
Theo zing.vn
Bất ngờ dàn sao "Mối Tình Đầu Của Tôi" kể khổ chuyện đóng phim: Chi Pu "bán than" không được thay móng tay, Bình An kén ăn? Bộ tứ diễn viên chính bộ phim "Mối Tình Đầu Của Tôi" đã chia sẻ về những điều mà họ thấy cực khổ nhất trong quá trình quay phim. Khá bất ngờ, những điều này lại khá vụn vặt và cỏn con. Đầu năm mới, ekip Mối Tình Đầu Của Tôi đã chia sẻ một đoạn giao lưu ngắn cùng dàn diễn viên...