Sau một lần đưa con riêng của chồng đi thăm mộ mẹ, bỗng chốc thằng bé trở thành một con người hoàn toàn khác
Tôi chẳng biết làm sao cho phải với con riêng của chồng. Nhưng mọi thứ lại thay đổi hoàn toàn kể từ chuyến thăm mộ buổi chiều hôm ấy.
Lỡ một “lần đò”, tôi không phải không lo sợ khi bước chân vào cuộc hôn nhân thứ hai. Thế nhưng mưu cầu hạnh phúc là điều đã chiến thắng tất thảy. Tôi khao khát có được một gia đình, một mái nhà, nơi tôi thuộc về và có thể tìm thấy được bình yên trong cuộc sống.
Thế nhưng tôi chẳng may mắn, khi quyết định về chung một nhà với người đàn ông thứ hai, tôi vấp phải một khó khăn mang tên “con riêng của chồng”. Từ bố mẹ, bạn bè cho đến những người thân quen và biết về hoàn cảnh của anh cũng đều một mực khuyên tôi nên suy nghĩ thật kĩ càng và đừng “rước nợ” vào thân làm gì cho mệt đầu.
Ảnh minh họa
Thằng bé đang học lớp 8, đúng cái độ tuổi của những đứa trẻ đang dậy thì, lớn chẳng đủ lớn, bé chẳng ra bé. Hơn thế nữa, đứa trẻ mồ côi mẹ cũng có những khiếm khuyết khó có thể lấp đầy trong tâm hồn. Hoàn cảnh sinh tâm tính, thằng bé ngỗ ngược đến ngay cả chính chồng tôi cũng không bảo ban nổi.
Chẳng những thế, nó còn ghét tôi, ghét cay ghét đắng. Thằng bé cho rằng tôi sẽ trở thành nguyên nhân để rồi sẽ có một ngày, không ai còn nhớ về người mẹ đã mất của nó nữa, kể cả bố. Vậy nên những lời tôi nói, dù đúng dù sai, dù ngọt nhạt hay nghiêm khắc, nó cũng đều chẳng bao giờ thèm bỏ vào tai.
Chẳng biết bao nhiêu lần, tôi lấy cái danh mẹ kế đi họp phụ huynh và phải nghe phàn nàn về kết quả học tập bết bát của con chồng. Cũng là bấy nhiêu lần tôi phải rơi nước mắt khi nghĩ về những lời nói tổn thương nó dành cho tôi.
Đó là ngày hè đầu tiên của thằng bé. Tôi quyết định đưa nó đến thăm mộ mẹ, vì cũng đã nửa năm từ ngày giỗ nó chưa được đến. Sau khi quét dọn, thắp hương thắp khói xong, tôi bảo thằng bé rằng 2 cô cháu cùng ngồi xuống tâm sự với mẹ cho mẹ đỡ buồn. Thằng bé nghe lời.
Tôi bắt đầu:
- Năm nay N. chỉ được học sinh trung bình thôi, chẳng biết chị có buồn không nhỉ? Chị đừng buồn, năm sau N. lại cố gắng nhỉ, để lúc nào mẹ từ trên trời nhìn xuống, sẽ được tự hào về con.
Video đang HOT
Thằng bé lặng thinh không nói một lời.
- Cháu kể tiếp cho mẹ nghe đi, ở nhà ông bà có khoẻ không, cả nhà có vui không, cháu có làm ông bà buồn lòng gì không? Tâm sự với mẹ đi, mẹ ở đây một mình buồn lắm.
Ảnh minh họa
Tôi để thằng bé ở lại với mẹ rồi lùi ra chỗ khác. Một lúc sau quay lại, đã thấy mắt nó đỏ hoe như vừa khóc rất nhiều. Tôi hỏi lí do, thằng bé vẫn cứng cỏi: “Không, cháu có khóc đâu, bụi bay vào mắt đấy ạ.”
Kể từ hôm đó trở đi, thằng bé thay đổi dần dần rồi trở thành một con người hoàn toàn khác, đúng hơn là giống như đứa trẻ của 3 năm về trước, khi mẹ nó chưa ra đi. Thằng bé nghe lời người lớn hơn, chăm chỉ học hành hơn, cũng đã không còn thái độ quá thù địch với tôi.
Thật may mắn rằng mọi chuyện đang thay đổi theo chiều hướng tốt. Tôi tin rằng, yêu thương sẽ có sức mạnh cảm hoá mọi thứ, kể cả là chuyện “bánh đúc có xương” đi chăng nữa.
Theo Afamily
Yêu chồng là một chuyện, yêu con chồng đâu phải chuyện đơn giản
Đơn giản vì trong lòng anh và chị Mai thì bà như mẹ đẻ của bọn anh nên mọi người biết hay không, bọn anh nghĩ không quan trọng
Ở một nhà nọ, sau khi người vợ yêu quý qua đời, ông bố lấy một vợ lẽ về chăm sóc hai đứa con, một trai, một gái. Đứa con trai vốn rất sợ lợn. Một hôm, nhân lúc chồng đi vắng, bà vợ lẽ liền bế cậu con trai cho đứng vào chuồng lợn. Em nghĩ thế nào về người mẹ kế này? - anh chồng nheo mắt hỏi tôi sau hôm cưới.
- Ôi, sao bà ta độc ác thế?
- Tại sao em lại nghĩ người mẹ kế độc ác hử?
- Thì bà ta biết đứa con chồng sợ lợn nên ghét nó thì mới cho vào chuồng lợn chứ.
Ảnh minh họa
Chồng tôi không nói gì mà chỉ cười ha hả. Một lúc sau, anh mới nói: "Đấy, trong đầu em chắc luôn có câu: "Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời mẹ ghẻ lại thương con chồng" nên mới suy nghĩ thế. Nếu bà ấy làm điều đó với dụng ý tốt thì sao?".
- Em chả thấy dụng ý tốt gì ở đây cả. - tôi thẳng thừng tuyên bố.
- Em ngốc quá. Nếu người mẹ kế này chỉ muốn lấy độc trị độc, cho đứa bé này vào chuồng lợn để nó thấy rằng, con lợn không hề đáng sợ đến như vậy thì thế nào?
Trong khi tôi ngẩn ra suy nghĩ, anh nói tiếp:
- Điều này đã được kiểm chứng vì câu chuyện này hoàn toàn có thật em ạ. Anh chính là thằng bé đó đấy. Sau khi vào chuồng lợn, ban đầu anh rất sợ, nhưng mẹ đã ở bên dỗ dành và cho anh thử sờ vào con lợn. Vậy là anh dần quen và hết sợ. Có một điều mà anh không nói với em từ trước là mẹ chồng em bây giờ chỉ là mẹ kế của anh thôi.
- Thật ư? Tại sao đến giờ anh mới nói cho em biết - tôi tỏ vẻ tức tối.
- Đơn giản vì trong lòng anh và chị Mai thì bà như mẹ đẻ của bọn anh nên mọi người biết hay không, bọn anh nghĩ không quan trọng. Càng để ít người biết, thì họ càng đỡ đàm tiếu bôi xấu, làm mẹ tổn thương em ạ. Vì giờ em đã là vợ anh nên anh mới nói cho biết vậy thôi.
Qua lời kể của chồng, trước mắt tôi dần hiện lên hình ảnh một bà mẹ kế có cách đối xử và giáo dục các con chồng rất đặc biệt. "Hồi nhỏ, anh rất dốt môn Toán. Mỗi lần bị điểm kém, anh lại giấu bài kiểm tra vào gầm tủ. Bố mẹ bận đi làm nên không ai biết.
Cho đến một hôm dọn nhà phát hiện ra, bố anh nổi trận lôi đình nhưng mẹ ngăn không cho bố đánh anh. Bố anh tức quá bực lây sang mẹ, nói: "Không phải con em nên dù nó sai, em vẫn mặc kệ nó chứ gì". Mẹ sững người trước lời nói của bố rồi bỏ vào phòng.
Thế là bố mẹ anh giận nhau. Nhưng từ hôm đó, cứ đến tối, mẹ lại cố làm cho xong việc nhà rồi ngồi vào bàn dạy anh học Toán, giảng kỹ cho anh những bài khó. Dần dần, môn Toán của anh khá hẳn lên. Lúc đó, bố anh mới nhận ra đã nghĩ sai cho vợ nên đã xin lỗi mẹ, nhà mới hết chiến tranh lạnh. Đấy, em xem, bố anh cũng vì thương các con, sợ bọn anh phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng nên mẹ cứ phải chịu thiệt".
Chồng tôi trở mình kể tiếp: "Một ví dụ nữa nhé, suốt một tuần bố đi công tác vắng, mẹ bắt chị Mai phải đi múc nước giếng bên khu trong. Hàng xóm ai cũng thương chị phải gồng mình múc nước dưới giếng lên rồi gánh về nhà. Nhiều người tỏ ra bất mãn thay cho chị Mai. Người ta xì xầm bảo nhau: "Hành hạ con chồng thì mới thế.
Ai đời có máy nước công cộng gần nhà mà lại bắt nó vào tận trong kia múc nước giếng". Khi biết bố đi công tác, họ quyết chờ bố về để mách. Nghe hàng xóm kể lại nhưng bố không nói gì, vì bố đã tin và biết chắc mẹ làm thế là có lý do. Hàng xóm lại được dịp nói bố: "Chắc ông chồng bị con yêu tinh nó bắt vía rồi mới để hai đứa con phải khổ thế".
Bố cũng không về tra hỏi mẹ mà chờ đến ngày chị Mai kết thúc đợt tình nguyện ở nông thôn lên. Chị hào hứng kể: "Lúc mới xuống Nam Định, bọn con gái ở đó coi thường bọn con ra mặt. Bọn nó nghĩ rằng con gái Hà Nội chỉ biết ăn học, chân yếu tay mềm làm nên trò trống gì mà về quê giúp đỡ. Nhưng khi trông thấy con múc nước giếng, quay dây thật dẻo, gầu nào đầy gầu ấy rồi gánh thoăn thoắt về nhà dân, bọn nó nể hẳn". Không chỉ có cách dạy con đặc biệt, mẹ cũng luôn âm thầm hy sinh cho bọn anh.
Để anh có tiền vào đại học, mẹ đã phải đi cầm hai cái nhẫn cưới, rồi trốn bố bán máu đợt chị Mai bị lao để có tiền cho chị vào viện. Hai chị em anh dù là những người không biết nghĩ đến đâu thì cũng không thể phủ nhận được những gì mẹ đã làm cho bọn anh. Mẹ đã khiến anh và chị Mai chẳng thể phân biệt mẹ ghẻ con chồng nữa".
Hôm sau, ngồi nhặt rau với mẹ chồng, tôi dè dặt khơi lại chuyện cũ, bà cười nói: "Hồi đó biết mẹ yêu người từng có vợ, lại có hai con riêng, ông bà ngoại phản đối kịch liệt. Họ lo mẹ sẽ phải vất vả và chịu thiệt thòi vì điều tiếng thế gian. Nhưng mẹ quyết tâm nên ông bà đành chịu. Trước ngày cưới, bà ngoại gọi mẹ vào phòng dặn: "Con hãy coi con chồng như con mình thì mới thấy hạnh phúc. Nếu không, cuộc sống của con sẽ khổ lắm đấy".
Mẹ cũng sợ lắm chứ. Yêu chồng là một chuyện, yêu con chồng đâu phải chuyện đơn giản. Khác máu tanh lòng mà con. Nhưng mẹ tự hứa với mình sẽ cố gắng, sẽ luôn tâm niệm trong đầu luôn coi hai đứa như con mình để xử lý các tình huống. Nhiều lúc, hàng xóm người ta nghĩ sai về mình đã buồn, ngay chính chồng cũng nghĩ sai về mình còn tủi thân hơn. Nhưng mẹ nghĩ rằng cứ sống đúng với mình thì thôi.
Ngày từng ngày, bao khó khăn đã vượt qua. Giờ con Mai với thằng Minh tuy không nói ra, đều coi mẹ như mẹ đẻ, đó niềm hạnh phúc lớn lao nhất của mẹ rồi".
Theo GĐVN
Mẹ kế gục mặt bên nấm mồ con riêng của chồng khóc nức nở: 'Về nhà với mẹ đi các con' Thực tâm Vui không có ý phân biệt con mình với con chồng, chỉ là công việc ngồn ngộn, lại áp lực trong khi có 1 thân 1 mình lo toan, cô cảm thấy khó chịu nên mới dễ sinh bực dọc. - Có ăn không thì bảo? Không thì nhịn đói nhé! Vui vừa thở dài vừa quát rồi bưng tô cháo...