Sau nhiều tranh cãi, chốt lại nước đóng chai, sữa… là hàng thiết yếu
Bộ Công Thương mới đây có văn bản gửi sở Công Thương các tỉnh, thành phố rà soát, tham mưu UBND cấp tỉnh, cho phép lưu thông hàng hóa khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.
Các hiệp hội đề xuất bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa.. là các mặt hàng thiết yếu (Ảnh minh họa).
Theo Bộ Công Thương, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng về các biện pháp cấp bách phòng chống Covid-19, các địa phương đã nghiêm túc triển khai theo chỉ đạo. Tuy nhiên, một số nội dung của chỉ thị, nhất là khái niệm hàng hóa thiết yếu, còn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất, gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu.
Trên cơ sở kiến nghị của một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, Bộ đề nghị sở Công Thương các địa phương rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh, cho phép lưu thông khi thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 đối với một số nhóm mặt hàng thiết yếu.
Cụ thể, nhóm thực phẩm (bao gồm các mặt hàng theo danh mục phụ lục II, phục lục III và mục 3, 4, 5, 6, 7, 8 phụ lục IV ban hành kèm nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của chính phủ hướng dẫn một số điều của Luật An toàn thực phẩm, cụ thể tại phụ lục đính kèm).
Nhóm thứ hai là hàng hóa nguyên liệu phục vụ sản xuất (bao gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…).
Thứ ba là nhóm nhiên liệu, năng lượng (như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than…). Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.
Cùng ngày, để xử lý vấn đề cũng như thống nhất về cách hiểu và áp dụng giữa các địa phương, Bộ Công Thương cũng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép lưu thông tất cả hàng hóa như trong điều kiện bình thường nếu bảo đảm phòng, chống Covid-19, trừ những hàng hóa cấm kinh doanh hoặc hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định.
Cụ thể, thay vì quy định danh mục hàng hóa thiết yếu, Chính phủ ban hành danh mục hàng hóa cấm lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Trước đó, tại nhiều địa phương có hiện tượng doanh nghiệp phải “quay xe” vì lý do như tiền không phải hàng hóa thiết yếu hoặc sữa không phải đồ thiết yếu…
Video đang HOT
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, một trong những vấn đề nổi cộm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.
Các hiệp hội doanh nghiệp dẫn chứng như việc đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hóa không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hóa thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý.
Tuy nhiên, trong danh mục hàng hóa thiết yếu kèm theo Công văn 4481 của Bộ Công Thương ngày 27/7 thì nước uống đóng chai, nước giải khát, sữa tươi nguyên liệu, sữa chế biến, sữa bột… đều đã xuất hiện.
Danh mục kèm theo Công văn 4481 về hàng hóa, dịch vụ thiết yếu của Bộ Công Thương như sau:
Sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông
Nhiều doanh nghiệp, chủ hàng kiến nghị sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt hàng thiết yếu, hàng hóa được phép lưu thông.
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến giữa Bộ GTVT và Sở Giao thông Vận tải 63 tỉnh, thành phố về vận tải hàng hóa gắn với phòng, chống dịch COVID-19 diễn ra chiều tối 26/7, nhiều doanh nghiệp, chủ hàng kiến nghị đối với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể hơn về mặt hàng thiết yếu, hàng hóa được phép lưu thông.
Lực lượng CSGT kiểm tra hàng hóa trên các phương tiện giao thông, nếu chở hàng hóa thiết yếu, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất mới được vào Thủ đô. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Hiện nay, mặc dù Bộ Công Thương đã có văn bản số 4349/BCT-TTTN ngày 21/7/2021 về hướng dẫn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, nhiều phản ánh từ phía doanh nghiệp vận tải, chủ hàng về những vướng mắc khi đăng ký vận chuyển những hàng hóa chưa có trong danh mục hướng dẫn của Bộ Công Thương và một số địa phương. Chẳng hạn, thức ăn gia súc, nguyên vật liệu, vật tư phục vụ cho việc sản xuất hàng hóa thiết yếu, hàng hóa phục vụ sản xuất phát triển kinh tế...
Điều này gây lúng túng cho các Sở Giao thông Vận tải khi xem xét cấp giấy chứng nhận lưu thông hàng hóa (QR Code) cho các doanh nghiệp, người dân. Ngay khi nhận được phản ánh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề nghị sớm có hướng dẫn, tháo gỡ.
Đánh giá chung tại cuộc họp, Bộ Giao thông vận tải cho hay, tình hình giao thông tại các chốt kiểm dịch trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và các chốt trên các tuyến đường đến TP Hồ Chí Minh cơ bản thông thoáng; không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Tại một số trạm kiểm soát như trạm Km376 200 (Phải tuyến) Quốc lộ 6 tỉnh Điện Biên, các xe xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 bị ùn ứ khoảng 1km.
Nguyên nhân là do tỉnh Điện Biên yêu cầu tất cả những công dân khi vào tỉnh phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 nên, nhiều xe xếp hàng đợi kết quả xét nghiệm. Thời gian ùn tắc từ 7h30-11h30. Đến thời điểm hiện nay, trạm vắng xe, không ùn tắc. Chốt trên Quốc lộ 18 (Phả Lại) cũng xảy ra ùn tắc hơn 6km do Hải Dương không cho các lái xe không có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính đi qua chốt.
Theo báo cáo của bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, từ khi Hà Nội thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, trong 3 ngày vừa qua, "Khu vực nóng nhất về giao thông" là tại các chốt kiểm soát cửa ngõ thành phố Hà Nội. Cụ thể là tại chốt trên Quốc lộ 1 (Cầu Phù Đổng), chốt trên Quốc lộ 5 và chốt tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Đến ngày 26/7, qua kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp của Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tình trạng ùn tắc tại các chốt cửa ngõ Hà Nội cơ bản được giải quyết, giao thông đã thông thoáng hơn.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông sẽ thành lập Tổ điều phối giao thông có sự tham gia của các lực lượng chức năng tại địa phương, Cục Cảnh sát giao thông và Tổng cục Đường bộ Việt Nam; xây dựng quy chế hoạt động của Tổ điều phối áp dụng thống nhất để điều tiết, phân luồng giao thông tại các chốt kiểm soát, giảm ùn tắc giao thông", bà Hiền cho hay.
Cũng theo bà Hiền, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến ngày 26/7, tất cả các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đều thực hiện tạm dừng thu phí. Hoặc, miễn phí các phương tiện vận chuyển thuốc men, thiết bị, máy móc, vật tư, hàng hóa qua trạm. Toàn bộ các trạm thu phí trên địa bàn Hà Nội dừng thu phí từ 6h sáng 24/7.
Trước tình hình số lượng phương tiện gửi đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội xin cấp mã QR Code quá lớn, dẫn đến quá tải trong việc kiểm tra và giải quyết của Sở, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, sau 3 ngày triển khai, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhận được hơn 20.000 đề nghị cấp QR Code. Sở đã huy động 33 cán bộ, nhân viên làm việc 24/24 để triển khai thực hiện và đã cấp được hơn 7.000 giấy thông hành.
Tuy nhiên, ông Viện cho hay việc rất nhiều hồ sơ không đủ điều kiện, không đủ thông tin và những vướng mắc trong việc xác định danh mục hàng hóa thiết yếu được lưu thông qua địa bàn thành phố cũng đang trở thành nguyên nhân dẫn đến số lượng mã cấp chưa đáp ứng được nhu cầu.
Về vần đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, để đảm bảo thời gian giải quyết đăng ký Giấy nhận diện phương tiện được nhanh chóng và tạo thuận lợi cho đơn vị vận tải; đồng thời, giảm áp lực cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, ngày 26/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi 11 Sở Giao thông Vận tải khu vực phía Bắc gồm: Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Hưng Yên, Tuyên Quang, Ninh Bình, Lạng Sơn và Hải Dương để thực hiện việc điều chuyển một số lượng xe nhất định (sẽ chỉ điều chuyển các xe vận tải hàng hoá).
Một vấn đề cũng rất nổi cộm khác đó là trong một vài ngày qua đã liên tục ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống. Để tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch COVID-19, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao bảo mật, chống tấn công mạng vào hệ thống.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các cơ quan đơn vị của bộ, đặc biệt là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố phải thường xuyên nắm bắt, tiếp thu những phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Từ đó, phân tích, rà soát và điều chỉnh phương án tổ chức giao thông cho phù hợp với tình hình thực tế. Các địa phương phải xây dựng các phương án, kịch bản để ứng phó khi xảy ra ùn tắc; chủ động trao đổi, học tập, chia sẻ kinh nghiệm trong tổ chức giao thông, tổ chức kiểm soát tại các chốt.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị các tỉnh, thành phố quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021, các trạm kiểm soát dịch sẽ không kiểm tra xe có mã QR Code khi qua trạm.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra giấy xét nghiệm COVID-19 tại các điểm giao, nhận hàng hóa và lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm về luồng tuyến, vi phạm về xét nghiệm COVID-19.
Đối với quy định y tế đối với lái xe, người đứng đầu ngành giao thông vận tải yêu cầu thống nhất việc công nhận kết quả xét nghiệm theo hình thức test nhanh và RT-PCR. Các Sở Giao thông Vận tải phải khẩn trương tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố, Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của địa phương nghiên cứu giải pháp bố trí bãi đậu, đỗ xe kết hợp với tổ chức chỗ nghỉ, xét nghiệm tại chỗ cho đội ngũ lái xe để không áp dụng cách ly y tế đối với lái xe khi đi về từ vùng dịch. Đặc biệt, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ đặc thù về các hoạt động sản xuất phát triển kinh tế, nhu cầu của địa phương để khẩn trương cập nhật bổ sung các loại hàng hóa được phép lưu thông.
Tàu cao tốc chở rau 0 đồng từ miền Tây cập bến Bạch Đằng Chiều 24-7, chuyến tàu cao tốc đầu tiên đã cập bến Bạch Đằng, TP.HCM mang theo rau, củ của nông dân tỉnh Tiền Giang về hỗ trợ miễn phí cho người dân. 16h chiều 24-7, chuyến tàu đầu tiên đã cập bến Bạch Đằng, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online , khoảng 16h chiều 24-7, chuyến tàu...