Sau sinh, những điều mẹ chưa biết!
Những ngày đầu khi con mới chào đời, bạn chẳng cảm thấy có sự gắn kết với con, đừng buồn vì việc này.
Sinh con lần đầu nhiều bỡ ngỡ, có rất nhiều thứ khiến các mẹ bầu ngạc nhiên, thậm chí là cực kì sốc ngay khi em bé vừa ra đời. Dưới đây là 10 điều bạn nên ghi nhớ để chuẩn bị chào đón thành viên mới trong gia đình nhé.
Mệt mỏi là chuyện thường
Mệt mỏi là điều đương nhiên khi bạn vừa vật lộn với cơn “vượt cạn” gian khổ, đau đớn hàng tiếng đồng hồ. Dùng phương pháp kích đẻ hoặc đẻ mổ thì sau sinh càng mệt mỏi và đau đớn hơn. Hãy nghỉ ngơi thư giãn càng nhiều càng tốt để hồi phục sức khỏe
Không thấy sự gắn kết giữa mẹ và con
Người ta vẫn nói giây phút bạn được nhìn thấy thiên thần bé nhỏ của mình chào đời là giây phút thiêng liêng kì diệu, sẽ có sợi dây vô hình kết nối giữa mẹ và bé ngay lập tức. Bạn sẽ có cảm giác quyến luyến, gắn bó mạnh mẽ, muốn nâng niu, ôm ấp, bảo vệ con trong tình yêu, sẵn sàng hi sinh mọi thứ vì con. Tuy nhiên, đừng lo lắng nếu… chẳng cảm thấy gì hết. Trường hợp này không phải là hiếm. Bạn đang rất mệt mỏi, trong cơ thể đang có sự biến đổi hooc môn lớn và còn rất nhiều thời gian để hai mẹ con tìm hiểu nhau. Em bé đáng yêu vô cùng nhưng cũng là một người hoàn toàn mới mẻ, cần có thời gian để bạn làm quen từ đầu.Bạn chỉ nên lo lắng nếu như sau vài tuần mà vẫn không thấy thêm cảm giác gắn kết nào với con, thậm chí là thấy xa cách, ghét con. Hãy trao đổi với gia đình và bác sĩ để có cách giải quyết phù hợp vì rất có thể bạn đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.
Đẻ xong vẫn đau!
Đừng tưởng hết đẻ là hết đau. Lúc mang bầu, tử cung bạn to gấp 25 lần mức bình thường. Sau sinh, tử cung tiếp tục co bóp để quay trở lại kích cỡ như ban đầu, vì thế mà bạn có thể phải chịu cảnh đau không khác gì lúc lâm bồn. Cơn đau sẽ chỉ kéo dài khỏang 4 ngày. Khi sinh con lần hai hoặc sinh đa thai thì càng đau hơn vì cơ tử cung yếu dần nên cần co bóp mạnh hơn. Bạn nên áp dụng biện pháp thả lỏng giúp giảm đau sau khi sinh nở, hít thở nhẹ nhàng, nếu đau quá có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc.
Sau sinh, tử cung tiếp tục co bóp để quay trở lại kích cỡ như ban đầu, vì thế mà bạn có thể phải chịu cảnh đau không khác gì lúc lâm bồn. (ảnh minh họa)
Đẻ mổ vẫn bị chảy máu âm đạo
Nhiều bà mẹ ngạc nhiên tại sao sinh mổ chỉ rạch bụng mà vừa sinh xong âm đạo lập tức vẫn ra máu. Hiện tượng này là bình thường, tuy rằng bạn có chảy máu ít hơn so với đẻ tự nhiên. Bạn sẽ cần dùng băng vệ sinh suốt 4-6 tuần sau đó rồi hiên tượng này mới chấm dứt.
Con đòi bú suốt ngày
Nếu bé của bạn đòi ăn suốt ngày, đừng lo lắng vì đây không phải điều bất thường. Quan trọng là bạn phải học cho con bú đúng cách, khoa học, làm sao tiết ra được nhiều sữa nhất. Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu giúp bé phát triển thông minh khỏe mạnh mà mẹ cũng nhanh chóng lấy lại vóc dáng sau sinh.
Tiết nhiều mồ hôi
Thông thường sản phụ sẽ ra rất nhiều mồ hôi hơn mọi người, bất kể mùa nào. Có người mồ hôi nhễ nhại, đầm đìa cả ngày, phải thay quần áo liên tục. Nguyên nhân là do lượng hooc môn biến đổi và lượng nước tích tụ trong cơ thể lúc mang thai bây giờ trở thành phần nước dư thừa, vì vậy mà chức năng bài tiết của sản phụ hoạt động mạnh. Hãy chuẩn bị cho mình nhiều bộ quần áo ngủ để thay vì mồ hôi ra nhiều nhất vào lúc ngủ ban đêm và khi mới tỉnh giấc.
Video đang HOT
Mập nguyên như lúc bầu bí
Mẹ bầu đừng mơ mộng được bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện phụ sản với chiếc bụng phẳng lì và thân hình thon gọn thời ngày xưa. Bạn có thể sẽ sốc khi thấy em bé ra rồi mà cái bụng bầu hình như vẫn còn nguyên, chẳng hề biến mất. Cần có thời gian cho tử cung co bóp và làn da căng lại như cũ nên chớ ngạc nhiên nếu bước xuống bàn đẻ mà nhận ra trông mình như đang mang bầu 5 tháng.
Mẹ bầu đừng mơ mộng được bước ra khỏi cánh cổng bệnh viện phụ sản với chiếc bụng phẳng lì và thân hình thon gọn thời ngày xưa. (ảnh minh họa)
Giảm cân không thấy, chỉ thấy tăng cân
Đừng buồn nếu sau sinh mà thấy mình vẫn tăng cân vì có thể do cơ thể bị tích nước, do các vết phù nề hậu sản. Việc tiết ra rất nhiều mồ hôi sau này có tác dụng đáng kể trong việc giảm cân cho bạn đấy.
Đầu em bé nhìn… kì kì
Các mẹ sinh con lần đầu có thể hốt hoảng khi nhìn thấy đầu con mình vừa sinh trông quá kì dị. Nguyên nhân là do bé phải trải qua giai đoạn vùng vẫy trong ống dẫn sinh trước khi chui ra ngoài. Trong vòng 48 tiếng sau sinh, hình dạng kì dị này sẽ biến mất và đầu em bé lại trở lại bình thường.
Tình mẫu tử mới chớm nở
Nếu như trong vài tiếng sau sinh, có một số bà mẹ quá mệt mỏi và không cảm thấy gắn kết với con lắm thì số khác lại có thể thức cả đêm, dù mệt mỏi thế nào, chỉ để nhìn ngắm bé. Cảm giác chạm tai con, vuốt tóc con, mân mê từng ngón tay bé xíu, so sánh từng chi tiết, đặc điểm trên người con với mình và chồng là cảm giác hạnh phúc, thiêng liêng tuyệt vời không gì sánh nổi.
Theo Khám Phá
Sự thật phũ phàng mẹ phải đối mặt sau sinh
Mẹ chớ vội mừng vì đã thoát khỏi những cơn ốm nghén, mệt mỏi, đau nhức... sau ca sinh nở nhé!
Mẹ bầu sinh xong chớ vội mừng là vẻ đẹp quyến rũ ngày xưa sẽ nhanh chóng quay trở lại. Nếu không biết chăm sóc cơ thể đúng cách, không phải gái một con nào trông cũng "mòn con mắt" được. Dưới đây là những "tác dụng phụ" đối với cơ thể sau sinh mà mẹ có thể phải đối mặt. Hãy chuẩn bị tâm lý để không chị sốc và có biện pháp xử lí đúng đắn chị em nhé!
Sản dịch
Sau sinh, bạn có thể sẽ bị chảy máu từ âm đạo trong khoảng 6 tuần, hiện tượng này gọi là sản dịch. Sản dịch lúc đầu có màu đỏ, sau chuyển sang nâu, rồi hồng và cuối cùng là có màu vàng kem. Một số sản phụ có sản dịch còn nhiều hơn cả khi có kinh nguyệt. Nhìn chung, ra sản dịch là điều hoàn toàn bình thường ở phụ nữ sau sinh, kể cả người đẻ mổ. Tuy nhiên, lượng sản dịch ở người đẻ mổ có thể ít hơn. Nếu thấy sản dịch ra quá nhiều (thay nhiều hơn một miếng băng vệ sinh trong vòng 1 tiếng) hoặc có mùi khó chịu thì phải đi gặp bác sĩ ngay.
Cân nặng
Thông thường, các bác sĩ khuyên chị em khi mang thai chỉ nên tăng từ 9,5 - 11 kg. Giảm cân sau sinh nhanh hay chậm phụ thuộc vào số cân bạn đã tăng trong lúc có bầu. Bạn đã mất 9 tháng mang thai, cơ thể cũng cần lượng thời gian tương đương để lấy lại vóc dáng. Cũng như những loại giảm cân khác, muốn giảm cân sau sinh bạn phải có chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp. Chú ý duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu chương trình tập luyện nhé!
Bụng
Sau khi xuống khỏi bàn đẻ, đừng hốt hoảng khi thấy bụng mình vẫn không khác gì chửa 6 tháng. Khoảng một tuần sau bạn mới bắt đầu thấy bụng nhỏ đi vì lúc này tử cung đang dần co lại. Tử cung của bạn sẽ trở lại bình thường trong vòng 6 tuần nhưng vòng bụng có thể không bao giờ được gọn gàng như xưa. Mẹ đẻ mổ thì càng mất thời gian lâu hơn để giảm mỡ bụng vì phải chờ những vết phẫu thuật, vết rạch bụng lành lại. Cũng như việc giảm cân, chỉ có ăn uống và tập luyện đúng cách mới giúp mẹ bầu tìm lại vòng eo thon nhỏ.
Sau khi xuống khỏi bàn đẻ, đừng hốt hoảng khi thấy bụng mình vẫn không khác gì chửa 6 tháng. (ảnh minh họa)
Tiểu nhiều
Tiểu nhiều là một hiện tượng bình thường sau sinh. Bạn hãy thử các bài tập với cơ Kegel (loại bài tập cho cơ bắp sàn khung chậu), giúp kiểm soát nước tiểu tốt hơn, giảm sự rò rỉ tiểu tiện. Khoa học đã chứng minh Kegel không những giúp cải thiện rõ chức năng đi tiểu trên phụ nữ sau sinh, tránh và hạn chế tình trạng tiểu són, tiểu không kiểm soát mà còn có tác dụng tăng cường ham muốn, cải thiện đời sống tình dục vợ chồng. Tuy nhiên, nếu chứng tiểu nhiều vẫn dai dẳng đeo bám bạn hoặc cảm thấy có điều gì không ổn, hãy gặp bác sĩ để được tư vấn.
Ngực
Dù bạn có không nuôi con bằng sữa mẹ thì bầu ngực bạn vẫn tiết ra sữa. Bạn sẽ cảm thấy căng, tức, thậm chí là đau khi sữa chảy ra. Mặc áo lót vừa vặn, kể cả khi ngủ và làm dịu chỗ đau bằng túi chườm lạnh hoặc thuốc giảm đau. Lượng sữa tiết ra sẽ đạt cực đỉnh vào trong 3-4 ngày sau sinh. Đến ngày thứ 5, vết sưng và đau giảm dần. Ngực bạn thường trở lại kích cỡ bình thường trong khoảng 7-10 ngày sau sinh, khi sữa đã được lưu thông.
Tóc rụng
Chứng rụng tóc sau sinh, còn được gọi là telogen effluvium, là một nguy cơ phổ biến mẹ bầu sẽ gặp phải. Nguyên nhân là do đâu? Bạn có nhận thấy, trong lúc mang thai, tóc mình khỏe hơn, dày hơn và mượt mà hơn bình thường? Sau sinh là thời gian mái tóc nghỉ ngơi sau giai đoạn phát triển đó. Nếu chỉ bị telogen effluvium, tóc sẽ mọc trở lại sau vài tháng mà không cần điều trị gì. Tuy nhiên, các bà mẹ nên tăng cường bổ sung dưỡng chất, tránh lo âu căng thẳng và sử dụng một số nước dưỡng hoặc tinh dầu chiết xuất từ thiên nhiên để tóc mau hồi phục nhé.
Mụn trứng cá
Sau sinh, trong cơ thể diễn ra sự thay đổi hooc môn rất lớn, vì thế mà kể cả những bà mẹ chưa gặp các vấn đề về da bao giờ cũng có thể có những nốt trứng cá đáng ghét trên mặt. Cách tốt nhất là các mẹ nên tránh trang điểm, giữ mặt sạch sẽ thông thoáng để da được "thở", sẽ ngừa mụn nhanh hơn là trát hàng đống mỹ phẩm lên mặt chỉ để xử chúng tạm thời.
Vết rạn
Chẳng có loại kem thần kì nào loại bỏ được hoàn toàn lũ rạn da. Nhưng những vết xấu xí này sẽ nhạt dần theo thời gian và mờ đi đến mức hầu như không nhìn thấy được rõ nữa. Mẹ bầu hãy tự tin coi đó là vết tích vinh quang sau công cuộc "vượt cạn" vĩ đại của mình, đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời bạn: làm mẹ.
Bệnh trĩ
Bệnh trĩ sẽ dần biến mất trong quá trình hồi phục ruột thẳng của bạn. Trong khi đó, bạn có thể khắc phục bất tiện mà nó gây ra bằng cách ngâm mình trong bồn nước ấm, chườm đá để giảm vết sưng, tránh ngồi lâu, ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước...
Rất nhiều khó khăn mẹ phải đối mặt sau sinh nở. (ảnh minh họa)
Phục hồi sau đẻ mổ
Sản phụ đẻ mổ phải trải qua phục hồi vừa do sinh đẻ, vừa do phẫu thuật bụng nữa. Thông thường mẹ và bé phải ở bệnh viện 3 ngày. Bạn sẽ bị đau và phải dùng thuốc điều trị trong 48 tiếng đầu tiên. Dùng nhiều gối và chọn tư thế nằm phù hợp nhất để thấy dễ chịu hơn. Khoảng sau 1 tuần. Khi các vết rạch bụng của bạn bắt đầu lành, chúng sẽ gây ngứa. Dù có khó chịu mấy cũng tránh đừng cào gãi để vết rạch rách thêm lần nữa.
Tủ quần áo
Vóc dáng mẹ bầu sinh xong ở vào khoảng ở giữa, "ẩm ương". Bây giờ mặc quần áo hồi có bầu thì rộng thùng thình, mặc quần áo lúc chưa chửa đẻ gì lại quá chật. Bạn nên sắm một tủ quần áo mới đơn giản, không cần đắt tiền. Nuôi con rất bận rộn nên không thể có đủ thời gian cho những chiếc áo lụa là hay đính nạm đá cầu kì cần được giặt tay. Quan trọng là quần áo phải thoải mái, dễ mặc và dễ giặt.
Cảm xúc
Tâm trạng thất thường, bất an, khó chịu, hụt hẫng hay trống rỗng là điều phổ biến, thường bắt đầu vào ngày thứ 3 sau sinh và kéo dài khoảng 2 tuần. Triệu chứng này sẽ dịu dần đi khi bạn lấy lại được bình tĩnh, kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhưng nếu như sau 14 ngày mà không thấy thuyên giảm, bạn nên gặp bác sĩ, rất có thể bạn đã mắc phải chứng trầm cảm sau sinh.
Chuyện "yêu"
Các bác sĩ khuyên nên đợi sau 6 tuần rồi mới quan hệ vợ chồng trở lại để tránh viêm nhiễm hoặc không đạt được mong muốn khi quan hệ. Nhiều phụ nữ cảm thấy bối rối khi quan hệ sau sinh, điều này là bình thường vì bạn cần có thời gian để hồi phục tâm lí.
Kinh nguyệt
Các mẹ đừng quá lo lắng khi thấy máu chảy từ âm đạo càng ngày càng nhiều từ 4-6 tuần sau sinh. Điều đó có nghĩa là kinh nguyệt sắp quay trở lại và thường nó sẽ gối lên đợt sản dịch. Kinh nguyệt trở lại đồng nghĩa với việc khả năng thụ thai sớm sau sinh rất cao. Chính vì khoảng thời gian nhạy cảm này do không đề phòng nhiều phụ nữ có em bé với khoảng cách quá gần, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ để chọn cho mình một biện pháp tránh thai an toàn nếu bạn chưa sẵn sàng có em bé.
Bước ngoặt mới trong đời
Sinh con đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc đời người phụ nữ, thay đổi con người bạn từ thể xác đến tinh thần. Hãy biết quý trọng, nâng niu sự thay đổi này và tự hào với cơ thể mới, thiên chức mới mà bạn có. Chào đón và bắt đầu nuôi dưỡng một thành viên bé bỏng đáng yêu trong gia đình quả là niềm hạnh phúc tuyệt vời nhất đúng không?
Theo Khám Phá
1 giờ đầu sau sinh Những điều phải biết! Những chia sẻ của mẹ Devan McGuinness dưới đây sẽ giúp chị em bầu hiểu hơn về những vấn đề ngay sau sinh nở. Khi tôi sinh đứa con đầu lòng hơn 8 năm về trước, tôi không hề có một chút kiến thức nào về sinh nở. Khi đó, tôi đã hỏi mẹ tôi rất nhiều câu hỏi ngu ngơ từ việc...