Sau sự cố, Hà Nội tính điều chỉnh giá nước sạch
Sở Tài chính TP Hà Nội được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản gửi các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và PTNT; UBND các quận, huyện, thị xã; các nhà đầu tư dự án nước sạch chỉ đạo thực hiện Thông báo kết luận của Thường trực HĐND TP về phiên giải trình việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.
Theo văn bản này, lãnh đạo Hà Nội giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch, chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của TP.
Chỉ đạo nghiên cứu đề xuất điều chỉnh giá nước sạch của lãnh đạo UBND TP Hà Nội được đưa ra trong bối cảnh vừa xảy ra sự cố đổ trộm dầu thải làm ô nhiễm nguồn nước sông Đà khiến hàng loạt dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng.
Người dân Hà Nội chen nhau chờ lấy nước sạch. Ảnh: TTO
Cũng chính Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã để xảy ra 22 lần vỡ đường ống dẫn nước, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, bị dư luận lên án gay gắt. Thế, nhưng sau tất cả, người dân vẫn cứ phải dùng nước do đơn vị này cung cấp.
Thực tế có thể thấy, khi Viwasupco tạm ngừng cung cấp nước, hàng vạn hộ dân tại các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm,… đã rơi vào cơn khủng hoảng nước. Sở dĩ có sự khủng hoảng ở đây là vị thế độc quyền cung cấp nước nguồn của Viwasupco.
Video đang HOT
Theo báo cáo thường niên, Viwasupco là đầu mối cấp nước cho toàn bộ khu vực Tây Nam Hà Nội, gồm 3 quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và một số đơn vị nằm dọc hệ thống truyền tải nước Đại lộ Thăng Long. Công ty bán nước cho 13 khách hàng, trong đó 90% lượng nước bán cho 3 khách hàng lớn nhất là Viwaco, Hawaco và Nước sạch Hà Đông.
Nhờ tính độc quyền khu vực, Viwasupco có hoạt động kinh doanh tương đối ổn định với doanh thu hàng năm trên 400 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của công ty cũng ở mức cao khoảng 55%, tương đương một số công ty lớn khác như Biwase hay Nước Thủ Dầu Một. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng trưởng khá đều và đạt kỷ lục 219 tỷ đồng trong năm 2018.
Nhìn vào đây có thể thấy sức khỏe kinh doanh của công ty này vẫn rất tốt, cho dù trước khi có sự việc “nước có mùi lạ” tại Hà Nội thì Viwasupco đã từng là trung tâm của một cơn cuồng nộ không kém – đường ống cấp nước bị vỡ 22 lần, trở thành một vụ án hình sự.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Lai – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, mặc dù nước là loại hình đặc thù nhưng không phải vì thế mà chỉ cho một doanh nghiệp làm, khiến người dân không có quyền lựa chọn.
Như vậy khi xảy ra sự cố, người dân chỉ có 2 phương án: Một là ngưng dùng nước, hai là chấp nhận dùng nước không an toàn. Vấn đề đặt ra là tránh độc quyền cung cấp nước.
Hiện giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được tính theo Quyết định 38 của TP, ban hành năm 2013. Thời điểm đó, TP Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013-2015. Mỗi năm TP Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Giá nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay. Theo phương án tính lũy kế theo mức sử dụng nước sinh hoạt trên địa bàn TP Hà Nội chênh nhau tới 10.000 đồng/1m3.
Minh Thái
Theo Datviet
"Dầu không còn chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà"
UBND TP Hà Nội cho biết, váng dầu ở Đầm Bài (Hòa Bình) đã được chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà. Trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu.
Chiều ngày 17/10, UBND TP Hà Nội cho biết, trước sự việc liên quan đến Nhà máy nước sạch sông Đà, TP Hà Nội đã điều chỉnh nguồn cung cấp từ Nhà máy nước sạch Hà Nội và Nhà máy nước sạch sông Đuống để cung cấp cho các khu vực ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông.
Sản lượng cấp cho các hộ dân ở phía Tây Nam TP Hà Nội từ hai nhà máy kể trên là 60.000 m3 ngày đêm. UBND TP Hà Nội cho biết, các khu vực (Đại Kim, Định Công, Thịnh Liệt, Hoàng Liệt, Thanh Xuân Nam, Kim Giang và một phần phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và các hộ dân dọc đường Nguyễn Trãi...) được cấp nước tăng cường từ hai nhà máy nước kể trên, người dân có thể dùng ăn uống bình thường.
Dầu thải từ một con suối chảy vào Đầm Bài cung cấp cho Nhà máy nước mặt sông Đà
UBND TP Hà Nội cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam đang nạo vét đất đá bị nhiễm dầu, tại khu vực đổ dầu thải dọc suối Bằng ra đến hồ Đầm Bài (Hòa Bình), dùng phao chuyên dụng chặn hút váng dầu.
Trước đó, Công ty nước sạch sông Đà cũng đã đóng nguồn cấp nước, tiến hành súc xả toàn bộ đường ống, các bể bơm tăng áp trên toàn tuyến truyền dẫn, các công việc này đã hoàn thành vào chiều ngày 16/10.
UBND TP Hà Nội cho biết, trên cơ sở các công việc đã và đang thực hiện, kết hợp với kết quả xét nghiệm mẫu nước do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố lấy ngày 14/10 tại điểm nguồn vào của Nhà máy nước sông Đà, có 107/107 chỉ tiêu đều đạt quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế, trong đó chỉ tiêu styren có kết quả là 5g/l thấp hơn quy chuẩn cho phép là (20g/l).
Theo UBND TP Hà Nội, chiều ngày 16/10, khu vực Nhà máy nước mặt sông Đà đã đảm bảo an toàn. Do vậy, từ 20h30 ngày 16/10, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà đã cho vận hành cấp lại nguồn nước vào hệ thống.
Đến chiều tối ngày 17/10, nguồn nước được cấp đến tất cả các vùng nước cấp của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà và mọi người có thể tiếp tục sử dụng để tắm, giặt.
"Hiện nay, váng dầu đã được ngăn chặn, không chảy vào nguồn nước Nhà máy nước mặt sông Đà. Trên toàn bộ hệ thống sản xuất tại nhà máy không còn vết dầu", UBND TP Ha Nội thông tin.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân dùng nước sạch để ăn uống, hiện nay Công ty nước sạch Hà Nội sẽ tiếp tục dùng xe téc để cấp nước sạch miễn phí theo nhu cầu của người dân, đồng thời cấp nước bằng các bình nhựa 20 l cho các trường mầm non, tiểu học trong khu vực bị ảnh hưởng.
UBND TP Hà Nội đề nghị toàn bộ Ban Quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc nhà tại các tòa nhà hộ gia đình. Việc thau rửa được tiến hành khẩn trương, phấn đấu từ ngày 18/10 đến ngày 20/10 phải hoàn thành.
Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà sẽ cung cấp nước (không thu tiền) cho các công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà đến khi các công việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu vực dân cư, sau đó được kiểm tra, xét nghiệm đảm bảo nguồn nước cấp được an toàn.
TP Hà Nội tiếp tục thành lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với tỉnh Hòa Bình lên giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu do các đối tượng đã đổ thải ra suối; việc hút váng dầu trên hồ Đầm Bài.
Quang Phong
Theo Dân Trí
Hà Nội: Các chung cư đồng loạt vệ sinh bể chứa, đường ống sau sự cố nước nhiễm dầu Sau sự cố đổ phế thải đầu nguồn nước mặt sông Đà bị nhiễm dầu, hàng loạt các chung cư chịu ảnh hưởng đã tiến hành súc, xả đường ống dẫn nước cũng như vệ sinh bể chứa nước tại các tòa nhà. Sau khi được phản ánh về nước sạch có mùi lạ do việc đổ phế thải đầu nguồn nước mặt...