Sáu lần cứu người tự tử
Cả sáu người được vớt lên từ lòng sông lạnh lẽo, ngay trước tay tử thần đều hối hận vì đã tìm đến cái chết.
Khuya. Tiếng động lớn phía trụ tháp cầu Cần Thơ đã làm những người trong ngôi nhà bên chân cầu giật mình. “Lại nhảy cầu tự tử”, không nghĩ ngợi, anh Phạm Minh Tâm (ấp Mỹ Hưng 2, Mỹ Hòa, H.Bình Minh, Vĩnh Long) quơ vội chiếc can nhựa, lao nhanh về phía sông Hậu. Bơi một đoạn, anh phát hiện có đôi tay người đang cố gắng quờ quạng trên dòng nước chảy xiết. Biết có người từ bờ bơi ra, anh thanh niên hớt hải kêu cứu mạng.
Ông Dương Công To (trái) và anh Phạm Minh Tâm bên đoạn sông xảy ra nhiều trường hợp
nhảy cầu tự tử – Ảnh: Tiến Trình
Khi được kè vào bờ, người thanh niên thân hình phốp pháp, mình đầy vết xăm bật khóc nức nở. Anh Tâm vừa mệt, vừa giận, quát: “Ai biểu tự tử chi rồi kêu cứu”. Nói thế, nhưng anh cũng liên lạc với gia đình rồi đưa anh chàng này đi bệnh viện trong tình trạng dập lá lách, tràn dịch màng phổi. “May mà đêm đó tôi thức sớm để chuẩn bị chở thuê cho đám cưới nên mới hay có người nhảy cầu”, người chạy đò kiêm Đội phó Đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa nhớ lại. Anh kể, người thanh niên bặm trợn là thế, nhưng khi thoát khỏi cái chết tự mình gây ra lại trở nên sợ chết, còn hứa “thưởng” cho ân nhân cứu mạng 100 triệu đồng. “Nói vậy thôi, chứ tới giờ anh ta không tìm tới tôi một lần để nói cảm ơn”. Anh Tâm khoát tay: “Mình cứu người là chuyện phải làm chứ đâu mong được đền ơn”.
Ông Dương Công To, đội trưởng, đội dân phòng đường thủy xã Mỹ Hòa (H.Bình Minh) từ lâu có thói quen ghi chép những sự việc lớn nhỏ xảy ra quanh khúc sông này. Từ những vụ chìm tàu ghe, bắt trộm cướp, can ngăn đánh nhau đến những vụ nhảy cầu tự tử đều được ông ghi lại trong quyển sổ đã ngả màu. Mà nếu ông không làm chuyện này, thì có lẽ chẳng ai bỏ công thống kê một chuyện mà nếu biết sẽ không khỏi giật mình: Hơn 2 năm từ khi cầu Cần Thơ xây xong đến nay, đã có 17 người lên cầu nhảy xuống tự tử. Trong số này, có 11 người chết nước, 6 người được cứu trong tình trạng bị thương nặng. Đó là chưa kể nhiều vụ toan nhảy xuống thì được người trên cầu kịp ngăn lại.
Phần nhiều những người tìm đến cái chết tại cầu Cần Thơ đều vì chuyện gia đình, thất tình, yêu đương bị ngăn cấm, nợ nần, cũng có người bị trầm cảm mà làm chuyện dại dột. Trong số những người được cứu sống, có người là sinh viên bị người yêu bỏ rơi; có người vì làm ăn thất bại, thậm chí có người con nhà khá giả, chỉ vì bị cha mẹ rầy la nên “hận đời”, đi tìm cái chết… Ông To kể, tất cả những người tự tử, khi được cứu sống đều tỏ ra… sợ chết. Hồi cuối năm trước, có một chị quê ở Trà Vinh, vì buồn chồng mà qua cầu Cần Thơ tự tử. Khi được cứu thoát, chị mếu máo nói những lúc gần cái chết nhất cũng là lúc cảm thấy mình cần sống biết bao. Lúc đã buông mình từ trên cầu xuồng (ở độ cao 39 m – PV), điều duy nhất chị nghĩ tới là mình có thể sống sót để làm lại cuộc đời. Được cứu mạng, chị hứa sẽ đưa xe đón những ân nhân của mình qua Trà Vinh chơi, nhưng tới giờ không thấy chị trở lại. “Có lẽ trong những người xấu số cũng có suy nghĩ đó, nhưng họ đã không còn cơ hội để làm lại”, ông To thở dài.
Nhắc đến chuyện cứu người, anh Tâm nói, có người khuyên anh không nên cứu vớt người khi họ… muốn chết, “vì mạng của họ mà họ không biết quý thì mình quý làm gì, vì như thế tui sẽ gánh vận xui của họ”. “Nhưng mình là con người, ai thấy chết lại không cứu”. Dù chưa một lần được đền ơn, nhưng anh Tâm nói anh không vì thế mà thất vọng. Vì khi trở lại từ cái chết, chắc rằng những người này sẽ biết quý cuộc sống hơn.
Theo Thanh Niên
Video đang HOT
Chuyện những "hiệp sĩ" luôn túc trực cứu người... tự tử
Từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ trở thành "chứng nhân" cho những người... chán sống. Có người nhảy xuống sông đã bị tử thần "đón đi" nhưng cũng có người may mắn được những "hiệp sĩ đường sông" cứu sống kịp thời.
Cầu Cần Thơ được khánh thành vào tháng 4/2010, đến nay đã hơn 2 năm đi vào sử dụng. Cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á này đã chứng kiến biết bao nhiêu niềm vui của người dân khi việc đi lại của họ trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Nhưng cây cầu này cũng trở thành "chứng nhân" bất đắc dĩ của bao nỗi buồn tủi khi nhiều người... chán sống tìm đến đây để quyên sinh.
Từ ngày khánh thành đến nay, cầu Cần Thơ bất đắc dĩ phải chứng kiến nhiều cái chết đau lòng.
Những người chọn cái chết nhưng may mắn sống sót
Về xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) dưới chân cầu Cần Thơ, hỏi đội dân phòng "hiệp sĩ đường sông" xã Mỹ Hòa có lẽ ai cũng biết. Chỉ huy đội dân phòng này là một "hiệp sĩ" đã có tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh, đủ sức để cùng Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa tuần tra ngày đêm trên khúc sông Hậu chảy qua địa bàn để kịp thời bắt cướp hay ứng cứu những trường hợp bị tai nạn trên sông.
Tiếp xúc với chúng tôi, "hiệp sĩ" Dương Công To cho biết, đã có nhiều vụ nhảy cầu Cần Thơ mà đội dân phòng của ông kịp thời phối hợp ứng cứu giành lại sự sống cho các trường hợp... chán sống.
Ông To kể lại, đó là sáng sớm ngày 5/5/2011, một người dân lưới cá trên sông cứu được một người nhảy cầu Cần Thơ tự tử trong tình trạng bị thương nhẹ tên là N.H.H.T., sinh viên một trường ĐH ở Cần Thơ. Ông To và anh em trong đội liền đưa T. về nhà sơ cứu tỉnh lại, sau đó mới đưa T. vào bệnh viện điều trị thêm.
Bốn ngày sau đó, một người phụ nữ tên P.T.H (ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) do buồn chuyện làm ăn nên cũng lên cầu Cần Thơ tự tử. Nạn nhân may mắn được anh Bùi Minh Tâm (đội phó đội dân phòng) phát hiện cứu kịp thời. Thông tin được báo lên ông To, ngay tức thì, ông To cùng anh em trong đội sơ cứu ban đầu rồi đưa chị H. đến bệnh viện gần đó cấp cứu.
Với độ cao 40m từ trên cầu xuống mặt sông, người nhảy cầu tự tử khó sống nếu không có sự ứng cứu kịp thời của ai đó
Một trường hợp khác là vào ngày 4/2/2012, chị N.T.L.L ở tận huyện Cầu Kè (Trà Vinh) đi từ nhà lên cầu Cần Thơ để... tự tử giữa đêm khuya. Chị L. may mắn được người dân đi lưới cá phát hiện vớt kịp và đưa về đội dân phòng sơ cứu. Chị L. sau đó được đội dân phòng của ông To đưa đi điều trị ở bệnh viện, một thời gian hồi phục sức khỏe và trở về nhà.
Rồi 2 tháng sau, một nam thanh niên tên N.H.G (26 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, Cần Thơ) cũng lên cầu Cần Thơ tự tử vào đúng 2 năm ngày khánh thành cầu 24/4/2012. Theo ông To cho biết, nam thanh niên này nhảy cầu lúc 2 giờ sáng và rất may vào thời điểm đó, anh Bùi Minh Tâm có công việc thức dậy sớm đã kịp thời hô hoán anh em chèo ghe ra cứu.
Một trường hợp gần đây nhất là vào ngày 3/5/2012, lúc 12h trưa, một người đàn ông tên P.M.H (ngụ quận Bình Thủy, Cần Thơ) đã nhảy cầu và được lực lượng của ông To phát hiện cứu kịp thời.
Cứu người từ cái tâm
"Hiệp sĩ" Dương Công To kể, từng có những trường hợp nhảy cầu xảy ra trong hoàn cảnh "cười ra nước mắt". Đó là mấy ngày sau ngày khánh thành cầu (24/4/2012), một đôi thanh niên nam nữ ngụ quận Bình Thủy tên là L.T.S và N.T.B.Đ cùng lên cầu với ý định tự tử. Nghe đâu vì đôi trai gái này buồn chuyện tình cảm nên muốn "sống cùng sống, chết cùng chết". Nhưng khi chàng trai đã lao mình xuống sông, cô gái vì quá sợ đã ngất xỉu ngay ở trên cầu và được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Hậu quả chàng trai chết mà cô gái may mắn sống sót.
Theo "hiệp sĩ" Dương Công To, từ khi đưa vào sử dụng cho đến nay, đã có khoảng 16 trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử. Trong đó có 5 trường hợp được cứu sống, còn lại đều bị tử thần mang đi. Cầu Cần Thơ là một trong những cây cầu có độ cao nhất ở Việt Nam với độ cao từ cầu đến mặt sông là 40m, những trường hợp nhảy cầu nếu may mắn thoát chết thì cũng bị ảnh hưởng ít nhiều về thể trạng và tinh thần. Ông To cho hay, qua những trường hợp cứu sống sau khi ổn định lại sức khỏe và tinh thần thì họ đều thấy rất sợ... cái chết. Do đó, nhiều người đã bày tỏ rằng, họ nhận ra được sự sống quý báu đến nhường nào và tự tử là điều dại dột nhất.
Chia sẻ với chúng tôi, "hiệp sĩ" Dương Công To cho biết, sau khi biết có những trường hợp nhảy cầu mà không chết là do được cứu kịp thời, ông đã phân công anh em trong đội dân phòng thường xuyên phối hợp túc trực để sẵn sàng ứng phó với những trường hợp xấu nhất.
Đội "hiệp sĩ đường sông" đã kịp thời cứu sống nhiều trường hợp nhảy cầu Cần Thơ tự tử.
Được biết, Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa của "hiệp sĩ" Dương Công To hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp sức lực của anh em ở địa phương. Đa phần anh em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và dù hàng ngày tất bật với công việc mưu sinh nhưng họ luôn sẵn sàng có mặt kịp thời khi nhận được thông tin có trộm cướp trên sông hay ai đó nhảy cầu tự tử.
"Chúng tôi hoạt động cho đến nay chưa nhận được sự hỗ trợ gì của Nhà nước mà chỉ chủ yếu bằng tất cả sự nhiệt tình của anh em trong địa phương. Bởi với chúng tôi, cứu người là trên hết và xuất phát từ cái tâm, đó cũng là việc làm mà anh em chúng tôi có thể làm được cho người dân, cho quê hương đất nước"- anh em Đội dân phòng đường sông Mỹ Hòa chia sẻ.
Theo Dân Trí
Công an mai phục 'đinh tặc' cầu Cần Thơ Trước nạn rải đinh trên cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn chỉ đạo công an theo dõi xử lý "đinh tặc". Trao đổi với VnExpress.net, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho biết, đã yêu cầu Công an thành phố phối hợp với Công an Vĩnh Long và chính...