Sáu nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương
Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.ương
Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh. Ảnh: VOV
Cùng với quyết định thành lập Ban Nội chính Trung ương do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã ký Quyết định 159 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của cơ quan này.
Theo đó, Ban Nội chính Trung ương được xác định chức năng là cơ quan tham mưu của Ban chấp hành Trung ương mà trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng.
Nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương gồm sáu nhóm. Thứ nhất, nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật (trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng); một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng chống tham nhũng; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính (được xác định gồm Viện kiểm sát, Tòa án, tư pháp và các cơ quan có chức năng tư pháp trong công an, quân đội) và Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Ban Nội chính có nhiệm vụ đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ việc, vụ án.
Thứ hai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng trong lĩnh vực nội chính; phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động ở các cơ quan nội chính và hai tổ chức xã hội nghề nghiệp đã đề cập. Phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn xử lý một số vụ việc, vụ án được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao.
Thứ ba, thẩm định các đề án về lĩnh vực nội chính và phòng chống tham nhũng trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham gia ý kiến trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong các cơ quan nội chính theo phân công, phân cấp, bao gồm cả việc bổ nhiệm kiểm sát viên cao cấp, thẩm phán TAND Tối cao.
Video đang HOT
Thứ năm, Ban Nội chính Trung ương thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Thứ sáu, Ban sẽ thực hiện một số nhiệm vụ khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Về bộ máy, Ban Nội chính Trung ương gồm trưởng ban và các phó trưởng ban, được tổ chức thành chín đơn vị cấp vụ, trong đó có một vụ theo dõi công tác phòng chống tham nhũng, một vụ theo dõi xử lý các vụ án.
So với Ban Nội chính Trung ương trước khi bị giải thể, nhiệm vụ hiện nay được quy định cụ thể hơn, trong đó bổ sung thêm mảng phòng chống tham nhũng. Tuy nhiên, lại không có nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương như trước đây. Nhiệm vụ này hiện được tách cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách tư pháp – thuộc Văn phòng Trung ương Đảng.
Cùng với việc ra quyết định thành lập và chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương, Bộ Chính trị cũng giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì cùng các cơ quan liên quan xây dựng đề án chuyển giao tổ chức, bộ máy, con người thuộc Vụ Nội chính, Vụ Pháp luật (thuộc Văn phòng Trung ương Đảng) và Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng về Ban Nội chính Trung ương.
Ngoài ra, Bộ Chính trị cũng đang hoàn thiện đề án về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo mô hình mới do Tổng Bí thư đứng đầu, để kịp ra quyết định thành lập ngay khi cơ sở pháp lý của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng hiện tại (quy định trong Luật phòng chống tham nhũng) hết hiệu lực vào tháng 2 tới.
Trước đó, Bộ Chính trị cũng ban hành Quyết định về việc phân công ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng, giữ chức trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Theo VNE
Bí thư Nguyễn Bá Thanh 'nói được là làm được'
Không chỉ đề nghị "Cán bộ phải biết tập xấu hổ", "làm việc đừng hô khẩu hiệu", ông Thanh còn tuyên bố "cảnh sát chung chi vài trăm nghìn sẽ cho về vườn". Nhiều lãnh đạo Sở cũng bị ông "truy" tới cùng trong kỳ họp HĐND.
Ông Nguyễn Bá Thanh sinh năm 1953 tại Hòa Vang (Đà Nẵng). Sau khi tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ông về làm Chủ nhiệm tại Hợp tác xã Hòa Nhơn (Hòa Vang). Sau đó, ông từng bước nắm giữ các cương vị như Phó bí thư huyện ủy Hòa Vang, Giám đốc Nông trường Chè Quyết Thắng, Giám đốc Sở Nông nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ).
Năm 1996, ông giữ chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng và năm 2003 giữ chức Bí thư thành phố miền Trung này. Ở vị trí người đứng đầu, ông Thanh bắt tay vào công cuộc lột xác cho Đà Nẵng bằng chiến dịch "năm không": Không hộ đói, không mù chữ, không lang thang xin ăn, không ma tuý, không giết người cướp của. 5 năm sau, khi "năm không" hoàn thành, ông tiếp tục chỉ đạo thực hiện "ba có": Có nhà ở, có việc làm và có lối sống văn minh đô thị.
Bí thư Nguyễn Bá Thanh: "Tôi nói được là làm được". Ảnh: Nguyễn Đông.
Người đứng đầu thành phố thường xuyên xuống gặp trực tiếp người dân để ghi nhận những bức xúc của họ, từ đó yêu cầu lãnh đạo địa phương xử lý dưới sự giám sát của ông. Để tăng cường kỷ luật và chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, ông Thanh đã cách chức Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng và công nghiệp dân dụng Đà Nẵng, cảnh cáo Giám đốc Sở Xây dựng. Năm 2010, ông tái đắc cử chức danh Bí thư Thành ủy, với tỷ lệ ủng hộ hơn 99%.
Khi Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Điểu thông báo Đà Nẵng nằm trong top 20 thành phố "sạch nhất thế giới", ông thẳng thắn chê: "Chắc mấy ổng không đi vào cái chỗ mà hôm trước tôi với anh Huy (ông Trần Văn Huy, Bí thư quận uỷ Thanh Khê) lội vô ở gần ven sân bay. Mấy ổng tới đó chắc không chấm điểm Đà Nẵng đâu. Đô thị chi rứa mà là đô thị, ăn ở mất vệ sinh, rác vất tùm lum ra như thế".
Rồi ông khuyến khích: "Dù muốn hay không thì họ cũng công bố rồi. Mình lỡ bị công bố nên phải làm cho tốt hơn, chứ làm không đạt là mang tiếng". Theo Bí thư Thanh, cách đây 16 năm, Đà Nẵng đã nghiêm cấm xả thải ra bãi biển và giờ mới có bãi biển sạch, đẹp để thu hút du lịch. Do đó, thành phố nghiêm cấm việc xả thải gây ô nhiễm môi trường và ai vi phạm sẽ bị truy tố.
Trước nạn mãi lộ của cảnh sát giao thông, ông Bí thư quyết định hỗ trợ 5 triệu đồng một tháng cho mỗi cảnh sát tuần tra, kiểm soát tại 4 trạm cửa ô ở Đà Nẵng. "Với sự hỗ trợ như hiện nay, CSGT có thể thu nhập hơn chục triệu đồng mỗi tháng nên nếu chỉ cần phát hiện có chung chi một vài trăm nghìn thì lập tức sẽ cho về vườn chứ không cần phải xét theo mức độ nặng nhẹ", ông Thanh nói và đề nghị lắp camera theo dõi CSGT làm việc tại 4 trạm cửa ô, đồng thời Giám đốc Công an thành phố phải đứng lên hứa dẹp nạn mãi lộ.
Bí thư Nguyễn Bá Thanh thăm hỏi và lắng nghe nguyện vọng của bà con làng phong Hòa Vân. Ảnh: Nguyễn Đông.
Khi tình hình kinh tế khó khăn, Bí thư Đà Nẵng đã đề nghị các ngân hàng giúp đỡ doanh nghiệp. "Những ngân hàng không giảm trần lãi suất cho vay thì trong cuộc họp HĐND thành phố, tôi nói vài câu là người dân Đà Nẵng rút hết tiền gửi vào ngân hàng khác, lúc đó đừng có kêu. Doanh nghiệp có sống thì mình mới sống nên phải dựa vào nhau. Các dự án khả thi cần tạo điều kiện cho vay với thủ tục đơn giản, lãi suất rõ ràng, tạo điều kiện cho vay", lãnh đạo thành phố quả quyết.
Theo Bí thư Nguyễn Bá Thanh, cán bộ lãnh đạo phải có nghĩa vụ phục vụ dân, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm, tinh thần trách nhiệm và lời nói đi đôi với việc làm. Bởi vậy, với các cán bộ không làm được nhưng cứ hứa với dân, ông kêu gọi họ "phải biết tập xấu hổ" và "làm việc đừng hô khẩu hiệu".
Sau khi tuyên bố "nói là làm, không có chuyện chạy làng", ông Thanh hứa sẽ tăng phụ cấp cho người nghèo, bố trí việc làm cho bệnh nhân phong ở làng phong Hòa Vân vừa được chuyển vào nơi ở mới trên đất liền.
Trong buổi đối thoại với gần 200 thanh thiếu niên chậm tiến, sau khi nhắn nhủ các bạn trẻ: "Cái gì không thuộc về mình thì đừng có lấy, đói quá thì đi xin. Đã làm người thì phải có lòng tự trọng", ông Bí thư cũng quả quyết thành phố đang mở rộng trại giam, là công dân Đà Nẵng phải có trách nhiệm xây dựng thành phố, còn "vi phạm pháp luật sẽ bị khởi tố, bỏ tù".
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố, khi thấy lãnh đạo công an kêu gọi toàn dân tham gia trấn áp tội phạm, vị Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND thẳng thắn nói: "Giữ cho người dân bình yên là trách nhiệm của chính quyền mà công an là công cụ đắc lực, phải thể hiện đi chứ không thể chờ ai cả. Nói toàn đảng, toàn dân, toàn quân nhưng thực ra trách nhiệm chính vẫn là công an. Ở Hàn Quốc, Singapore người ta đâu có hô 'toàn đảng, toàn quân, toàn dân' mà họ vẫn làm tốt".
Còn khi Giám đốc Sở Giáo dục dẫn giải lòng vòng về tình hình dạy thêm, học thêm, Bí thư Thanh cắt ngang: "Ông không phải là Bộ trưởng Giáo dục mà là Giám đốc Sở. Người ta hỏi ở Đà Nẵng thì ông trả lời ở Đà Nẵng chứ mắc chi lại vòng vo".
Nhằm tiết kiệm ngân sách nhà nước cũng như quản lý việc đi lại của cán bộ, ông cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng tòa nhà Trung tâm hành chính thành phố, chậm nhất hoàn thành vào cuối năm 2013. "Khi đó toàn bộ xe biển xanh sẽ thu về một đầu mối, thành lập đội xe công vụ. Sở nào cần đi đâu, chỉ cần ới một tiếng, không quá 5 phút là có xe phục vụ", ông Thanh nói.
Tại kỳ họp Quốc hội, ông Nguyễn Bá Thanh cũng có những phát biểu thẳng thắn: "Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri kêu lắm, Vinalines thua lỗ, cựu Chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ đưa lên đưa xuống, chưa quyết được thì đằng này, hàng nghìn tỷ đồng tiền đổ sông, đổ biển, xót hết cả ruột!".
Rồi ông cho rằng, sự việc trên cho thấy cách điều hành quá lỏng lẻo: "Khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin. Vinalines ốm yếu rồi còn gánh thêm Vinashin nữa, sụp đổ là đương nhiên. Rõ ràng Vinalines mua tàu gì, dự án gì cũng phải thông qua Bộ, các cơ quan phê duyệt trách nhiệm như nào?".
Bộ Chính trị vừa ban hành các quyết định về việc thành lập Ban Nội chính Trung ương và Ban Kinh tế Trung ương; và phân công ông Nguyễn Bá Thanh giữ chức Trưởng ban Nội chính Trung ương, ông Vương Đình Huệ giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Theo VNE
Thành tựu của toàn nhân loại Vai trò của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 vừa được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tái khẳng định khi ông kêu gọi tất cả các nước cam kết thực hiện văn bản vốn được xem là "hiến pháp của đại dương". Các đại dương thanh bình sẽ nổi sóng nếu không có UNCLOS năm 1982 Ra đời ngày...