Sau Italy, Tây Ban Nha sẽ sớm công bố phong tỏa toàn quốc
Chính phủ Tây Ban Nha sẽ yêu cầu toàn bộ người dân ở nhà trừ khi cần ra ngoài vì những việc gấp như mua thuốc, lương thực hay đi cấp cứu.
Reuters tiếp cận được bản thảo nghị quyết tình trạng khẩn cấp, dự kiến được chính phủ thông qua trong cuộc họp ngày 14/3. Thông tin này trước đó cũng được báo chí nước này đưa.
Đây là biện pháp quyết liệt tương tự như nước láng giềng Italy, nước đã tiến hành phong tỏa từ hôm 9/3.
Một người đeo khẩu trang đi ở đại lộ Gran Via hầu như vắng tanh ở trung tâm Madrid hôm 14/3. Ảnh: Reuters.
Tây Ban Nha trong ngày thông báo có thêm 1.500 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 5.753 ca.
Nước này đang nhanh chóng trở thành tâm điểm dịch mới ở châu Âu với số ca nhiễm cao thứ 2 ở châu lục, chỉ sau Italy, nước đã có gần 18.000 ca nhiễm.
Với nghị quyết tình trạng khẩn cấp, chính quyền Madrid có thể huy động các nguồn lực chống dịch, hiện đã khiến ít nhất 136 người thiệt mạng ở nước này.
Đây là lần thứ 2 trong lịch sử gần đây nước này phải công bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc.
Người dân đổ xô đi mua đồ tích trữ hôm 14/3 ở Bilbao. Ảnh: Reuters.
Tây Ban Nha bắt đầu áp dụng biện pháp phong tỏa với thủ đô Madrid từ hôm 12/3. Các quán bar, nhà hàng và cửa hàng không kinh doanh những mặt hàng thiết yếu buộc phải đóng cửa.
El Mundo cho biết siêu thị và các hiệu thuốc vẫn được phép mở cửa.
Những khu vực đầu tiên được áp lệnh phong tỏa tại Tây Ban Nha thuộc vùng Catalonia, bao gồm thị trấn Igualada và 3 ngôi làng lân cận. Lệnh phong tỏa được áp dụng và tiến hành ngay trong đêm, đặt 70.000 dân dưới tình trạng hạn chế đi lại.
Tại khu vực Madrid, chính quyền Tây Ban Nha đã trưng dụng cơ sở hạ tầng tại nhiều bệnh viện tư để ứng phó dịch bệnh. Chính quyền địa phương sẵn sàng sử dụng nhiều cơ sở khác, trong đó có khách sạn, để bổ sung năng lực điều trị hồi sức tích cực khoảng 1.000 ca bệnh.
Tây Ban Nha đã có 2 thành viên nội các chính phủ dương tính với virus corona, gồm Bộ trưởng Bình đẳng giới Irene Montero và Bộ trưởng Chính trị vùng Carolina Darias.
Hôm 13/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố châu Âu giờ đang là “tâm điểm” của dịch Covid-19.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước sử dụng những biện pháp quyết liệt, huy động cộng đồng và tiến hành cách ly để có thể cứu sinh mạng người bệnh.
Một số nước châu Âu đã công bố các ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong mấy ngày gần đây.
Covid-19 được nâng lên mức đại dịch
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố Covid-19 đã tới giai đoạn được gọi là đại dịch. Hơn 118.000 ca nhiễm tại 114 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo news.zing.vn
Xác định người nhiễm nCoV đầu tiên ở Trung Quốc
Dữ liệu chính phủ Trung Quốc ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên là một người đàn ông 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, khởi phát bệnh ngày 17/11/2019.
Từ người đầu tiên này, trong một tháng rưỡi cuối năm 2019, giới chức y tế xác định được ít nhất 266 bệnh nhân. Tất cả họ đều được theo dõi y tế.
Từ ngày 17/11/2019, mỗi ngày có 1-5 bệnh nhân mới, triệu chứng tương tự người đầu tiên. Đến ngày 17/12, tổng số ca tăng hàng ngày lên hai con số. Đến ngày 20/12, tổng số trường hợp bệnh được xác nhận lên tới 60. Khi ấy, người ta vẫn chưa rõ nguyên nhân gây bệnh.
Ngày 27/12, Zhang Jixian một bác sĩ của Bệnh viện Trung Tây Y tổng hợp tỉnh Hồ Bắc, đã báo cáo với các cơ quan y tế của Trung Quốc rằng căn bệnh này là "do một loại virus corona chủng mới gây ra". Lúc này đã có hơn 180 người mắc bệnh, nhiều y bác sĩ vẫn chưa nhận ra mức độ nghiêm trọng của bệnh này.
Đến ngày cuối cùng của năm 2019, số trường hợp được xác nhận đã tăng lên 266. Vào ngày đầu tiên của năm 2020, số ca nhiễm lên 381.
Giữa tháng 1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới công bố xác định nguyên nhân gây bệnh do chủng virus corona chưa từng biết đến, tạm gọi tên là nCoV. Một tháng sau WHO mới đặt tên cho dịch bệnh là Covid-19 và gọi virus chủng mới là SARS-CoV-2.
Đến nay các nhà khoa học vẫn đang tìm kiếm "bệnh nhân 0" để truy tìm nguồn gốc của nCoV. Virus mới được tạm cho lây từ động vật hoang dã, cụ thể là dơi, sang người.
Các nhà khoa học đã và đang cố gắng lập bản đồ mô hình truyền bệnh Covid-19 sớm kể từ khi dịch bệnh được báo cáo tại thành phố Vũ Hán. Hiểu cơ chế nCoV lây lan và xác định các ca bệnh chưa được phát hiện sẽ giúp ngăn chặn dịch bệnh.
Nhân viên y tế chụp ảnh tại bệnh viện dã chiến ở Vũ Xương, Vũ Hán, sau khi các bệnh nhân cuối cùng xuất viện ngày 10/3, bệnh viện đóng cửa hoàn thành sứ mệnh. Ảnh: Chinadaily.
Ngày 12/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khẳng định nước này đã vượt qua đỉnh dịch Covid-19 do số ca nhiễm nCoV mới đang giảm nhanh. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh tỉnh Hồ Bắc ghi nhận chỉ 8 ca nhiễm mới trong ngày. Một chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc dự báo thành phố Vũ Hán, tâm dịch Covid-19, có thể không còn ca nhiễm mới vào cuối tháng 3.
Đến sáng 13/3, Covid-19 lan ra 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 134.000 người nhiễm, gần 5.000 người chết. Các ca mới tập trung tại những điểm nóng ở châu Âu như Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Đức...
Lê Cầm (Theo SCMP)
Theo vnexpress.net
Đại dịch Covid-19: 4 nước châu Âu lập kỷ lục số ca nhiễm mới Cả Italy, Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao kỷ lục trong ngày 12/3. Hết ngày 12/3, 43 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu có người nhiễm Covid-19. Tổng số trường hợp mắc bệnh ở châu lục này là 25.690 người, trong đó 1.201 người chết. Italy vẫn là nước đứng đầu...