Sau đêm cãi nhau nảy lửa với vợ, anh chồng đột ngột được người hàng xóm hẹn gặp riêng và đưa ra đề nghị gây sốc
Đêm ấy vợ chồng Huy cãi nhau đến nửa đêm, hẳn hàng xóm cũng nghe được những lời to tiếng của họ.
Nhiều người đàn ông có suy nghĩ khá lạ lùng, rằng “đã câu được cá rồi thì cần gì mắc mồi nữa”, vợ lấy về rồi sẽ chẳng bao giờ tuột khỏi tay được. Chính vì thế mới có sự thay đổi một trời một vực trước và sau khi kết hôn, khi yêu nâng niu, chiều chuộng bao nhiêu thì cưới về đàn ông vô tâm và thờ ơ bấy nhiêu.
Huy (35 tuổi, Hà Nội) thẳng thắn cho biết, anh từng có suy nghĩ sai lầm như thế. Nhưng anh cuối cùng đã nhận ra, ở đời này chẳng có gì là không thể mất đi, muốn hái được trái ngọt thì ắt phải vun trồng, chăm bón.
“Tôi và vợ kết hôn đến nay mới 4 năm, có một đứa con trai đầu lòng. Cuộc sống cũng không đến nỗi nào, hai chúng tôi đều đi làm kiếm ra tiền, nếu chịu khó tích góp và vợ chồng đồng lòng thì chẳng mấy mà có thành tựu”, anh nói.
Nhưng khổ nổi Huy trước đây không phải một người chồng tốt. Tuy anh không ngoại tình nhưng lại thường xuyên nhậu nhẹt bên ngoài và quá nhiệt tình với bạn bè. Thêm khoản vô tâm với gia đình, để mặc vợ tự xoay xở việc nhà, con cái, thành ra vợ Huy rất bất mãn với chồng. Hai người thường xuyên cãi nhau, Huy cho rằng là vợ thì phải gánh những nghĩa vụ ấy, còn vợ anh lớn tiếng trách chồng vô trách nhiệm.
Đêm hôn trước, mãi hơn 1 giờ sáng anh mới từ quán nhậu về nhà. Thấy vợ đón mình bằng vẻ mặt tức tối và mớ lời ca thán inh tai, Huy đâm ra bực bội. Hai người lời qua tiếng lại, càng ngày càng mất kiểm soát. Huy có hơi men trong người, không làm chủ được cảm xúc nên giơ tay tát vợ một cái. Cô choáng váng, khóc lóc chỉ trích chồng thì anh cho rằng cô láo nên mới phải dạy bảo.
Đêm ấy hai người cãi nhau đến nửa đêm, hẳn hàng xóm cũng nghe được những lời to tiếng của họ. Sáng hôm sau vợ anh đùng đùng bế con sang nhà cô bạn tá túc để tìm chỗ trọ mới, bảo rằng sẽ ly thân với chồng. Huy thấy thế càng bực, anh rất ghét kiểu phụ nữ hễ vợ chồng cãi nhau là ôm con bỏ đi. Anh tự nhủ sẽ không đón cô về, cô đi được phải tự về được.
“Ngay khi vợ tôi vừa đi được một lúc, người hàng xóm đột nhiên sang mời tôi đi uống cafe bảo có chuyện muốn nói. Tôi và anh ta không thân thiết cho lắm, qua lại có chào hỏi nhau vài câu mà thôi. Dù khó hiểu nhưng tôi ngại không muốn từ chối, đành theo anh ta đến quán nước gần đó”, Huy kể.
Sau khi hỏi han vu vơ vài câu, người hàng xóm kia đột nhiên đưa ra cho Huy một đề nghị gây sốc: “Hay là anh và vợ ly hôn đi. Sống với nhau mà không hạnh phúc, suốt ngày cãi nhau như thế thì sống làm gì. Anh còn đánh cô ấy nữa, chẳng hiểu anh nghĩ gì đấy. Nói thật tôi thích vợ anh, nên anh bỏ vợ đi để tôi còn cưa cẩm cô ấy. Tôi không thích làm kẻ thứ ba đâu, nếu không tôi đã tán vợ anh từ lâu rồi”.
Khỏi nói Huy kinh hãi thế nào khi nghe những lời người hàng xóm thốt ra. Nhìn anh ta thật sự rất nghiêm túc, Huy biết anh ta nói thật. Huy cực kỳ tức giận khi người ngoài xen vào chuyện gia đình mình, còn nói thích vợ anh và bảo anh hãy giải thoát cho cô nữa. Tự ái đàn ông trong Huy bị động chạm nghiêm trọng. Anh gào lên giận dữ với người hàng xóm rồi bỏ về.
Đêm ấy Huy mất ngủ, trong đầu văng vẳng những lời người hàng xóm nói ban ngày. Anh ta đã ly hôn, không biết có con riêng hay chưa, tuổi tác cũng tương đương với anh. Có lẽ anh ta để ý vợ Huy khá lâu rồi, hôm đó thấy anh đánh vợ nên không kiềm chế được mà hẹn gặp.
Dù không muốn nhưng Huy vẫn phải thừa nhận mình đối xử quá tệ với vợ. Cứ cái đà ấy, kể cả lần này vợ chồng anh làm lành được thì sau này đâu thể đảm bảo vợ không chán ngấy mà bỏ anh trước. Anh không đối xử tốt với vợ, bên ngoài vẫn còn người nguyện ý chăm sóc cho cô!
Video đang HOT
“Ngay sáng hôm sau tôi đi đón vợ về, xin lỗi cô ấy và hứa sẽ thay đổi. Cũng may vợ đã tha thứ cho tôi. Đúng là đứng trước nguy cơ mất đi điều gì đó thì con người ta mới biết quý trọng”, Huy nói.
Đã là vợ chồng thì sẽ có nhiều ràng buộc, chẳng thể nói chia tay là chia tay ngay được. Chính vì nghĩ như thế nên nhiều người trở nên hời hợt với hôn nhân, họ cho rằng đối phương đâu dễ dàng mà bỏ mình được.
Nhưng họ không hiểu một điều, kết hôn là để hạnh phúc, để có một mái ấm thuộc về riêng mình. Kết hôn không phải để dằn vặt, chịu đựng nhau, cố giữ cái vỏ bọc hôn nhân chỉ vì không dám ly hôn. Cuộc hôn nhân như thế trên danh nghĩ vẫn còn nhưng thực chất đã chết yểu từ bao giờ. Và chắc chắn cái gì cũng có giới hạn của nó, tới một lúc nào đó người trong cuộc cũng chán nản rời đi mà thôi.
Hàng xóm... 'lựu đạn'!
Chợt nghĩ thời thế gì mà kỳ. Càng gần khoảng cách địa lý thì càng xa đi cái tình người.
Ông chú họ của tôi có việc phải lên thành phố ở gần một tuần lễ. Mới được hai bữa, ông đã tặc lưỡi, đòi về: "Ở trên này phức tạp quá, không như ở quê...".
Hỏi mãi ông mói chịu nói cái sự phức tạp có nguyên nhân từ bà hàng xóm của tôi. Sáng nào bà cũng dắt chó ra cho nó đái, ỉa ở cái gốc cây trước nhà. Thấy kỳ, ông chú có ý kiến thì bị bà hàng xóm mắng xối xả: "Cái gốc cây đó là của ông hử? Đồ nhà quê mà bày đặt học đòi văn minh đô thị".
Câu chuyện của "ông già nhà quê" làm tôi nghĩ đến chuyện hàng xóm, láng giềng ở xứ sở phồn hoa đô hội này. Nói ra nghe chơi chứ không quơ đũa cả nắm.
***
Bà chị tôi nổi tiếng hiền lành từ nhỏ. Trong nhà, ngoài ngõ không bao giờ ai nghe thấy chị nói lớn tiếng hay gây gổ với ai. Ấy vậy mà vừa rồi, chị vác dao qua nhà hàng xóm: "Tôi qua báo cho anh chị biết là tôi sẽ chặt hai cây đu đủ".
Nói là làm. Không chờ hàng xóm tỏ thái độ, chị lia dao "pặc pặc" hai nhát, 2 cây đu đủ ngã rạp. Xong rồi chị đứng bên này nói vọng sang bên kia: "Còn mấy cái chậu rau cải, cây cối của anh chị trồng lấn sang nhà tôi thì qua mà đem về, không tôi vứt ra đường hết".
Bà hàng xóm ban đầu còn sừng sộ này nọ nhưng sau đó biết mình bậy nên riu ríu đi bưng khay, chậu về bên nhà mình.
Nhiều người dân thành phố vẫn có thói quen cho chó ị... bên nhà hàng xóm. Ảnh: Người Lao Động
Không phải tự nhiên chị tôi hung dữ. Chuyện là vầy: Vợ chồng ông hàng xóm mới mua nhà, dọn về ở cạnh nhà chị tôi. Ban đầu quan hệ hai bên cũng bình thường. Anh chị tôi là giáo viên nên ăn nói, cư xử nhẹ nhàng, nhà bên kia mới dọn về cần cái này, cái kia, anh chị đều vui vẻ làm giúp.
Cho tới ngày nọ, bà hàng xóm sang chơi, thẻ thọt: "Chỗ góc sân này còn nhiều đất trống, anh chị không trồng gì thì phí. Hay là cho tôi trồng mấy cây rau cải cho vui, vừa có cái ăn, đỡ được tiền chợ".
Chị tôi bảo chỗ đất trống này đang định trồng bông mà chưa có thời gian rảnh để trồng, nếu bà muốn trồng rau thì cũng được, nhưng chỉ một lứa thôi, sau đó phải trả lại cho anh chị tôi trồng bông.
Được lời như cởi tấc lòng, bà hàng xóm hì hục cuốc xới gieo trồng đủ thứ rau củ. Chưa hết, bà còn mua thêm cả chục cái khay để trồng rau. Khổ nỗi, trước nhà bà có chỗ rộng rãi mà bà không để, lại mang hết để trước cửa nhà anh chị tôi. Cứ sáng sáng, chiều chiều bà lại mang đủ thức phân, thuốc ra tưới. Cả khoảng sân ướp át trơn trượt, dơ bẩn, tổ dân phố mấy lần phê bình. Bà hứa đủ điều nhưng đâu vẫn vào đấy.
Đỉnh điểm là hôm cháu ngoại của chị tôi xuống chơi. Con bé bị trượt ngã trước sân, đầu gối tóe máu. Chị tôi xót cháu nên nói với hàng xóm: "Anh chị bứng mấy cây đu đủ, cây ớt, bạc hà... về bên nhà trồng đi, tôi lấy đất lại trồng bông. Mà mấy cái khay rau trước nhà tôi, anh chị cũng đem về bên kia mà để".
Nhà hàng xóm ừ hử nhưng cả tháng sau vẫn không thực hiện. Cho tới ngày chị tôi vác dao chặt hai cây đu đủ và khuân mấy khay rau củ vứt ra đường thì tình làng, nghĩa xóm xứt mẻ kể từ đây!
Chị tôi nói: "Dân tình gì kỳ cục quá, mình không nói, họ cứ lấn tới. Thôi, không cần thứ hàng xóm lựu đạn đó nữa!
***
Chuyện chị kể làm tôi nhớ đến cô hàng xóm "mới tinh" của mình. Tôi có nhiều hàng xóm vì ở nhà tập thể. Cô hàng xóm mới mua nhà ở tầng trệt dọn về ở chưa bao lâu thì xảy ra chiến tranh lạnh có, nóng có với cư dân cả tòa nhà.
Người ta nói ma cũ ăn hiếp ma mới, đằng này cô mới chân ướt, chân ráo về mà muốn dằn mặt cả xóm để làm "trùm cuối". Chuyện bắt đầu khi cô sửa nhà nhưng không dọn dẹp mà đem đồ đạc chất ngáng cả lối đi của mọi người. Anh trưởng nhà góp ý, cô nhảy dựng lên: "Chừng nào tui làm xong tui dọn". Mọi người phải chờ mất gần 2 tháng mới có lối đi lại bình thường.
Vứt rác sang nhà hàng xóm cũng là thói quen của nhiều cư dân đô thị.
Chuyện thứ hai là cô đơn phương ra quy định không cho mấy chủ nhà trên lầu để xe dưới tầng trệt gần nhà cô. Dị hợm đến độ vì không muốn cho mọi người để xe chỗ đó nên cô đem xe của anh em, con cháu về chiếm cứ lãnh địa khiến mọi người không còn chỗ để xe. Thế là chửi nhau ỏm tỏi cả ngày lẫn đêm. Đã vậy, cô còn gởi đơn lên phường, lên quận, lên cả thành phố để khiếu nại vì "cả nhà tập thể xúm lại ăn hiếp tôi".
Phường phải tổ chức đến hơn một chục cuộc họp nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được rốt ráo mọi thứ vì cô vẫn còn chiếm mấy chỗ để xe, không cho người khác để. Anh trưởng nhà lắc đầu: "Gặp thứ hàng xóm Chí Phèo như vầy tôi chịu thua". Rồi anh kể cách đây nửa tháng, cô ta bị lên cơn đau tim giữa đêm, phải kêu 115 tới chở đi cấp cứu chứ cư dân trong nhà tập thể không ai hay biết. Anh nói: "Cái thứ sống không biết tới ai như vậy, lỡ có bệnh tật, đau yếu hay xảy ra chuyện gì thì chết rục trong nhà không ai hay!".
***
Con gái tôi cũng trúng phải một người hàng xóm trời ơi!
Hồi con tôi mới mua nhà có sửa chút đỉnh trước khi dọn vào ở. Thợ thầy mới đập nhát búa đầu tiên thì đã thấy thanh tra xây dựng xuất hiện yêu cầu dừng thi công vì có khiếu nại. Họ nói rằng con tôi đã đập bức tường chung của hai nhà mà không hỏi ý kiến họ. Con tôi trình giấy tờ ra cho thấy đây là tường riêng của nhà mình thì bà hàng xóm tẽn tò: "Nhưng nhà tôi có con nít, mấy người làm nhà ồn ào, bụi bặm ảnh hưởng sức khỏe tụi nó". Anh thanh tra xây dựng phải lên tiếng: "Thì phải chịu vậy chớ biết sao? Mai mốt ông bà cũng có khi phải sửa chữa nhà cửa mà".
Cũng trầy trật lắm con gái tôi mới sửa xong được căn nhà của tụi nó vì cứ vài ngày là bà hàng xóm lại đứng trước nhà rủa xả nào là ồn, nào là bụi, nào là làm rớt xà bần, nào là văng nước xuống sân nhà bà...
Đúng như lời anh thanh tra xây dựng nói, cách đây chưa lâu bên đó lợp lại mái tole. Để nước mưa không tràn vào nhà, họ phải phủ một miếng tole chạy dọc từ nóc nhà xuống máng xối. Con tôi đang ngủ trưa thì nghe tiếng đục tường ầm ầm, chạy ra coi thì thấy họ đang khoan tường nhà mình để gắn miếng tole vô. "Ủa, sao mấy anh khoan tường nhà tôi mà không hỏi gì hết vậy?- con tôi hỏi mấy anh thợ hồ. Mấy ảnh nói chủ nhà kêu "khoan đại đi vì con nhỏ chủ nhà bên đó hiền lắm".
Kể lại với tôi, con gái bật cười: "Ba coi đó, bác Hai làm cái gì cũng chỉ nghĩ phần lợi cho mình. Mà thôi, con cũng kệ cho khỏi mích lòng hàng xóm".
***
Sáng nay tôi chở bà xã đi siêu thị. Vừa tấp xe vào Satra Food trên đường Điện Biên Phủ thì thấy cô nhân viên cầm bọc rác to đùng bước sang nhà bên cạnh: "Rác bên cô sao không để trước cửa nhà cô mà để bên cửa hàng của con vậy? Con nói hoài mà sao cô vẫn để hoài vậy?".
Bà chủ nhà ăn bận sang trọng, mắt xanh mỏ đỏ cười giả lả: "Để đâu thì người ta cũng lấy, còn trẻ mà rắc rối quá hà".
Cô nhân viên hỏi lại: "Vậy con đem rác bên cửa hàng để trước nhà cô được không?".
Cuộc dối thoại chấm dứt. Người đàn bà dùng 2 ngón tay nhéo lấy cái bọc rác, tay kia bịt mũi.
Tôi không thể nhịn cười.
Tình làng, nghĩa xóm ngày xưa còn đâu?
Chợt nhớ đến mấy cô, mấy thím ở quê. Lần nào chúng tôi về, người thì cho quài chuối, người cho trái bưởi, mớ rau tập tàng để xách lên Sài Gòn. Ấm áp vô cùng.
Chợt nghĩ thời thế gì mà kỳ. Càng gần khoảng cách địa lý thì càng xa đi cái tình người.
Đúng là hàng xóm... lựu đạn!
Bà hàng xóm nói xấu con dâu, mẹ chồng xông vào "xử đẹp" và cái kết không thể nhịn cười Tình huống dở khóc dở cười cho thấy sự nhiệt tình nhưng có phần dại dột của mẹ chồng. Câu chuyện được chia sẻ trong nhóm đông thành viên Facebook. Xưa nay, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vốn có nhiều định kiến không tốt. Thế nhưng, gia đình này hoàn toàn khác. Mẹ chồng quý con dâu như con đẻ,...