Sau tai nạn liên tiếp, ngành đường sắt “cấm” nhân viên dùng điện thoại thông minh
Nhân viên đường sắt chơi game, tham gia mạng xã hội trên điện thoại thông minh (Smartphone), máy tính bảng (iPad) … dẫn đến sao nhãng. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa cấm lái tàu, phụ lái sử dụng các thiết bị này khi làm việc, sẽ cách chức người đứng đầu nến xảy ra tai nạn, sự cố do chủ quan.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa chính thức yêu cầu các đơn vị trực thuộc và người đại diện phần vốn tại các công ty cổ phần triển khai các biện pháp siết chặt kỷ cương an toàn chạy tàu, phòng ngừa mất an toàn do chủ quan.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn chạy tàu đặc biệt nghiêm trọng xảy ra hồi cuối tháng 5 vừa qua là do ý thức tự giác tuân thủ và thực hiện quy trình quy phạm, quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường sắt của người lao động chưa tốt, còn tùy tiện, tắc trách, cắt xén quy trình.
Đơn vị này thừa nhận, có hiện tượng người lao động làm việc riêng trong lúc lên ban như: Chơi game, tham gia mạng xã hội trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… dẫn đến sao nhãng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Để hạn chế nguy cơ tiềm ẩn mất tập trung trong công việc khi lên ban của người lao động, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm đảm bảo ATGT đường sắt từ ngày 1/6 đến ngày 31/8/2018; Tăng cường kiểm tra, đặc biệt là ban đêm, ngày nghỉ, thời gian chạy tàu cao điểm.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị tổ chức ký cam kết với người lao động đơn vị, đặc biệt là các chức danh trực tiếp phục vụ chạy tàu và các chức danh liên quan đến công tác an toàn chạy tàu về việc thực hiện nghiêm túc đợt cao điểm trên.
Video đang HOT
Cam kết không để xảy ra tai nạn hoặc sự cố chạy tàu có tính chất nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan; Cam kết thực hiện nghiêm túc công việc trong khi lên ban, không vi phạm: uống rượu bia, chơi cờ bạc, bỏ nhiệm sở, đặc biệt là không sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng để chơi game, vào mạng xã hội, xem bóng đá…
Trong thời gian đợt cao điểm này, nếu người lao động vi phạm kỷ luật lao động và người có liên quan sẽ bị kỷ luật hoặc hạ chất lượng công tác tháng cao hơn một mức so với quy định hiện hành. Giám đốc Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt, giám đốc các chi nhánh trực thuộc, người đại diện phần vốn tại các công ty cổ phần cam kết sẽ từ chức, miễn nhiệm khi để xảy ra tai nạn giao thông đường sắt hoặc xảy ra sự cố chạy tàu có tính chất nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan.
Đặc biệt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị tiến hành ngay trình tự, thủ tục bổ sung vào quy định nội bộ của đơn vị nội dung: “Không được sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng trong quá trình lên ban đối với một số chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (chỉ cho phép sử dụng điện thoại thông thường)”.
Những cá nhân không được sử dụng điện thoại thông minh, iPad là lái tàu, phụ lái tàu; nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, nhân viên điều độ chạy tàu ga; trực ban chạy tàu ga; trưởng dồn; nhân viên gác ghi; nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe; nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác chắn; nhân viên gác đường ngang, cầu chung.
Châu Như Quỳnh
Theo Dantri
Có đường sắt cao tốc, 3 năm tiết kiệm được 1 triệu tỷ đồng tiền vận tải?
Theo ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, nếu Việt Nam có đường sắt tốc độ cao, 3 năm sẽ thông quan được khoảng 1 tỷ tấn hàng. Hiện nay phí vận tải hàng hóa đường bộ đắt hơn đường sắt là 1,5 triệu đồng/1 tấn, với 1 tỷ tấn hàng sẽ tương đương với số tiền 1 triệu tỷ đồng.
Mới đây, tại cuộc tòa đàm "An toàn giao thông đường sắt - thực trạng và giải pháp" diễn ra ở Hà Nội, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho biết, trên thế giới, ngành đường sắt chiếm 30% thị phần vận tải, nhưng ở Việt Nam chỉ chiếm 1%, từ đó cho thấy chúng ta đầu tư vào ngành đường sắt còn quá thấp, gần như bị lãng quên.
Ngoài ra, theo ông Hùng, công tác duy tu, bảo dưỡng mới chỉ đáp ứng được 30%, nên chưa đảm an toàn. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, từ hệ thống barie chắn ở các điểm giao cắt đều đóng - mở tự động, còn ở nước ta vẫn còn thủ công.
Ông Phùng Văn Hùng.
"Đầu tư cho đường sắt là rất lớn, nhưng không mặn mà bằng các loại hình khác vì các nhà đầu tư chưa nhìn thấy lợi nhuận. Chính vì vậy, bây giờ tìm nguồn vốn để cho phát triển ngành đường sắt là rất quan trọng" - ông Hùng nói.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm trên, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty đường sắt Việt Nam cho rằng, đường sắt Việt Nam đủ sức cạnh tranh với đường hàng không, đường bộ nếu được đầu tư để làm đường sắt tốc độ cao.
Theo ông Minh, với địa lý như Việt Nam, đường sắt là xương sống, đường bộ là kết nối, đường sông chạy theo mặt cắt ngang, đường biển chạy dọc đất nước - mỗi một loại hình đường đều có chức năng riêng. Tuy nhiên, với lịch sử ngành đường sắt 130 năm hầu như không phát triển, mà còn "bóc đi" chứ không làm thêm một kilomet nào. Phần lớn những trục đường sắt xuống các cảng biển đều đã bị cắt đi, như vậy rất hạn chế trong khâu kết nối vận tải với các loại hình khác.
Tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của đường sắt, ông Minh đưa ra ví dụ so sánh: Đường bay Hà Nội - TP.HCM của Việt Nam là 1 trong 7 đường bay hấp dẫn nhất trên thế giới, chính vì thế với quãng đường dài như vậy hành khách sẽ lựa chọn phương tiện hàng không, còn tàu hỏa hiện nay đi mất 30 tiếng nên hầu như không có khách. Nhưng khi có đường sắt tốc độ cao, đi từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ mất 5 tiếng, ông Minh tin tưởng sẽ thu hút được nhiều hành khách vì: "Đi máy bay chúng ta phải bỏ ra 5 tiếng cho quãng đường từ Hà Nội - TP.HCM bao gồm cả thời gian chờ, check-in,...nhưng đôi khi máy bay còn bị trễ giờ khiến chúng ta cảm thấy bực bội. Nhưng với đường sắt tốc độ cao, chúng ta cũng mất 5 tiếng, nhưng chúng ta chỉ cần lên tàu trước 5 phút là tàu chạy, không bị trễ giờ, cùng một tâm trạng nên không có cảm giác bực bội".
Ông Vũ Anh Minh.
Nói về chênh lệch chi phí vận chuyển hàng hóa giữa đường sắt và đường bộ, ông Minh phân tích: Nếu Việt Nam có đường sắt tốc độ cao, trong 3 năm có thể "cõng" được 1 tỷ tấn hàng. Hiện nay, phí vận tải hàng hóa đường bộ đang cao hơn đường sắt là khoảng 1,5 triệu đồng/1 tấn, với 1 tỷ tấn hàng tương đương là 1 triệu tỷ đồng.
"Nếu có đường sắt tốc độ cao, 3 năm chúng ta sẽ thông quan được 1 tỷ tấn hàng. Đường sắt tốc độ cao vận chuyển bằng công nghệ đường sắt giai đoạn 3 là điện khí hóa thì rất hạn chế phát thải khí thải độc hại ra môi trường. Nhưng với 1 tỷ tấn hàng vận chuyển bằng đường bộ, chúng ta phải dùng tới 50 triệu xe container chạy trên đường, lượng khí thải độc hại thải ra môi trường là rất lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về tai nạn" - ông Minh phân tích.
Theo Nguyễn Dương (Dân trí)
Đường sắt Bắc Nam chia cắt trong 3 ngày tới Đoạn đường sắt qua đèo Cả (Phú Yên) bị sụt trượt lớn nên khách đi tàu Bắc Nam sẽ được chuyển tải qua đây bằng đường bộ. Ngày 6/11, ngành đường sắt đã huy động nhiều lao động tập trung xử lý các đoạn sụt trượt từ ga Hảo Sơn (Phú Yên) đến Đại Lãnh (Khánh Hòa). Chủ tịch Tổng công ty Đường...