Sau phim tấu hài dung tục, điện ảnh Việt cần hơn sự tử tế
Sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, mì ăn liền, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như “Yêu”…
Bộ phim đồng tính nữ Yêu dù vẫn gây tranh cãi, có người thích người không, nhưng nhiều phản hồi thiện cảm dành cho Yêu là một bằng chứng cho thấy với một tư duy tử tế, các nhà làm phim hoàn toàn có thể xử lý những đề tài bị xem là nhạy cảm một cách hiệu quả và thành công.
Chi Pu và Gil Lê (vai Nhi và Tú) trong phim Yêu – Ảnh: ĐPCC
Trước Yêu đã có rất nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam đụng đến đề tài người đồng tính và tình yêu đồng tính. Có những phim gây ấn tượng, được khán giả ủng hộ, nhưng cũng có không ít phim bị chê là phản cảm, nhố nhăng.
Không phải là đề tài, trên thực tế, thành công hay thất bại của bộ phim phụ thuộc vào tư duy nghệ thuật và trách nhiệm của người làm phim ngay ở thời điểm ban đầu.
Như nhân vật chị Hội của đạo diễn Charlie Nguyễn. Trong Để Mai tính, Hội bóng từ đầu đến chân, nhưng cái cách đạo diễn kể chuyện về chị lại là yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công cho bộ phim.
Đơn giản bởi đạo diễn với tư duy nghiêm túc nên xây dựng hình tượng Hội có đầy đủ máu thịt và cảm xúc, vì thế nên gần gũi, thú vị và được cảm thông. Trong khi đó, Để Hội tính (tức Để Mai tính 2) thực chất chỉ là hành động rang cơm nguội của đạo diễn Charlie Nguyễn.
Ăn theo thành công cũ một cách dễ dãi nên bộ phim chỉ là một màn tấu hài vô nghĩa. Nhân vật Hội từng được yêu mến bỗng trở thành một trò hề lố lăng, kệch cỡm, thậm chí còn bị cộng đồng LGBT ở Việt Nam lên án là xúc phạm người đồng tính.
Tương tự là phản ứng trái chiều của giới truyền thông và khán giả đối với hai bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng là Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt và Con ma nhà họ Vương.
Hotboy nổi loạn lồng ghép tình yêu đồng tính vào bối cảnh cuộc sống xã hội hiện thực, kể câu chuyện cuộc đời của những người bị gạt ra bên lề nên đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với khán giả.
Ngược lại, Con ma nhà họ Vương sử dụng yếu tố đồng tính để chơi nổi, gây sốc nhằm lôi kéo khán giả đến rạp. Vì vậy trong phim có vô số cảnh trai đẹp cường tráng khoe da thịt hoàn toàn không có tác dụng gì đối với nội dung phim.
“Cởi trần, khoe thân triệt để nhưng vẫn ngấy” – có ý kiến phê bình như vậy cũng không phải là quá lời.
Một cảnh đáng yêu trong phim Yêu
Từ đó có thể thấy sự lựa chọn của êkip làm phim quyết định chất lượng của tác phẩm, kể cả khi chạm vào đề tài bị xem là nhạy cảm như đồng tính.
Nghiêm túc sẽ có phim hay, dễ dãi sẽ dẫn tới sự phản cảm. Với phim Yêu, nhóm làm phim hoàn toàn có đủ điều kiện để chạy theo con đường thứ hai hòng kiếm tiền.
Đã từ lâu báo lá cải và cư dân mạng xôn xao về quan hệ bí ẩn của Chi Pu và Gil Lê, hai cô gái nổi tiếng của giới showbiz Việt. Các nhà làm phim Yêu hoàn toàn có thể lợi dụng sự xôn xao đó để mở chiến dịch PR kích động sự tò mò của khán giả và đưa vào phim những cảnh yêu đương đồng tính mùi mẫn, khoe da hở thịt.
Video đang HOT
Nhưng Yêu không đi theo con đường tối đó. Tư duy tử tế được thể hiện rõ trong từng thước phim. Không vội vàng đẩy hai nhân vật Nhi và Tú vào cuộc tình kích động sự tò mò, đạo diễn Việt Max đòi hỏi sự kiên nhẫn của khán giả khi từ tốn kể câu chuyện hai người bạn thân thiết từ thuở nhỏ, vì hoàn cảnh bất ngờ nên phải cách xa nhau.
Mối quan hệ của Nhi và Tú được lý giải một cách thấu đáo, cụ thể và chân thực. Vì thế khoảnh khắc Tú và Nhi nắm tay nhau, hôn nhau dưới mưa trong ngõ vắng đến một cách nhẹ nhàng và tự nhiên.
Đồng tính hay không, tình yêu của họ cũng giống như bất kỳ cảm xúc lứa đôi của bất kỳ cặp đôi yêu nhau nào trên đời. Không chỉ xoay quanh chuyện tình đồng tính, Yêu còn là câu chuyện về tình cảm gia đình, bạn bè gợi xúc động.
Chính vì sự tử tế trong tư duy của người làm phim nên Yêu trở thành một tác phẩm sạch, đẹp. Một vài hạt sạn là không đủ để phủ nhận những thành công thật sự của Yêu.
Sau hàng loạt bộ phim bị chê bai là tấu hài vô nghĩa, phản cảm, dung tục, mì ăn liền, điện ảnh Việt đang cần nhiều hơn những bộ phim tử tế như Yêu, hay trước đó là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh…
Theo Hiếu Trung/Báo Tuổi Trẻ
Những gương mặt sáng giá nhất tại LHP Việt Nam 2015
Vai Bác Hồ của NSND Bùi Bài Bình, hình ảnh cậu bé Tường do Thịnh Vinh đảm nhận... đều được đánh giá cao và có khả năng tạo tiếng vang tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 2015.
NSND Bùi Bài Bình - Nhà tiên tri
Hình ảnh của Bùi Bài Bình khi hóa thân thành Bác Hồ trong phim Nhà tiên tri. Ảnh: An Ninh Thủ Đô
Vai Bác Hồ đã giúp NSND Bùi Bài Bình có cơ hội để lột xác hoàn toàn trên màn ảnh, không chỉ ở ngoại hình mà còn ở thần thái khi diễn xuất. Bỏ lại sau lưng hình ảnh anh Hòa ngờ nghệch của Mùa ổi hay lão Tòng thủ đoạn ở Malàng, NSND Bùi Bài Bình xây dựng thành công hình ảnh vị lãnh tụ có tài thao lược nhưng rất gần gũi với tâm hồn dung dị và đầy chất nghệ sĩ.
Bùi Bài Bình kể lại rằng nhiều năm trước, khi viết kịch bản của Nhà tiên tri, Hoàng Nhuận Cầm đã nói: "Tôi viết vai này cho ông, phải đóng đấy". Biết tính bạn hay đùa nên anh nhận lời không ngại ngần. Thế nên khi nhận được lời mời chính thức từ nhà biên kịch, Bùi Bài Bình vừa lo vừa ngại.
Cầm kịch bản trong tay, NSND dành tới 6 tháng để sưu tầm băng đĩa, hình ảnh và xem các bộ phim về Bác Hồ. Anh nghiên cứu kỹ từ cách đi đứng, tới thần thái của Bác toát ra trong ánh mắt trước khi phim bấm máy.
Trương Minh Quốc Thái - Người trở về
Người trở về lấy ý tưởng từ truyện ngắn Người về bến sông Châu của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Vai Quang trong Người trở về là lần thứ 2 Trương Minh Quốc Thái được đóng vai bộ đội. Trước đó, anh thường được giao những vai phản diện.
Đóng vai bộ đội là mơ ước từ lâu của Quốc Thái. Thế nên khi được mời đóng vai bộ đội ở Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) rồi Người trở về (đạo diễn Đặng Thái Huyền), anh bỏ hết những vai diễn lớn nhỏ ở miền Nam để ra Bắc đóng phim. "Đề tài phim chiến tranh ở Việt Nam bây giờ rất ít, nên được mời đóng là cơ hội hiếm có. Mặt khác đây thực sự là những vai thách thức, là cơ hội vượt qua chính mình cho diễn viên. Được mời, nói như người Nam là "ngu gì bỏ" (cười)", anh tâm sự trong một lần trả lời báo chí.
Dustin Nguyễn - Trúng số
Bộ phim Trúng số với sự tham gia của Dustin Nguyễn được gửi đi tranh tài ở Oscar 2016. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Trúng số là một trong những thành công mới của Dustin Nguyễn bởi phim chỉ quay trong 18 ngày với mức kinh phí 6-7 tỷ đồng nhưng lại thu về tới 35 tỷ. Một điều đáng tự hào khác với nhà làm phim Việt kiều là Trúng số được cử tham gia vòng sơ tuyển Oscar 2016, hạng mục phim nước ngoài.
Tuy nhiên, ông xã của cựu người mẫu Bebe Phạm không ngủ quên trong chiến thắng mà khá tỉnh táo khi chia sẻ cùng Zing.vn cách đây không lâu: "Dù tôi yêu và tự hào về bộ phim của mình nhưng nói đến chuyện lớn hơn thì không nghĩ tới. Bạn biết đấy, Oscar là mảnh đất có rất nhiều anh tài hội tụ, riêng hạng mục này đã có tới 82 phim tham gia nên cuộc đua rất kinh khủng. Hiện tại, tôi không nghĩ nhiều đến việc Trúng số tham gia Oscar mà cố gắng để làm Trúng số phần 2. Tôi đang đọc kịch bản Trúng số 2 và thấy rất có cảm hứng".
Quách Ngọc Ngoan - Mỹ nhân
Tái xuất với điện ảnh cùng Mỹ nhân nhưng bộ phim của Quách Ngọc Ngoan không được đánh giá cao. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Gây tranh cãi về trang phục và không có dàn diễn viên bảo chứng thành công phòng vé, Mỹ nhân gặp nhiều trắc trở trước khi ra rạp. Tuy nhiên, sau buổi công chiếu với truyền thông, diễn xuất của những diễn viên chính như Quách Ngọc Ngoan, Kim Hiền... lại nhận được nhiều khen ngợi.
Diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan ở Mỹ nhân được đánh giá có nhiều tiến bộ so với Long thành cầm giả ca, Khát vọng Thăng Long. Không còn là "bình hoa di động", anh đã biết vận dụng khả năng diễn xuất và mang đến cho khán giả một số trường đoạn cảm xúc khi xem phim.
Thịnh Vinh - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
15 tuổi, Thịnh Vinh đã có vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp diễn xuất. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong những bộ phim Việt được chú ý nhất năm 2016. Được chuyển thể từ tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim là câu chuyện về hai anh em Thiều và Tường, cùng nhau lớn lên tại một vùng quê nghèo ven biển trong cuối thập niên 1980. Thiều mọt sách, thương em, nhưng cũng mang nhiều mặc cảm ghen tỵ với em trai.
Diễn xuất của ba diễn viên nhí trong phim được các nhà phê bình đánh giá khá cao, đặc biệt là Thịnh Vinh trong vai Thiều. Thiều là "anh cả" của cả nhóm, có tính cách và tâm lý phức tạp. Với gương mặt rất điện ảnh, cậu bé 15 tuổi vào vai tự nhiên và đầy thuyết phục.
Lã Thanh Huyền - Người trở về
Lã Thanh Huyền đảm nhận vai cô Mây có số phận long đong, vất vả trong phim Người trở về. Ảnh: Huyền Thanh
Lã Thanh Huyền từng đảm nhận nhiều vai trong các phim từ cổ trang tới hiện đại, từ điện ảnh tới truyền hình, nhưng diễn xuất của cô không được đánh giá cao, các vai diễn không để lại nhiều ấn tượng. Nhưng với vai cô Mây trong bộ phim mới của đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền, bà mẹ một con có bước tiến dài về diễn xuất.
Vì vai diễn này, Lã Thanh Huyền không ngại đứng gần những nơi có quả nổ để có thể diễn xuất chân thật nhất. Khi thực hiện cảnh quay đỡ đẻ với một em bé chỉ 18 ngày tuổi, Lã Thanh Huyền và Tiến Lộc cũng phải làm việc liên tục từ tối tới tận 4h sáng.
Cô cũng ngâm mình trong nước lạnh giữa thời tiết 5-7 độ C suốt nhiều giờ để thực hiện cảnh khóa môi ngọt ngào với Trương Minh Quốc Thái. Ở đúp cuối, Lã Thanh Huyền đã ngất xỉu trong tay bạn diễn. Tuy nhiên, cả hai người đều hài lòng vì được đạo diễn khen ngợi.
Thùy Anh - Đập cánh giữa không trung
Thùy Anh có cảnh quay nóng bỏng cùng Trần Bảo Sơn trong Đập cánh giữa không trung. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Vai diễn của Thùy Anh trong Đập cánh giữa không trung từng gây xôn xao dư luận bởi cảnh nóng giữa nhân vật Huyền và Hoàng (Trần Bảo Sơn). Thùy Anh cho biết, trước khi quay, cô và diễn viên đàn anh dành khoảng 15 phút bàn bạc, trao đổi để có thể phối hợp ăn ý. Hai diễn viên đã tốn tới 5 tiếng để hoàn thành cảnh phim theo đúng yêu cầu của đạo diễn. Cuối cùng, mẹ và người thân trong gia đình đều phản đối cảnh nóng của Thùy Anh khiến cô rất tủi thân.
Trước đó, Thùy Anh còn tiết lộ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cũng phải đợi tới 2 năm, để cô tròn 18 tuổi, mới chính thức bấm máy Đập cánh giữa không trung. Tuy nhiên, vì chưa có nhiều trải nghiệm với cuộc sống hay kinh nghiệm mang thai, sinh nở, Thùy Anh đã phải lên mang Internet tìm kiếm nhiều thông tin chuẩn bị cho vai diễn của mình.
Trương Ngọc Ánh - Hương Ga
Trương Ngọc Ánh từng nhận được giải thưởng ở nước ngoài cho vai diễn trong Hương Ga. Ảnh: NVCC
Vợ cũ của nam diễn viên Trần Bảo Sơn cho biết đã đắn đo khá nhiều trước khi quyết định nhận lời tham gia Hương Ga. Nhưng sau đó, Trương Ngọc Ánh không chỉ làm trọn những cảnh diễn nội tâm mà còn tự mình thực hiện các cảnh hành động mạo hiểm.
Sau khi khởi chiếu, Hương Ga được đưa đi tham dự nhiều liên hoan phim quốc tế như LHP châu Á - Thái Bình Dương hay LHP ở Dubai... Hương Ga đã giành giải The Best Feature Southeast Asia Panaroma (Phim xuất sắc nhất khu vực Đông Nam Á) còn Trương Ngọc Ánh trở thành Best Actress People Choice Award (Nữ diễn viên được yêu thích do khán giả bình chọn) tại LHP Toàn cầu (Film Festival of Globe 2015).
Thanh Mỹ - Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Thanh Mỹ nhận được nhiều lời khen ngợi về diễn xuất sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp
Trước vai Mận trong bộ phim của đạo diễn Victor Vũ, Thanh Mỹ từng khiến nhiều khán giả thót tim khi sắm vai bé Ái trong tác phẩm kinh dị Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần của năm 2014. Cả hai bộ phim Đoạt hồn và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đều tham dự LHP Việt Nam lần này. Như vậy, Thanh Mỹ sẽ có đến 2 vai ấn tượng để tranh Bông Sen Vàng với các nữ diễn viên lớn tuổi.
Thanh Mỹ chưa từng trải qua trường lớp diễn xuất nào và trong gia đình cũng không có ai theo đuổi công việc này. Nhưng cô bé đang dần trưởng thành qua từng bộ phim. Bố nữ diễn viên nhí cho biết trước đây đôi lúc, anh tập đọc thoại với Thanh Mỹ, giải thích một số từ ngữ mà cô bé chưa hiểu. Nhưng tới Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, cô bé đã có thể gần như tự lập với công việc mà đạo diễn Victor Vũ giao cho.
Theo Zing
Liên hoan phim quốc gia lần thứ 19: Đổi mới hay an toàn? So với Liên hoan phim (LHP) VN 18 thì LHP 19 khởi sắc hơn cả về lượng và chất. Vàng cho Nước..., Bạc cho Đập cánh... 20 phim khá đa dạng đề tài. Phim nhà nước đi vào các đề tài lãnh tụ, hậu chiến, dã sử. Phim tư nhân chọn đề tài trong giới ca nhạc, showbiz, giới trẻ trong cuộc sống...