Sau Chu Vĩnh Khang, sẽ có ‘con hổ’ bị điều tra?
Nếu Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đi xa hơn trong việc xử lý các “con hổ” khác, điều này có thể làm nhiều chính trị gia cấp cao phải e dè…
Sau một thời gian đồn đoán, cuối cùng giới chức Bắc Kinh chính thức công bố quyết định tiến hành điều tra đối với cựu ủy viên thường vụ Bộ Chính trị TQ Chu Vĩnh Khang do “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”.
Điều đáng chú ý là Tân Hoa xã đã không dùng từ “đồng chí” để nói về ông Chu Vĩnh Khang như đã dành cho ông Bạc Hy Lai. Điều này có thấy hai khả năng, đó là ông Chu đã bị khai trừ khỏi đảng hoặc sắp bị khai trừ.
Thay vì nói ông Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra, Tân Hoa xã lại cho biết trường hợp của ông này “đang được xem xét”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hoạt động điều tra những việc làm sai trái của cựu Bộ trưởng Công an TQ đã gần như hoàn tất.
Trong bối cảnh ấy, dư luận chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi những gì sẽ xảy ra tiếp theo sau vụ ông Chu. Để trả lời câu hỏi này, tờ Wall Street Journal cho rằng có 4 vấn đề cần quan tâm.
Đầu tiên, tại sao trường hợp của ông Chu lại được công bố?
Nếu chỉ bị xử lý kỷ luật đảng, ông Chu có thể thoát khỏi các án phạt nặng nhưng trong trường hợp ấy, Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ bị dư luận đặt dấu hỏi lớn về khả năng cũng như cam kết tiến hành cải cách. Ông Tập từng tuyên bố sẽ tiêu diệt “cả hổ lẫn ruồi” nếu nhúng chàm nên ông không còn lựa chọn nào khác là phải cho công bố công khai trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang.
Thứ hai, tại sao trường hợp của ông Chu lại được công bố vào thời điểm này?
Trước đây, có nhiều người cho rằng việc công khai điều tra sẽ được tiến hành từ đầu năm 2014. Tuy nhiên, điều này đã không diễn ra và chỉ đến khi một số người bắt đầu cảm thấy rằng chiến dịch chống tham nhũng của TQ đã chững lại, số khác tỏ ra nghi ngờ lời hứa của ông Tập, sự việc mới được công khai.
TQ cũng có thể đưa trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang ra bàn thảo tại hội nghị TƯ 4 khoá 18 đảng Cộng sản TQ tới đây nhưng điều này sẽ làm ảnh hưởng đến chương trình nghị sự chính là bàn về cải cách quy định của pháp luật, cải cách kinh tế. Bên cạnh đó, việc đưa vấn đề này vào chương trình hội nghị có thể sẽ khó đạt được sự đồng thuận.
Và lựa chọn để công bố trường hợp của ông Chu ở thời điểm hiện tại được cho là bước đi hợp lý của TQ bởi vấn đề này sau đó sẽ chỉ cần tham khảo qua ý kiến của các thành viên Bộ Chính trị và cựu lãnh đạo cấp cao trong đảng.
Video đang HOT
Thứ ba, sẽ có các “con hổ” sau ông Chu bị điều tra?
Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra bởi việc phá vỡ một quy tắc bất thành văn là các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị sẽ không bị động đến sau khi đã nghỉ hưu không đơn thuần là phép thử của ông Tập với “hệ miễn dịch” của các thành viên Bộ Chính trị. Thay vào đó, dường như TQ đang cố gắng để đưa ra lời cảnh báo đối với các quan chức cấp cao khác cần tránh xa tham nhũng.
Trên thực tế, việc công bố trường hợp của ông Chu Vĩnh Khang được cho là kết quả của một sự thương lượng, thỏa hiệp giữa các nhân vật cấp cao ở TQ. Nếu ông Tập đi xa hơn trong việc xử lý các “con hổ” khác, điều này có thể làm nhiều chính trị gia cấp cao phải e dè, dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường chính trị của TQ.
Thứ tư, trường hợp ông Chu sẽ được xử lý thế nào?
Những gì đã xảy ra với ông Bạc Hy Lai cho thấy, gần như chắc chắn ông Chu Vĩnh Khang sẽ được xét xử tại tòa án. Điều này đã được Tân Hoa xã ngầm tiết lộ trong tuyên bố của mình, theo đó đảng Cộng sản TQ khẳng định bất kể ai, dù ở vị trí nào và đã có đóng góp cho đất nước ra sao vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm kỷ luật, vi phạm các quy định của luật pháp.
Theo VOV
Cuộc đời quyền lực của Chu Vĩnh Khang
Từng là người đầy quyền thế trong ngành dầu mỏ và công an Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Bộ Chính trị, đang bị điều tra về tội danh tham nhũng sau cú hạ cánh tưởng là an toàn năm 2012.
Chu Vĩnh Khang (thứ ba từ phải sang) từng thâu tóm nhiều quyền lực trong tay khi là bộ trưởng công an Trung Quốc. Ảnh: AFP
Trong gần một thập kỷ, Chu Vĩnh Khang, con trai của một gia đình nghèo ở nông thôn tỉnh Giang Tô, là một trong những người đàn ông quyền lực hạng nhất Trung Quốc. Nhưng hôm qua, người đàn ông 71 tuổi này không còn là nhà lãnh đạo được nể trọng nữa, mà là đối tượng bị cơ quan chống hối lộ của đảng Cộng sản Trung Quốc giam giữ để điều tra.
Tờ South China Morning Post dẫn các nguồn tin trước đó cho biết thực tế ông Chu cùng vợ là bà Giả Hiểu Diệp đã bị bắt từ tháng 12 năm ngoái tại Bắc Kinh.
Là con trai cả của một gia đình ở làng Tây Tiền Thủ, Vô Tích, Giang Tô, Chu Vĩnh Khang thoát khỏi sự khắc nghiệt và nghèo đói của cuộc sống nhà nông, với tấm bằng khá ở trường trung học và thi đỗ vào đại học. Kết thúc khóa học tại trường trung học Tô Châu năm 1958, ông Chu thi vào Học viện Xăng dầu Bắc Kinh, nay là Đại học Xăng dầu Trung Quốc.
Chu Vĩnh Khang bắt đầu sự nghiệp là một thợ máy ở mỏ dầu Đại Khánh ở Hắc Long Giang .Khu này, chỉ mới hoạt động vài năm trước khi ông Chu đến, giờ đây là khu lọc dầu lớn nhất Trung Quốc. Ông Chu sau đó làm việc tại mỏ dầu Liễu Hà và từ đó thăng tiến trong ngành công nghiệp này.
Một người có các mối quan hệ thân cận trong ngành này nói: "Ông Chu lao mình vào công việc với niềm hăng say lớn. Ông là một người lãnh đạo thiên bẩm. Mùa đông ở đông bắc Trung Quốc kéo dài và lạnh, nhưng ông luôn đi đầu và không bao giờ bỏ cấp dưới đơn độc".
Ông Chu nổi danh là một công nhân khỏe mạnh và bạo gan, nhưng cũng rất hào phóng. Trong điều kiện sống nghèo khổ lúc đó, các công nhân không có đủ đồ ăn, ông Chu cũng nghèo nhưng thường đem bánh bao nóng ở nhà đến cho các đồng nghiệp, người này kể.
Dần dần, Chu Vĩnh Khang trở thành người đứng đầu của ngành dầu mỏ Liễu Hà và có mối quan hệ với cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng, lúc đó có tên trong Ủy ban Năng lượng quốc gia. Năm 1996, ông Chu là lãnh đạo của tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất Trung Quốc.
Năm 1999, Chu Vĩnh Khang trở thành bí thư của tỉnh giàu tài nguyên Tứ Xuyên và tiếp tục bước đường công danh sự nghiệp. Khi đó ông Chu tạo dựng danh tiếng là một người kiên định lập trường. Ông là một nhân vật trung tâm trong mạng lưới những chính trị gia có ảnh hưởng và có mối liên hệ với ngành công nghiệp dầu mỏ nhiều lợi nhuận và quyền thế. Đôi khi ông Chu được miêu tả là Dick Cheney của Trung Quốc. Cheney là phó tổng thống Mỹ nổi danh về sức ảnh hưởng về các vấn đề an ninh và quốc phòng Mỹ dưới thời cựu tổng thống George W. Bush.
Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và 5 năm sau có tên trong danh sách 9 thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan đưa ra quyết sách cao nhất, sánh vai cùng Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường.
Ông trở thành người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Luật pháp trung ương (CPLC), chịu trách nhiệm về an ninh nội địa của cả Trung Quốc, bao gồm cảnh sát, tòa án, nhà tù và giám sát an ninh nội địa. Ông để lại dấu ấn ở các cuộc trấn áp những vụ bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương.
Theo báo cáo của bộ tài chính Trung Quốc, năm 2013 ngân sách chính thức do CPLC quản lý vượt ngân sách quốc phòng trong năm thứ tư liên tiếp, với 124 tỷ USD dùng cho an ninh nội địa so với 123 tỷ USD chi tiêu cho quân đội.
"Duy trì ổn định là khai niệm rất, rất mơ hồ, và có nhiều kẽ hở cho tham nhũng", Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học thành phố Hong Kong, nói với AFP.
"Khi có nhiều kẽ hở cho tham nhũng, có rất nhiều cách để chi tiêu, bạn có rất nhiều nguồn lực để xây dựng mạng lưới quan hệ của mình. Đó là lý do tại sao ông ta trở nên quá quyền lực như vậy", Cheng nói.
Việc gây dựng quyền lực và nguồn lực, mạng lưới người thân cận và bè cánh trong đội ngũ lãnh đạo đảng, là một phần khiến ông Chu lợi dụng quyền lực chính trị. Việc ông Chu chịu trách nhiệm về bộ máy an ninh, mạng lưới ngày càng lớn mạnh dần và trở nên quá quyền lực, khiến giới lãnh đạo thấy không thoải mái, Cheng nói thêm.
Ông Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai (cùng mặc áo đen) trong một lễ kỷ niệm. Ảnh: SCMP
Sa lưới
Theo South China Morning Post, hồi tháng 8 năm ngoái, các lãnh đạo Trung Quốc đạt được đồng thuận trong việc điều tra ông Chu. Những chi tiết cáo buộc với ông hiện vẫn chưa rõ, nhưng các nhà quan sát cho rằng ông Chu có thể trở thành người có địa vị cao nhất bị bắt trong chiến dịch chống tham nhũng không khoan nhượng của chủ tịch Tập Cận Bình. Nỗ lực của ông Tập sẽ phá vỡ một luật bất thành văn lâu nay, tiến tới trừng phạt một trong những "tinh hoa" cao nhất vì phạm tội kinh tế.
Trong lần xuất hiện trước công chúng cuối cùng vào đầu tháng 10 năm ngoái, ông Chu dành cả buổi sáng ở trường trung học Tô Châu khi trường này kỷ niệm 60 ngày thành lập. Ông phát biểu với những lời lẽ ủng hộ mạnh mẽ Chủ tịch Tập Cận Bình , thúc giục giáo viên và sinh viên ủng hộ đảng.
Nhưng nỗ lực đó có thể quá nhỏ và quá muộn. Ông Chu là người đỡ đầu của Bạc Hy Lai, người bị tuyên án tù vào tháng 9 năm ngoái vì tội tham nhũng và lạm quyền. Vụ án của ông Bạc là bê bối chính trị chấn động nhất Trung Quốc từ sau Cách mạng Văn hóa. Việc ông Chu bị điều tra sau vụ án của Bạc Hy Lai được nhận định là không thể tránh được.
"Trong mắt Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác, tội danh của Chu Vĩnh Khang là hỗ trợ Bạc Hy Lai", Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói.
"Bạc Hy Lai đã hình thành nên một liên minh bí mật, một bè cánh thiết lập quyền lực, và Chu Vĩnh Khang là một trong những người thân thiết nhất của Bạc Hy Lai, vì thế ông Chu bị điều tra".
Chiếc lưới tiếp tục siết chặt quanh ông Chu vào cuối năm ngoái, khi Lý Đông Sinh, cựu thứ trưởng an ninh và là người thân cận của ông Chu bị bắt. Không lâu sau, người đứng đầu cơ quan do thám của Trung Quốc, ông Lương Khắc, bị bắt và mất chức do bị nghi ngờ về tham nhũng. Có một số nguồn tin cho rằng Lương hỗ trợ Lý và ông Chu kiểm soát các cuộc điện thoại của các lãnh đạo cao cấp trong đảng.
Hầu hết những trợ lý thân cận của ông Chu trong ngành dầu khí cũng mới bị bắt giữ, gồm Lý Hoa Lâm, phó tổng giám đốc CNPC và là cựu thư ký riêng của ông Chu. Một số người họ hàng của ông Chu cũng bị điều tra vì những giao dịch trái phép liên quan đến CNPC, gồm con trai cả Chu Bân, con dâu Vương Uyển, em trai Chu Nguyên Thanh, em dâu Chu Linh Anh và cháu Chu Phong.
Ngoài ra, Tưởng Khiết Mẫn, cựu lãnh đạo CNPC và đồng thời là người thân cận của ông Chu, cũng bị Ủy ban Trung ương về thanh tra kỷ luật thẩm vấn. Tưởng bị tra hỏi năm 2012 vì những khoản chi cho các gia đình nạn nhân trong vụ tai nạn Ferrari ở Bắc Kinh, để đổi lấy sự im lặng của họ. Tưởng Khiết Mẫn sau đó bị khai trừ khỏi đảng và đang bị điều tra.
Theo truyền thông Trung Quốc, đến nay có ít nhất 13 quan chức liên quan đến ông Chu bị điều tra. Có 5 người là cựu quan chức ở Tứ Xuyên, 4 quan chức CNPC, bao gồm chủ tịch và phó chủ tịch, một thứ trưởng bộ công an và ba người khác được coi là cánh tay phải của Chu. Một số báo cáo khác cho biết hơn 20 người thân cận của ông Chu cũng đang bị giam cầm. Khi ông Chu rời Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, cũng là lúc số thành viên bị cắt từ 9 còn 7, không có chỗ cho Bộ trưởng Công an.
Là cựu ủy viên Ủy ban thường trực Bộ Chính trị, ông Chu trở thành quan chức cao nhất "mắc lưới" trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình. Ông Tập từng tuyên bố nhắm tới quan tham ở tất cả các cấp, từ "hổ lớn" cho tới "ruồi bé".
Theo VnExpress
Báo Nga: Vụ Chu Vĩnh Khang không phải là dấu chấm hết Theo nhận định của Tiếng nói nước Nga, vụ Chu Vĩnh Khang không phải là dấu chấm hết cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Theo nhận định của Tiếng nói nước Nga, vụ Chu Vĩnh Khang không phải là dấu chấm hết cuộc chiến chống tham nhũng ở Trung Quốc. Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc đã...