Sau sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông (Hà Nội): Yêu cầu bồi thường 1 tỷ đồng/lít máu có khả thi?
Sau hơn 2 tháng xảy ra vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông), các hộ dân Khu đô thị 54 Hạ Đình (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng, đề nghị công ty này phải di dời nhà máy, bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu nhiễm 0,1 microgram thủy ngân.
Người dân quanh Công ty Rạng Đông đã trở lại nhịp sống đời thường sau những ngày ô nhiễm bởi vụ cháy
1 tỷ đồng/0,1 microgam thủy ngân
Theo đơn kiến nghị tập thể, sau vụ cháy có khoảng 95% hộ dân nơi đây phải di tản. Hiện 80% hộ dân đã quay về. Số chưa về vì còn lo lắng chất độc thủy ngân vẫn tồn tại.
Ông Nguyễn Đức Tiến – Trưởng ban quản trị tòa nhà A1 cho biết, khu nhà A1, A2 và khu liền kề là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ vụ cháy. “Các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần. Rạng Đông phải di dời khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc. Phải dọn dẹp, bảo đảm quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân…”, ông Tiến nói.
Tại biên bản làm việc ngày 16/10, một đại diện hộ 401 nhà A2 bày tỏ: “Chúng tôi phải đi lại thực hiện thăm khám, xét nghiệm. Thậm chí con gái tôi bị ảnh hưởng nhưng không thể nghỉ làm để nằm viện điều trị. Vì vậy, chúng tôi đề nghị phía công ty phải cam kết về trách nhiệm…”, biên bản ghi rõ.
Cùng với quan điểm trên, ông Phan Anh Hoàng – Trưởng ban quản trị nhà A2 nói: “Công ty Rạng Đông cần đưa ra kế hoạch đền bù thiệt hại cho người dân…”.
Về mức bồi thường, ông Nguyễn Đức Hòa – số nhà 101, khu liền kề (Tổ dân phố 24, phường Thanh Xuân Trung) người được ủy quyền đại diện cư dân nơi đây cho biết, tiền khám chữa bệnh là 4 triệu đồng/người, tiền thuê nhà 60 triệu đồng/hộ.
“Bồi thường do mất thu nhập vì phải đi khám chữa bệnh từ 6 – 8 triệu đồng/người. Bồi thường tổn thất tinh thần là 15 tháng lương cơ bản, tương đương 60 triệu đồng. 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân…”, ông Hòa thông tin.
Ông Hòa cũng cho biết, liên quan đến sự việc trên, ngày 1/11, Văn phòng UBND TP Hà Nội phát đi thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng.
Theo văn bản trên, ông Nguyễn Thế Hùng giao UBND quận Thanh Xuân chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan xem xét, trả lời nội dung kiến nghị của ông Nguyễn Đức Hòa về việc di dời nhà xưởng của Công ty Rạng Đông. Đồng thời, hướng dẫn ông Nguyễn Đức Hòa liên hệ cơ quan có thẩm quyền giải quyết nội dung “yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại” theo quy định.
Video đang HOT
Người dân có quyền đòi bồi thường
Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải bồi thường. Mức bồi thường là thiệt hại thực tế phát sinh trên cơ sở các căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật. Mức bồi thường thiệt hại cũng phụ thuộc một phần vào khả năng của người gây thiệt hại.
Ngoài ra, Bộ luật Dân sự cũng quy định trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ như phương tiện giao thông, chất độc, chất cháy, hóa chất, gia súc… gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác mà không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân.
“Vụ việc hỏa hoạn, gây ô nhiễm môi trường của Công ty Rạng Đông gây thiệt hại đến sức khỏe, tài sản của nhiều hộ dân sống xung quanh. Đây là căn cứ để các hộ dân yêu cầu công ty này phải bồi thường toàn bộ những thiệt hại về sức khỏe và tài sản đã gây ra cho họ…”, luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh.
Luật sư Cường cho biết thêm, các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng từ vụ cháy nêu trên có quyền thống kê để yêu cầu bồi thường đối với những thiệt hại. Tuy nhiên: “Những thiệt hại này phải thực tế, có thể chứng minh được bằng chứng cứ…”, luật sư Cường nói.
Khó chứng minh thiệt hại thực tế?
Về khoản bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu nhiễm 0,1 microgam thủy ngân, luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ: “Cá nhân tôi cho rằng yêu cầu này rất khó để chứng minh đó là thiệt hại thực tế”.
Trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng không chứng minh được thiệt hại đó đã xảy ra trên thực tế, không chứng minh được mức thiệt hại mà không có sự thỏa thuận thì tòa án cũng sẽ không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại đó. Bởi vậy, riêng đối với khoản này thì người dân cần cân nhắc nếu phải khởi kiện đến tòa án…
Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Cường lý giải, tất cả những chi phí cứu chữa, phục hồi chức năng phải là những hóa đơn, chứng từ do bệnh viện, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, nhà thuốc xác nhận hoặc những chứng cứ khác có thể được chấp nhận theo quy định pháp luật.
Cũng theo vị luật sư này, trong trường hợp khởi kiện, người khởi kiện phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình. Trong trường hợp không chứng minh được thì tòa án sẽ không chấp nhận yêu cầu khởi kiện.
Thanh Sơn
Theo giaoducthoidai
Kết quả XN thủy ngân dân khu vực Rạng Đông, Cty chịu trách nhiệm gì?
Trong số gần 1.200 người dân được khám miễn phí tại 2 trạm y tế sau vụ cháy Công ty Rạng Đông, 464 người được chuyển lên bệnh viện thực hiện xét nghiệm chuyên sâu, bước đầu đã có kết quả xét nghiệm 30 người.
Báo chí dẫn thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho hay: Từ ngày 6/9 đến 9/9, đã có gần 1.200 người sống gần nơi xảy ra vụ cháy Công ty Rạng Đông đến khám sức khỏe tại các trạm y tế phường.
Trong số đến khám, 464 người đã được chuyển đến các bệnh viện: Đống Đa, SaintPaul, Thanh Nhàn để thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu. Trong số trường hợp xét nghiệm, 30 mẫu đã có kết quả, hàm lượng thủy ngân trong máu được xác định đều an toàn, dưới ngưỡng cho phép...
Gần 1.200 người dân sống, làm việc quanh Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đi khám. Ảnh: Báo Giao thông.
Tuy nhiên, một vấn đề nảy sinh sau vụ cháy khiến dư luận người dân bức xúc đó là việc Công ty Rạng Đông đã lấp liếm, bưng bít thông tin khi báo cáo về việc sử dụng thủy ngân lỏng trong sản xuất.
Theo đó, báo cáo về vụ cháy mấy ngày trước cả Công ty Rạng Đông, Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân đều báo cáo Công ty Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Nhưng Tổng cục Môi trường cho biết phải qua "đấu tranh" và kiểm tra thực tế, Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên amalgam).
Nhiều người cho rằng hành vi cung cấp thông tin gian dối, bưng bít của Rạng Đông trực tiếp khiến người dân bị ảnh hưởng về sức khỏe bởi họ không có thông tin chính xác để chủ động phòng chống, ứng phó.
Ngoài ra, việc bưng bít thông tin của Rạng Đông còn thể hiện sự coi thường tính mạng của hàng ngàn người gồm cả lực lượng chức năng chữa cháy và những người quanh khu vực.
Rạng Đông phải chịu trách nhiệm bồi thường cho dân
Bàn về trách nhiệm trong vụ cháy Rạng Đông, đặc biệt là trách nhiệm sức khỏe đối với người dân, luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch, Hà Nội) cho biết trên Báo Sức khỏe cộng đồng rằng, Công ty Rạng Đông là bên phải chịu trách nhiệm chính.
"Mặc dù còn phải chờ kết luận của Cơ quan điều tra để xác định lỗi trong vụ việc này, tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra ở Công ty Rạng Đông thì trước hết đơn vị này phải nhanh chóng công bố công khai hóa chất đã sử dụng để sản xuất bóng đèn, có giải pháp kịp thời khắc phục hậu quả, lấy lại niềm tin người tiêu dùng cũng như trấn an dự luận.
Toàn cảnh vụ cháy nhà máy Công ty Rạng Đông chụp từ trên cao. Ảnh: Báo Sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế Công ty này phản ứng rất chậm trễ, thậm chí gian dối trong công bố thông tin, lập lờ rằng công ty này đã đưa vào nghiên cứu sử dụng viên amalgam thay thế thủy ngân để sản xuất bóng đèn từ năm 2016.
Mãi cho đến khi Tổng Cục Môi trường đấu tranh, lãnh đạo Công ty Rạng Đông mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng (độc tính cao hơn viên Amalgam). Điều này cho thấy sự thiếu trung thực, vô trách nhiệm và vô cảm của Công ty Rạng Đông", luật sư nói.
Luật sư Tuấn Anh cho rằng, nếu ai đó xác định bị nhiễm thủy ngân, vượt quá ngưỡng cho phép thì Công ty Rạng Đông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Luật sư khẳng định: "Về mặt pháp lý, dù có lỗi hay không có lỗi thì Công ty Rạng Đông cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng khí độc do phát tán từ Công ty ra bên ngoài.
Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi".
Theo ông Nguyễn Minh Đức - Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích, Luật Bảo vệ môi trường yêu cầu đơn vị gây sự cố môi trường phải khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước.
Vụ cháy nhà máy Rạng Đông là một sự cố môi trường và Công ty Rạng Đông phải chịu toàn bộ chi phí của việc khắc phục ô nhiễm.
Về trách nhiệm dân sự, ông Đức cho rằng phải theo nguyên tắc của bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Theo đó, người dân trong khu vực có thể yêu cầu bồi thường về tài sản, sức khỏe.
Thảo Nguyên (TH)
Theo kienthuc
Hoàn tất quy trình tẩy độc tại Rạng Đông : Môi trường đã an toàn? Sau khi khử độc lần cuối cùng tại Công ty Rạng Đông, Binh chủng Hóa học, Bộ Tư lệnh Hóa học nhận định, môi trường tại đây đã an toàn. Chiều 5/10, Binh chủng Hóa học, Bộ Tư lệnh Hóa học đã tiến hành khử độc lần cuối cùng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng...