Sau khi khỏi COVID-19, người dân cần làm gì?
GS.TSKH Dương Quý Sỹ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng – người đã có 5 tháng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 ở tỉnh Bình Dương trả lời phỏng vấn PV Báo Sức khỏe & Đời sống về điều trị cho bệnh nhân hậu COVID.
- Thưa GS, vì sao cần phải quan tâm đến người bệnh COVID-19 ngay cả khi họ đã khỏi bệnh?
Theo các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 có triệu chứng kéo dài hoặc hậu COVID-19 ở các nước Anh, Mỹ và Châu Âu, người nhiễm COVID-19 nếu có các triệu chứng kéo dài trong vòng 4 – 12 tuần thì được gọi là “bệnh nhân COVID kéo dài” và sau 12 tuần thì được gọi là “bệnh nhân hậu COVID”. Do vậy người bị nhiễm COVID-19 mà các triệu chứng vẫn còn xuất hiện sau 4 tuần cần phải được thăm khám ở các cơ sở y tế chuyên ngành để được theo dõi và hướng dẫn điều trị thích hợp.
Việt Nam chúng ta đã trải qua 4 làn sóng dịch và tính đến thời điểm này chúng ta có hơn 2 triệu ca mắc và hơn 2 triệu người đã khỏi bệnh. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đến điều trị bệnh nhân đã khỏi COVID để họ có cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc.
GS.TSKH Dương Qúy Sỹ tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 Bình Dương, tháng 9/2021.
Tôi ủng hộ việc thành lập Khoa điều trị bệnh nhân COVID để điều trị bệnh nhân như các bệnh thông thường khác, bởi chúng ta đã, đang sống chung an toàn với COVID.
Qua đây tôi cũng cần lưu ý, triệu chứng thường gặp của bệnh nhân COVID kéo dài và hậu COVID rất đa dạng và khác nhau ở từng người bệnh, tùy thuộc vào triệu chứng lúc bị nhiễm COVID-19 ở giai đoạn cấp tính (dưới 4 tuần), mức độ nặng của bệnh ban đầu, mức độ tổn thương của các cơ quan trong giai đoạn cấp tính, chế độ điều trị.
Tuy nhiên một số trường hợp người bị nhiễm COVID-19 vẫn có thể xuất hiện các triệu chứng mới ở giai đoạn COVID-19 kéo dài (từ 4-12 tuần) hoặc hậu COVID (sau 12 tuần). Theo các công bố y học gần đây, có hơn 50 triệu chứng khác nhau ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19.
Các triệu chứng này bao gồm: mệt mỏi (58%), đau đầu (44%), rối loạn về sự tập trung (27%), rụng tóc (25%), khó thở (24%), mất vị giác (23%), mất mùi (21%), thở nhanh (21%), ho khan (19%), đau khớp (19%), đổ mồ hôi đêm (17%), đau tức ngực (16%), buồn nôn (16%), giảm trí nhớ (16%), ù tai hoặc giảm thính lực (15%).
Bên cạnh đó, khoảng 5% -15% bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 còn có các triệu chứng khác như lo lắng(13%), trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, sụt cân, sốt nhẹ, rối loạn giấc ngủ (11%), ngủ ngáy ngưng thở khi ngủ (8%), tổn thương da (dạng mề đay, sẩn đỏ, phát ban), nhịp tim nhanh (11%), hồi hộp đánh trống ngực, rối loạn tâm thần kinh, đỏ mắt, xơ hóa phổi (5%).
Một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 có những triệu chứng ít gặp hơn (dưới 5%) như: tiểu đường (4%), chóng mặt, đột quỵ (3%), phù chân, nói khó, thay đổi tính khí, tăng huyết áp (1%), viêm cơ tim (1%), rối loạn nhịp tim, suy thận (1%), rối loạn cận giấc ngủ (0,4%)…
Do các triệu chứng của bệnh nhân COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19 rất đa dạng với những tổn thương ở nhiều hệ thống cơ quan khác nhau, việc chẩn đoán và điều trị tương đối phức tạp và liên quan đến nhiều chuyên khoa. Do vậy người bệnh cần phải được theo dõi và chăm sóc ở tại các cơ sở y tế chuyên biệt hậu COVID-19 và nơi có các cán bộ y tế đã được đào tạo liên tục về chuyên môn trong lĩnh vực COVID-19.
- Ở những bệnh nhân sau khi khỏi COVID-19 về nhà cần quan tâm những gì, thưa GS?
Mệt mỏi là triệu chứng rất thường gặp ở bệnh nhân sau khi điều trị khỏi COVID-19. Một số bệnh nhân vẫn còn tình trạng mệt mỏi kéo dài trong vòng 6 tháng đến một năm sau khi mắc bệnh. Tình trạng mệt mỏi hậu COVID kéo dài làm người bệnh có cảm giác như bị kiệt sức, thiếu năng lượng, mất động lực trong công việc và trong cuộc sống, giảm khả năng tập trung.
Đặc biệt, tình trạng mệt mỏi hậu COVID vẫn có thể không liên quan đến mức độ nặng của giai đoạn bị COVID-19 cấp tính. Ở một số bệnh nhân mệt mỏi kéo dài có thể là triệu chính của giai đoạn hậu COVID.
Video đang HOT
Nguyên nhân của tình trạng mệt mỏi kéo dài ở bệnh nhân hậu COVID được cho là hậu quả của phản ứng viêm do COVID-19, do tổn thương viêm hay giảm chuyển hóa cục bộ ở một số vùng trên não bộ đáp ứng với viêm toàn thân ở bệnh nhân COVID-19… Do vậy khi xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài ở giai đoạn hậu COVID, người bệnh cần được khám, chẩn đoán và có hướng dẫn điều trị thích hợp bởi thầy thuốc.
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tỉnh Bình Dương trong làn sóng dịch thứ 4.
Đau đầu: Triệu chứng đau đầu thường được than phiền ở bệnh nhân hậu COVID. Đặc biệt ở những bệnh nhân có tiền sử đau đầu trước đó như là đau đầu migrain (đau nửa đầu), đau đầu vận mạch thì cơn đau trở nên thường xuyên hơn và cường độ nặng hơn. Ở những bệnh nhân đau đầu mới xảy ra sau khi mắc COVID, được xem như là một trong những biểu hiện tổn thương thần kinh do COVID-19. Đặc điểm của đau đầu ở bệnh nhân hậu COVID là có thể kéo dài 3 – 6 tháng, cảm giác nặng hay thắt chặt trong đầu, đau âm ỉ hoặc có lúc buốt nặng khi tập trung, lo lắng, xúc cảm hoặc đôi khi kèm với cảm giác mất tập trung, giảm cảm nhận và khó diễn đạt hay biểu cảm; tình trạng này được gọi là “não mù sương” (brain fog).
Nguyên nhân của tình trạng đau đầu hậu COVID được cho là do tổn thương trực tiếp hệ thần kinh do COVID-19 hoặc do bởi những nguyên nhân gián tiếp do bởi giảm oxy máu, tăng đông máu hoặc do hiện tượng viêm cục bộ tại não hay toàn thân do bão cytokine.
Khó thở cũng là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân hậu COVID. Khó thở thường là do có liên quan trực tiếp tổn thương phổi ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính gây giảm khả năng khuyếch tán oxy từ phổi vào máu, do giảm thể tích phổi hậu COVID, do tổn thương đường dẫn khí trong giai đoạn cấp tính chưa hồi phục ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài.
Ở một số bệnh nhân hậu COVID, khó thở còn do bởi tình trạng xơ hóa phổi do tổn thương viêm do bão cytokine ở phổi giai đoạn cấp tính. Ngoài ra cần phải lưu ý đến dấu hiệu khó thở ở bệnh nhân hậu COVID còn là do hậu quả của tình trạng huyết khối thuyên tắc mạch máu phổi ở giai đoạn nhiễm COVID-19 cấp tính và thậm chí là ở cả giai đoạn COVID-19 kéo dài và hậu COVID-19.
Tình trạng khó thở diễn tiến ngày một nặng hơn ở giai đoạn hậu COVID-19 là dấu hiệu báo động người bệnh cần được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mất mùi và mất vị thường hay được than phiền bởi bệnh nhân COVID-19 giai đoạn hậu COVID. Mất mùi và mất vị ở bệnh nhân thường gặp ở những bệnh nhân đã xuất hiện triệu chứng này trong giai đoạn cấp tính.
Đa số tình tạng mất mùi – mất vị ở bệnh nhân COVID-19 giai đoạn cấp tính thường hồi phục tự nhiên sau 2 – 4 tuần; tuy nhiên khoảng 10% – 20% trường hợp người bệnh vẫn còn bị mất mùi, mất vị kéo dài sau 3 – 6 tháng hoặc cả năm.
Nếu rơi vào tình trạng hậu COVID-19, nên làm gì?
Trong khảo sát trên 550 người mắc COVID-19 tại các khu điều trị tại Bình Dương, cho thấy tỷ lệ bị mất mùi – mất vị giai đoạn cấp tính chiếm tỷ lệ là 25,8%; trong đó có 9,8% bệnh nhân vẫn còn triệu chứng mất mùi, mất vị ở giai đoạn COVID kéo dài. Do vậy, mất mùi và mất vị giai đoạn hậu COVID là triệu chứng gây lo lắng cho người bệnh, giảm chất lượng cuộc sống nên cần phải được thăm khám chuyên khoa.
Nguyên nhân của tình trạng mất mùi, mất vị ở bệnh được cho là do tổn thương viêm gây ra do COVID-19 ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh khứu giác ở mũi, hành khứu và các dây thần kinh dẫn truyền vị giác, các nụ vị giác ở lưỡi, làm cho người bệnh không cảm nhận được mùi vị thức ăn và mùi hương.
- Giáo sư có lời khuyên gì cho bệnh nhân sau khi điều trị khỏi COVID-19?
Bệnh nhân bị mệt mỏi kéo dài giai đoạn hậu COVID cần phải được tư vấn điều trị chuyên khoa để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh tật và được hướng dẫn trị liệu về nhận thức và hành vi, phối hợp với liệu pháp vận động phù hợp.
Đặc biệt người bệnh cần phải được hướng dẫn để tự duy trì được chế độ sinh hoạt, vận động phù hợp tránh tình trạng hoạt động quá mức gây kiệt sức và mệt mỏi quá mức. Người bệnh cần phải duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất khoáng, vitamin và năng lượng; cùng với một thời gian ngủ bảo đảm theo sinh lý và một giấc ngủ có chất lượng tốt…
Bệnh nhân bị đau đầu ở giai đoạn COVID-19 cần nên được khám và tư vấn chuyên khoa. Việc điều trị đau đầu hậu COVID thường được phối hợp nhiều phương thức khác nhau như là tâm lý liệu pháp nếu đau đầu có yếu tố tâm thần kinh, duy trì một chế độ vận động – nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, thường xuyên thư giãn chống stress (tập yoga, thiền định hay chánh niệm).
Những trường hợp người bệnh hậu COVID bị đau đầu kèm giảm chức năng nhận thức, kém tập trung và có hiện tượng “não mù sương” thì nên dùng thêm các loại củ quả chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa có thành phần flavonoid (luteolin) như cần tay, bông cải xanh, ca rốt, tía tô, dầu ôliu, trà hoa cúc.
Ở những bệnh nhân từng mắc COVID có tình trạng khó nên được thăm khám chuyên khoa hô hấp để được làm các xét nghiệm về thăm dò chức năng hô hấp và hình ảnh học. Dựa trên những tổn thương ở phổi và tình trạng chức năng hô hấp, thầy thuốc có thể chỉ định điều trị tập phục hồi chức năng hô hấp, tập thở. Phương pháp thở theo trường phái yoga có tên gọi là pranayama được các thầy thuốc Châu Âu cho là có hiệu quả trong làm giảm tình trạng khó thở ở bệnh nhân hậu COVID-19.
Mất mùi và mất vị kéo dài ở giai đoạn hậu COVID cần phải được thăm khám bởi các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng. Một số bệnh nhân có sự cải thiện mất mùi – mất vị sau khi dùng corticoid hoặc vitamine A xịt mũi (dùng cho bệnh nhân mất mùi) và bổ sung thêm uống vitamin C và omega-3 thường xuyên (dùng cho bệnh nhân bị cả mất mùi và mất vị).
Đặc biệt nếu người bệnh bị mất mùi thì cần phải hướng dẫn cho người bệnh thực hiện trị liệu bằng cách hít các hương liệu để phục hồi khứu giác với hương chanh, hương hoa hồng, hương bạc hà và bạch đàn, ít nhất ba lần mỗi ngày (mỗi lần khoảng 15-20 giây) cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
- Cảm ơn GS!
Ngành y tế Việt Nam đã thành công trong việc khống chế làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4. Tuy nhiên với hơn 2 triệu người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh hiện nay, một tỷ lệ không nhỏ (khoảng 20%) những bệnh nhân hậu COVID cần tiếp tục cần được sự tư vấn hỗ trợ và chăm sóc y tế. Do vậy, việc cập nhật các kiến thức về hậu COVID-19 nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế và nhận thức cho người bệnh là rất cần thiết, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nữ giới mắc Covid-19 giảm ham muốn tình dục, khó mang thai
Bên cạnh các di chứng kéo dài điển hình như mệt mỏi, khó thở, nhức đầu... nữ giới mắc Covid-19 giảm ham muốn tình dục, khó mang thai.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - Chuyên gia Sản phụ khoa đầu ngành tại TP.HCM, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Chủ tịch Liên chi Hội Phụ sản TP.HCM cho biết, chủ đề này được thế giới rất quan tâm. Có nhiều nghiên cứu đã được công bố khiến những bệnh nhân mắc COVID-19 rất lo lắng.
Bác sĩ Nhung cho hay, nghiên cứu đã chứng minh rằng virus SARS-CoV-2 sau khi nhiễm vào cơ thể con người có thể khiến tinh trùng của nam giới giảm chất lượng và số lượng.
Còn ở nữ thì hoạt động của buồng trứng và tử cung bị ảnh hưởng làm giảm khả năng thụ thai (do nang trứng không phát triển) và giảm khả năng làm tổ của trứng.
Để giải thích mối liên hệ này, theo bác sĩ Nhung phải nhìn lại cơ chế gây bệnh của virus SARS-CoV-2. Cấu trúc protein của virus này có các gai S. Những gai này rất có ái lực với thụ thể ACE 2 (angiotensin-converting enzyme 2). Khi muốn xâm nhập vào tế bào cơ thể người, virus phải gắn gai S với thụ thể ACE 2 nằm trên màng tế bào. Sau đó, chúng chuyển vật liệu di truyền, hòa vào nhân tế bào con người.
Thụ thể ACE2 hiện diện rất nhiều ở màng tế bào niêm mạc miệng, phổi, tim và các cơ quan khác khắp cơ thể, trong đó có cơ quan sinh dục - là cơ quan đích dễ bị virus tấn công. Ở nam nhiều nhất là tinh hoàn và ở nữ là buồng trứng, nội mạc tử cung. Vì thế, khi nhiễm COVID-19 thì khả năng sinh sản sẽ bị ảnh hưởng.
Virus SARS-CoV-2 sau khi nhiễm vào cơ thể con người có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản (Ảnh minh họa)
Virus "tấn công" bộ phận sinh dục nam, nữ sẽ gây ra những hậu quả nào, mức độ ra sao?
Theo chuyên gia, các nghiên cứu cho thấy khi virus gắn vào các thụ thể ACE2 ở tinh hoàn nam giới thì sẽ ảnh hưởng đến các cấu trúc nằm trong tinh hoàn như ống sinh tinh, tế bào nuôi dưỡng tinh trùng là tế bào Sertoli và tế bào Leydig là nơi sản xuất ra testosterone (hormone sinh dục nam).
Testosterone có vai trò quan trọng hỗ trợ cho sự sinh sản và phát triển tinh trùng. Khi tinh hoàn bị nhiễm virus thì phản ứng viêm tế bào xảy ra, làm giảm tiết nội tiết tố testosterone, giảm sự sinh tinh trùng.
Chính vì vậy, số lượng và chất lượng tinh trùng bị ảnh hưởng theo. Nếu phản ứng viêm nhiều sẽ gây ra hiện tượng xơ hóa, tác động xấu đến quá trình sinh tinh trùng và có sự rối loạn cương dương.
Tuy nhiên, bác sĩ Nhung nhấn mạnh vấn đề rối loạn cương dương, xuất tinh sớm ở nam giới có phải do ảnh hưởng COVID-19 hay không còn là vấn đề bàn cãi vì những rối loạn này cũng có thể do tâm lý căng thẳng khi mắc bệnh... Nhưng chất lượng và số lượng tinh trùng ở người bị nhiễm COVID-19 bị suy giảm thì đã được những nghiên cứu trên thế giới xác nhận.
Còn ở nữ sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của nang noãn, niêm mạc tử cung bị viêm, từ đó tác động xấu đến quá trình trứng thụ tinh và làm tổ.
Riêng vấn đề ham muốn tình dục ở nữ, theo một nghiên cứu ở Pakistan từ tháng 6/2020 đến tháng 3/2021 trên 300 phụ nữ bị nhiễm COVID-19 nặng tham gia trả lời bảng câu hỏi đánh giá rối loạn tình dục (FSFI) sau khi khỏi bệnh cho thấy tỉ lệ nữ giới suy giảm ham muốn tình dục đáng kể so với trước khi mắc bệnh. Sự khác biệt trước và sau mắc bệnh có ý nghĩa thống kê.
"Tại Việt Nam, từ những bệnh nhân tôi từng thăm khám và qua chia sẻ của đồng nghiệp là chuyên gia nam học, chúng tôi ghi nhận có bệnh nhân bị ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, tình dục sau khỏi COVID-19. Tuy nhiên, kết quả này chưa được thống kê nghiên cứu tại Việt Nam đầy đủ vì chưa có dữ liệu so sánh với thời điểm trước khi họ nhiễm COVID-19.
Chẳng hạn bệnh nhân nam sau nhiễm COVID-19 đi khám hiếm muộn được cho làm xét nghiệm tinh dịch đồ thì thấy có kết quả thấp hơn tiêu chuẩn. Tuy nhiên trước khi nhiễm COVID-19, họ chưa đi khám nên bác sĩ không biết chất lượng tinh trùng của họ thế nào, vì thế không thể đưa ra kết luận có phải do COVID-19 gây ra hay không", bác sĩ Nhung nói.
Hậu Covid-19 ảnh hưởng đến việc mang thai và sinh con (Ảnh minh họa)
Việc mang thai và sinh con bị ảnh hưởng ra sao?
Chuyên gia Sản phụ khoa cho rằng, SARS-CoV-2 có ảnh hưởng đến chất lượng, số lượng tinh trùng ở nam giới; nang noãn, niêm mạc tử cung ở nữ giới. Điều này có tác động không tốt đến quá trình thụ thai nhưng virus không lây truyền qua thai nhi.
Về tỉ lệ thai nhi bị dị tật ở thai phụ nhiễm COVID-19 không có khác biệt so với thai phụ bình thường vì virus không lây truyền từ mẹ sang con.
Ngoài ra phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19 dễ sinh non hơn do khi thai phụ bị viêm phổi nặng thì cần chấm dứt thai kỳ để cứu mẹ và con bất kể tuổi thai nào. Nhiều trường hợp mẹ đã phải mổ cấp cứu khi thai chưa được 30 tuần. Sau khi đem thai ra khỏi tử cung thì sự hồi sức giúp thở cho mẹ mới có hiệu quả tốt hơn.
Nghiên cứu mới phát hiện di chứng sau khi mắc COVID-19 ở trẻ em Nghiên cứu mới cho thấy khẩu vị ăn uống ở trẻ em có thể thay đổi hoàn toàn sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. Ảnh minh hoạ: Getty Images. Theo đài RT (Nga), nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Đại học East Anglia và tổ chức từ thiện Fifth Sense cho biết một số trẻ có thể trở nên kén ăn...